Người phát ngôn BNG Trung Quốc trắng trợn bịa đặt: Tàu cá VN đâm tàu Hải cảnh TQ
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trắng trợn đổi trắng thay đen sự thật vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam trong tuyên bố mới đây.
Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 3/4, khi phóng viên đặt câu hỏi liên quan tới việc tàu cá Việt Nam bị chìm sau va chạm với tàu hải cảnh Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết:
“Vào sáng 2/4, một tàu hải cảnh Trung Quốc trong cuộc tuần tra định kỳ phát hiện tàu cá Việt Nam đánh bắt cá bất hợp pháp ở ngoài khơi quần đảo Tây Sa (thực chất là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam – PV) và ngay lập tức kêu gọi con tàu rời đi.
Tàu cá Việt Nam từ chối rời đi và bất ngờ chuyển hướng về phía tàu Trung Quốc. Mặc dù tàu hải cảnh của Trung Quốc đã cố hết sức để tránh, nhưng vẫn bị tàu cá Việt Nam đâm vào mũi tàu. Tàu cá Việt Nam sau đó bị ngập nước và chìm.
Tàu hải cảnh Trung Quốc đã ngay lập tức thực hiện chiến dịch giải cứu và cả 8 ngư dân Việt Nam đã được giải cứu mà không có bất cứ thương tích nào. Tàu hải cảnh Trung Quốc sau đó đã để ngư dân Việt Nam rời đi sau khi hoàn thành thủ tục điều tra và thu thập bằng chứng cần thiết”.
Phát ngôn của bà Hoa là sự bịa đặt trắng trợn, vốn song hành các tuyên bố ngang ngược của Trung Quốc về Biển Đông trước đây.
Trên thực tế, vào khoảng 3h ngày 2/4, tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90617 TS đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Trên tàu khi đó có 8 thuyền viên.
Sau khi bị đâm chìm, tàu Trung Quốc vớt 8 ngư dân của tàu QNg 90617 TS đưa về đảo Phú Lâm.
Tàu QNg 90617 TS bị đâm chìm ở Hoàng Sa. (Ảnh: Ngư dân chụp)
Sáng cùng ngày, nhận được tin báo, các tàu cá QNg 90929 TS của ông Nguyễn Thanh Linh, QNg 90045 TS của ông Đăng Tâm và tàu QNg 90399 TS của ông Đặng Dũng cùng chạy đến cứu nạn, cứu hộ.
Lúc này, các tàu cá tiếp tục bị tàu Trung Quốc truy đuổi, 2 tàu cá QNg 90929 TS và QNg 90045 TS sau đó cũng bị bắt, lai dắt vào đảo Phú Lâm.
Đến khoảng 18h ngày 2/4, Trung Quốc giao 8 ngư dân của tàu QNg 90617 TS cho 2 tàu cá QNg 90929 TS, QNg 90045 TS và thả 2 tàu cá này cùng 8 ngư dân của tàu chìm về.
Đây thực chất mới là diễn biến của vụ việc chứ không phải “sự thật”, mà do bà Hoa thêu dệt trong phát ngôn của mình.
Không chỉ dừng lại ở đó, trong tuyên bố sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn lớn tiếng cáo buộc “tàu đánh cá Việt Nam có thời điểm thường xuyên xâm phạm vùng lãnh hải và nội thủy của ‘quần đảo Tây Sa’ của Trung Quốc để đánh bắt cá”.
Cái mà Trung Quốc gọi là “quần đảo Tây Sa” thực chất là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc nhiều lần tuyên bố chủ quyền với quần đảo này để biện minh cho các hành động phi pháp của mình tại đây nhưng chưa từng đưa ra bất cứ bằng chứng thuyết phục nào cho các tuyên bố đó.
Video: 6 ngư dân kêu cứu ở Hoàng Sa
Bà Hoa còn ngang nhiên khẳng định “tàu cá Việt Nam phớt lờ và thậm chí có hành động nguy hiểm để chống lại việc thực thi pháp luật của Trung Quốc”.
“Phía Trung Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc với Việt Nam về vấn đề này, yêu cầu Việt Nam thông báo với ngư dân của mình và điều chỉnh hoạt động đánh cá của họ để đảm bảo không tái phạm việc xâm phạm vùng biển liên quan tới quần đảo Tây Sa của Trung Quốc hoặc thực hiện các hành động nguy hiểm chống lại lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc”, bà Hoa nói.
