Người Quảng Bình khóc khi nghe tin Đại tướng qua đời
Nghe hung tin từ gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bà Lài chạy một mạch tới khu nhà lưu niệm, ôm bức tượng Đại tướng rồi nức nở: “Người dân Quảng Bình, người dân Việt Nam sẽ không bao giờ được gặp bác nữa”.
Sáng sớm nay, căn nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở thôn An Xá, xã Lộc Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) chật kín người, khói hương nghi ngút.
Ông Võ Đại Hàm (69 tuổi, người trông coi nhà lưu niệm) đang cấp tập lo hậu sự. Ông cho biết đã sững sờ khi nhận hung tin từ Hà Nội lúc 18h30 chiều qua. “Lúc đó tôi muốn khóc nhưng không thể khóc được, người đờ đẫn. Suốt đêm tôi không ngủ được, chỉ mong trời sớm sáng”, người cháu họ của Đại tướng nói.
Bà Võ Thị Lài ôm tượng chân dung Đại tướng và khóc nức nở khi nghe tin ông qua đời.
Nhận điện thoại từ ông Võ Điện Biên (con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp) báo tin Đại tướng từ trần, bà Võ Thị Lài như rụng rời chân tay. Người cháu ruột ở tuổi 76 vội vàng chạy sang khu nhà lưu niệm cách đó chừng 300 mét.
Ôm bức tượng chân dung đại tướng, bà Lài khóc ngất: “Bác ơi, thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa, quyết chiến và toàn thắng. Mệnh lệnh bác dạy chúng cháu sẽ không bao giờ quên. Chỉ tiếc rằng người dân Quảng Bình, người dân Việt Nam sẽ không bao giờ được gặp bác nữa”.
Vừa thắp hương cho người bác ruột, bà Lài vừa khóc nức nở, tay bám chặt bức tượng vị tướng già hiền từ.
Đứng lặng người nhìn bức ảnh Đại tướng được treo ở vị trí trang trọng, ông Nguyễn Thanh Hoanh (68 tuổi) bật khóc khiến nhiều người chứng kiến cũng khóc theo. “Đọc tin Đại tướng qua đời trên báo VnExpress, tôi như ngã quỵ nhưng vẫn quyết định chạy xe máy hơn 40 km trong đêm từ Đồng Hới về nhà lưu niệm của Đại tướng xem thực hư thế nào”, ông Hoanh nói, gỡ cặp kính lão lau nước mắt.
Về đến nhà lưu niệm của Đại tướng giữa đêm tối, ông Hoanh thấy điện vẫn sáng nên mới tin tướng Giáp đã qua đời. Bước vào, thấy những ánh mắt buồn nhìn nhau, ông Hoanh lặng lẽ thắp nén hương, rồi hai dòng nước mắt cứ thế lăn dài trên đôi gò má mỗi khi có ai đó gợi chuyện về Đại tướng.
Nguyên là trợ lý tham mưu công binh, binh trạm 14 (Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn) và nhiều lần được gặp Đại tướng trong những trận đánh ở đường Trường Sơn, ông Hoanh bảo chính tài quân sự, phong thái giản dị, gần gũi của Đại tướng đã làm những người dù chỉ gặp ông một lần cũng sẽ nhớ mãi.
Video đang HOT
“Năm ngoái tôi ra Hà Nội thăm Đại tướng, người vẫn còn khỏe, nhớ tên đầy đủ của tôi, rồi nhớ cả tiểu đội của tôi có bao nhiêu người”, ông Hoanh nhớ lại.
Ông Hoanh bật khóc khi kể chuyện về tướng Giáp.
“Từ sáng đến giờ, bà con làng An Xá kéo đến thắp hương chia buồn. Trăm người như một, ai cũng ngậm ngùi, bật khóc”, bà Võ Thị Trang (69 tuổi) nói, giọng lạc đi, nước mắt trực trào. Bà bảo 5h sáng nay người cháu làm trên huyện về báo tin tướng Giáp mất, chân tay bà rụng rời, dù mấy ngày nay trong người cứ cồn cào, linh tính có chuyện chẳng lành.
Bà kể, cách đây hai tháng, cháu của bà làm việc ở huyện nên may mắn được ra Hà Nội thăm hỏi sức khỏe Đại tướng ở bệnh viện 108. “Nó kể bác còn khỏe và minh mẫn lắm, nghe ai nói thuận đôi mắt còn nhấp nháy, còn ai nói trái là bác xua tay ngay. Cứ nghĩ bác sẽ sống qua mốc 105 tuổi, ai ngờ vừa mới sinh nhật 103 tuổi lại nhận tin bác ra đi mãi mãi…”, bà Trang ngậm ngùi nói.
