Người phụ nữ bị oan sai, qua hai thập niên vẫn… kêu cứu
Một vụ kỳ án xảy ra cách đây 20 năm, dư âm vẫn còn âm ỷ kéo dài, còn nhiều uẩn khúc mà các cơ quan chức năng cần phải làm rõ.
Từ một doanh nhân “bỗng dưng” biến thành tội nhân
Đó là trường hợp của bà Phùng Thị Thu, ngụ tại xóm 4, thôn An Đông, xã An Bối, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình bị kết án oan trong vụ án hình sự xảy ra tại TP Thái Bình cách đây 20 năm. Theo đó, năm 1992 bà Phùng Thị Thu đã thành lập Doanh nghiệp tư nhân Thành Công chuyên kinh doanh gia công, sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, sau đó đổi thành Xí nghiệp may xuất khẩu Thành Công.
Bà Phùng Thị Thu trình bày sự việc với PV Báo Pháp luật Việt Nam.
Ngày 28/12/1992, UBND tỉnh Thái Bình giao cho Xí nghiệp Thành Công 1.995m2 theo Quyết định số 516/QĐ – UB. Ngày 30/11/1993 UBND tỉnh Thái Bình tiếp tục giao 1.460m2 đất cho Xí nghiệp Thành Công tại km2, đường 10 (Phường Quang Trung, TP Thái Bình). Tổng diện tích đất mà UBND tỉnh đã giao cho Xí nghiệp Thành Công là 3.455m2 và các quyết định trên đều được gia hạn thêm 3 năm.
Theo thông tin và chứng từ kế toán bà Thu cung cấp, từ năm 1996 – 1998 các hoạt động sản xuất kinh doanh của Xí nghiệp Thành Công luôn có lãi từ 02% – 15% trên tổng doanh thu, hợp đồng ký kết trực tiếp với đối tác nước ngoài được thực hiện thuận lợi, từ đó Xí nghiệp đã tạo được công ăn việc làm cho gần 1000 lao động và đào tạo miễn phí cho những lao động là con em thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Với những thành tích đạt được trong hoạt động kinh doanh và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, bà Phùng Thị Thu trở thành doanh nhân điển hình của tỉnh trong thời điểm đó.
Trước đây, để có vốn kinh doanh cũng như xây dựng xưởng sản xuất và mua các thiết bị máy móc, Xí nghiệp Thành Công do bà Phùng Thị Thu làm giám đốc đã làm thủ tục vay vốn của Ngân hàng Công thương tỉnh Thái Bình (tiền thân của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – CN Thái Bình hiện nay) với số tiền là 3.571.000.000 đồng có thế chấp tài sản theo 19 khế ước.
Công việc trả nợ cho Ngân hàng của Xí nghiệp Thành Công vẫn được thanh toán đầy đủ hàng năm theo thỏa thuận, tính đến ngày 30/9/1998, Xí nghiệp Thành Công đã trả nợ gốc là 1.799.884.000 đồng cho Ngân hàng Công thương.
Bên cạnh đó, theo Biên bản định giá tài sản được lập vào ngày 15/6/1995 thì tài sản thế chấp của Xí nghiệp Thành Công là 3.450.777.000 đồng (bao gồm đất, nhà xưởng, thiết bị máy móc…) và các tài sản không thế chấp Ngân hàng có giá trị gần 2 tỷ đồng. Tuy nhiên ngày 02/10/1998, Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và ra lệnh bắt tạm giam bà Phùng Thị Thu để điều tra với 05 tội danh: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN”; “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân”; “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN”; “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân” và “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”. Sau đó VKS nhân dân tỉnh Thái Bình ra cáo trạng truy tố bà Phùng Thị Thu 2 tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân và Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.
Từ đó, bà Phùng Thị Thu đang là doanh nhân thành đạt và có uy tín tại Thái Bình bỗng trở thành “tội nhân” để sau này còn nhiều điều oan ức còn “âm ỉ” mãi tới bây giờ. Ngày 25/9/1999, TAND tỉnh Thái Bình mở phiên tòa sơ thẩm xét xử và Bản án số 171/HSST tuyên phạt bà Phùng Thị Thu 15 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân” và 01 năm tù về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.