Đây là sự dối trá không thể chấp nhận bởi các ngư dân Việt Nam hoàn toàn đánh bắt cá hợp pháp tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, và cũng không hề có hành động nguy hiểm đối đầu với Trung Quốc như bà Hoa vu cáo.
Đáp trả hành động vô lối của Trung Quốc, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 3/4 đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 3/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh:
“Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”.
SONG HY
Ngư dân phẫn uất kể màn rượt đuổi, phun vòi rồng của Trung Quốc ở Hoàng Sa
Cuộc rượt đuổi kéo dài hàng tiếng đồng hồ trên sóng biển Hoàng Sa và tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi liên tục bị con tàu hung tợn phía Trung Quốc phun vòi rồng.
Ngang tàng, vô nhân đạo
Đúng 11h hôm nay (4/4), con tàu mang số hiệu QNg 90399 TS của ông Đặng Dũng (45 tuổi, trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cập bến tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ, khép lại chuyến ra khơi đầy giông gió.
Tàu QNg 90399 TS cập bến tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ.
Toàn bộ 16 ngư dân (bao gồm 12 thuyền viên hành nghề trên tàu ông Dũng và 4 ngư dân của tàu cá bị Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa được tàu ông Dũng giúp đỡ đưa về đất liền) lập tức di chuyển về Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn để thực hiện cách ly.
Nguồn thông tin duy nhất PV VTC News có thể khai thác được không ai khác ngoài chủ tàu Đặng Dũng.
Trò chuyện qua điện thoại, giọng của vị thuyền trưởng có thâm niên hàng chục năm hành nghề đánh bắt lộ rõ nỗi phẫn uất khi nhắc đến hành động ngang ngược của Trung Quốc ở ngư trường Hoàng Sa.
Ông Dũng nhớ như in, rạng sáng 2/4, cùng với 2 tàu cá khác cùng quê gồm QNg 90929 TS của ông Nguyễn Thanh Linh, QNg 90045 TS của ông Đặng Tằm, ông và 11 bạn thuyền hay tin tàu QNg 90617 TS do ông Trần Hồng Thọ làm chủ bị tàu Trung Quốc đâm chìm.
Video: 6 ngư dân kêu cứu ở Hoàng Sa
"Nhận được tin báo, 3 tàu tức tốc di chuyển tới vùng biển cách đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) khoảng 6 hải lý để tìm kiếm. Chúng tôi quần thảo khắp bề mặt nước nhưng không thấy tung tích ông Thọ và 7 ngư dân", ông Dũng kể và mô tả, tại khu vực này, hàng chục ngư dân trên 3 tàu chỉ thấy một phần nhỏ mũi tàu QNg 90617 TS trồi lên mặt nước.
Ngoài ra, 3 tàu sắt màu trắng của Trung Quốc cũng đang hiện diện và theo dõi sát sao các tàu cá tham gia cứu hộ.
Suốt hàng tiếng đồng hồ "án binh bất động", tầm 8h, 3 con tàu sắt Trung Quốc lù lù áp sát và tấn công 3 tàu cá Việt Nam.
Tàu QNg 90617 TS bị đâm chìm ở Hoàng Sa. (Ảnh: Ngư dân chụp)
Kể đến đây, ngư dân Dũng lớn giọng tố cáo, đó là hành vi ngang ngược, vô nhân đạo và bất chấp luật pháp của Trung Quốc.
"Riêng tàu của ông Linh bị một tàu sắt khống chế ngay chỗ tìm kiếm. Tàu tôi và tàu ông Tằm tăng tốc tháo chạy thì bị 2 tàu còn lại của Trung Quốc rượt đuổi.
Vừa bám đuổi, chúng vừa phun vòi rồng hết sức dã man khiến tàu ông Tằm bị gãy cabin, trong khi đó tàu tôi bị xây xát nhẹ", ngư dân Dũng bức xúc thuật lại bối cảnh của màn rượt đuổi kéo dài hàng giờ đồng hồ trên sóng biển Hoàng Sa.
Đến lúc "cắt đuôi" được tàu Trung Quốc, các thuyền viên trên tàu ông Tằm dốc sức sửa chữa cabin.
"Tất cả ngư dân trên tàu tôi vẫn tập trung nghe ngóng tình hình và nuôi quyết tâm trở lại khu vực tàu cá bị chìm để tìm 8 ngư dân.