Còn ông Lê Thành Thật (70 tuổi) dù bệnh nặng, tay run nhưng vẫn cố sang thắp nén nhang trước ban thờ Đại tướng. Ông kể, ở gần nhau nhưng mãi khi lên 12 tuổi và làm Đội trưởng Đội Thiếu niên – Tiền phong, ông mới có dịp được gặp Đại tướng trong lần về thăm quê cùng vợ.
“Tôi sẽ nhớ mãi kỷ niệm được chạm tay với bác, được bác về thăm nhà cùng lời bác dặn dò gắng tu trí làm ăn, sống vui vẻ thoải mái với xóm giềng”, ông Thật kể rồi ngồi thần người, chậm giọng ngâm bài thơ được ông sáng tác trong một lần tướng Giáp về thăm quê: “Mỗi lần bác Giáp về quê / Thương dân bác dạy mở nghề làm ăn / Làm kiệu hoa, trồng cói khó khăn / Nhưng cho giá trị gấp trăm ngàn lần”.
Theo Vnexpress
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 80 năm viết báo
Ngày 7/10/1987, một đồng chí chuyên viên mang thư của anh Trần Quang Huy (nguyên Bộ trưởng Bộ Pháp chế) đến cho tôi, nói về việc anh Võ Nguyên Giáp muốn sưu tầm những bài báo anh viết bằng chữ Pháp thời kỳ vận động dân chủ, hiện những tờ báo ấy được lưu ở Bảo tàng Cách mạng. Mấy ngày sau, tôi viết thư gửi anh Võ Nguyên Giáp, rồi đến gặp anh.
Đây là lần đầu tiên tôi đến với anh, người mà từ lâu tôi đã hết sức quý mến, kính trọng, nói chuyện với tình anh em thân thiết, làm cho tôi nhớ mãi.
Anh nói với tôi nghe về công tác làm báo trong thời kỳ vận động dân chủ và muốn tôi giúp tìm lại những bài báo đó. Tôi nói: "tờ Notre Voix", ở Bảo tàng Cách mạng có 11 số, tất cả bộ sưu tập là 32 số. Tôi có đủ 32 số bằng ảnh lấy từ vi phim, mang ở Thư viện Quốc gia Pháp về, sẽ được photocopy và phóng to ra giấy A3 cho anh toàn bộ, dễ đọc. Anh mừng quá.
Tôi có cả bộ sưu tập báo Le Travail, trong đó có nhiều bài viết của anh, còn ở dạng vi phim chưa đưa ra giấy. Lâu không mở ra, rất tiếc là phim bị mốc không dùng được. Bảo tàng cách mạng chỉ có mấy số. Tôi còn ghi lại một số tư liệu từ vi phim có liên quan đến hoạt động của Võ Nguyên Giáp về tờ báo này.
Từ nói chuyện về mấy tờ báo chữ Pháp, tôi được nhiều lần nghe anh Võ Nguyên Giáp nói về hoạt động báo chí của anh từ thời làm báo Tiếng dân những năm 1929-1930, và sau thời kỳ vận động dân chủ, đi vào phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật....
Tôi vốn hứng thú với đề tài báo chí cách mạng, đã xuất bản hai cuốn sách (Báo Dân chúng, Báo chí cách mạng Việt Nam 1925 -1945), vừa viết xong "Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh", đang viết tiếp về lịch sử báo chí và nhà báo có tên tuổi lớn. Những câu chuyện của anh Võ Nguyên Giáp đã cho tôi biết thêm nhiều điều quý giá về báo chí, đặc biệt biết anh đã viết báo từ lúc 18-19 tuổi.
Tướng Giáp đã bắt đầu viết báo từ những ngày tuổi đời chỉ 18, đôi mươi
Nhân dân cả nước và thế giới đều biết đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà quân sự lỗi lạc nhất của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, nhưng ít người biết đến ông còn là nhà báo cách mạng lớn, đứng sau Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh.
Là một học sinh mới học xong năm thứ hai trung học, nhưng đã viết những bài đăng trên báo Tiếng dân lúc 18-19 tuổi có thể xem là bất hủ. Tôi đã đọc và kiểm tra lại, tư liệu hoàn toàn chính xác, quan điểm mác xít rõ ràng, ngôn từ chặt chẽ.
Trong điều kiện những năm 1929 - 1930, học lực như thế, trẻ tuổi như thế, cho đến nay học cao, sách báo tham khảo sẵn sàng cũng không mấy ai có thể viết được những bài đại loại như thế. Tôi rất kinh ngạc, khâm phục hết mực, từ đó nảy ra ý định viết cuốn "Hoạt động báo chí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp". Tôi hỏi ý kiến anh, được anh đồng ý.
