Người phụ nữ ngày ngày chặn xe tải, xe đầu kéo xin đường cho học sinh ở TP.HCM
Ngày hai lần, người phụ nữ cầm tấm bảng ra đứng giữa dòng xe cộ để giúp hàng nghìn học sinh qua đường an toàn khiến nhiều người thán phục.
Hơn 7 tháng qua, người dân huyện Bình Chánh, TP.HCM quen thuộc với hình ảnh của bà Nguyễn Thị Bạch Phượng (62 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) hàng ngày cầm tấm bảng ghi dòng chữ “Tạm dừng xe cho học sinh qua đường” ra đứng giữa dòng xe cộ đông đúc.
Hành động của bà Phượng khiến các tài xế chú ý, giúp cho hàng nghìn học sinh Trường THCS Tân Kiên (ấp 3, xã Tân Kiên) qua đường an toàn.
Bà Nguyễn Thị Bạch Phượng cầm tấm bảng chặn xe để hàng nghìn học sinh sang đường an toàn. (Ảnh: Khuất Nguyên)
Chặn xe tải xin đường cho học sinh
Xuất phát từ sự lo lắng, tình thương và trách nhiệm với cộng đồng nên dù trời nắng hay mưa bà Phượng vẫn ngày hai lần cầm tấm bang ra chặn xe tải xin đường giúp học sinh.
Buổi sáng, từ 10h45, bà đóng cửa tiệm vật tư điện nước của mình rồi đội nón, mang khẩu trang đi ra ngã ba trước cửa nhà để giơ tấm bảng nhằm để các tài xế chú ý giảm tốc độ cũng như hướng dẫn học sinh băng qua đường. Chiều đến, khoảng 16h50, công việc ấy lại tiếp tục.
Bà Phượng đang kể lại “nhiệm vụ” hướng dẫn học sinh qua đường an toàn. (Ảnh: Khuất Nguyên)
Ghi nhận của PV VTC News, đường Hưng Nhơn nối quốc lộ 1A và đường Nguyễn Cửu Phú xe tải, xe đầu kéo qua lại thường xuyên. Nơi giao lộ bà Phượng thường ra dù có trường học và đông dân cư nhưng lại không có biển báo, đèn báo hiệu, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho học sinh.
Bà Phượng bán phụ tùng điện nước trên đường Hưng Nhơn, ấp 3, xã Tân Kiên. (Ảnh: Khuất Nguyên)
Theo người phụ nữ này, mỗi ngày có khoảng 1.000 học sinh đi học, mà con đường vào Trường THCS Tân Kiên lại cắt ngang ngã ba đông đúc xe qua lại, thế nên việc mất an toàn giao thông, xảy ra va chạm rất thường xuyên.
“Nhà tôi nằm ngay ngã ba đường, nên mỗi lần tụi nhỏ tan trường về là tôi cầm tấm bảng xuống đứng giữa đường chặn xe để học sinh qua đường an toàn. Thời gian đầu thấy xe lao vun vút thì sợ thiệt, nhưng xin đường riết rồi cũng thành quen. Mỗi lần tụi nhỏ qua đường an toàn đều quay lại cảm ơn khiến tôi hạnh phúc lắm” , bà Phượng nói.
Video đang HOT
Dù trời nắng hay mưa, bà Phượng hàng ngày cầm tấm bảng đứng giữa đường chặn xe cho học sinh qua đường. (Ảnh: Khuất Nguyên)
Cười hiền từ rồi chỉ cho PV VTC News xem cái bảng xin đường của mình, bà Phượng nói rằng “làm riết thành quen” . Người phụ nữ 62 tuổi cho biết những ngày đầu làm công việc này, chồng và các con có chút lo lắng.
Hàng xóm thấy bà cao tuổi vẫn bất chấp nắng mưa ra đường làm việc “bao đồng” đều khuyên nhủ phải chú ý giữ an toàn, quan trọng nhất là không được cản trở giao thông, đồng thời giữ cho bản thân bà lẫn các em học sinh tránh được những sự cố va chạm đáng tiếc… Bà tiếp thu nhưng vẫn làm.
