Người phụ nữ bán vé số hiến máu, hiến xác cứu người
Phải bán vé số kiếm ăn từng bữa nhưng chị lại rất “hăng hái” hiến máu cứu người. Mới đây, chị còn quyết định hiến xác cho y học với mong ước có thể mang lại mạng sống cho nhiều người.
Chị là Nguyễn Thị Hồng Điệp, 43 tuổi, ngụ ấp 4, La Ngà, Định Quán, Đồng Nai. Để gặp được chị không khó. Có người bảo cứ lên Hội Chữ thập đỏ huyện Định Quán là được cán bộ đưa tới tận nhà chị. Cũng có người bảo chỉ cần ngồi ở một quán cà phê ven quốc lộ 20 đoạn qua xã La Ngà là sẽ gặp chị đi bán vé số ngang qua.
Nhà của chị Điệp nằm lẩn khuất trong xóm nhỏ. Ngoài những tấm bằng khen, kỷ niệm chương, huy hiệu… treo trên tường thì không còn vật dụng gì có giá trị. Chị hồ hởi cho biết: “Nhiều hôm đi bán vé số từ sáng tới chiều nhưng tôi không hề khóa cửa. Trong nhà chẳng có tiền bạc hay tài sản gì giá trị nên chẳng sợ kẻ trộm rình mò”.
Về hành trình hiến máu cứu người, chị chia sẻ: “Khoảng hơn chục năm về trước, tôi bị ốm thập tử nhất sinh nên phải vào bệnh viện chữa trị. Lúc đang nằm trên giường bệnh thì tình cờ đọc thấy bài báo viết về hoàn cảnh một gia đình có con nhỏ bị chết do thiếu máu. Từ đó ý định hiến máu cứu người trong tôi bắt đầu trỗi dậy. Khoảng 2 tháng sau, khi hết bệnh thì cũng là lúc tôi “xông pha” hiến máu”.
Chị Nguyễn Thị Hồng Điệp với 66 lần hiến máu nhân đạo và hiến xác cho y học
Video đang HOT
Cuộc sống gặp nhiều khó khăn, hàng ngày chị phải rảo bước trên khắp làng trên xóm dưới để bán vé số. Vậy nhưng chị chưa bao giờ cho phép mình ngưng việc hiến máu cứu người. Mỗi lần hiến máu là chị lại phải đi xe đò để về Trung tâm Y tế huyện Định Quán hoặc xa hơn thì vào TP Hồ Chí Minh. Những lần như vậy chị đều phải tự xoay xở kinh phí ăn uống, đi lại. Chị cho biết, trong bệnh viện có rất nhiều bệnh nhân đang cần những giọt máu của mình. Nếu thiếu máu, họ sẽ không bao giờ khỏi bệnh hoặc có thể sẽ mất đi cơ hội sống. Vậy nên dù khó khăn đến mấy chị cũng tìm cách đi hiến máu.
Với tinh thần “mỗi giọt máu cho đi là một mạng người ở lại” nên đến nay chị đã 66 lần đi hiến máu. Mỗi lần như vậy, chị cho đi ít nhất 450ml máu và nhiều nhất có thể lên đến 1 lít. Một trong những kỷ niệm nhớ đời nhất đối với chị Điệp là vào năm 2008, sau khi hiến máu tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh, chị bắt xe ôm ra bến xe để về Đồng Nai. Đang đi trên đường thì bắt gặp một vụ tai nạn khiến một phụ nữ nguy kịch. Thấy vậy, chị lại lao vào đưa người phụ nữ đó đi cấp cứu.
“Lúc đó tôi không nghĩ gì tới chuyện về nhà mà cứ chạy ra chạy vào lo lắng cho tính mạng của người đó. Thấy bác sỹ bảo cần máu để phẫu thuật, tôi đã làm các thủ tục để cho máu. Lần đó tôi phải giấu bác sỹ, không dám nói rằng mình vừa mới cho máu vì theo quy định, phải 3 tháng sau mới được hiến máu trở lại. Lần đó tôi cho chị ấy gần 1 lít máu nhưng may mắn không bị ảnh hưởng gì. Bây giờ nghĩ lại thấy mình liều thật”, chị Điệp nhớ lại.