Sau đó bà Phùng Thị Thu có đơn kháng cáo bản án và kêu oan tới các cấp, ngày 22/08/2000, TAND cấp cao tại Hà Nội đưa vụ việc của bà Phùng Thị Thu ra xét xử và Bản án số 1605 đã tuyên bà Thu không phạm tội “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật” (qua giám định: quả lựu đạn là giả, sử dụng cho dân quân luyện tập), đồng thời hủy bản án sơ thẩm mà TAND tỉnh Thái Bình đã tuyên bà Thu về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân”.
Tuy nhiên, thời gian này bà Thu vẫn bị tạm giam để các cơ quan tố tụng tỉnh Thái Bình tiếp tục điều tra nhưng không thể chứng minh được hành vi phạm tội của bà Thu. Mãi đến ngày 08/3/2002 bà Thu mới được trả tự do sau 3 năm 6 tháng bị giam cầm trong oan ức.
Video đang HOT
Mặc dù được trả tự do, nhưng đến 02/3/2004 Viện KSND tỉnh Thái Bình ra Quyết định đình chỉ điều tra bị can số 09/KSĐT đối với bà Phùng Thị Thu do Phó Viện trưởng – Hoàng Văn Vĩnh ký và Quyết định đình chỉ vụ án hình sự số 01/KSĐT ngày 13/3/2008 do Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Bình ký, khi đó bà Phùng Thị Thu mới thực sự được trả lại sự trong sạch.
Ngang nhiên phát mại tài sản khi chưa có phán quyết của tòa
Trong quá trình bà Phùng Thị Thu bị bắt tạm giam 06 tháng để điều tra các tội danh mà Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Thái Bình truy tố thì ở ngoài đã xảy ra một việc “động trời” được thực hiện bởi UBND tỉnh Thái Bình và Viện KSND tỉnh Thái Bình đối với những tài sản mà Xí nghiệp Thành Công đang sở hữu.
Cụ thể, ngày 10/6/1999 tức là trước khi TAND tỉnh Thái Bình đưa vụ việc ra xét xử, Viện KSND tỉnh Thái Bình đã ra Văn bản số 521/KSĐT – KT và Văn bản số 522/KSĐT – KT do ông Trần Xuân Vị – Phó Viện trưởng ký cho phép Ngân hàng Công thương định giá tài sản và tiến hành phát mại.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thái Bình cũng đã ra Công văn số 559/CV – UB do ông Hoàng Đình Thạch – Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký có ghi rõ: “Cho phép các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua tài sản: Nhà xưởng, vật kiến trúc trên diện tích đất Xí nghiệp may Thành Công được thuê đất để sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh theo quy hoạch của UBND tỉnh”.
Như vậy, việc điều tra đối với bà Phùng Thị Thu vẫn đang trong quá trình điều tra, chưa có phán quyết của TAND mà UBND, VKSND tỉnh Thái Bình đã ngang nhiên đưa tài sản hợp pháp của bà Thu để tiến hành phát mại. Trong khi thời hạn vay nợ, thế chấp tài sản chưa hết hạn bởi lẽ ngày 05/9/1995, Ngân hàng đã chuyển các khoản vay của Xí nghiệp Thành Công từ ngắn và trung hạn sang dài hạn có thời gian lên tới 25 năm (1995 – 2020).
Quay lại vụ án của bà Phùng Thị Thu, sau khi TAND cấp cao hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Thái Bình, đồng thời bà Phùng Thị Thu được trả tự do sau 3 năm 6 tháng bị giam cầm oan ức. Việc bị tù oan, khiến cho bà Thu và gia đình rơi vào cảnh cùng quẫn, vợ chồng ly tán, con cái bệnh tật, ốm đau.
