‘Người phán xử’ thay đổi định kiến về phim truyền hình Việt thế nào?
“Người phán xử” đã phát sóng tập cuối cùng cách đây 5 ngày, nhưng những bàn tán, đồn đoán về một diễn biến khác của bộ phim vẫn còn tiếp diễn.
Tối 31/8, Người phán xử phát sóng tập 47, cũng là tập cuối cùng trong sự chờ đợi và háo hức của nhiều khán giả truyền hình. Thế nhưng, tập phim đã không làm hài lòng số đông, vô số những chỉ trích trên mạng cho rằng mọi thứ diễn ra quá chóng vánh, thiếu thuyết phục trong một cái kết không thể bi thương hơn.
Trả lời cho những phản hồi trái chiều của khán giả và thắc mắc của giới truyền thông, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình – Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) lần đầu tiên đã phải gửi thông cáo báo chí để giải thích nội dung tập cuối của một bộ phim truyền hình.
Người phán xử là bộ phim đạt rating “khủng” ở khu vực Hà Nội. Ảnh: VFC.
Bộ phim mang lại sự mới mẻ chưa từng có
Thực tế, phim truyền hình Việt không hiếm gặp những cái kết lãng xẹt và nhạt thếch. Nhưng để trở thành một chủ đề bàn tán, tranh cãi và gây bão mạng xã hội như tập cuối Người phán xử, không phải tác phẩm “made in Vietnam” nào cũng làm được.
Người phán xử – bộ phim đầu tiên về thể loại tâm lý tội phạm đã gây bão màn ảnh nhỏ suốt năm tháng. Tên phim liên tiếp xuất hiện trong danh sách tìm kiếm phổ biến nhất trên Google. Số phận nhân vật, cách diễn xuất của diễn viên và những câu chuyện hậu trường phim cũng là đề tài “hút view” trên mặt báo.
Do vậy, không ít ý kiến cho rằng sở dĩ tập cuối Người phán xử bị chỉ trích vì 46 tập phim trước đó đã thành công. Và cảm xúc “thất vọng” mà nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội, thực chất, cũng bắt nguồn từ việc họ đã hy vọng quá nhiều. Hy vọng về một bộ phim Việt có chất lượng như nước ngoài, hy vọng về một câu chuyện kịch tính, gay cấn và bất ngờ đến phút chót.
Đơn vị sản xuất đã không đáp ứng được kỳ vọng của số đông, nhưng công bằng mà nói Người phán xử là bộ phim mang lại những mới mẻ chưa từng có, không chỉ đối với khán giả, báo chí – truyền thông mà còn cả với dàn diễn viên.
Chia sẻ với Zing.vn, diễn viên Bảo Anh (vai Bảo Ngậu) cho biết: “Trước đây, khéo cả năm tôi chẳng được ai phỏng vấn. Nhưng kể từ khi Người phán xử lên sóng, có ngày tôi tiếp tới ba cơ quan truyền thông”.
Với NSND Hoàng Dũng, NSƯT Trung Anh hay Việt Anh, mức độ bận rộn thậm chí còn cao hơn. Ngoài trả lời báo chí, những diễn viên này khá đắt show sự kiện, đóng clip quảng cáo. Thu nhập nhờ vậy cũng tăng lên đáng kể.
Rõ ràng, Người phán xử khổng chỉ góp một chủ đề sôi động trên mạng xã hội hay mang “view” lại cho mảng phim truyền hình Việt trên các mặt báo mà còn giúp chính đời sống của một số diễn viên truyền hình trở nên mới mẻ hơn bao giờ hết.
Video đang HOT
Phim được thu tiếng đồng bộ và quy tụ dàn diễn viên chuyên nghiệp.
Thay đổi định kiến về phim truyền hình Việt
Một thời gian dài, khán giả Việt quay lưng với phim truyền hình Việt. Thế nên, sức nóng của Sống chung với mẹ chồng và đặc biệt là 47 tập phim Người phán xử được cho là đã kéo công chúng trở lại với phim mang thương hiệu nội địa.
Khán giả của Người phán xử chủ yếu ở miền Bắc nhưng tương đối đa dạng về lứa tuổi, già trẻ lớn bé, nam nữ đủ cả. Người phán xử trở thành một bộ phim gia đình thay vì chỉ dành riêng cho những bà nội trợ như nhiều phim Việt hoặc phim Ấn Độ, Hàn Quốc phát sóng vào giờ vàng trước đó.
Anh Đặng Ngọc Cường, một khán giả 35 tuổi ở Hà Nội tếu táo: “Suốt 5 tháng Người phát xử phát sóng, bên những cốc bia trên bàn nhậu sau giờ tan tầm, cánh mày râu có thêm một chủ đề mới để bàn luận thay vì quanh quẩn với bóng đá và người đẹp”.
