Người Nga nói gì về quyết định tham chiến tại Syria của TT Putin?
“Chúng tôi đã chìa tay giúp đỡ và đó là một việc nên làm”, cụ ông Tamara Vlasenko, 70 tuổi, một công dân Nga chia sẻ quan điểm về quyết định đưa chiến đấu cơ tới Syria chống lại các chiến binh khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) của Tổng thống Putin
“Những kẻ khơi mào cuộc chiến sẽ phải lĩnh hậu quả nặng nề, như họ phải nhận”, hãng tin AP dẫn lời cụ ông Tamara Vlasenko, một công dân Nga sống ở một thị trấn cách thủ đô Moscow 65 km.
Cụ ông người Nga Tamara Vlasenko, 70 tuổi đã chia sẻ quan điểm của mình về chiến dịch không kích tại Syria của ông Putin trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP. Ảnh AP.
Không riêng gì cụ ông Tamara Vlasenko, hơn 70% người Nga khác có chung quan điểm ủng hộ quyết định của Tổng thống Putin, mở chiến dịch không kích IS tại Syria theo đề nghị hỗ trợ chính thức từ chính phủ Tổng thống Assad.
Theo kết quả một cuộc thăm dò của Trung tâm Levada được thực hiện từ ngày 2.10 đến 5.10, hơn 70% người dân Nga ủng hộ Moscow thực hiện chiến dịch không kích IS tại Syria. Chỉ có 14% phản đối chiến dịch này trong khi số còn lại không có ý kiến gì.
Những người phản đối chiến dịch không kích của Nga tại Syria quan ngại rằng, Nga có thể sa lầy tại Syria, như những gì từng xảy ra với Liên Xô tại Afghanistan trong những năm 1980. Một số người lo sợ rằng, đây sẽ là một cuộc chiến dài, với tổn thất lớn về người và chi phí, theo Giám đốc trung tâm Levada, Lev Gudkov.
Theo kết quả thăm dò dư luận của Trung tâm Levada, phần lớn người dân Nga ủng hộ chiến dịch không kích của Tổng thống Putin tại Syria.
Video đang HOT
Alexandra Bukvaryova, 29 tuổi thừa nhận, cô sợ Syria sẽ biến thành một Afghanistan thứ 2. Cô đã tham gia một cuộc biểu tình chống lại chiến dịch không kích tại Syria cuối tuần trước tại Moscow. Cuộc biểu tình chỉ thu hút khoảng 250 người tham gia.
“Tôi thấy thất vọng vì quá ít người tham gia (biểu tình). Bởi mọi người chưa hiểu rằng, quyết định đó ảnh hưởng đến họ. Con cái của họ có thể sẽ bỏ mạng ở Syria trong khi không rõ sự hy sinh đó vì điều gì”, Bukvaryova, làm việc cho một tổ chức phi chính phủ cho hay.
Ngoài ra, còn một mối lo ngại khác. Khi Moscow khẳng định cuộc chiến tại Syria là nhằm tiêu diệt những tên khủng bố, các phần tử Hồi giáo cực đoan đang đặt ra nhiều mối đe dọa đối với nước Nga, một số người lo sợ, họ sẽ phải hứng chịu đòn trả đũa từ những kẻ mà Nga đang chống lại.
“Chắc chắn sẽ có hậu quả ngay tại nước Nga, IS sẽ có đòn đáp trả. Họ sẽ không để yên như vậy”, Mansur, một thanh niên Chechnya chia sẻ về nỗ lo sợ sẽ xảy ra các cuộc tấn công khủng bố trong lòng nước Nga để trả đũa chiến dịch không kích của Moscow tại Syria.
Những người phản đối chiến dịch không kích của Nga tại Syria vì lo sợ các tay súng IS có thể tấn công trả đũa ngay trên lãnh thổ Nga.
Dù vậy, những người ủng hộ chiến dịch không kích cho rằng, họ tin tưởng vào quyết sách của Tổng thống Putin và không lo lắng về kịch bản Syria sẽ biến thành một Afghanistan thứ 2 đối với Nga.
“Tôi không nghĩ rằng, Syria sẽ biến thành một Afghanistan khác đối với Nga. Tôi không quá lo lắng, quyết định tham chiến tại Syria sẽ ảnh hưởng đến thế hệ các con tôi, thậm chí cháu tôi. Tôi thực sự tin vào Tổng thống của chúng tôi. Ông hiểu rõ những gì ông làm”, hãng tin AP dẫn lời bà Tatiana Okhabkino, 43 tuổi, người vừa trả lời phỏng vấn vừa bồng cháu gái 7 tháng tuổi.
Trong khi đó, ông Vasiliy Perets, một công nhân làm việc trong một nhà máy phụ tùng máy bay ở Kubinka, một thành phố Moscow cách 63 km về phía Tây chia sẻ, sự cảnh giác của Nga trước các mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố ở Trung Đông là hoàn toàn hợp lý.
Ông phủ nhận những quan ngại cho rằng, các cuộc không kích của Moscow tại Syria sẽ làm dấy lên làn sóng tấn công khủng bố trả đũa bên trong nước Nga. Ông Vasiliy Perets nhấn mạnh rằng, các mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố, cực đoan trên thực tế đã tồn tại từ lâu và đang ngày càng gia tăng.
