Người phụ nữ nghèo “nghiện” làm từ thiện
“Tôi chỉ mong có nhiều sức khỏe, thời gian để chia sẻ được một phần nào đó đến với những hoàn cảnh khó khăn, dù đó là chỉ miếng ăn hay một bộ quần áo…”.
Đó là chia sẻ của chị Lý Thị Hồng Trị – Phó Trưởng ban thường trực mạng lưới tình nguyện Quốc gia khu vực Tây Nguyên, Chủ nhiệm CLB cơm từ thiện Pleiku.
Qua lời chỉ dẫn của người dân, chúng tôi men theo con ngõ nhỏ của phố núi Pleiku (Gia Lai) để tìm đến nhà chị Trị, hầu hết những người dân nơi đây đều biết đến chị. Thậm chí, mọi người thường hay trêu chị với biệt danh “người phụ nữ nghèo “nghiện” làm từ thiện”.
Với chúng tôi, biệt danh mà nhiều người đặt cho chị Trị rất phù hợp, bởi lẽ trước mắt chúng tôi là căn nhà cấp 4 nhỏ nằm sâu trong ngõ nhỏ, quan sát qua ngôi nhà thì có lẽ thu nhập của cả gia đình chị cũng chỉ đủ ăn, đủ mặc… Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp chị là dáng người nhỏ nhắn, thân thiện và giọng nói đặc trưng của người con miền Trung.
Chị Trị cùng với các trẻ em nghèo tại một chương trình từ thiện.
Gặp chúng tôi chị vui vẻ mời vào nhà và “chiêu đãi” chúng tôi bằng bát nước chè xanh đậm đặc. Bên bát chè xanh còn nóng hổi, chị Trị nhớ lại: Mình là một người con của mảnh đất miền Trung, cuộc sống lúc đó còn rất nhiều khó khăn và khi học chuyên nghiệp xong thì mình chọn Gia Lai làm điểm dừng chân… Mình bắt đầu làm từ thiện vào năm 2012, đến nay thì nhóm thiện nguyện của mình đã có hơn 100 người tham gia. Việc làm từ thiện của mình có rất nhiều người còn nói mình “dài tay”, cuộc sống còn khó khăn mà thích làm từ thiện, còn riêng bản thân mình thì không suy nghĩ về được hay mất, bởi tất cả đều xuất phát từ cái tâm.
Theo chị Trị cho biết, đối tượng mà chị và các thành viên CLB cơm từ thiện Pleiku hướng đến là trẻ em nghèo vùng cao và người nghèo đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
“Vào mỗi dịp cuối tuần, nhóm thiện nguyện của mình đều chuẩn bị gần 800 phần ăn để chia sẻ với các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn. Cụ thể vào thứ 7 chúng mình phát cháo, còn chủ nhật thì chia gần 800 phần ăn đến với các bệnh nhân…”, chị Trị chia sẻ.
800 phần ăn của CLB cơm từ thiện Pleiku, sẽ chia sẻ cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện.
Video đang HOT
Riêng về công tác xã hội tại những huyện vùng sâu, vùng xa, chủ yếu sẽ tổ chức các chương trình cho trẻ em nghèo mà hầu hết các con là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh vô cùng khó khăn.
“Cứ mỗi một chương trình như, trung thu, tết viễn biên cho trẻ em nghèo… cá nhân tôi cũng đều sử dụng mạng Facebook của mình để kêu gọi tài trợ nguồn vốn cũng như nhân lực và sau đó là xin giấy phép với cơ quan chức năng để tổ chức chương trình. Tất cả, số tiền từ các nhà hảo tâm trên khắp cả nước đều được công khai minh bạch. Thời gian gần đây do sức khỏe không được tốt, nên 1 năm mình chỉ cố gắng tổ chức khoảng 4 chương trình”, chị Trị nói.
Hình ảnh các trẻ em nghèo lần đầu được ăn đùi gà rán tại chương trình Trung thu.
Khi được hỏi về những kỷ niệm ấn tượng trong những lần làm thiện nguyện, chị Trị cười rồi nói: “Đối với bản thân mình cũng như các thành viên trong nhóm phải nói rằng có rất nhiều kỷ niệm, mỗi chuyến từ thiện đều được gặp rất nhiều hoàn cảnh trẻ em người dân tộc thiểu số rất khó khăn. Mới đây nhất, mình cùng nhóm đã tổ chức chương trình trung thu tại làng Pral, xã Đăk Sơ Mei của huyện Đăk Đoa. Tại đây, ngoài trao quà thì nhóm mình cũng tổ chức nấu nướng cho các con ở nơi đây ăn, trong đó có món đùi gà rán, đây là món ăn quen thuộc nhưng với các con nơi đây thì lần đầu tiên được ăn món ăn ngon và lạ đến vậy… nhìn thấy các con ăn ngon miệng, mình cũng cảm thấy ấm lòng”.
