Người nghi nhiễm Ebola bị cách ly có giấu bệnh?
Bệnh nhân Chung đã hoàn toàn âm tính với virus Ebola. Nhưng câu chuyện đặt ra là tại sao người này quá cảnh 4 sân bay quốc tế về đến Việt Nam mà không bị phát hiện?
Hành trình trở về từ Guinea của anh Chu Văn Chung (26 tuổi, trú xã Quảng Cát, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) bắt đầu từ 27/10. Sau 5 ngày, Chung về đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Tính tổng cộng, kể từ rời Guinea (thuộc châu Phi), anh Chung đã đi qua 4 sân bay quốc tế cả nước ngoài lẫn Việt Nam.
Cụ thể khi từ Guinea đến Maroco và quá cảnh ở sân bay Casablanca, anh Chung bị trễ chuyến bay nên phải ở lại đây hơn 2 ngày 2 đêm. Tiếp đó, anh di chuyển từ sân bay Casablanca đến sân bay quốc tế Doha của Qatar.
Trong vài giờ, bệnh nhân Chung được khám, điều tra dịch tễ rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Ngành y tế thành phố ngay lập tức bị đặt trong tình trạng báo động.
Chung cho biết tại các sân bay ở Guinea, Morocco và Qatar đều được lực lượng an ninh theo dõi rất kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, hầu hết hành khách phải kiểm tra tình trạng sức khỏe bởi các camera và máy đo thân nhiệt.
“Nếu máy đo thân nhiệt phát hiện nhiệt độ cơ thể vượt mức cho phép, an ninh hàng không sẽ không cho hành khách lên máy bay”, anh Chung nói.
Bệnh nhân Chung kể lại quá trình di chuyển từ Guinea về Việt Nam.
Cũng theo anh Chung khi quá cảnh ở các sân bay nói trên, sức khỏe hoàn toàn bình thường, không có dấu hiệu nào cho thấy bị sốt. Về tới sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, một lần nữa máy đo thân nhiệt vẫn không phát hiện vấn đề gì đối với hành khách này.
“Khi đi qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, sức khỏe của tôi vẫn bình thường. Các máy đo thân nhiệt cũng thể hiện tôi không có dấu hiệu bị sốt”, anh Chung nói và cho hay tại sân bay này anh cũng đã được kiểm tra thân nhiệt và làm tờ khai y tế.
“Trong 24 giờ bị cách ly, bên cạnh sự lo lắng về tính mạng, tôi cũng sợ bị mang tiếng là người mang virus Ebola từ vùng có dịch về nước”, anh Chung tâm sự.
Video đang HOT
Tuy nhiên, theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến – Phó Giám đốc Sở y tế Đà Nẵng – thông tin từ tờ khai y tế này chưa đến được Đà Nẵng kịp thời nên mới có chuyện anh Chung “lọt” qua vòng kiểm tra sức khỏe ở sân bay Đà Nẵng.
“Nếu biết hành khách vừa trở về từ vùng dịch, tại sân bay, cán bộ y tế Đà Nẵng sẽ tiếp cận và đến tận chỗ ở của hành khách để tư vấn, có kế hoạch theo dõi và giám sát sức khỏe, chứ không để xảy ra tình huống như vừa qua”, bà Yến khẳng định.
“Tôi không giấu bệnh”
Hai ngày qua, trên một số phương tiện thông tin nói anh Chung đã không thành thật khai báo Hải quan và che giấu bệnh để quá cảnh qua 4 sân bay quốc tế về Việt Nam. Là người đầu tiên khám cho bệnh nhân Chung, bác sĩ Lê Thành Quyền (Khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng) cho biết khi nhận bệnh, anh Chung sốt đến 40,5 độ.
Sau khi xét nghiệm máu, bác sĩ Quyền phát hiện có nhiều bất thường đối với bệnh nhân này. Bác sĩ cho rằng, khi nhập viện bệnh nhân không khai báo thành thật về việc mới từ vùng có dịch Ebola về Việt Nam.
“Lúc đầu bệnh nhân chỉ nói từ Qatar về TP.HCM rồi ra Đà Nẵng 2 ngày trước nên tôi đặt tình huống anh ta bị sốt rét hoặc sốt xuất huyết”, bác sĩ nói.
Một lúc sau, bác sĩ Quyền gọi anh Trường (bạn của Chung) lên hỏi thì người này nói bệnh nhân vừa từ Guinea (cách vùng dịch Ebola bùng phát 300 km) về. Lập tức, bác sĩ Quyền báo cáo lên giám đốc bệnh viện và bệnh nhân được chuyển qua khu vực cách ly.
Đón nhận thông tin này, anh Chung cho biết: “Tôi cũng như bao người khác, sợ chết lắm chứ. Làm gì có chuyện biết bệnh tình của mình rồi giấu để lọt qua các sân bay. Mà nếu có ý định giấu thì cũng không được vì sẽ bị hệ thống giám sát, camera đo thân nhiệt phát hiện”.
Anh Chung cũng bác lại một số thông tin cho rằng trong thời gian quá cảnh ở một số sân bay nước ngoài, anh đã bị sốt và uống thuốc hạ nhiệt để được lên máy bay về Việt Nam.
“Khi vào bệnh viện Hoàn Mỹ khám, bác sĩ có hỏi về các triệu chứng của tôi và hỏi ở đâu đến… Lúc đó, tôi nói là bị nóng, đau đầu và hơi chóng mặt. Tôi cũng trả lời bác sĩ là mới từ TP.HCM ra Đà Nẵng thăm bạn. Nghe vậy, bác sĩ không hỏi gì thêm”, anh Chung thuật lại.
