Người phụ nữ Thanh Hoá cõng ‘mai rùa’ suốt 30 năm
Từ một khối u nhỏ bằng đầu ngón tay, sau 30 năm nở to như mai rùa khiến bệnh nhân đi lại vô cùng khó khăn.
Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa phẫu thuật trường hợp bị u xơ mỡ thần kinh kích cỡ lớn.
Bệnh nhân Lê Thị Trâm, 53 tuổi ở Thanh Hoá phát hiện bả vai phải mọc khối u nhỏ như đầu ngón tay cách đây 30 năm. Dù không đau đớn nhưng khối u lớn dần gây vướng víu, khó chịu. Bà Trâm từng đến bệnh viện để thăm khám, bác sĩ đã phẫu thuật nhưng khối u vẫn “mọc” lại.
Hai năm gần đây, khối u ngày một lớn, lan rộng xuống thắt lưng và vùng mông phải khiến bệnh nhân sinh hoạt và di chuyển hết sức khó khăn.
Bà Trâm cõng khối u lớn trên bả vai suốt nhiều năm
“Nó nặng lắm, tôi luôn thấy như có khối lớn đè lên mình. Khi cúi xuống, khối u di động chạy lên vai cổ. Mấy tháng nay, tôi không đi lại được, trở mình phải có người đỡ, đi phải chống gậy, tay phải thì tê. Tôi chuyển gắp thức ăn bằng tay trái. Mọi người nhìn mình cũng sợ, không dám gần”, bệnh nhân chia sẻ.
Khi đến khám tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, khối u bả vai của bà Trâm có kích thước lên tới 40×30x20cm kèm các khối u nhỏ hơn ở thắt lưng, mông, chỉ định phẫu thuật cắt bỏ.
PGS.TS Lê Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình cho biết, có 2 vấn đề khó khăn trước khi mổ.
Thứ nhất là tình trạng ra máu do khối u nằm sâu và diện rộng. Các ca khác có thể nút mạch để kiểm soát nhưng trường hợp này gần như không thể do có quá nhiều nhánh xuyên từ lưng lên. Thứ hai, nếu mổ triệt để toàn bộ khối u trong một lần phẫu thuật sẽ để lại mảng khuyết da rất lớn, sau đó bệnh nhân sẽ phải ghép da.
PGS Đoàn cùng các thành viên kíp mổ phẫu thuật lần đầu cắt bỏ khối u bả vai cho bệnh nhân
Bệnh nhân hồi phục tốt sau mổ
Sau khi cân nhắc, PGS Đoàn cùng ekip quyết định chia thành 2 lần phẫu thuật. Lần đầu cắt bỏ khối u vùng bả vai và xét nghiệm tế bào, lần thứ hai sẽ cắt bỏ khối u ở vùng thắt lưng và mông.
Khối u bả vai được cắt bỏ có trọng lượng hơn 5kg, kết quả xét nghiệm đây là u xơ mỡ thần kinh lành tính nhưng đã ăn sâu vào lớp cơ lưng và cơ thang.
Sau ca mổ đầu tiên, bệnh nhân hồi phục rất tốt, sức khoẻ ổn định. “Tôi đã cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều sau khi cắt được khối u, giờ tôi nằm ngủ, đi lại cũng thoải mái hơn”, bà Trâm vui vẻ khoe.
Dự kiến sau 3-6 tháng nữa, bệnh nhân sẽ tiếp tục phẫu thuật để cắt bỏ khối u các phần còn lại.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Kỳ tích: Bệnh nhân ghép 2 lá phổi đã xuất viện
Sáng ngày 10/11, bệnh nhân N.X.T ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa- người được ghép hai lá phổi đã bình phục sức khỏe và được các bác sĩ Trung tâm ghép phổi, BV Phổi Trung ương chúc mừng ra viện.
Đây là ca ghép phổi được thực hiện bởi ê kíp bác sĩ của BV Phổi Trung ương và BV Trung ương quân đội 108 từ người hiến tạng chết não.