Ngoài việc làm thiện nguyện, chị Trị còn là người truyền cảm hứng cho hàng trăm em học sinh THPT trên địa bàn Pleiku bằng những công việc thiết thực. Chị Trị chia sẻ, bản thân mình cùng mội số phụ huynh và các thầy cô giáo thường tổ chức những chuyến từ thiện như quyên góp sách vở, bán ống hút gạo để gây quỹ mua đồ dùng học tập cho các trẻ em nghèo vùng cao…
Lớp học tiếng anh tại trại trẻ mồ côi, do các em học sinh làm “giáo viên”.
“Vừa rồi, mình cũng mới thành lập một nhóm nhỏ dành riêng cho các em học sinh cấp 3, cụ thể là vào cuối tuần thì các thành viên trong nhóm sẽ đến dạy tiếng Anh miễn phí tại các trung tâm nuôi dưỡng các bé mồ côi… Những việc làm của mình cũng nhận được ủng hộ rất nhiều từ các bậc phụ huynh và thầy cô giáo, đặc biệt là các em học sinh cấp 3 (thành viên nhóm) luôn hưởng ứng để sẵn sàng chia sẻ yêu thương và giúp đỡ những người khó khăn hơn mình”, chị Trị cho biết thêm.
Với những việc làm thiết thực đầy tình nhân văn, chị Trị không chỉ chia sẻ yêu thương đến với trẻ em nghèo vùng cao… Mà hơn hết, chị còn là người truyền cảm hứng đến với hàng trăm học sinh Pleiku, để lan tỏa và chia sẻ yêu thương.
Nam Ninh
Theo Toquoc
Những cung đường nhuộm máu, nước mắt giáo viên
Để đến được trường dạy học, nhiều giáo viên ở Tây Nguyên đã phải vượt qua con đường độc đạo, vắng vẻ và không ít người đã phải đổ máu vì tai nạn
Nhiều giáo viên ví xã Hà Đông, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai, là nơi "tận cùng của thế giới" vì là xã xa nhất, được bao bọc bởi trùng điệp núi non, vào đây chỉ có con đường độc đạo. Toàn xã có 3 trường học các cấp là mầm non, tiểu học và THCS với khoảng 80 giáo viên. Tất cả giáo viên có nhà ở xa, có người phải vượt hàng trăm km đến trường.
Cung đường "tử thần"
Đoạn đường khó khăn nhất mà giáo viên phải vượt qua để đến trường là đường liên xã nối từ xã Đắk Sơ Mei với xã Hà Đông. Đường rộng chỉ 3 m, dài 35 km. Đoạn đường như sợi dây dài luồn lách dưới tán rừng, vắt ngang những quả đồi, chỉ lác đác vài căn chòi rẫy của người dân thấp thoáng trên các triền đồi mà tuyệt nhiên không có hộ dân nào sinh sống hai bên đường.
Trên cung đường này, nhiều đoạn dốc dựng đứng, lại ngay khúc cua khuỷu tay khiến xe máy phải cài số 1, lấy trớn từ xa mới có thể ì ạch vượt qua. Dọc cung đường này, gặp những ngày mưa thì chạy phía trước lại nghe phía sau cây đổ, sạt lở đất ầm ào.
Cách trung tâm xã khoảng 10 km, có vị trí được các giáo viên gọi là "khúc cua tử thần" vì rất hay xảy ra tai nạn. "Đường hẹp, góc cua gấp và khuất tầm nhìn, phía bên dưới là vực sâu nên ai không quen đường mà lỡ đi nhanh, gặp xe chạy ngược chiều thì rất dễ lao xuống vực" - thầy Đỗ Thiện Úy, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Hà Đông, cho biết rồi bảo đa phần giáo viên đều đi làm bằng xe máy mà đường lại vắng người, không có nhà dân nên mỗi khi xe gặp sự cố thì chỉ có... khóc.
Cô Lê Thị Hương Lan, giáo viên của trường này, nói mỗi lần đi về cô đều run lên vì sợ. "Tôi đi xe mà không dám bóp còi vì trong đầu cứ lo nếu bóp còi, có người xấu nghe được, biết mình đang tới, họ lao ra chặn đường" - cô Lan nói.
Con đường lên "cổng trời" Ea Rớt
Gặp tai nạn chỉ biết khóc
Trong khi đó, thôn Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) thường được gọi là "cổng trời". Bởi lẽ, để đến được đây phải vượt qua những con dốc cao, những đoạn đường gấp khúc và cả các con suối chảy xiết. Ở đây, mùa khô thì nắng cháy da thịt, mùa mưa có khi cả tuần không thấy ánh mặt trời.