Vụ án oan của bà Phùng Thi Thu như “kêu thấu trời xanh”, Viện trưởng Viện Kiển sát tối cao đã có công văn gửi Viện KSND tỉnh Thái Bình yêu cầu giải quyết đền bù oan sai và công khai xin lỗi đối với bà Phùng Thị Thu. Ngày 30/11/2010 bà Phùng Thị Thu được tiến hành bồi thường thiệt hại theo số 762/QĐ -VKS với số tiền là hơn 300 triệu đồng, tiếp tục đến năm 2012 bà Thu được bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất theo Quyết định số 09/QĐ – VKS với số tiền là hơn 900 triệu đồng.
Mọi việc không có gì đáng nói nếu trước khi bị kết án, các tài sản của Xí nghiệp Thành Công mà bà Phùng Thị Thu làm chủ sở hữu đã bị phát mại, việc này đã gây thiệt hại lớn cho bà Thu, điều này cũng không được Viện KSND tỉnh Thái Bình đề cập đến, thậm chí cho đến nay việc này vẫn không biến chuyển. Bà Thu bức xúc: “Tôi được minh oan thì Viện KSND tỉnh Thái Bình phải có trách nhiệm thương lượng và giải quyết việc bồi thường thiệt hại cho tôi. Tuy nhiên họ luôn né tránh, không giải thích, hướng dẫn để tiến hành bồi thường các thiệt hại của Xí nghiệp Thành Công”.
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV Báo PLVN, ông Nguyễn Anh Đức – Chánh văn phòng Viện KSND tỉnh Thái Bình cho biết: “Vụ việc đã được Viện KSND tỉnh Thái Bình báo cáo Viện KSNDTC theo Công văn chỉ đạo số 8947 ngày 05/3/2019 của Văn phòng TƯ Đảng yêu cầu báo cáo toàn bộ quá trình giải quyết vụ án.
Tuy nhiên, vụ án này TAND tỉnh Thái Bình đã tuyên nên trách nhiệm giải quyết lúc đó thuộc về tòa án. Viện KSND tối cao vẫn yêu cầu VKSND tỉnh Thái Bình phối hợp với tòa án để tiến hành công khai xin lỗi và bồi thường”. Vụ việc trên khiến dư luận hết sức băn khoăn và khó hiểu rằng vì sao, UBND tỉnh Thái Bình, Viện KSND tỉnh Thái Bình đã căn cứ vào đâu mà vội vàng tiến hành phát mại tài sản và tài sản thế chấp Ngân hàng của Xí nghiệp may Thành Công do bà Phùng Thị Thu làm chủ sở hữu?
Theo luật sư Nguyễn Huy An – Trưởng VP Luật sư Huy An cho rằng: “Việc UBND tỉnh Thái Bình, VKSND tỉnh Thái Bình tiến hành phát mại tài sản, trong trường hợp tài sản đó có là tang vật vụ án thì bên nào tiến hành phát mại thì bên đó phải chịu trách nhiệm”.
Có thể nói vụ án oan sai của bà Phùng Thị Thu là một kỳ án đã kéo dài hai thập niên, còn rất nhiều câu hỏi cần phải được các cơ quan có liên quan đến vụ việc giải thích tường tận để làm rõ bản chất của vụ việc. Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình cần sớm vào cuộc làm rõ kỳ án này để tiến hành xác mình làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân gây nên vụ án cho bà Thu. Đồng thời có biện pháp sớm khắc phục những thiệt hại mà bà Phùng Thị Thu và Xí nghiệp may Thành Công phải hứng chịu.
Hoàng Vượng
Theo phapluatplus
Người đàn bà 4 con sống lệ thuộc vũ trường, thích khoe thân bốc lửa
Vừa có tiền sắm những bộ cánh thời thượng vừa được lên sàn nhảy khoe thân hình bốc lửa, Lã Thị Hiền, SN 1977, ở TP Nam Định tự biến mình thành kẻ sống lệ thuộc vào vũ trường cho tới ngày bị bắt.
Với hành vi vận chuyển 1.000 viên thuốc lắc, Hiền bị kết án 15 năm 6 tháng tù. Ngày nhập trại, cô mới 33 tuổi nhưng đã là mẹ của 4 đứa con.
Vụ án của 10 năm trước
10 năm trước, khi đó Hiền vẫn đang tự do, còn ngụp lặn trong cuộc sống gấp với chu trình ngày ngủ đêm đi, chiều lượn lờ đánh võng. Cô sống nhàn nhã với túi tiền rủng rỉnh, quần áo hàng hiệu khiến bạn bè thèm muốn.