Không chỉ hiến máu cứu người, hàng ngày cùng với việc đi bán vé số, chị lại tuyên truyền, vận động mọi người cùng tham gia hiến máu. Chị chia sẻ: “Người hiểu thì đồng lòng tán thưởng. Người không hiểu thì cho mình là người điên. Có người nói rằng mình quá nghèo nên phải vào bệnh viện bán máu lấy tiền nuôi thân. Đôi lúc nghĩ lại rất tủi phận”.
Góp phần mang lại mạng sống cho nhiều người nhưng bản thân chị lại là người phụ nữ thiệt thòi hơn ai hết. Chồng bỏ đi, chị ở vậy một mình nuôi con. Nhưng may mắn không mỉm cười với chị khi người con gái duy nhất của chị bị bệnh hẹp van tim. Gia cảnh khó khăn nên chị đành cầm cố sổ đỏ lấy tiền chữa bệnh cho con.
Không những hiến máu cứu người, chị Điệp còn hiến xác cho y học. Tháng 12 năm 2012, tâm nguyện hiến xác của chị đã được trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh chấp nhận. Vừa cầm tấm thẻ “Tự nguyện hiến thi hài sau khi qua đời cho y học” trên tay, chị vừa tâm sự: “Tôi nghĩ, cái chết của mình phải là cái chết có ích cho xã hội. Nếu xác của mình đem an táng thì mình chẳng giúp ích được gì. Hiến xác cho y học là điều rất nên làm”.
Chị cũng gặp gỡ, chuyện trò với những người bạn để động viên họ cũng hiến xác cho y học. Nhiều lần như vậy, chị bị người ta mắng chửi, thậm chí bị đánh.
Bà Lương Thanh Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Định Quán, Đồng Nai, xác nhận: “Chị Nguyễn Thị Hồng Điệp có hoàn cảnh khó khăn và phải đi bán vé số mưu sinh. Những năm qua, chị Điệp luôn là người tiêu biểu của phong trào hiến máu tình nguyện. Đó là việc làm cao quý và đáng được biểu dương. Ngoài hiến máu cứu người, hiến xác cho y học, Điệp vận động rất nhiều người trên địa phương tham gia chương trình hiến máu và hiến xác”.
Tháng 6 năm 2011, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai tặng chị bằng khen “Có thành tích xuất sắc hiến máu tình nguyện năm 2011″. Tháng 12 năm 2011, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng chị Kỷ niệm chương “Có thành tích xuất sắc trong hoạt động nhân đạo, góp phần xây dựng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vững mạnh”. Tháng 6 năm 2012, chị được Ban chỉ đạo Quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện tặng kỷ niệm chương “Người hiến máu tình nguyện, tiêu biểu Việt Nam năm 2012″. Năm 2012, chị Điệp được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Bằng khen vì “Có nhiều thành tích trong phong trào hiến máu tình nguyện năm 2011″.
Theo Dantri
Hàng trăm bác sĩ trẻ tình nguyện về miền núi
Dự án Thí điểm đưa bác sĩ trẻ về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa mới được Bộ Y tế phát động chưa lâu, song hiện đã có hàng trăm bác sĩ trẻ tình nguyện đăng ký tham gia. Sau đề án 1816, dự án này được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt trong phát triển hệ thống y tế nước nhà đến tận cấp cơ sở.
Bác sĩ trẻ về công tác tại huyện Bắc Mê (Hà Giang) theo đề án 1816
Dấn thân và cơ hội
Vào đúng Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) năm nay, tại trường Đại học Y Hà Nội, Bộ Y tế triển khai Dự án "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng khó khăn, biên giới hải đảo và 62 huyện nghèo". Sự kiện này đang là đề tài được rất nhiều y bác sĩ trẻ, những sinh viên năm cuối của 4 trường Đại học Y ở miền Bắc gồm ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Hải Phòng, ĐH Y Thái Bình và ĐH Y Thái Nguyên hết sức quan tâm. Hiện tại đã có gần 100 sinh viên của 4 trường nói trên, trong đó chỉ tính riêng trường Đại học Y Hà Nội đã có 50 sinh viên năm cuối các khoa - những bác sĩ trẻ chuẩn bị tốt nghiệp trong vài tháng nữa, đã đăng ký tình nguyện về công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo trên cả nước. Đó là chưa kể có khá nhiều bác sĩ trẻ đã ra trường, hành nghề được một thời gian cũng sẵn sàng đăng ký.