Trên mạng xã hội, không ít người bình luận: “Lâu lắm rồi mới lại có một phim Việt hay và có nhiều câu thoại đắt giá đến thế”.
Tất nhiên, để có được thành quả đó, đơn vị sản xuất dành nhiều tâm sức cho Người phán xử. Đây là dự án trọng điểm của VFC phát sóng trong năm 2017, đồng thời cũng là bộ phim có tư duy và cách thức làm phim khác biệt so với trước đây.
Là một bộ phim truyền hình chuyển thể từ kịch bản của Israel, Người phán xử đưa tội phạm trở thành nhân vật trung tâm để khai thác diễn biến tâm lý. Xuất hiện trong bối cảnh thể loại phim cảnh sát hình sự đang tỏ ra đuối sức, Người phán xử mang lại sự hấp dẫn mới vì lần đầu tiên, nhân vật trung tâm của bộ phim lại là một ông trùm trong thế giới ngầm thay vì các nhân vật chính diện.
Không chỉ dừng lại ở kịch bản, công nghệ làm phim cũng có nhiều cải tiến, Người phán xử là bộ phim hiếm hoi của VFC tiến hành thu tiếng đồng bộ. Vấn đề muôn thuở của phim truyền hình Việt là lồng tiếng đã được giải quyết. Nhờ vậy, âm thanh đến tai khán giả đã chân thực và sinh động hơn.
Ngoài ra, dàn diễn viên chuyên nghiệp của bộ phim cũng là một yếu tố đáng bàn. Người phán xử có sự tham gia của nhiều diễn viên gạo cội NSƯT Thanh Quý, NSƯT Hương Dung, NSƯT Trung Anh, Chu Hùng. Đặc biệt, là sự góp mặt của NSND Hoàng Dũng (vai Phan Quân), người được cho là “quái kiệt” trong vai phản diện đã góp phần không nhỏ vào thành công của bộ phim.
Những diễn viên trẻ như Việt Anh, Doãn Quốc Đam, Anh Đức cũng để lại nhiều ấn tượng về mặt diễn xuất. Tất nhiên, cũng có những gương mặt bị chê nhạt nhòa như Hồng Đăng, Lưu Đê Ly, Thúy An,… nhưng có lẽ, đó cũng là điều khó tránh khỏi với một bộ phim quy tụ dàn diễn viên đông đảo.
Nhân vật Lương Bổng (Trung Anh đóng) đang được đồn đoán là sẽ xuất hiện trong phần 2 của bộ phim.
Những áp lực nếu làm phần tiếp theo
Người phán xử đã phát sóng tập cuối cùng cách đây 5 ngày, nhưng những bàn tán, đồn đoán về một diễn biến khác của bộ phim vẫn còn tiếp diễn. Số phận các nhân vật trong phim chưa được giải quyết thỏa đáng, A Lý, Trần Tú, Phan Hương vẫn còn sống; Lê Thành chưa biết chết thật hay chưa. Do vậy, nhiều khán giả hy vọng về một người kế vị “Người phán xử”.
Trên trang cá nhân, Việt Anh bày tỏ mong muốn mọi người ngừng suy nghĩ về cái kết của Người phán xử vì có như vậy mới có những bất ngờ tiếp theo. Theo nam diễn viên, thật ra Lương Bổng chưa chết, một thỏa thuận bí mật giữa Phan Quân, Lương Bổng, Bảo Ngậu đã được đưa ra khi Phan Quân đã biết Bảo Ngậu là K3.
“Bảo Ngậu phải cam kết để Lương Bổng dạt đi để chăm sóc cu Bin bằng cách giả chết. Sau một thời gian do học tập và cải tạo tốt Phan Hải được ân xá, hai người đã tìm gặp lại nhau để cùng lên kế hoạch. Kế hoạch là gì thì chưa thể nói”, “Phan Hải” tiết lộ về diễn biến của phần tiếp theo.
Tuy vậy, đơn vị sản xuất vẫn chưa có phát ngôn chính thức về phần 2 của Người phán xử. Phía VFC chỉ mới xác nhận về việc sẽ có Người phán xử phiên bản điện ảnh. Và rất có thể, đơn vị này sẽ bắt tay với đạo diễn Quang Huy để đưa bộ phim tâm lý tội phạm đầu tiên của Việt Nam lên màn ảnh rộng.
Người phán xử phiên bản điện ảnh được phép kể lại câu chuyện về đế chế Phan Thị với một dàn diễn viên khác trong thời lượng chưa đầy 2 tiếng. Nhưng nếu là phần 2 của bộ phim truyền hình này, đơn vị sản xuất buộc phải kể những câu chuyện mới, và đây là áp lực không nhỏ khi Người phán xử đã khá thành công.