Khi tôi vừa trở mũi thuyền quay lại thì bất ngờ bị tàu Trung Quốc áp sát, khống chế đưa về đúng vị trí ban đầu đôi bên giáp mặt. Rõ ràng, hành vi đâm tàu, truy đuổi và khống chế ngư dân Việt Nam của phía Trung Quốc là không thể chấp nhận", ông Dũng nói.
Tương trợ lúc hoạn nạn
Ông Dũng bộc bạch, ngày 2/4 vừa qua là tròn 20 ngày tàu của ông cùng 11 bạn thuyền "ăn dầm ở dề" ngoài ngư trường Hoàng Sa.
Thời điểm này, tất cả thuyền viên trên tàu thống nhất quay về đất liền sau chuyến ra khơi bội thu.
Các ngư dân vừa đặt chân về đất liền được kiểm tra y tế và đưa vào khu cách ly.
Tuy nhiên, kế hoạch của tàu ông Dũng bị "chặn" lại khi mọi người hay tin tàu cá của ông Thọ bị Trung Quốc đâm chìm.
Không một chút đắn đo, 12 ngư dân can trường trước sóng biển Hoàng Sa tức tốc hủy bỏ dự định trở về sum vầy sớm với gia đình để lao tới cứu anh em bạn thuyền cùng quê của mình đang lâm nạn.
"Rõ ràng, nếu bỏ mặc tàu của Thọ thì chúng tôi không phải trải qua những thời khắc nguy hiểm.
Tuy nhiên, khi xác định vọng hướng Hoàng Sa để kiếm miếng cơm manh áo, tất cả ngư dân đều đồng lòng, sẵn sàng tương trợ lẫn nhau lúc lâm nạn", thuyền trưởng Dũng quả quyết.
Và tinh thần tương thân tương ái ấy dẫn tới hệ quả là 12 ngư dân trên tàu ông Dũng cũng bị đưa về nơi mà tàu Trung Quốc bắt giữ trái phép 8 ngư dân trên tàu ông Thọ, cũng như đang khống chế tàu ông Linh.
"Vỡ òa. Thực sự rất đỗi vui mừng khi chứng kiến Thọ cùng 7 thuyền viên và tàu ông Linh vẫn an toàn. Tại đây, chúng tôi bị yêu cầu ký tên vào biên bản mà những kẻ ngang ngược soạn sẵn.
8h ngày 2/4, toàn bộ ngư dân của 3 tàu được trả tự do", thuyền trưởng Dũng chia sẻ và thông tin thêm, tàu của ông đưa 4/8 ngư dân trên tàu bị chìm về trước. Trong khi đó, ông Thọ cùng 3 ngư dân còn lại đang theo chân tàu ông Linh bám trụ đánh bắt ở Hoàng Sa.
Khoảng 3h ngày 2/4, tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90617 TS có công suất 420 CV do ông Trần Hồng Thọ (33 tuổi, trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) làm chủ, trên tàu có 8 thuyền viên, khi đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thì bị tàu Trung Quốc đâm chìm.
Sau khi bị đâm chìm, tàu Trung Quốc vớt 8 ngư dân của tàu QNg 90617 TS đưa về đảo Phú Lâm.
Sáng cùng ngày, nhận được tin báo, các tàu cá QNg 90929 TS của ông Nguyễn Thanh Linh, QNg 90045 TS của ông Đăng Tằm và tàu QNg 90399 TS của ông Đặng Dũng cùng chạy đến cứu nạn, cứu hộ.
Lúc này, các tàu cá tiếp tục bị tàu Trung Quốc truy đuổi, hai tàu cá QNg 90929 TS và QNg 90045 TS sau đó cũng bị bắt, lai dắt vào vùng biển thuộc đảo Phú Lâm.
Đến khoảng 18h ngày 2/4, Trung Quốc giao 8 ngư dân của tàu QNg 90617 TS cho 2 tàu cá QNg 90929 TS, QNg 90045 TS và thả 2 tàu cá này cùng 8 ngư dân của tàu chìm về.
THANH BA
Trung Quốc đâm chìm tàu, bắt ngư dân Việt Nam: Hành vi ngang ngược, vô nhân đạo Việc Trung Quốc liên tục phun vòi rồng xua đuổi, đâm chìm tàu, thậm chí bắt giữ ngư dân Việt Nam trái phép là hành vi ngang ngược, vô nhân đạo. Vụ 8 ngư dân Quảng Ngãi đang khai thác hải sản ở Hoàng Sa - ngư trường truyền thống tự bao đời, bất thình lình bị đâm chìm tàu mới đây như...