Mặc dù quy định về thời gian mà dự án đưa ra khá ngặt nghèo, đó là khi tình nguyện về công tác tại các vùng khó khăn, bác sĩ nam phải công tác tối thiểu 3-5 năm, với bác sĩ nữ tối thiểu là 2-3 năm, song qua tiếp xúc với các bác sĩ trẻ thì đó không phải là trở ngại lớn. Thậm chí, rất nhiều bác sĩ trẻ gia đình có điều kiện tốt, việc thu xếp công việc sau khi ra trường không cần lo lắng, song vẫn tình nguyện về các vùng khó khăn. Chẳng hạn như câu chuyện của Đoàn Văn Biên, sinh viên năm cuối ngành đa khoa - Đại học Y Hà Nội. Vốn là người rất thích tham gia các chương trình tình nguyện, sau khi được giới thiệu về chương trình dự án nói trên, Biên đã đăng ký sẽ về công tác tại huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) và Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) khi tốt nghiệp. "Biết ý định của em, bố mẹ em suy nghĩ rất nhiều và hiện vẫn chưa đồng ý, song em sẽ cố gắng thuyết phục thêm bố mẹ về ý nghĩa nhân văn của việc làm này" - Biên tâm sự.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, Bộ sẽ có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho các bác sĩ trẻ yên tâm khi về công tác tại các địa bàn khó khăn, bao gồm cả hỗ trợ về tiền lương cũng như tạo điều kiện cho các bác sĩ trẻ sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về được ký hợp đồng làm việc tại các BV công lập lớn... Ở cương vị người thầy giáo, PGS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, tham gia dự án là một cơ hội tốt, một trải nghiệm không dễ gì có được cho một số sinh viên ra trường như có ngay việc làm, được đào tạo miễn phí, được lựa chọn nơi trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Vẫn còn không ít âu lo
Những lời khẳng định của lãnh đạo ngành y tế, lời hứa hẹn của các nhà trường và BV đào tạo họ là cần thiết, song vẫn cần những đảm bảo có tính vững chắc hơn. Đó cũng là những tâm sự, những trăn trở nhiều nhất mà các bạn sinh viên năm cuối trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ tại buổi tọa đàm về chủ đề này. Trò chuyện với chúng tôi, một số bác sĩ trẻ nói thẳng rằng, họ cũng rất muốn đi tình nguyện nhưng chỉ sợ "đi rồi không có đường về, bởi trong khoảng thời gian 3-5 năm mà chúng em công tác tại miền núi, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều và khi về, không biết chúng em còn thích nghi được với môi trường công tác mới hay không".
Hoàng Quang Th., sinh viên ngành bác sĩ đa khoa - ĐH Y Hà Nội chia sẻ, em sẵn sàng đăng ký đi bất cứ nơi đâu để làm việc, để đem kiến thức, tay nghề của mình phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho người dân những vùng khó khăn. Tuy nhiên, bản thân em cũng như mọi người khi dấn thân cống hiến cũng đều mong muốn có một tương lai tốt hơn. Vì vậy, để đi đến quyết định cuối cùng cần phải "có những điều kiện" chặt chẽ hơn thì mới thúc đẩy các bác sĩ trẻ nhiệt tình tham gia chương trình này.
Sẽ cải thiện chất lượng y tế cơ sở
Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế cho biết, hiện nay rất nhiều huyện vùng sâu, vùng xa đang ở trong tình trạng thiếu trầm trọng nhân lực y bác sĩ. Yêu cầu phải có 7-8 bác sĩ/ 1 vạn dân, song nhiều địa phương cả huyện chỉ có chưa đến 7-8 bác sĩ, vì vậy không thể đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Với đề án đưa bác sĩ trẻ về vùng khó khăn, nhìn tổng thể vẫn chưa thay đổi căn cơ cho tình trạng thiếu bác sĩ ở vùng sâu, vùng xa nhưng chắc chắn khi triển khai,người dân vùng khó khăn sẽ được chăm sóc sức khỏe tốt hơn trước nhiều.
Theo ANTD
Những người trẻ "bỏ nhà" lên núi vì người nghèo Năm 2012, có gần 600 thanh niên, trí thức trẻ đã lần lượt khoác ba lô lên nhận nhiệm vụ tại 62 huyện nghèo nhất của cả nước theo Dự án 600 phó chủ tịch xã. Gác lại sau lưng gia đình, bè bạn, gác lại phố thị phồn hoa và thời sinh viên nhiều mơ mộng, những người con ấy nguyện đem...