Người ngoại tình sẽ nhận phần tài sản ít hơn khi ly hôn?
Ra tòa, chị thút thít “anh ấy có lỗi để gia đình tan vỡ, tôi thì tốn bao nhiêu công sức để bồi đắp tổ ấm”. Anh hùng hổ “ừ thì tôi có lỗi, nhưng thử hỏi cô có công gì khi sắm từng đôi đũa, cái bát cũng tiền của thằng này”. Cứ thế, họ mải mê tranh cãi còn quan tòa thì khó xử…
ảnh minh họa
Nhà của tôi, của cô hay của chung?
Khi lấy chị, anh đã là chỉ huy một công trường xây dựng lớn, lương nhiều mà lậu cũng lắm. Chị là cô cử nhân khoa thư viện mới ra trường, chưa xin được việc làm. Cưới nhau xong, chị nghe lời chồng yên tâm ở nhà nội trợ, kinh tế đã có anh lo. Thấm thoắt, anh và chị đã kỷ niệm 8 năm ngày cưới với hai đứa con đủ nếp, tẻ và một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi.
Video đang HOT
Mang tiếng là ở nhà, không lương nhưng chị không bao giờ phải đánh tiếng xin tiền vì anh lập riêng cho chị một tài khoản ngân hàng và cứ hàng tháng chuyển tiền vào đấy để chị tự chi tiêu. Nhưng khoảng hai năm trở lại đây trước ngày họ ra tòa ly hôn, chị thấy anh bắt đầu trễ nải trong việc chuyển tiền vào tài khoản cho chị, có tháng anh bảo anh quên vì nhiều việc, có tháng anh lại bảo công ty khó khăn nên chưa có tiền.
Đọc báo, nghe đài biết về suy thoái kinh tế nên chị cũng thông cảm với chồng, nhưng đến khi hẳn 6 tháng liền anh không đưa chị đồng nào thì chị hết chịu nổi, vì chị đã ở nhà khá lâu nên cũng không có điều kiện làm ra tiền, tiền để dành lôi ra phục vụ ăn học cho hai đứa con cũng gần cạn.
Cực chẳng đã, chị phải hỏi thẳng anh thì bất ngờ anh cũng thẳng thừng đề nghị ly hôn vì đã có người khác. Sau một thời gian dài nhùng nhằng, anh chị rốt cuộc cũng đối diện nhau trước tòa năm vừa rồi. Hai đứa con thì dễ vì anh từ chối nuôi con và sẽ chu cấp tiền cấp dưỡng để chị nuôi.
Nhưng cái nhà, anh bảo của anh vì toàn bộ là tiền anh bỏ ra từ đất, xây đến nội thất và sẽ hỗ trợ một số tiền để mẹ con chị mua một căn nhà tập thể. Nhưng chị không chịu vì theo chị, bao nhiêu công sức chị đã đổ vào chăm chút ngôi nhà ấy từ ngày nó còn là miếng đất. Tuổi thơ các con chị cũng gắn bó với ngôi nhà.
“Đề nghị tòa xem xét công minh vì anh ấy có lỗi để gia đình tan vỡ, tôi thì tốn bao nhiêu công sức để bồi đắp tổ ấm” – chị thút thít, còn anh thì hùng hổ: “Ừ thì tôi có lỗi, nhưng thử hỏi cô có công gì khi sắm từng đôi đũa, cái bát cũng là tiền thằng này”…
Luật khó định lượng “lỗi” và “công”?
Mấy người bạn dự phiên tòa ly hôn của anh chị, chứng kiến màn tranh cãi quanh ngôi nhà của anh chị thì thầm với nhau: “Phải chi chúng nó… ly hôn sớm hơn thì có đỡ phải cãi nhau không”.
Lời nhận xét tưởng như đùa cợt của họ cũng có lý bởi nếu như Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (HN&GĐ) quy định tài sản khi ly hôn được phân chia mỗi bên một nửa thì quy định mới tại Luật HN&GĐ năm 2014 có thêm nội dung có thể dẫn tới việc tài sản phân chia “không đồng đều” giữa hai bên.
Cụ thể, khoản 2 Điều 59 Luật HN&GĐ 2014 quy định, khi ly hôn tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố như: hoàn cảnh gia đình và của vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung, lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Như vậy, nếu xét trên tinh thần của luật (lỗi càng nhiều thì tài sản được chia càng ít) thì anh là người có lỗi (ngoại tình và yêu cầu ly hôn) mà người có lỗi nhiều hơn có thể chịu phần thiệt hơn khi giải quyết chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn.
Nếu như chị chứng minh được việc chồng mình ngoại tình, dẫn tới gia đình tan vỡ thì có thể được chia nhiều hơn 50% tổng giá trị tài sản. Các hành vi được coi là “lỗi” ở đây cần được chứng minh một cách rõ ràng, có những bằng chứng cụ thể được tòa chấp nhận.
Về nguyên tắc, pháp luật ưu tiên bảo vệ quyền của người phụ nữ và trẻ em nhưng trên thực tế nhiều gia đình người chồng đóng vai trò “chủ lực” trong việc cung cấp nguồn tài sản chính, còn vợ chỉ ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái hoặc làm các công việc có thu nhập thấp hơn. Nếu đi vào định lượng cụ thể thì chắc chắn phần tài chính mà người vợ đóng góp sẽ nhỏ hơn so với người chồng.
Tất nhiên, có thể hiểu khái niệm “công sức đóng góp” ở đây không chỉ là tài chính mà còn là những đóng góp về mặt tinh thần, trí tuệ, tình cảm… nhưng việc định lượng những đóng góp này để đưa ra một phán quyết về tỷ lệ tài sản được chia cho mỗi bên sẽ là điều vô cùng khó khăn.
Được biết, tới đây liên ngành tư pháp Trung ương sẽ ban hành nghị định hướng dẫn Điều 59 Luật HN&GĐ 2014. Mong rằng nội dung hướng dẫn sẽ hóa giải được thực tế hiện nay.
Hiện tại việc “định lượng” các hành vi lỗi và công sức đóng góp để đi đến quyết định mức phân chia tài sản phần lớn phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của người xét xử. Điều này có thể khiến cho việc giải quyết ly hôn kéo dài và trở nên vô cùng phức tạp, thậm chí có thể lâm vào bế tắc.
Theo PLO