Không ai biết Hiền kiếm tiền như thế nào, sao lại giỏi thế khi mà mọi cái đều trông cả vào cửa hiệu quần áo thời trang trên đường Phan Chu Trinh, thành phố Nam Định. Nếu ai có tò mò hỏi thì Hiền nói có tiền nhờ trúng cầu môi giới nhà đất, thắng được "vài quả" mua đi bán lại vài ngôi nhà.
Riêng với các trinh sát Công an tỉnh Nam Định thì họ chẳng lạ gì thân thế người phụ nữ này bởi cô ta được xác định là một mắt xích trong đường dây tiêu thụ thuốc lắc trên địa bàn thành phố. Duy chỉ có điều các trinh sát ngạc nhiên là tại sao một người sinh ra, lớn lên, lấy chồng và sống trong một gia đình cơ bản, từ trước đến nay vẫn được nhận xét là lương thiện bỗng chốc lại tha hóa nhanh như thế.
Hiền sinh ra trong một gia đình công chức, 17 tuổi cô đã đẹp rực rỡ và mối tình đầu nhanh chóng kết trái với một đám cưới rộn rã. Chồng cô cũng là một thanh niên điển trai, con nhà công chức nên có thể nói rằng đó là một cặp uyên ương "môn đăng hậu đối" cả về nghĩa đen và nghĩa bóng trong đó có cả việc hai người... đều chưa có việc làm.
Bố mẹ chồng kinh tế khá giả, nhà lại mặt đường nên dễ kinh doanh buôn bán. Thời gian đầu về nhà chồng, công việc duy nhất Hiền phải làm là lau dọn nhà cửa và ngày ba lần vào bếp chuẩn bị đồ ăn cho cả nhà. Cô không phải kiếm tiền, không phải lo kinh tế, chồng cô cũng vậy nên họ cứ vô tư sống và thoải mái sinh con. Hai đứa con trai lần lượt chào đời chỉ khiến Hiền bận bịu thêm vì chăm hai đứa trẻ chứ việc kiếm tiền vẫn do bố mẹ chồng đảm nhiệm.
Không đồng ý với cách sống của em gái là phụ thuộc vào bố mẹ chồng, anh trai Hiền khi đó đang làm việc ở sân bay Tân Sơn Nhất đã động viên em gái cùng chồng vào TP. Hồ Chí Minh làm việc. Vậy là vợ chồng Hiền gửi hai con cho ông bà nội, nhờ nuôi hộ còn họ vi vu vào Nam. Mấy tháng sau, nhờ hình thức cao ráo, ưa nhìn, chồng Hiền được anh vợ xin làm ở sân bay Tân Sơn Nhất còn Hiền tạm thời chưa thu xếp được.
Các phạm nhân nữ trại giam Ninh Khánh đang cải tạo lao động ở đội đan cói.
"Vào trong đó, chồng em đi lái xe còn em ở nhà mở cửa hàng bán xe đạp điện, cuộc sống dễ thở hơn ngoài Bắc nhiều vì dễ kiếm tiền nên em đẻ thêm hai đứa con nữa", Hiền kể. Cô ngượng nghịu trước ánh mắt ngỡ ngàng của chúng tôi bởi thật khó có một người mẹ 4 con nào còn giữ được dáng chuẩn, nhan sắc mặn mà như cô.
7 năm sống trong Nam mà vẫn không xin được việc, Hiền quyết định quay về Nam Định với suy nghĩ quản lý, dạy dỗ đứa con trai lúc này đã bước vào tuổi học làm người lớn. Cô mang theo cả 2 đứa con nhỏ ra Bắc, để chồng ở lại Sài Gòn, công tác. Hằng tháng chồng Hiền đều đặn gửi tiền ra cho vợ. Xét về mọi phương diện, theo như Hiền đánh giá thì chồng cô là người: "đẹp trai nhưng rất hiền lành, chẳng biết ăn chơi đua đòi bao giờ, ngày ngày đi làm, đến tháng lại gửi tiền về cho vợ".
