Người quanh vùng Thủ đô Kiev lặng lẽ xây dựng lại nhà cửa khi xung đột vẫn đang tiếp diễn
Ở Irpin, thành phố nằm ngay phía Tây Bắc thủ đô Kiev, người Ukraine đang dần xây dựng lại những ngôi nhà bị cháy, bị phá hủy.
Mặc dù quá trình xây dựng lại đang được tiến hành, Kiev và nhiều khu vực khác vẫn còn vô số vết sẹo do bom đạn. Ảnh: Getty Images
Ông Volodymyr Yukhymchuk nghĩ rằng chính Chúa đã cứu ông và vợ vào ngày 4/3/2022 – ngày một máy bay chiến đấu bắn tên lửa vào nhà ông ở Irpin.
Người đàn ông 59 tuổi đang ở trong phòng khách đã bị chấn động bởi sức ép từ vụ nổ, còn vợ ông ở trong bếp chỉ bị xây xát nhẹ.
“Tôi không biết phải diễn tả như thế nào ngoài phép màu của Chúa. Khi hàng xóm nhìn thấy những gì đã xảy ra, họ nghĩ rằng chúng tôi đã chết. Vậy mà chúng tôi vẫn ở đó, tìm kiếm nhau trong bóng tối và bụi bặm”, ông Yukhymchuk nói với tờ Politico khi đứng gần đống đổ nát của ngôi nhà mà gia đình ông đang chia sẻ với một gia đình tị nạn từ vùng Donetsk.
Gia đình Yukhymchuk sống trong một nửa ngôi nhà, còn gia đình từ Donetsk sống ở nửa còn lại. Tuy nhiên, những người tị nạn đã rời Irpin vào thời điểm xảy ra cuộc không kích vì lo sợ điều tồi tệ nhất có thể xảy ra.
“Tên lửa đã đánh trúng phần nhà phía bên họ”, ông Yukhymchuk nói.
Có hàng ngàn câu chuyện tương tự. Mặc dù quá trình tái thiết đang được tiến hành, Kiev và nhiều khu vực khác vẫn còn hiển hiện vô số “vết sẹo” của bom đạn.
Trường Kinh tế Kiev ước tính thiệt hại do việc phá hủy các công trình nhà cửa do xung đột là 50,7 tỷ euro (54 tỷ USD). Tính đến tháng 1/2023, tổng cộng 149.300 tòa nhà dân cư đã bị hư hại hoặc phá hủy, bao gồm 131.400 ngôi nhà độc lập, 17.500 tòa nhà chung cư và 280 ký túc xá.
Video đang HOT
Ông Volodymyr Yukhymchuk, 59 tuổi, đứng cạnh đống đổ nát của ngôi nhà mình ở Irpin. Ảnh: Politico
Tính đến mùa thu năm 2022, hơn 2,4 triệu người Ukraine đã gánh chịu cảnh nhà cửa bị hư hại hoặc phá hủy. Quy mô tàn phá như vậy đòi hỏi một hệ thống hoàn toàn mới để cung cấp cho các nạn nhân nhà ở – theo báo cáo của Bộ Phát triển Khu vực và Cơ sở hạ tầng Ukraine hồi tháng 1. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng nói rằng công việc tái thiết ở nước này sẽ tiêu tốn hơn 1 nghìn tỷ USD.
Nhiều tổ chức nước ngoài, như Global Empowerment Mission, Howard Buffet Foundation và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), cùng với các đối tác nước ngoài của Ukraine đang giúp người dân xây dựng lại hoặc tìm nơi trú ẩn trong những ngôi nhà tạm.
Nhưng khối lượng công việc là quá thách thức. Trong khi chính phủ Ukraine có kế hoạch thu hút các đối tác quốc tế và bắt đầu “công cuộc tái thiết lớn nhất kể từ sau Thế chiến II”, thì người dân trong thời gian chờ đợi thường phải thuê căn hộ hoặc ở nhờ để tự mình lo xây dựng lại.
“Trước khi khởi công, chính quyền địa phương phân loại nhà bị phá hoại thành 3 loại: hư hỏng nhẹ, sửa chữa lớn và phải tháo dỡ”, ông Dmytro Cheychuk, phó Chủ tịch Hội đồng thành phố Bucha, nói với Politico.
Chỉ riêng ở Irpin, hơn 1.060 tòa nhà bị hư hại, 115 trong số đó bị phá hủy hoàn toàn – theo báo cáo của Trung tâm Vệ tinh Liên hợp quốc.
