Người phụ nữ mang khối u vú khổng lồ nặng 5 kg
Phát hiện khối u vú khi mang thai 3 tháng, người phụ nữ 37 tuổi đã để vậy sinh con, chăm con, cùng thời dịch bệnh nên chị không đi thăm khám, hậu quả dẫn đến khối u phát triển khổng lồ, gây lở loét phải mổ cấp cứu.
Ngày 25.3, tin từ Đơn vị tuyến vú thuộc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết nơi này đã tiến hành mổ cấp cứu kịp thời cho nữ bệnh nhân M.T.S.N (37 tuổi, ngụ Trà Vinh) vì mang khối u vú phải khổng lồ, nặng tới 5 kg và đang bị lở loét
Bệnh viện Chợ Rẫy cứu kịp lúc người phụ nữ mang khối u vú khổng lồ
Hiện tại, sau 2 ngày hậu phẫu, bệnh nhân N. tỉnh táo, tiếp xúc, nói chuyện bình thường, vết mổ hồi phục tốt. Dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Nữ bệnh nhân đã được phẫu thuật loại bỏ u vú. Ảnh BVCC
Chị N. cho biết, từ cuối năm 2018, khi mang thai đứa con thứ hai được khoảng 3 tháng, chị phát hiện ở ngực phải mình xuất hiện một khối u. Chị đi thăm khám ở một cơ sở y tế tại TP.HCM, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, sau đó chị đã quyết định trở về quê để sinh con rồi mới lên lại TP.HCM chạy chữa. Sau khi sinh con, chị phải chăm con và sống chung với khối u phát triển lên từng ngày.
Mặt khác, do chồng đi làm ăn xa, lại gặp thời điểm dịch bệnh, cách ly, chị phải ở nhà chăm 2 đứa con nhỏ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên chị cứ nghĩ đợi chồng về rồi sẽ đưa mình đi khám.
Theo TS.BS Huỳnh Quang Khánh, Trưởng Đơn vị tuyến vú, khi đến bệnh viện thăm khám, khối u của bệnh nhân N. bắt đầu xuất hiện tình trạng lở loét, hai chân bị sưng.
Kết quả thăm khám và chẩn đoán, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân N. có huyết khối tĩnh mạch ở hai chân và cho điều trị nội khoa. Các bác sĩ Đơn vị tuyến vú cũng tiến hành sinh thiết để xác định bản chất của khối u ở vú của chị N.
Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi kết quả giải phẫu bệnh, khối u của bệnh nhân N. càng ngày càng lớn hơn, loét và chảy máu nhiều. Chị N. buộc phải quay lại Bệnh viện Chợ Rẫy và được các bác sĩ tiến hành mổ cấp cứu vào ngày 23.3.
Theo TS.BS Khánh, rất may cho bệnh nhân là kết quả giải phẫu bệnh cho thấy đó là một khối u diệp thể tuyến vú lành tính. Tuy vậy, khối u phát triển rất nhanh và bệnh nhân đã để đến giai đoạn u lở loét, chiếm quá cả thành ngực và xuống tới bên phải bụng.
“Chúng tôi đã tiến hành mổ, truyền máu, cắt bỏ toàn bộ khối u và cắt phần da khâu kín vết thương. Trước đây, Đơn vị tuyến vú từng phẫu thuật nhiều trường hợp có u lớn, nhưng khối u diệp thể lành tính ở vú nặng tới 5 kg như ở bệnh nhân này là một trường hợp rất hiếm gặp”, TS.BS Khánh cho biết.
U diệp thể ở tuyến vú là gì?
Theo TS.BS Huỳnh Quang Khánh, u diệp thể tuyến vú là một dạng bệnh lý của tuyến vú. Bướu có cấu trúc giống lá cây, bao gồm thành phần là mô liên kết và biểu mô. Bên trong bướu có chỗ hóa nang, có những vùng mỡ vàng, vùng xuất huyết, vùng hoại tử, mặt cắt nhầy và phồng, vùng sợi chắc xen kẽ vùng mô mềm…
U diệp thể tuyến vú có 3 dạng: u diệp thể lành tính, u diệp thể giáp biên và u diệp thể ác tính.