Video bệnh nhân có thể tự đi lại
Sau ghép phổi 2 ngày, bệnh nhân đã bắt đầu tập đi lại
Cách đây hơn 1 năm bệnh nhân T thấy biểu hiện khó thở, mệt mỏi khi vận động, chỉ đi bộ 5 phút là đã thở gấp, còn leo cầu thang thì không chịu nổi, nên ông T. đi khám tại Bv Phổi Trung ương và được chẩn đoán bị xơ phổi. Tuy nhiên, bệnh diễn biến rất nhanh, xuất hiện dấu hiệu suy hô hấp.
Chia sẻ trong ngày được ra viện, bệnh nhân T nói: "Tôi rất vui mừng, cảm xúc không gì tả được.... Gia đình tôi rất cảm ơn ban Giám đốc, các y bác sĩ BV Phổi Trung ương và BV Trung ương quân đội 108 đã ghép thành công cho tôi 2 lá phổi này. Tôi như được sống lại thêm lần nữa. Để trả ơn các y bác sĩ tôi sẽ cố gắng sống và làm việc trong phạm vi có thể".
Ông T. còn cho biết, khi có chỉ định ghép phổi, ông chỉ đăng ký vào danh sách chờ ghép nhưng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được ghép phổi vì danh sách chờ ghép phổi rất đông. Khi nhận tin mình được lựa chọn để ghép phổi, ông T. cho biết, chỉ còn cảm giác hồi hộp, khó tả.
Bác sĩ chúc mừng bệnh nhân T được ra viện
Theo TS Đinh Văn Lượng, Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương, nếu không được ghép phổi, bệnh nhân chỉ có thể cầm cự được từ 2-3 tháng nữa. So với thời gian trước đây, chức năng phổi của bệnh nhân T. rất kém, đi lại, gắng sức mức độ vừa đã mệt. Hiện nay bệnh nhân đi lại không khó thở, khỏe mạnh hơn so với trước phẫu thuật. "Hiện nay, hai lá phổi ghép của bệnh nhân hoạt động rất tốt", TS Lượng khẳng định.
Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân trước khi ra viện
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc BV Phổi Trung ương cho biết, đây là ca ghép phổi rất thành công, ngang bằng với các trung tâm lớn trên thế giới. Chỉ sau ghép phổi 2 ngày, bệnh nhân đã bắt đầu rời khỏi giường tập phục hồi chức năng. Đến hôm nay, sau gần 2 tháng ghép phổi, bệnh nhân được ra viện.
"Thành công này là kết quả của sự hợp tác và phối hợp với nhau, từ việc thuyết phục gia đình người bệnh để có nguồn tạng hiến từ người cho chết não đến việc phối hợp với các đồng nghiệp ở các BV như BV Trung ương quân đội 108, các đồng nghiệp từ trung tâm Trung tâm ghép tim phổi UCSF ở Mỹ đã hỗ trợ từ xa ngay từ khi phẫu thuật. Quá trình hồi sức, dinh dưỡng, nội khoa, phục hồi chức năng.... sau mổ đều được các bác sĩ BV Phổi trung ương tiến hành tại BV 108", PGS Nhung đánh giá.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc BV Phổi Trung ương
Ca ghép 2 phổi thể hiện trình độ, khả năng làm chủ kỹ thuật của các y bác sĩ Việt Nam
Theo PGS Nhung, BV Phổi Trung ương đã hoàn thành việc xây dựng quy trình ghép phổi với rất nhiều quy trình kỹ thuật từ nhỏ nhất và trình lên Bộ Y tế phê duyệt. Đến giờ phút này, BV Phổi Trung ương với sự phối hợp với các đồng nghiệp từ các bệnh viện khác hoàn toàn có đủ khă năng đáp ứng được nhu cầu ghép phổi của bệnh nhân, PGS Nhung cho hay.
TS Đinh Văn Lượng - người đã cùng các bác sĩ BV Phổi Trung ương và BV Trung ương Quân đội 108 tham gia phẫu thuật ghép phổi cho bệnh nhân- cho biết, mỗi năm tại BV Phổi Trung ương, có từ 20-30 bệnh nhân có chỉ định ghép phổi. Nếu những bệnh nhân này không được ghép phổi sẽ tử vong sau từ 2-3 tháng.