Thực tế, cái kết của tập 47 Người phán xử chính là cái kết của bản gốc – 4 mùa phim Ha-Borer của Israel. Do vậy, nếu làm phần 2, Việt Nam sẽ phải viết một kịch bản hoàn toàn mới, trong khi các đơn vị làm phim truyền hình trong nước vốn bị nhận xét là yếu về khâu sáng tạo kịch bản nên có thể phần 2 sẽ không tạo được hiệu ứng như ban đầu.
“Quan trọng là mình phải làm được một kịch bản tương xứng với sức hút của phần 1. Nếu kịch bản phần 2 không tương xứng, tôi nghĩ bên đơn vị sản xuất chắc chắn sẽ không thực hiện”, NSƯT Trung Anh – người đóng vai Lương Bổng, nhân vật đang được đồn đoán là sẽ tiếp tục xuất hiện trong phần 2 – chia sẻ.
Theo Zing
Giá quảng cáo 'Người phán xử' gấp gần 3 lần phim cùng khung giờ
Cùng là phim Việt phát sóng vào khung giờ 21h30 - 22h30 trên kênh VTV3 nhưng giá quảng cáo trong "Người phán xử" gấp gần 3 lần "Vực thẳm vô hình".
Trung tuần tháng 7, Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình trực thuộc VTV có văn bản thông báo về việc điều chỉnh tăng đơn giá quảng cáo trong thời gian 21h30-22h30, thứ 4, thứ 5 hàng tuần trên VTV3, thuộc mã giờ C15.2 và C16.2.
Theo đó, trước phim Người phán xử, tức mã giờ C15.2, giá quảng cáo chưa giảm là 210 triệu/ block 30 giây. Còn trong thời gian phim phát sóng, tức mã giờ C16.2, giá là 220 triệu/ block 30 giây. Bảng giá này được áp dụng bắt đầu từ ngày 26/7.
Như vậy, với 10 phút dành cho quảng cáo trong khung giờ vàng phát sóng phim Người phán xử, VTV đã có thể thu hơn 4 tỷ đồng từ các nhãn hàng, doanh nghiệp muốn quảng cáo, giới thiệu sản phẩm (chưa kể những quảng cáo chạy banner).
Đơn giá quảng cáo mã giờ C15.2 và C16.2.
Với con số hiện tại, Người phán xử cũng là bộ phim truyền hình Việt có giá quảng cáo cao nhất hiện nay, thậm chí gấp nhiều lần giá quảng cáo trong những phim khác.
Phim Vực thẳm vô hình - phát sóng 21h30 - 22h30 thứ hai, thứ ba hàng tuần trên kênh VTV3 - cùng khung giờ với Người phán xử nhưng mức giá quảng cáo lại thấp hơn nhiều. Các nhãn hàng, doanh nghiệp muốn quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trong thời gian phát sóng phim chỉ phải trả 80 triệu/ block 30 giây.
Như vậy, giá quảng cáo trong phim Người phán xử gấp gần 3 lần phim có cùng khung giờ 21h30-22h30 trên VTV3.
Sự chênh lệch giá này bắt nguồn từ việc Người phán xử là một trong những bộ phim truyền hình có lượng rating (chỉ số đo lường khán giả) lớn nhất hiện nay.
Theo số liệu mà hệ thống đo lường định lượng khán giả truyền hình Vietnam-Tam cung cấp, tập đầu tiên Người phán xử chỉ có 6%, sang đến tập thứ 3, phim đã trở thành phim truyền hình dài tập có rating cao nhất tại khu vực Hà Nội bình quân đạt 8,6%.
Người phán xử là phim truyền hình Việt được quan tâm nhất hiện nay. Ảnh: VFC.
Người phán xử là bộ phim truyền hình của bộ ba đạo diễn Mai Hiền - Khải Anh - Danh Dũng, do VFC sản xuất. Phim dài 47 tập và được Việt hóa từ kịch bản của Israel. Phim là một bức tranh đa chiều về cuộc chiến tranh giành quyền lực trong thế giới ngầm.
Người phán xử có sự tham gia của các nghệ sĩ gạo cội và dàn diễn viên trẻ gây chú ý, gồm NSND Hoàng Dũng, NSƯT Trung Anh, NSƯT Thanh Quý, NSƯT Hương Dung, nghệ sĩ Chu Hùng, Việt Anh, Hồng Đăng, Đan Lê, Bảo Anh, Anh Đức,...
Kể từ khi lên sóng đến nay, phim trở thành chủ đề bàn tán, tranh luận, dự đoán sôi nổi trên mạng xã hội.
Theo Zing
Những phim Việt kết thúc hụt hẫng như "Người phán xử" Bộ phim "Người phán xử" đã mang đến một cái kết vô cùng hụt hẫng cho người xem. Trước đó, cũng đã có nhiều bộ phim gây tranh cãi bởi cái kết. Người phán xử là một bộ phim có rating khá cao trong khoảng thời gian qua. Mặc dù đây là một bộ phim được mua bản quyền nước ngoài thế nhưng...