Quay về nhà chồng, Hiền lại tiếp tục cuộc sống trước đó của một người phụ nữ chỉ biết nội trợ, nhưng 7 năm trời sống tự lập đã làm cô không sống cam phận như trước đây nữa. Hiền xin bố mẹ chồng được tham gia kinh doanh cùng nhưng dường như cô sinh ra là để làm đẹp, là không động chân động tay tới những thứ xù xì, thô nháp nên chỉ đứng bán hàng cùng bố mẹ chồng một thời gian mà chân tay Hiền cứ mẩn ngứa vì xi măng, gạch men, sắt thép.
Nhận thấy việc kinh doanh vật liệu xây dựng không còn phù hợp tuổi tác của mình nên bố mẹ chồng Hiền động viên con dâu chọn lấy một nghề để kinh doanh chứ cho thuê cửa hàng thì uổng phí bao năm gây dựng.
Nghe theo bố mẹ chồng, Hiền đi học nghề trang điểm cô dâu. Cô mở một cửa hàng thời trang, bán quần áo, mỹ phẩn. Ấy thế mà đùng một cái Hiền bị bắt khi đang đi xe máy, vận chuyển 1.000 viên ma túy tổng hợp từ Hà Nội về Nam Định.
Khai với cơ quan điều tra, Hiền nhận mua để mang vào vũ trường bán. Cô không bán lẻ cho dân chơi mà đổ buôn cho những kẻ lấy chốn đinh tai nhức óc vì đèn và nhạc này để làm giàu. Lý giải nguyên nhân khiến cô vào tù tội, Hiền khai vì muốn níu giữ tuổi xuân, muốn được nhận nhiều hơn nữa những lời ngưỡng mộ.
Chỉ còn nỗi ân hận
Hiền bảo sau khi vào trại giam Ninh Khánh được một năm, cô được mọi người tín nhiệm giao cho làm đội trưởng đội sản xuất. Mái tóc tém hợp mốt, đôi mắt to tròn và hai lúm đồng tiền rất sâu, chứng tỏ Hiền là một người rất biết khai thác lợi thế của bản thân.
Hiền bảo từ ngày đi cải tạo, cô đã lao động ở nhiều xưởng, từ làm mi giả, đan cói đến may mặc, xưởng nào cô cũng được cán bộ tin tưởng giao cho làm đội trưởng, vừa lao động vừa đôn đốc chị em trong tổ làm việc.
Tính đến nay đã 10 năm có lẻ, chừng ấy thời gian đủ dài để cô thấm thía lỗi lầm của mình đã gây ra cho gia đình. Gia đình, con cái, danh tiếng của hai bên dòng họ, cũng chỉ vì cái tính bốc đồng của Hiền mà trở nên tai tiếng."Lần đầu tiên vào đây, mẹ và em gái lên thăm, em khóc suốt vì ân hận. Lần thứ hai nghe thông báo con trai đèo bà nội vào thăm, em đấu tranh tư tưởng mãi mới ra gặp", Hiền kể.
Theo lời Hiền kể thì trước đây cô cũng chỉ biết ăn mặc sao cho sạch sẽ, gọn gàng chứ chưa biết làm đẹp như bây giờ. Chính thời điểm bố mẹ chồng đồng ý cho đi học nghề trang điểm cô dâu, lần đầu tiên Hiền mới hiểu rằng con người ta nếu biết cách trang điểm, ăn mặc thì sẽ đẹp hơn nhiều lắm.
Cô bắt đầu chú ý đến bản thân, biết cách để kiểu tóc nào cho hợp với khuôn mặt, diện những bộ quần áo hợp với dáng người và cũng từ đây người mẹ bốn con bắt đầu muốn níu giữ thời xuân sắc của mình. Hiền lén đi học nhảy và tất nhiên mỗi khi theo đám bạn tới vũ trường, cô phải nói dối bố mẹ chồng, dối con cái và chẳng khi nào dám mặc những bộ quần áo diêm dúa, thiếu vải ngay từ ở nhà vì sợ lộ.
