Người Raglai giữ “hồn” mã la
Cũng giống như hầu hết các dân tộc khác ở Tây Nguyên, đời sống văn hoá và tín ngưỡng của người Raglai tại 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh (Khánh Hoà) luôn có sự gắn bó máu thịt với âm nhạc, trong đó âm nhạc cồng chiêng luôn giữ vị trí chủ đạo. Người Raglai không dùng cồng mà chỉ dùng chiêng và họ gọi nhạc cụ này là mã la.
Người Raglai xem dàn mã la không chỉ là nhạc cụ đơn thuần mà nó còn biểu thị sức mạnh tâm linh, là vật thiêng được từng gia đình giữ gìn như vật gia bảo. Họ tin rằng, mỗi chiếc mã la đều có một vị thần (Yang) trú ngụ.
Để bảo tồn mã la, tại các xã, thị trấn của 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đều thành lập
các đội mã la. (Ảnh: I.T).
Theo nhà nghiên cứu Hình Phước Liên, người có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về văn hoá dân tộc Raglai, dàn mã la càng cổ xưa, âm sắc càng vang đẹp, sức mạnh của thần càng lớn. Vì vậy, với người Raglai, dàn mã la không chỉ biểu thị cho sự giàu có mà còn biểu thị sự giúp đỡ, bảo vệ của thần linh đối với gia đình người sở hữu.
Dàn mã la của người Raglai được diễn tấu theo hình thức tập thể. Mỗi nghệ nhân đảm trách một mặt mã la cùng hoà với nhau để thành một điệu và mỗi điệu lại được dành riêng cho một cuộc lễ: Lễ cưới đánh điệu Ru – Wơ; Lễ ăn đầu lúa mới chơi điệu Ato-pa-krúc, điệu Sa-va-lu-ơ; Lễ bỏ mả phải đánh điệu Tu-ma-ya… Có cả các điệu chơi theo tiếng chim rừng, chơi theo tiếng gà rừng gáy, chơi theo tiếng chim cu…
Các điệu chiêng của người Raglai thường có giai điệu khá rõ nét, tiết tấu vừa phải hoặc chậm cho người nghe cảm giác nhẹ nhàng có pha chút man mác buồn chứ không rạo rực, bỏng cháy như các điệu chiêng của người anh em Êđê vốn cùng chung ngữ hệ.
Video đang HOT
Nếu người Êđê đánh chiêng trong tư thế ngồi, người Raglai lại diễn tấu mã la trong tư thế vừa đi vừa nhún nhảy rất độc đáo. Vì thế mà người Raglai còn gọi cách diễn tấu mã la là múa mã la. Khi diễn tấu họ không dung dùi mà phải đánh bằng tay để tạo âm thanh dịu dàng, mềm mại.
Khi diễn tấu, bao giờ các nghệ nhân cũng đi vòng tròn theo chiều ngược vòng kim đồng hồ. Các điệu mã la là hình thức dâng cũng thần linh, ông bà chứ khổng phải là âm nhạc của đời thường. Chính vì vậy, khi cần sử dụng mã la, người ta phải làm lễ cúng Yang (Trời) và các nghệ nhân luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy định về bài bản diễn tấu trong từng cuộc lễ.
“Ngày nay, những quy định truyền thống đã được nới rộng, các nghệ nhân có thể sử dụng mã la để phục vụ cho những cuộc hội hè và cả biểu diễn trên sân khấu. Nhưng về cơ bản, mã la vẫn luôn được người Raglai giữ gìn nghiêm ngặt. Hồn của mã la bao giờ cũng gắn liền với một không gian văn hoá cụ thể” – ông Liên cho hay.
Theo Danviet
Vườn kiểng gà quý chục tỷ của lão nghệ nhân miền Tây
Một nghệ nhân ở Tiền Giang sở hữu vườn kiểng gà quý bán Tết được tạo hình công phu từ những cây bông trang cổ thụ, giá mỗi cặp hàng trăm triệu đồng.
Khu vườn rộng hàng nghìn mét vuông của nghệ nhân Năm Thoại (Nguyễn Văn Toản, 57 tuổi) ở xã Long Trung, Cai Lậy (Tiền Giang) nổi bật nhất vùng bởi hàng trăm gốc cây bông trang được tạo hình chim, thú ngộ nghĩnh đang chớm hoa đỏ rực. Ngoài tạo hình các loài thú quen thuộc như rồng, phụng, trâu, cá, rùa, ngựa, khỉ, chó, tê giác, tại khu vườn này còn sở hữu một "đàn gà khủng" lên đến vài chục con. Trong đó, có đủ con trống mái, với các tư thế vỗ cánh, mổ thóc rất sinh động phục vụ Tết Đinh Dậu.
Nghệ nhân đang cắt tỉa một cặp kiểng gà có giá 150 triệu đồng. Ảnh: Hoàng Nam.