Cũng theo anh này, mọi thông tin về về lịch trình di chuyển từ Guinea về Việt Nam đều được ghi rất rõ trong các tờ khai y tế và nó cũng thể hiện trong hộ chiếu. “Do đó, không thể nói tôi không khai lịch trình để giấu bệnh”, anh Chung nói và cho biết tại bệnh viện Hoàn Mỹ, anh không nói mình từ Guinea về vì bác sĩ không hỏi cụ thể.
Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng tăng cường giám sát sau ca nghi vấn Ebola.
“Nếu giấu bệnh thì tôi sẽ gặp bất lợi trong quá trình khám, điều trị. Tôi có lợi lộc gì trong chuyện này đâu mà phải làm thế. Nói vậy là oan cho tôi”, anh Chung nói.
Theo Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng, hoạt động giám sát dịch Ebola được tăng cường từ 1/11, nhằm phát hiện những trường hợp bất thường, đặc biệt là những chuyến bay trở về từ vùng có dịch. Việc giám sát không chỉ được thực hiện chặt chẽ ngay tại sân bay, mà còn kiểm tra lịch trình của hành khách quốc tế trước khi đến Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng.
Hiện Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng đã trang bị đầy đủ dung dịch sát khuẩn nhanh, lập đường dây nóng và tiến hành tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Đà Nẵng tại cửa khẩu.
Ngành y tế Đà Nẵng thở phào khi Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương thông báo bệnh nhân Chung âm tính với virus Ebola.
Đoàn Nguyên
Theo_Zing News
Đà Nẵng: Cách ly một trường hợp nghi nhiễm Ebola
Chiều 1/11, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến có văn bản báo cáo UBND TP Đà Nẵng về một trường hợp vừa về từ vùng dịch Ebola bị sốt và nghi nhiễm Ebola.
Bệnh nhân nghi nhiễm Ebola là Chu Văn Chung, sinh năm 1988, quê Quảng Cát, Quảng Xương, Thanh Hóa. Bệnh nhân Chung sống và làm việc tại Guinea được 2 năm, cách đây 5 ngày bệnh nhân về Việt Nam nhập cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất, quá cảnh qua Ma Rốc, Qatar.
Bệnh nhân từ TPHCM về Đà Nẵng được 2 ngày thì bị sốt và nhập viện vào Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng để điều trị vào trưa 1/11 với các triệu chứng sốt.
Một bệnh nhân trở về từ vùng dịch Ebola có biểu hiện sốt cao đang được điều trị tại bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh minh họa
Ghi nhận bệnh án tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, bệnh nhân Chung sốt đã 2 ngày, tỉnh táo và khát nước nhiều, không ho, không khó thở; mạch 80 lần/phút, nhiệt độ 40,5 độ C; huyết áp 140/80mmHg; nhịp tim đều, phổi âm phế bào nghe rõ 2 trường phổi, chưa nghe âm bệnh lý; bụng mềm, gan lách không lớn, không có điểm đau khu trú; họng không có tổn thương.
Các cơ quan khác chưa phát bệnh lý. Bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán sốt chưa rõ nguyên nhân, đi về từ vùng có dịch Ebola.
Ngay lập tức, Bệnh viện Hoàn Mỹ chuyển bệnh nhân Chung sang Bệnh viện Đà Nẵng bằng đường riêng một chiều và bệnh nhân được Bệnh viện Đà Nẵng cách ly điều trị.
Chiều 1/11, bác sĩ Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng tổ chức họp khẩn cấp với các đơn vị liên quan về công tác phòng chống dịch và yêu cầu các đơn vị phải xử lý như một trường hợp vệnh nhân Ebola. Bác sĩ Phạm Hùng Chiến giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong công tác điều trị, giám sát, xử lý môi trường, củng cố bổ sung trang thiết bị bảo hộ cho cán bộ y tế.
Cũng trong chiều 1/11, bác sĩ Phạm Hùng Chiến có công điện khẩn gửi các đơn vị, các bệnh viện trên địa bàn TP Đà Nẵng thực hiện các quy định về phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế; giao cho Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng khẩn trương điều tra đối với những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân kể từ khi bệnh nhân có dấu hiệu sốt; phối hợp với Bệnh viện Hoàn Mỹ xác định nhân viên y tế đã trực tiếp nhận, thăm khám và xét nghiệm máu của bệnh nhân Chung làm các biện pháp theo dõi và tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch Ebola cho những người nói trên.
Đồng thời, lấy và vận chuyển mẫu bệnh phẩm về Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương theo đúng quy trình xét nghiệm virus Ebola.
Sở Y tế TP Đà Nẵng cũng đề nghị Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế TP Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế TPHCM khẩn trương xác định các chuyến bay và hành khách ngồi gần bệnh nhân để theo dõi, kịp thời xử lý khi phát hiện dấu hiệu dịch.
Theo Quốc Lê (Khám phá)
Vụ hỗn chiến trên sông Yên: Hàng trăm người đến UBND tỉnh kêu oan Hàng trăm người dân xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương lại tập trung ngay trước trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa để kêu oan cho các bị cáo liên quan đến vụ hỗn chiến do tranh chấp nuôi ngao trên sông Yên khiến 3 người chết, 9 người bị thương hồi tháng 7/2013. Như Dân trí đã thông tin, vào ngày 7/7/2013, trên...