Cô Nguyễn Thị Liễu (giáo viên lớp 5, điểm trường thôn Ea Rớt, thuộc Trường Tiểu học Cư Pui 2) nhà ở xã Ea Kly, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, cách điểm trường Ea Rớt tròn 40 km. Ngày đầu tiên đặt chân đến trường sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Quy Nhơn năm 2014, cô Liễu đã khóc, muốn xin nghỉ dạy. Nhưng rồi, thấy những đứa trẻ lem luốc khát khao con chữ, cô Liễu động viên mình bám trụ. Chồng công tác ở tận Gia Lai, lại có 2 con nhỏ nên ngày nào cô Liễu cũng phải đi về để chăm sóc con.
Ở điểm trường thôn Ea Rớt, học sinh lớp 5 chỉ học một buổi nên 10 giờ sáng, cô Liễu chạy xe máy vượt 40 km tới trường, dạy xong về tới nhà đã hơn 7 giờ tối. "Điều khó khăn nhất là trên quãng đường này có 10 km đường xấu và phải vượt đò. Mùa nắng, bụi mịt mù, mùa mưa thì lầy lội, trơn trượt nên chuyện té ngã xảy ra như cơm bữa. Những ngày trời mưa, tôi thường phải để xe lại bên đường hoặc gửi nhà người dân đi bộ hơn 5 km đến trường vì xe không thể chạy được" - cô Liễu tâm sự.
Cũng như cô Liễu, cô Nguyễn Thị Trang (giáo viên lớp 2, nhà ở huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) có 2 con nhỏ nên hằng ngày phải vượt 60 km để đến điểm trường thôn Ea Rớt. Cô Trang dạy buổi sáng nên từ 4 giờ đã phải xuất phát. "Trong một lần đến trường, đường trơn trượt nên tôi đã bị té ngã lăn từ trên dốc xuống. Tỉnh lại, tôi chỉ biết ôm bụng ngồi khóc. Lúc đó, tôi đang mang thai nhưng may mắn cả 2 mẹ con đều bình an vô sự" - cô Trang kể.
Trở lại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Hà Đông, vừa qua, cô Trần Thị Bá Tiền (SN 1984, giáo viên âm nhạc) phải phẫu thuật lần 2 cho cánh tay cắt bỏ do tai nạn. Sáng 9-9, cô Tiền đi xe máy vượt 130 km từ nhà tại xã Đắk H'lơ, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, tới trường. Khi thấy một xe tải đi ngược chiều, cô Tiền đã chủ động đi chậm, nép vào vệ đường để tránh nhưng trúng phải vùng đất nhão xe bị ngã. Theo phản xạ, cô Tiền đưa tay ra chống đỡ thì bị bánh xe tải chèn qua, gãy nát.
Cách đây khoảng 2 năm, khi từ xã Hà Bầu, huyện Đắk Đoa, đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trần Kiên (xã Hà Đông) dạy học thì cô giáo Am Gửi bị ôtô tông, nhập viện trong tình trạng nguy kịch. May mắn, cô qua khỏi và giờ vẫn bám trụ với trường.
Tiền lương đủ... mua xăng
Các giáo viên ở Trường Tiểu học Cư Pui 2, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, cho biết nếu đi về trong ngày thì nhiều giáo viên ở trường này nhận lương chỉ đủ để mua xăng.
Thầy Nguyễn Thuần, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư Pui 2, cho biết điểm trường Ea Rớt hiện có 6 lớp với 6 giáo viên. "Đầu năm 2019, xã Cư Pui tiếp tục được đưa vào xã vùng 3. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên giáo viên vẫn chưa được nhận phụ cấp, lương hiện nay chỉ 4-5 triệu đồng/người. Trước những khó khăn này, nhà trường có hỗ trợ tiền xăng mỗi tháng 200.000 đồng/giáo viên" - thầy Thuần cho hay.
Hoàng Thanh - Cao Nguyên
Theo Nguoilaodong
Trao hơn 80 triệu đồng cho cô giáo bị tai nạn mất cánh tay trên đường đi dạy Đại diện Báo Người Lao Động đã đến tận nơi, trao tận tay cô giáo Trần Thị Bá Tiền số tiền 80.010.000 đồng mà bạn đọc ủng hộ. Sáng 21-9, đại diện Báo Người Lao Động đã đến Bệnh viện Quân y 211 (Gia Lai) để trao tận tay số tiền 80.010.000 đồng mà bạn đọc thông qua Báo Người Lao Động hỗ...