Tôi bắt tay sưu tầm tư liệu ở Thư viện Viện Sử học, Thư viện quốc gia, kho Bảo tàng Cách mạng, Thư viện TP.HCM, ảnh chụp từ vi phim của Thư viện Quốc gia Pháp, tìm đọc các tài liệu có liên quan đến những bài báo của Võ Nguyên Giáp, cả những tài liệu theo dõi báo chí cách mạng của mật thám Pháp để lại.
Tôi còn tìm được nhiều bài báo ký tên Vân Đình, Hải Thanh, nhưng quá lâu năm, thư viện không cho photocopy vì sợ đã rách nát lại rách nát thêm. Do đó tôi phải dùng máy ảnh hoặc nhờ người chụp tay. Việc này anh Võ Điện Biên (con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã thực hiện giúp tôi.
Khó nhất là những bài báo chữ Pháp đều không có tên tác giả để mật thám khó theo dõi, vì vậy thật không dễ xác định bài nào là của Võ Nguyên Giáp.
Võ Điện Biên cùng tôi soạn các số báo đưa cho Đại tướng, đề nghị Đại tướng đánh dấu chữ V vào bài viết của mình. Tôi đọc lại, căn cứ vào nội dung, xác định đúng, thì Võ Điện Biên đưa đi dịch ra tiếng Việt. Bài nào còn phân vân thì để lại. Dịch xong tôi xem lại, hiệu đính để sử dụng.
Sau Cách mạng Tháng Tám, các bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ký tên Võ Nguyên Giáp hoặc Hồng Nam. Tìm ra những tờ báo, nhất là những tờ xuất bản trong thời kỳ ngay sau Cách mạng Tháng Tám rồi kháng chiến chống Pháp không dễ.
Tôi tìm trong thư viện báo Quân đội nhân dân, Thư viện Trung ương quân đội, Thư viện báo Nhân dân, Thư viện Tạp chí Cộng sản và may mắn được một số cán bộ quân đội đã làm báo ở thời kỳ này từng quen thân với tôi bổ sung cho những tờ mà các thư viện còn thiếu. Nhờ đó tôi chụp được nói chung là đủ.
Còn một mảng báo trả lời các cuộc phỏng vấn của các nhà báo nước ngoài trong dịp Đại tướng đi thăm các nước Xã hội Chủ nghĩa châu Âu, Trung Quốc, Cu Ba, các nước Châu Phi; các bài phỏng vấn này đã được đăng báo các nước, nhưng chưa sưu tầm được. Một số cuộc phỏng vấn của phóng viên nước ngoài đến Việt Nam và phóng viên báo Việt Nam đăng đây đó, chưa tập hợp được hết.
Võ Nguyên Giáp hoạt động báo chí trải dài theo lịch sử từ năm 1929 đi qua tuổi 94, chỉ gần 6 năm tạm "gác bút" (1931- 1936). Số đầu bài báo đã nhiều, phần lớn bài viết dài, chất lượng cao, có giá trị về nhiều mặt, đề cập đến các lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học, quốc gia và quốc tế, là tài sản vô cùng quý báu, để lại mãi mãi cho đời.
Những bài báo của Võ Nguyên Giáp đều sử dụng một loại văn chính luận. Với khối lượng đồ sộ và chất lượng cao như vậy, nhà báo Võ Nguyên Giáp rất xứng đáng có tên trong "Từ điển Văn học" với tư cách là nhà văn chính luận ("Từ điển Văn học", nxb.Thế giới, H.2004, trong mục từ Văn chính luận (tr.1941) không có mục từ Võ Nguyên Giáp).
Trong cuốn sách này tôi cũng đính chính vài đoạn viết trong sách và đưa vào truyền hình không đúng về một số sự kiện trong giới hạn "nhà báo" Võ Nguyên Giáp. Đáng nói là sách của ta viết sai, nhưng đã được một nhà nghiên cứu lịch sử Mỹ đưa vào sách của họ.
Đây là cuốn sách đầu tiên viết về hoạt động báo chí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tài liệu còn thiếu, phân tích và bình luận còn có những vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, trao đổi, cho nên không tránh khỏi những khuyết điểm.
Nhân dịp cuốn sách ra mắt bạn đọc, tôi chân thành cảm ơn các cơ quan, các anh chị ở thư viện và các bạn đã giúp đỡ tôi tài liệu để viết.
Kính mong bạn đọc nhận xét, góp ý, bổ sung, để khi có điều kiện tái bản sẽ sửa chữa làm cho chất lượng cuốn sách được nâng cao hơn.
Theo Đất Việt
Lễ tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp & quy định của Nhà nước Lễ tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được công bố chính thức. Các quy định hiện hành về lễ tang đối với cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước như sau: Theo Điều 5 Nghị định 105/2012, cán bộ đang giữ hoặc thôi giữ một trong các chức vụ sau đây khi từ trần được tổ chức Lễ Quốc...