Đường Hưng Nhơn nối quốc lộ 1A và đường Nguyễn Cửu Phú xe tải, xe đầu kéo qua lại thường xuyên. (Ảnh: Khuất Nguyên)
“Lắm lúc cầm tấm bảng đứng chặn xe xin cho các cháu học sinh sang đường thì suýt bị xe tải “hốt”. Việc tôi bị các tài xế nạt nộ, quát đi vào lề thì vô số kể. Cũng có người nói đầu óc tôi không bình thường mới làm công việc này, nhưng ai nói gì tôi cũng không quan tâm, miễn sao thấy tụi nhỏ qua đường an toàn là vui lắm rồi. Khi nào đoạn đường này có đèn báo, vạch kẻ đường và thấy học sinh qua lại an toàn thì tôi mới thôi làm việc này” , bà Phượng chia sẻ.
Những lời cảm ơn ấm lòng
Nhiều học sinh Trường THCS Tân Kiên cảm kích tấm lòng của bà Phượng. Nói về người phụ nữ tốt bụng, em Kim Thuỳ Hà My (học sinh lớp 9/5, trường THCS Tân Kiên) chia sẻ, dù trời nắng hay mưa, bà Phượng vẫn thường xuyên đứng xin đường cho các em qua.
Hà My, học sinh lớp 9/7, trường THCS Tân Kiên chia sẻ về bà Phượng. (Ảnh: Khuất Nguyên)
“Con luôn biết ơn hành động đẹp của bà Phượng, dù tuổi đã cao nhưng ngày nào bà cũng giúp đỡ chúng con qua đường an toàn. Con muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến bà, mong bà có nhiều sức khoẻ để giúp đỡ nhiều bạn nhỏ như con” , Hà My nói.
Em Võ Nhật Hảo, học sinh lớp 8/7, trường THCS Tân Kiên. (Ảnh: Khuất Nguyên)
Còn Võ Nhật Hảo (học sinh lớp 8/7, trường THCS Tân Kiên) kể lại, trước đây mỗi lần học sinh sang đường thấy xe chạy tốc độ cao luôn là nỗi ám ảnh. Từ khi bà Phượng “xuất hiện”, các em cảm thấy an toàn. “Con cảm ơn bà Phượng không ngại nắng mưa, luôn đồng hành giúp đỡ chúng con qua đường an toàn” , Hảo vui vẻ nói.
Da nhăn nheo, tóc bạc đi vì tuổi già nhưng trong đôi mắt bà Phượng vẫn chứa đựng sự tin yêu, lạc quan về cuộc sống. Câu chuyện từ người phụ nữ 62 tuổi này mang đến thật nhiều cảm xúc trong những ngày Sài Gòn nắng nóng như đổ lửa.
Bà Phượng đã có người đồng hành
Nói về tấm “bảng hiệu xin đường” bắt mắt, chị Nguyễn Trần Kim Vạn (ngụ huyện Bình Chánh) vui vẻ kể lại, khi thấy bà Phượng lóng ngóng đứng giữa đường vẫy xe tải, chị nảy ra sáng kiến làm tấm bảng đó để giúp bà Phượng làm việc an toàn hơn. “Bà con hàng xóm có con cháu học ở đây đều thấy vui và ấm lòng vì việc làm của bà Phượng”, chị Vạn nói.
Chị Nguyễn Trần Kim Vạn – người có sáng kiến làm tấm bảng xin đường giúp bà Phượng. (Ảnh: Khuất Nguyên)
Cũng theo chị Vạn, mấy hôm nay có thêm bảo vệ trong Tổ dân phố đến hỗ trợ bà Phượng điều tiết giao thông và hướng dẫn học sinh qua đường.
Bà U.70 cầm biển đưa học sinh qua đường giữa nắng gắt
10 giờ 50 phút, bà Hai Trị trùm kín nón, khẩu trang, kéo cửa tôn 'rầm' một cái, nhanh chóng cầm theo chiếc biển 'Tạm dừng xe cho học sinh qua đường' ra đứng ở ngã ba đường Hưng Nhơn.