Ngôi nhà của ông Yukhymchuk nằm trong hạng thứ ba, phải tháo dỡ. “Vợ tôi được thừa kế căn nhà đó từ cha mẹ. Nhưng chúng tôi đã hiện đại hóa nó và khiến nó trở nên hoàn hảo cho những năm nghỉ hưu của chúng tôi. Chúng tôi đã làm việc rất chăm chỉ”, Yukhymchuk cay đắng nói.
Công việc tái thiết của Ukraine ước tính sẽ tiêu tốn hơn 1 nghìn tỷ USD. Trong ảnh là cư dân thành phố Kramatorsk, miền Đông Ukraine. Nguồn: AFP/Getty Images
Sau khi nhà bị phá hủy, hai vợ chồng ông chuyển đến căn hộ của anh trai ở khu vực Irpin do Ukraine kiểm soát. Khu phố của họ khi đó trở thành vùng xám giữa hai lực lượng quân đội Nga và Ukraine. Gia đình ông chỉ có thể trở lại ngôi nhà bị phá hủy của mình sau khi Ukraine giành lại kiểm soát hoàn toàn vùng Kiev.
Mặc dù chính quyền địa phương nói rằng ngôi nhà của ông chỉ có thể được xây dựng lại sau khi chiến tranh kết thúc, nhưng một trung tâm tình nguyện của Nhà thờ Irpin đã trợ giúp tài chính cho họ dựng một ngôi nhà tạm.
Việc xây dựng kết thúc vào tháng 11/2022, nhưng gia đình Yukhymchuk vẫn không thể vượt qua mùa đông trong ngôi nhà mới. “Nhà của chúng tôi không có hệ thống sưởi điện, vì vậy khi người Nga ném bom cơ sở hạ tầng năng lượng, ở đây rất lạnh”, ông cho biết và hy vọng sẽ xây dựng lại ngôi nhà của mình sau khi xung đột kết thúc.
Còn bà Kateryna Kashyrina, 46 tuổi, sống cách gia đình Yukhymchuk chỉ vài dãy nhà. Bà Kashyrina đã làm quản lý chung cư cho tòa nhà sáu tầng nơi bà ở được vài năm. Mọi người chỉ chuyển đến vào cuối năm 2016. “Có rất nhiều người tị nạn từ các vùng Donetsk và Luhansk chạy trốn xung đột. Họ bắt đầu một cuộc sống mới, vừa hoàn thành cải tạo nội thất”, bà Kashyrina nói với Politico khi đang ngồi trong căn phòng tối.
Nhà cửa bị phá hủy do chiến sự ở Ukraine. Ảnh: AFP/Getty Images
Bà có chìa khóa của tất cả căn hộ, nhưng nhiều cái không còn công dụng gì nữa vì nhà đã bị phá hủy. Tòa chung cư của họ trống rỗng. Tầng 6 và mái nhà bị cháy hoàn toàn.
Là người quản lý chung cư, Kashyrina cảm thấy có trách nhiệm với những người thuê nhà còn lại. Họ tự tổ chức thành từng nhóm để nhận tiếp tế và làm những công tác chuẩn bị chờ xung đột kết thúc. Tất cả đều hy vọng chiến sự sẽ kết thúc sau một tháng nữa. Tuy nhiên, vào những ngày đầu tiên của tháng 3/2022, ngày càng nhiều người bắt đầu hiểu rằng họ cần phải sơ tán.
Giữa tháng 3, bà Kashyrina rời đến miền Trung Ukraine. Trong khi đó, ngày 28/3, tòa nhà chung cư do bà quản lý ở Irpin đã bị xe tăng húc vào. Hỏa hoạn bùng lên sau va chạm, khiến 8 căn hộ phía trên bị cháy hoàn toàn. Hệ thống thông gió và đường ống bị nóng chảy, các cấu trúc hỗ trợ bị hủy hoại. Tòa nhà có nguy cơ sụp đổ.
Số tiền khôi phục tòa nhà là quá lớn với những người thuê:17,5 triệu hryvnia (450.000 euro). “Họ không muốn chi tiền của mình trước. Ai cũng mong đợi một phép lạ. Nhưng chính phủ cũng không có tiền”, Kashyrina cho biết.
Cuối cùng, người dân đã đóng góp được 2,2 triệu hryvnia và quyên góp được 560.000 hryvnia. Thế là đủ để bắt đầu sửa chữa trong mùa thu 2022, sau khi nhận cảnh báo tòa nhà có thể đổ sập trong mùa đông.
Hiện bà Kashyrina sống trong một căn hộ thuê. “Tôi tin rằng chúng tôi có thể xây dựng lại quê hương mình, tôi tin rằng Ukraine có thể chiến thắng, bởi vì chúng tôi đang bảo vệ đất đai tổ quốc mình”, bà Kashyrina nói trong lúc nhìn vào ngôi nhà đầy “thương tích” và cháy sém.
