Người Quảng Nam hái ‘lá mùng 5′ chữa bệnh
Đúng 12h ngày 5/5 âm lịch (Tết Đoan Ngọ), người dân Quảng Nam lấy nhiều loại lá cây rừng chặt nhỏ phơi khô làm nước uống, gọi là “lá mùng 5″. Họ cho rằng thứ lá này chữa được nhiều bệnh.
Nhiều người dân Quảng Nam được cha ông truyền lại rằng ngày 5/5 âm lịch (Tết Đoan Ngọ) hái lá cây về phơi khô uống trị được nhiều bệnh tật. Gần đến ngày này, nhiều người đi lên rừng hái lá.
Chị Nguyễn Thị Bích Hận (xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước) cho biết, cuối tháng 4 đầu tháng 5 âm lịch, chị đi bộ vào rừng hơn 10 km để cắt lá.
Lấy lá về, chị Hận phơi nắng khoảng 3 ngày. “Lá mùng 5″ gồm các loại như, chùm đường, đinh lăng, chè, dâu, hóc hương, rẽ quạt, đại tướng quân, thuốc cứu, chó đẻ, cỏ bàng, lá dằn, lá chổi và nhiều thứ nữa. “Đây là những vị thuốc đông y điều trị bệnh rất tốt”, chị Hận nói và tiết lộ từ nhỏ được mẹ truyền lại kinh nghiệm lấy lá, nhiều năm nay đến ngày Tết Đoan Ngọ chị lên rừng hành nghề kiếm thêm thu nhập.
Lá được phơi khô, sau đó bán lại cho thương lái đưa xuống thành phố tiêu thụ. “Một năm hái lá được hơn 10 ngày, mỗi ngày 200-300 nghìn đồng”, chị Hận cho hay và nói thêm qua ngày mùng 5 lá này không có giá trị.
Video đang HOT
Cuối tháng 4, từ khắp chợ quê đến chợ phố tỉnh Quảng Nam xuất hiện thêm một gian hàng “lá mùng 5″.
Những người không có thời gian đến chợ mua thì đã có người gánh rao bán đến tận nhà.
Bình quân mỗi bó lá giá vài nghìn đồng. “Có rất nhiều loại lá khó kiếm, đi cả ngày vào rừng sâu mới kiếm được một ít, bán khoảng 30 nghìn đồng một bó”, chị Hòa, thương lái tại chợ Trung tâm thương mại TP Tam Kỳ chia sẻ.
Mỗi người đi chợ mua hàng chục bó lá về nhà.
“Lá mùng 5″ được chất lên ôtô chở về. “Tôi mua hết gần 500 nghìn đồng, sau khi phơi khô dùng nấu nước uống quanh năm”, chị Mai nói.
Bà Phạm Thị Lan (xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh) chia sẻ, “lá mùng 5″ phơi đúng 12 giờ (chính Ngọ) ngày mùng 5 thì mới có tác dụng chữa bệnh. “Sáng sớm tôi đã chặt nhỏ và đúng giờ Ngọ trời nắng gắt đưa ra phơi, đây là thời điểm dương khí mạnh nhất, có được tinh túy của đất trời nên có công dụng chữa được nhiều thứ bệnh”, bà Lan nói.
Sau khi được phơi khô, “lá mùng 5″ được cho vào túi nylon bảo quản tránh bị ẩm mốc. “Nhà làm nhiều uống được quanh năm thay nước chè, lá này uống vào rất tốt, chữa được nhiều bệnh tật”, Võ Thị Duẫn (xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh) bộc bạch.
Đắc Thành
Theo VNE
4 bức bích họa làng Tam Thanh bị phá dỡ
Do nhà xuống cấp, người dân làng Tam Thanh (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đành phá dỡ để xây mới, dù rất tiếc những bức vẽ trên tường nhà.
Bức bích họa nhà ông Nguyễn Hồng Thanh còn giữ lại. Ảnh: Đắc Thành
Những ngày qua, du khách về tham quan làng bích họa Tam Thanh (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) tiếc nối khi ngôi nhà ông Nguyễn Hồng Thanh bị dỡ bỏ. Chủ nhân dỡ nhà nhưng bức tường bích họa miêu tả cảnh trẻ con chơi bóng đang giữ lại.
Ông Thanh chia sẻ, các họa sĩ mất gần một tuần để hoàn thành bức bích họa. Ông rất luyến tiếc khi phải đập bỏ nhưng đã hết cách giữ lại. "Đất đai chật hẹp, nhà xuống cấp nghiêm trọng buộc phải làm mới. Bức tường có bích họa chắn ngay giữa phòng khách nên không thể níu kéo", ông Thanh nói và mong muốn nhà chức trách có cách di chuyển.
Bức bích họa này sắp tới bị tháo dỡ. Ảnh: Đắc Thành
Phó chủ tịch UBND TP Tam Kỳ, ông Nguyễn Minh Nam thông tin, có 4 bức bích họa ở làng Tam Thanh vẽ trên tường nhà dân bị dỡ bỏ. Các ngôi nhà này xuống cấp nghiêm trọng, đều là nhà của người có công với cách mạng, được hỗ trợ xây dựng mới.
"Trước khi vẽ chúng tôi biết sẽ không tránh khỏi việc này. Thành phố đang lên phương án gia cố bức tường nhà ông Thanh để cẩu đi nhằm giữ lại, tuy nhiên rất khó. Bởi tường được xây bằng gạch, đã lâu năm, di chuyển sẽ bị vỡ", ông Nam nói. Thành phố đang có những dự án mới để bù đắp sản phẩm bị mất ở làng.
Trước đó cuối tháng 6/2016, UBND Quảng Nam phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và một số tổ chức phi chính phủ khánh thành Dự án giao lưu mỹ thuật cộng đồng Hàn - Việt tại xã Tam Thanh. Dự án hoàn thành sau hơn 20 ngày khởi động, do hàng chục tình nguyện viên Hàn Quốc thực hiện. Hơn 100 ngôi nhà ở làng được chọn để vẽ lên tường.
Hơn 100 ngôi nhà ở làng Tam Thanh được vẽ tranh lên tường. Ảnh: Đắc Thành.
Làng bích họa Tam Thanh đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, tạo thêm sinh kế cho người dân vùng biển. Hiện TP Tam Kỳ triển khai những sản phẩm du lịch cộng đồng khác để thu hút khách đến tham quan. Trong đó có "con đường thuyền thúng đầu tiên ở Việt Nam" sẽ khánh thành vào đầu tháng 6.
Đắc Thành
Theo VNE
Thợ phá đá bắt ong lấy mật Những bức tường đá ở Quảng Nam dựng quanh vườn, nương rẫy thu hút rất nhiều đàn ong ruồi đến làm tổ. Đến mùa, người dân phá đá, tay không bắt ong lấy mật. Huyện Tiên Phước (Quảng Nam) nổi tiếng bởi những bức tường làm bằng đá và đất, rất vững chắc. Đến mùa, ong ruồi kéo về làm tổ trong hốc...