Bà Hai Trị cầm biển tạm dừng xe cho học sinh qua đường giữa trưa - PHẠM TRUNG
Đó là hình ảnh chúng tôi ghi lại dưới chân cầu Hưng Nhơn, hướng vào Trường THCS Tân Kiên (ấp 3, xã Tân Kiên, H.Bình Chánh, TP.HCM) những ngày qua. Từ đầu năm học 2020 - 2021 tới nay, khi trường học này khánh thành, bà Hai Trị không ngại nắng mưa cầm biển xin nhường đường giúp học sinh (HS) qua đường an toàn.
Bà tên thật Nguyễn Thị Bạch Phượng, 62 tuổi, trú nhà B8/28D Hưng Nhơn, ấp 2, xã Tân Kiên. Chồng bà Phượng tên Lý Quốc Trị, nên bà con lối xóm đã quen gọi bà với tên gọi thân thương "bà Hai Trị".
"Tôi thương các con"
Chúng tôi tới gặp bà Hai Trị một trưa nắng đổ lửa. Đúng giờ HS ùa ra như ong vỡ tổ. Nhìn thấy tấm biển đủ sắc màu ghi dòng chữ "Tạm dừng xe cho học sinh qua đường" mà bà Hai Trị giơ từ xa, xe tải, xe con... chạy chậm lại rồi nhường đường cho HS qua an toàn.
"Con cảm ơn bà ạ", "Ngoại ơi cảm ơn ngoại heng"... đáp lại ríu rít lời cảm ơn của học trò và cha mẹ các em, bà Hai Trị chỉ gật gật đầu, mắt còn đang nhìn phía nào nhiều xe để xoay tấm biển. 30 phút sau, khi các trò đã về hết, bà mới rảo bước về nhà, tháo nón, lau mồ hôi.
Bà kể lại cơ duyên giúp học trò: "Một hôm tôi đang bán hàng thì thấy mấy đứa nhỏ loay hoay ở bên kia không làm sao qua đường được. Đây là cái ngã ba, một bên xe từ cầu xuống, dưới kia từ quốc lộ chạy lên, không có biển báo giảm tốc hay đèn xanh đèn đỏ gì nên nguy hiểm lắm. Tôi gọi với sang, các con đứng yên đấy, để bà chạy qua dắt các con. Thế rồi bẵng đi 3 hôm, tới hôm thứ 4 mấy đứa nhỏ gọi: "Bà ơi, b
à dắt con qua đường với". Tôi chạy qua thì các con hỏi: "Bà ơi sao mấy hôm nay bà không dắt chúng con qua đường nữa? Ở đây xe đông, con sợ lắm". Tôi thấy thương các con quá, từ hôm sau, cứ 10 giờ 50 và 16 giờ 45, đúng giờ các con tan học, tôi đứng ở ngã ba này vẫy tay giúp các xe khác đi chậm lại, nhường đường cho các con".
Nói về tấm biển dễ thương in dòng chữ "Tạm dừng xe cho học sinh qua đường", bà Hai Trị nói ban đầu mình chỉ viết chữ trên bìa carton, nhờ cô Vân tiệm rửa xe bên cạnh tô đậm thêm. Mấy hôm sau, bỗng nhiên có một anh thanh niên chạy tới đưa bà cái tấm biển đẹp này, nói "con tặng cô" và nhất quyết không chịu lấy tiền.
Phương tiện lưu thông tại ngã ba Hưng Nhơn rất đông, nhờ bà Hai Trị các học sinh qua đường an toàn - Ãnh: Thúy Hằng
"Tôi không có tiền, tôi giúp sức"
Bà Hai Trị kể, lúc đầu mới đứng cầm biển thì cũng sợ vì đường nhiều xe tải chạy rầm rập cả ngày. Có tài xế đã không tạm dừng còn hạ kính và quát bà "sao không đứng sát vô lề". Nhưng đó chỉ là thiểu số. Dần dần quen với bà lão cầm tấm biển xin tạm dừng xe cho HS qua đường mỗi buổi trưa và chiều, tài xế điều khiển xe đi chậm lại.