Các bác sĩ BV Phổi Trung ương chia tay bệnh nhân T
TS Lượng cho biết thêm, ca ghép phổi này thành công đúng theo tiêu chuẩn quốc tế giống như những bệnh nhân mà chúng tôi đã chứng kiến ở Trung tâm ghép phổi UCSF ở Mỹ . UCSF là một trong 9 trung tâm ghép phổi lớn và có uy tín nhất ở Mỹ. "Ca mổ này không khác một ca mổ tại Mỹ vì kíp phẫu thuật ghép phổi tiến hành theo đúng quy trình của UCSF". TS Lượng nhấn mạnh.
"Để có được thành công này phải băt đầu từ chương trình ghép tạng quốc gia. Chúng tôi đã triển khai tất cả các bước từ việc đào tạo cán bộ, xây dựng tất cả các quy trình nhỏ nhất để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Ghép phổi là một trong những kỹ thuật ghép tạng khó nhất, thành công của ghép phổi này đóng góp thêm vào bảng thành tích của lĩnh vực ghép bộ phận cơ thể người của Việt Nam. Từ đó, chuẩn hóa quy trình điều trị nội khoa về phổi cũng như phẫu thuật phổi đạt tiêu chuẩn quốc tế cao nhất. Tất cả bệnh nhân có bệnh lý về phổi sẽ được thừa hưởng quy trình kỹ thuật tiên tiến nhất. Trong tương lai, BV Phổi trung ương sẽ đưa ghép phổi trở thành một phẫu thuật hàng năm", TS Lượng nói.
Vì dịch bệnh COVID-19, nên các chuyên gia từ Trung tâm ghép phổi quốc gia thuộc UCSF không thể hỗ trợ, nhưng nhờ sự hợp tác chặt chẽ, bằng công nghệ kết nối trực tuyến, các chuyên gia của BV Phổi Trung ương và Trung tâm ghép phổi UCSF đã tham gia tư vấn trực tuyến ngay trong quá trình phẫu thuật cho bệnh nhân T, sau đó hàng ngày cùng các bác sĩ BV Phổi Trung ương kiểm tra, theo dõi, đánh giá bệnh nhân.
TS BS Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp, BV Phổi Trung ương cho biết: Một ca ghép phổi thường kéo dài từ 10-16 giờ. Việc chuẩn bị sức khỏe cho bệnh nhân trước khi ghép cũng cần chú ý, bởi nếu không đủ sức khỏe, ghép phổi dễ dẫn đến thất bại. Với bệnh nhân T, trong quá trình hậu phẫu sau ghép cũng có những thời điểm rất khó khăn, như sau ghép 10 ngày, bệnh nhân bị rung nhĩ, rối loạn nhịp, lúc đó bác sĩ phải tư vấn tâm lý cho bệnh nhân để bệnh nhân tiếp tục có niềm tin phục hồi chức năng sau mổ.
Chăm sóc hậu phẫu sau ghép phổi là một quá trình gian nan, đòi hỏi phải có một đội ngũ tinh nhuệ. Mục tiêu của chăm sóc sau ghép nhằm hạn chế tối đa các biến chứng cho bệnh nhân như chảy máu, nhiễm trùng, suy tạng, hạn chế biến chứng thải ghép....
Bệnh nhân sau ghép phổi cần lưu ý: hạn chế tiếp xúc với đám đông, thực hiện vệ sinh cá nhân tránh nguy cơ nhiễm trùng, dùng thuốc đầy đủ, phát hiện sớm các biến chứng thải ghép để xử lý kịp thời, bên cạnh đó cần tập luyện phục hồi chức năng hô hấp.
Điều trị thành công bé 3 tuổi bị cong vẹo cột sống hiếm gặp Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa điều trị thành công cho bé 3 tuổi bị cong vẹo cột sống do dị tật nửa đốt sống. Đây là trường hợp ít gặp vì độ tuổi của bệnh nhi còn quá nhỏ nhưng tình trạng bệnh không thể trì hoãn kéo dài. Bệnh nhi B.Đ được các bác sĩ theo...