Nghệ nhân Năm Thoại cho biết, ông làm nghề trồng hoa kiểng theo nghiệp ông cha để lại đã 26 năm. Trước đây, ông không chơi cây bông trang mà tạo hình chim, thú bằng các loại cây tắc, si, sanh.
Theo ông, những cây nói trên nhiều người làm được, tạo hình không quá ấn tượng nên bán ra khá rẻ, không có giá trị kinh tế cao. "Có thời điểm tôi vay nhiều tiền đầu tư mở rộng quy mô quá mức cần thiết trong khi chưa có kinh nghiệm chăm sóc nhiều. Hậu quả là sau đó cây bị bệnh chết gần hết, số còn lại bán không có giá cao nên lỗ nặng rồi phá sản", ông Năm Thoại kể lại.
Sau 4 lần bị phá sản, tưởng chừng phải bỏ nghề, ông Năm Thoại bắt đầu tính toán lại cách làm, thay vì làm đại trà, ông tập trung vào yếu tố "chất" của từng gốc kiểng.
Ông nhận thấy trong các loại kiểng tạo hình, cây bông trang hoa đẹp nở quanh năm, tạo hình rất bắt mắt và dễ chăm sóc nhưng ít được các nghệ nhân lựa chọn. Lý do là cây bông trang luôn trong tình trạng khan hiếm vì nó rất chậm lớn trong khi tiêu chuẩn tạo hình thì mỗi gốc phải có tuổi từ vài chục năm đến hàng trăm năm.
Một con gà trống oai vệ vừa hoàn thành từ một gốc cây bông trang gần 70 năm tuổi. Nghệ nhân ước tính toàn bộ hoa sẽ nở kín vào đúng những ngày Tết. Ảnh: Hoàng Nam.
Vậy là suốt hai năm nay, ông Năm Thoại đi khắp miền Tây lùng sục cây bông trang, mỗi ngày chỉ mua được vài cây về chăm sóc rồi tạo hình theo các linh vật để bán mùa Tết.
Từ một gốc trang để tạo hình chim thú là cả một quá trình công phu mất nhiều thời gian. Chẳng hạn, một cặp gà loại lớn cao trên một mét phải cần 5-7 thợ làm xuyên suốt gần 10 ngày mới hoàn thành, gà con mất 2-3 ngày. Do kiểng quý, tạo tác công phu nên giá thành mỗi cặp gà cũng không hề rẻ chút nào, gà nhỏ 100 triệu đồng một cặp, gà lớn 150 triệu đồng một cặp, đàn gà con 7-10 con 75 triệu đồng.
Ngoài kiểng bông trang tạo hình gà, nhiều dân chơi biết tiếng ông Năm Thoại khéo tay cũng đặt ông làm kiểng hình mục đồng trên lưng trâu, kỳ lân loại ngoại cỡ cao 3,4 m bao gồm 4-6 gốc cây chụm lại, mất 15-20 ngày công và giá tầm khoảng nửa tỷ đồng một cặp.
Để kịp thời gian giao sản phẩm, tại vườn luôn có trên 20 công nhân địa phương làm nhiệm vụ vận chuyển cùng 5-7 nghệ nhân giỏi nghề được ông Năm Thoại thuê cắt, tỉa, bón phân chăm sóc cây kiểng.
"Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nhìn cây nên có khi cây nhỏ mà làm khung lớn quá nên ráp vô không vừa, hoặc thợ non tay bẻ quá gắt, khung yếu nên có khi làm đến gần công đoạn cuối khung bị hư phải làm lại từ đầu", ông Năm nói.
Nhờ quý hiếm và tạo tác công phu, kiểng gà tại vườn của ông Năm Thoại còn xuất đi Malaysia. Ảnh: Hoàng Nam.
Nghệ nhân Năm Thoại chia sẻ, nghề tạo tác kiểng hình gà nói riêng và chim, thú bằng cây bông trang cổ thụ nói chung không quá khó, quan trọng là phải có kinh nghiệm để khi lựa gốc nhìn vào là biết ngay thế cây phù hợp để làm con gì, bộ khung ra sao.
Gần Tết, kiểng bông trang của nghệ nhân Năm Thoại được nhiều dân chơi kiểng cả nước biết đến và đặt hàng, nhiều nhất là khu vực phía Bắc. Ngoài ra, kiểng bông trang của ông cũng xuất đi Malaysia. Với hàng trăm gốc kiểng tạo hình quý hiếm, tính sơ sơ tổng trị giá khu vườn của ông lên đến hàng chục tỷ đồng.
Hoàng Nam
Theo VNE
Bộ bàn ghế gỗ táu mật hơn nửa tỷ của đại gia Hải Phòng Bộ bàn ghế gỗ táu mật siêu độc này của nghệ nhân Hải Phòng có giá lên đến hơn nửa tỷ đồng thu hút sự chú ý của nhiều người. Nhiều người tỏ ra thích thú khi chiêm ngưỡng bộ bàn ghế gỗ táu mật cổ (hay còn gọi là gỗ lũa) có tên gọi Bát tiên qua hải của nghệ nhân Trần...