Động lực nào giúp bà già U.70 đều đặn mỗi trưa đứng nửa tiếng giữa cái nắng như đổ lửa của TP.HCM giúp HS qua đường? Bà Hai Trị nói, thấy trẻ con ra về an toàn, miệng nói cảm ơn bà, mệt tới đâu bà cũng thấy mình khỏe lại. "Trong xóm này có nhiều cháu HS phải ở trọ lắm, tôi thấy trò nghèo là tôi thương. Bố mẹ các cháu đã vất vả đi kiếm tiền rồi, trưa chiều lại mất công ra đón con. Tôi bảo với nhiều cô chú bây giờ cứ để tôi đưa chúng qua đường cho, yên tâm mà đi làm", bà kể.
Hôm chúng tôi tới thăm, một ông chủ dãy trọ trong ấp 2, xã Tân Kiên ghé tiệm mua bóng đèn, thấy bà Hai Trị thì thẳng thắn: "Tôi phục chị lắm, tôi có phấn đấu thế nào cũng không thể bằng chị. Giữa trưa nắng tôi chạy ra đường còn ngại, huống hồ ngày nào chị cũng đứng đó cầm biển cho các cháu qua đường".
Bà Hai Trị hiền hậu nói: "Nhiều người làm được việc tốt hơn tôi nhiều, người ta có tiền giúp tiền, tôi không có tiền tôi giúp sức. Vui nhất là tôi giúp được điều mà các cháu HS cần".
Bà Hai Trị chưa quên kỷ niệm ngày các con mình còn nhỏ có lần lên nhầm xe buýt, đi xuống tận quốc lộ 50. Có anh sinh viên thương đứa nhỏ mặc đồng phục, khoác ba lô đi bộ giữa trời nắng thì chở về. Bà bộc bạch: "Mình lớn bằng đây mình làm việc tốt chưa là gì. Ngày xưa, các cháu còn ít tuổi mà đã tốt bụng, biết giúp đỡ các em xa lạ như thế khiến tôi mừng lắm. Con mình, nó sẽ nhìn cách mình sống để học theo, nên vợ chồng tôi nghĩ là còn khỏe, còn giúp được các cháu HS ngày nào thì sẽ làm hết sức".
Bà chủ sạp báo dễ thương
Xuất thân từ người làm nông, hai vợ chồng ông bà Hai Trị làm đủ nghề từ trồng trọt, buôn bán để nuôi hai con trai ăn học. 11 năm trước, ông bà Hai Trị tích cóp đủ vốn để mở được cửa hàng vật tư điện, nước. Vốn yêu thích đọc báo, thấy xung quanh chưa ai bán, vợ chồng bà liên hệ người phát hành và 9 năm nay họ có thêm sạp nhỏ trước nhà bán đủ báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ ...
Vợ chồng ông bà luôn tâm niệm, dù mình nghèo, ít học nhưng 2 con luôn phải học hành đàng hoàng và sống tử tế. Con trai lớn của bà sau một thời gian đi làm, đang là sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing (Q.7), người con thứ 2 đã tốt nghiệp ngành công an và đang công tác tại Công an Q.11.
"Ba mẹ em, cô giáo em đều ngưỡng mộ bà"
Cô Út, bán hủ tiếu trước số nhà B8/27A Hưng Nhơn, kể nhờ bà Hai Trị mà tụi trẻ con đi học an toàn hơn. Còn Nguyễn Thị Anh Thư, HS lớp 8/1 Trường THCS Tân Kiên, nói: "Ngày nào em thấy bà đứng đó là yên tâm đi qua đường". Nguyễn Huỳnh Thành Đạt, lớp 7/3, kể: "Không chỉ em mà ba mẹ em, cô giáo em cũng ngưỡng mộ bà. Cô giáo chủ nhiệm lớp em còn dặn, khi đi qua ngã ba, nhớ làm theo hướng dẫn của bà và đừng quên cảm ơn bà".
Xe đầu kéo tông sập nhà dân ở TP.HCM, một người chết Xe container trong lúc quay đầu ở dạ cầu Phú Mỹ, quận 7 (TP.HCM), thì lao thẳng vào cửa hàng bán đồ điện. Một người đàn ông đứng mua hàng bị tông chết tại chỗ. Nhân chứng kể lúc xe đầu kéo tông vào nhà dân ở TP.HCM ."Xe đầu kéo ôm cua rất nhanh và tông vào cửa hàng bên đường. Nam...