U diệp thể ác tính là trường hợp bệnh rất nặng. U diệp thể giáp biên cũng tiên lượng xấu và cần phải phẫu thuật sớm. Riêng u diệp thể lành tính, nếu phát hiện sớm khi khối u còn nhỏ thì chỉ cần cắt rộng quanh khối u, không cần cắt cả tuyến vú.
Vì vậy, nếu phát hiện những dấu hiện bất thường ở vú, mọi người nên đến các cơ sở y tế chuyên sâu để các bác sĩ xác định bản chất của khối u vú (nếu có), trên cơ sở đó có thể chẩn đoán ra bệnh ở giai đoạn sớm nhất và có kế hoạch điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Người vợ bị suy thận giai đoạn cuối hồi sinh nhờ quả thận của chồng
Chị T.X (32 tuổi, ở Hóc Môn, TP.HCM) bị suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận 3 lần một tuần, sức khỏe suy yếu, nhiều lần khiến cả nhà hoảng sợ khi phải nhập viện cấp cứu.
Trước đó, từ tháng 4.2020, bệnh nhân có dấu hiệu thường xuyên nhức đầu và tay chân. Đi khám, phát hiện bị suy thận. Do thể trạng yếu nên mỗi khi uống thuốc chị lại mệt, thi thoảng quên uống thuốc.
Đến tháng 8.2020, cơ thể chị X. bắt đầu phù nhiều, đi khám được chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống.
Ê kíp phẫu thuật ghép thận cho bệnh nhân. Ảnh BVCC
Chị X. chia sẻ: "Cứ cách ngày lại phải chạy thận một lần, hôm sau người rất mệt, có khi nôn ói. Toàn thân bị phù, đi đứng rất khó khăn, ăn ngủ không được".
Nhìn thấy vợ vật vả đau đớn vì bệnh tật và những lần cấp cứu, anh M.D (39 tuổi), chồng chị X., vô cùng lo lắng. Gia đình cố gắng tìm thận phù hợp để ghép cho vợ. Rất may, thận của anh D. tương thích với vợ.
"Tôi chỉ mong giữ được tính mạng cho vợ. Mỗi lần đưa vợ đi chạy thận nhìn thấy vợ đau đớn mà không thể giúp gì được...", anh D. nghẹn ngào.
Nhưng do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên đến nay ca ghép thận mới được tiến hành. Hồ sơ của hai vợ chồng được hội chuẩn kỹ lưỡng và nghiêm ngặt bởi các bác sĩ chuyên môn dày dặn kinh nghiệm. Mọi công tác chuẩn bị trong nhiều tháng nhằm đảm bảo sức khỏe và tinh thần tốt nhất cho hai vợ chồng.
Hiện sức khỏe hai vợ chồng ổn định, hồi phục tốt. Ảnh BVCC
Với sự hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn từ các chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á đã thực hiện ca ghép thận thành công cho bệnh nhân.
Ngày 6.12, thạc sĩ-bác sĩ Vũ Lệ Anh, Trưởng Khoa Nội Thận, Bệnh viện Xuyên Á, chia sẻ: "Sau hơn 4 giờ phẫu thuật, cả hai vợ chồng được chuyển sang phòng hồi sức. Sau đó, bệnh nhân đã có nước tiểu, cho thấy thận ghép vào bắt đầu hoạt động tốt".
Hiện tại, sức khỏe của hai vợ chồng đã ổn định, và tiếp tục được các bác sĩ theo dõi sát.
Thạc sĩ-bác sĩ Nguyễn Vĩnh Bình, Trưởng Khoa Ngoại Tiết Niệu, Bệnh viện Xuyên Á, cho biết: Đây là ca ghép thận thứ 2 thành công giữa người nhận và người cho không cùng huyết thống được thực hiện tại bệnh viện.
Xuyên đêm nối bàn tay bị đứt lìa cho bệnh nhân ở Bình Dương Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã kích hoạt quy trình báo động đỏ và huy động ê-kíp xuyên đêm phẫu thuật nối bàn tay cho bệnh nhân. Ngày 30/8, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết sau khi phẫu thuật nối bàn tay bị đứt lìa, tình hình của bệnh nhân ở Bình Dương đang có tiến triển khả...