Mặc dù khao khát được nghe được thấy những lời khen, sự ngưỡng mộ của mọi người, mơn trớn nhưng với đầu óc sắc sảo của một người từng lăn lộn buôn bán, Hiền nhận ra rằng chốn ăn chơi này hái ra tiền nếu biết mạo hiểm.
Cô kết thân với một vài kẻ có máu mặt ở sàn nhảy, từ đó mà biết được mánh mối mua bán thuốc lắc. Thường thì Hiền mua thuốc lắc ở bên ngoài, khoảng chục viên đưa vào vũ trường bán cho dân chơi nhưng nếu có đơn đặt hàng từ vài trăm viên trở lên, cô "dông" thẳng lên Hà Nội lấy hàng. Chuyến cuối cùng bị bắt cũng là nhiều nhất, 1.000 viên ma túy tổng hợp, chính vì thế mà mức án dành cho cô không hề thấp.
Ngày Hiền bị bắt, không chỉ bố mẹ cô mà ngay cả bên gia đình chồng ai cũng sốc vì không tin cô con dâu xinh xắn, dáng vẻ cao sang lại nhanh hư đến vậy. Từ trong miền Nam, chồng Hiền tức tốc trở về để rồi ngỡ ngàng nhận ra sự thay đổi đến chóng mặt của vợ.
Vẫn dáng người thon gọn, dong dỏng ngày nào nhưng Hiền bây giờ không còn là người vợ dịu dàng nữa mà thay vào đó là một phụ nữ mạnh mẽ và cá tính. Gương mặt được công nghệ thẩm mỹ chăm chút kỹ càng, Hiền đẹp hiện đại khiến anh chồng không nhận ra.
"Lần đầu chồng em vào thăm, cả hai chỉ nhìn nhau khóc. Anh ấy động viên em cố gắng cải tạo, mọi việc nuôi dạy con cái đã có anh và bố mẹ lo. Vẫn biết sẽ phải là thế nhưng bản thân là phụ nữ, nghe chồng nói những lời ấy đau lòng lắm", Hiền kể.
Rồi cô cười gượng gạo, mắt rớm lệ khi cho biết cậu con trai lớn vì bản lý lịch xấu của mẹ mà không dám dự thi ĐH Kiểm sát-nghề mà cậu mơ ước từ nhỏ. Đứa con trai thứ hai cũng thế. Nghe hai con nói không thích nghề đó nữa rồi, Hiền biết chúng sợ cô buồn nên nói vậy. Theo lời Hiền thì cô may mắn có người chồng tốt và bốn đứa con ngoan ngoãn, học giỏi. Hai đứa lớn đã đi làm còn hai đứa bé thì đang học đại học.
"Em may mắn vì có bố mẹ chồng quan tâm nên các con em đều được ăn học đến nơi đến chốn. Chính điều đó là động lực để em cải tạo tốt hơn, ngày về cũng không còn bao xa nữa", Hiền tâm sự.
Hơn 10 năm cải tạo, phạm nhân Lã Thị Hiền đã 3 lần được xét giảm án và ngày trở về đoàn tụ với gia đình của cô đã hiện ra trước mắt. Hiền bảo nếu được xét tha có điều kiện, có thể tết này cô được sum vầy cùng gia đình còn nếu không, chỉ qua 2 cái tết nữa thôi là cô mãn hạn. Nghĩ tới điều đó, đôi mắt Hiền lấp lánh. Có lẽ đang nghĩ tới cảnh trở về ngôi nhà của mình sau hơn chục năm lầm lỗi.
Theo Danviet
Kỳ án kêu oan suốt 6 năm ở Quảng Ninh: Sau 3 ngày xét xử, Tòa vẫn chưa thể tuyên án Sau khi bị cáo nói lời sau cùng, HĐXX quyết định kéo dài thời gian nghị án đến 25/4 sẽ tuyên án. Liên quan đến phiên tòa xét xử vụ " kỳ án kêu oan suốt 6 năm ở Quảng Ninh", chiều 18/4, phiên tòa đã kết thúc phần tranh tụng và bị cáo Bùi Mạnh Giáp (36 tuổi, trú huyện Mê Linh,...