WB công bố gói hỗ trợ 2 tỷ USD giúp tái thiết Ukraine
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 15/12 đã công bố gói hỗ trợ 2 tỷ USD dành cho khu vực tư nhân của Ukraine.
Đây được coi là một trong những nỗ lực nhằm mở đường cho công cuộc tái thiết quốc gia Đông Âu này sau xung đột.
Tòa nhà bị hư hại do xung đột tại Mariupol, Ukraine, ngày 22/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Gói hỗ trợ trên do Công ty Tài chính quốc tế (IFC), đơn vị hoạt động trong lĩnh vực đầu tư tư nhân ở các thị trường mới nổi của WB, triển khai thực hiện. Gói hỗ trợ này sẽ bổ sung thêm vào các khoản viện trợ trước đó của WB dành cho Ukraine. Hiện IFC đang triển khai các biện pháp nhằm giúp Ukraine duy trì dòng chảy thương mại cũng như khả năng tiếp cận các nguồn cung thiếu yếu như lương thực và nhiên liệu.
Trong bối cảnh vẫn đang xảy ra xung đột và ở giai đoạn tái thiết ban đầu, chương trình hỗ trợ mới của IFC sẽ tập trung vào việc đảm bảo khả năng tiếp cận các loại hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, hỗ trợ khẩn cấp cho lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp và tài trợ thương mại, trong đó có nhập khẩu nhiên liệu. Theo IFC, gói hỗ trợ trên do IFC đóng góp 1 tỷ USD, phần còn lại phụ thuộc vào sự đảm bảo tài trợ của các nước.
IFC triển khai gói hỗ trợ trên khi cho rằng xung đột đã khiến cơ sở hạ tầng ở Ukraine bị hư hỏng và làm gián đoạn hoạt động của khu vực tư nhân vốn đóng góp tới 70% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Số liệu của Ngân hàng trung ương Ukraine cho thấy khoảng 11% doanh nghiệp ở nước này đã phải đóng cửa tính đến tháng 9 năm nay, trong khi hơn 50% số doanh nghiệp hoạt động dưới công suất. IFC cho rằng nhiều công ty đang tiếp tục cung cấp việc làm cũng như dịch vụ và hàng hóa thiết yếu nhưng vẫn cần tài chính để tiếp tục hoạt động.
Trong diễn biến khác, cùng ngày, hãng AFP đưa tin Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói trừng phạt tiếp theo nhằm vào Nga. CH Séc, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, cho biết đại sứ các nước thành viên EU đã nhất trí về nguyên tắc đối với gói trừng phạt thứ 9 nhằm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Các quan chức ngoại giao EU đạt được sự đồng thuận này bên lề hội nghị thượng đỉnh EU đang diễn ra tại Brussels, Bỉ.
Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 7/12 đã đề xuất gói trừng phạt thứ 9 đối với Nga, trong đó đưa thêm gần 200 cá nhân và thực thể vào danh sách đen. Với gói trừng phạt mới này, EU muốn áp đặt lệnh cấm cung cấp thiết bị bay không người lái cho Nga và Iran, đồng thời ban hành thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế tiếp theo đối với lĩnh vực khai khoáng của Nga. Tuy nhiên, gói biện pháp này đưa ra một số miễn trừ đối với "an ninh lương thực và phân bón", sau khi một số nước như Bỉ và Hà Lan yêu cầu miễn trừ các biện pháp trừng phạt trước đây nhằm vào các nhà sản xuất phân bón của Nga. Dự kiến, gói biện pháp trừng phạt mới sẽ chính thức được xác nhận vào ngày 16/12.
Cũng trong ngày 15/12, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này đã quyết định áp đặt trừng phạt thêm hơn 30 cá nhân Nga, trong đó có lãnh đạo chính quyền và thành viên Ban Giám đốc Công ty đường sắt Nga như Phó Thủ tướng thứ nhất Andrey Belousov, Phó Thủ tướng Dmitry Chernyshenko, Giám đốc điều hành Công ty đường sắt Nga Oleg Belozerov...Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng công bố lệnh trừng phạt đối với 17 công ty con của ngân hàng VTB. Ngân hàng thuộc Nga này cũng đang bị trừng phạt từ tháng 2 năm nay.
Đức, EU hối thúc sớm triển khai tái thiết Ukraine Trong hai ngày 24 và 25/10, tại thủ đô Berlin của Đức diễn ra 2 hội nghị thảo luận các biện pháp giúp Ukraine nhanh chóng xây dựng lại cơ sở hạ tầng quan trọng và đảm bảo phục hồi sau xung đột Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tại Hội...