“Mọi người không nghe tin tức về Trung Á hay sao? Các mối đe dọa đang ngày càng tăng cao”, ông Perets nhấn mạnh và đề cập đến các chiến binh có nguồn gốc từ các quốc gia từng thuộc Liên bang Xô viết đang chiến đấu cho IS ở Trung Đông. Cuối tuần trước, Tổng thống Putin đã cảnh báo, có khoảng 7.000 người đến từ các nước từng thuộc Liên Xô đang chiến đấu trong hàng ngũ IS.
Người công nhân làm việc trong một nhà máy phụ tùng máy bay ở Kubinka còn nhấn mạnh rằng, hiện giờ ông cảm thấy mình vẫn sống yên bình và an toàn nhưng nước Nga “cần phải tiêu diệt cái ác trước khi nó lây lan đến chỗ chúng tôi”.
BBC bình luận, việc phần lớn người Nga ủng hộ chiến dịch không kích của Nga tại Syria sẽ giúp Tổng thống Vladimir Putin thêm tự tin, bởi với ông, chiến dịch tại Syria là một cơ hội nữa để chứng tỏ ông là nhà lãnh đạo mạnh mẽ, và tái khẳng định vị thế của Nga trên bản đồ cường quốc toàn cầu.
Theo Danviet
Quốc hội Iraq cân nhắc việc nhờ Nga không kích IS
Quốc hội Iraq sẽ cân nhắc có cần sự giúp đỡ của người Nga trong chiến dịch chống IS hay không, trong khi chính phủ nước này trong thế khó xử với Washington.
Quốc hội Iraq sẽ cân nhắc nhờ Nga không kích IS - Ảnh: AFP
Liên minh cầm quyền và lực lượng Shi'ite ở Iraq đang gây áp lực lên Thủ tướng nước này, yêu cầu ông Haider al-Abadi lên tiếng nhờ Nga triển khai chiến dịch không kích lực lượng khủng bố IS trên lãnh thổ Iraq, Reuters cho hay hôm 21.10.
Thủ tướng Iraq, Abadi đang trong thế khó xử giữa áp lực của liên minh cầm quyền và đồng minh chiến lược Mỹ trong việc yêu cầu người Nga giúp dẹp loạn IS, lực lượng đang kiểm soát nhiều vùng ở Iraq.
Các nghị sĩ quốc hội và liên minh cầm quyền đã chính thức đưa ra đề nghị cho Thủ tướng Abadi nhờ người Nga can thiệp trong một cuộc họp hồi tuần trước, nhưng ông Abadi vẫn trả lời.
"Ông Abadi nói với mọi người trong cuộc họp rằng chưa đến lúc để nhờ sự can thiệp của người Nga bởi vì nó có thể làm phức tạp tình hình, nhất là với người Mỹ và có thể sẽ tạo hậu quả khó lường, thậm chí lâu dài với Washington", một chính trị gia người Shi'ite rất thân cận với ông Abadi được Reuters trích phát biểu.
Iraq nhận hơn 20 tỉ USD trong chương trình huấn luyện từ Mỹ kể từ khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ hồi năm 2003, nhưng quân đội Iraq dường như không đấu nổi IS đang kiểm soát miền bắc hồi năm 2014 và giờ chiếm thêm phần miền tây. Trong khi đó, chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu chưa mang lại hiệu quả trong việc đảo ngược tình thế ở Iraq, tiêu diệt các chiến binh Sunni vốn có đường lối cứng rắn và từng tuyên bố sẽ vẽ lại bản đồ Trung Đông.
Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford nói Iraq sẽ không nhờ đến người Nga - Ảnh: Reuters
Muen al-Kadhimi, lãnh đạo cấp cao của lực lượng Badr, nhận định người Nga đã chứng minh tính hiệu quả trong không kích ở Syria hơn người Mỹ, vì vậy Baghdad có xu hướng nghiêng về Nga và nhờ Mosow giúp đỡ.
Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford đã thực hiện chuyến đi đến Baghdad hôm 20.10; tại đây ông đã gặp Thủ tướng Abadi và trấn an chính phủ Iraq. Sau cuộc gặp, ông còn tuyên bố Mỹ chắc chắn rằng Iraq sẽ không cầu viện từ Moscow.
Tuy nhiên, hãng tin Sputnik hôm nay 21.10 dẫn nguồn tin từ một thành viên của Hội đồng lập pháp quốc gia Iraq cho biết quốc hội nước này sẽ xem xét và biểu quyết vào cuối tháng 10.2015 về việc Baghdad có cần sự can thiệp của người Nga trong cuộc chiến chống IS hay không.
Theo nguồn tin của Sputnik, nếu đa số quốc hội đồng ý thì chính phủ của ông Abadi khó lòng "ăn nói" với người Mỹ. Sputnik cho rằng Washington không muốn Baghdad tiến lại gần và hợp tác với Moscow, đặc biệt là trong chiến dịch tiêu diệt IS.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Tổng thống Assad nửa đêm sang gặp Tổng thống Putin Tổng thống Syria, Bashar al-Assad đã sang Nga hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin vào tối 20.10 về kế hoạch chiến đấu của Nga tại Syria, theo người phát ngôn Điện Kremlin. Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay trong một cuộc gặp tại điện Kremlin năm 2006 - Ảnh: Reuters Người phát ngôn Dmitry Peskov...