Người Mỹ lại biểu tình sau vụ cảnh sát bắn chết người da đen
Vụ cảnh sát Mỹ bắn chết một thanh niên da đen ở trạm xăng ở bang Missouri tối 23/12 đã làm bùng phát cuộc biểu tình mới nhất phản đối hành vi sử dụng vũ lực quá mức trong lực lượng thực thi pháp luật Mỹ.
Cảnh sát cố gắng kiểm soát một nhóm biểu tình tại Berkeley ngày 24/12.
Các nguồn tin tại Mỹ cho biết khoảng 300 người biểu tình đã tụ tập tại hiện trường vụ nổ súng ở thị trấn Berkeley thuộc bang Missouri, cách không xa địa điểm nơi thanh viên da màu Michael Brown bị cảnh sát da trắng Darren Wilson bắn chết ở thị trấn Ferguson lân cận hôm 19/8 vừa qua.
Những người biểu tình ném gạch đá vào lực lượng an ninh, khiến ít nhất hai người bị thương và buộc cảnh sát dùng hơi cay để giải tán. 4 người biểu tình quá khích cũng đã bị bắt giữ.
Cuộc biểu tình nổ ra chưa đầy 24 giờ sau khi xảy ra vụ một cảnh sát da trắng bắn chết thanh niên da đen 18 tuổi Antonio Martin tại một trạm xăng.
Đoạn băng từ camera an ninh của trạm xăng cho thấy Martin và một thanh niên khác đã chủ động tiến về phía xe cảnh sát và rút súng chĩa thẳng vào nhân viên thực thi công vụ, buộc người này phải nổ 3 phát súng tự vệ. Giới chức thị trấn Berkeley đã lên tiếng bảo vệ hành động của viên cảnh sát, cho rằng đây là việc làm “chính đáng và hợp lý” trong hoàn cảnh bị đe dọa tính mạng.
“Mọi người không chết giống nhau. Có người chết do lỗi của cảnh sát nhưng cũng có người chết do lỗi của chính họ. Trong vụ việc này, chúng tôi cho rằng lỗi không xuất phát từ phía cảnh sát”, Thị trưởng Theodore Hoskins nói.
Ông cũng cho rằng có sự khập khiễng khi so sánh hai vụ việc ở Berkeley và Ferguson, lý do là vì hầu hết quan chức và cảnh sát ở Berkeley đều là người Mỹ gốc Phi.
Video đang HOT
“Không thể so sánh vụ việc này với vụ ở Ferguson hay New York. Những nhân viên cảnh sát của chúng tôi thận trọng hơn nhiều trong các vấn đề liên quan đến chủng tộc”, ông Hoskins khẳng định.
Thượng nghị sĩ da màu của bang Missouri, bà Maria Chappelle-Nadal, cũng tin tưởng phản ứng của viên cảnh sát ở Ferguson là hợp lý.
“Việc một thanh niên sở hữu súng trái phép và chĩa súng vào cảnh sát là không thể chấp nhận được”, bà Chappelle-Nadal bày tỏ.
Thị trấn Berkeley nằm ở khu vực ngoại ô hạt St. Louis và hiện có 9.000 dân cư sinh sống, trong đó 85% là người da màu. Trước khi bị bắn chết tối 23/12, Martin từng bị buộc tội hành hung và trộm cướp. Hiện cảnh sát đang truy tìm đối tượng đi cùng Martin khi xảy ra vụ nổ súng.
Đây là vụ cảnh sát nổ súng bắn người da đen thứ 4 ở Mỹ chỉ trong 4 tháng qua, sau vụ Brown bị bắn chết ở Ferguson, Rumain Brisbon bị bắn chết ở Phoenix, Arizona, và cậu bé 12 tuổi T. Rice bị bắn chết tại một trung tâm giải trí ở Cleveland.
Những vụ việc này đã gây phẫn nộ trong dân chúng Mỹ, đặc biệt là cộng đồng người da màu, đồng thời châm ngòi cho làn sóng biểu tình bùng phát trên cả nước và làm dấy lên nguy cơ trả thù nhằm vào lực lượng cảnh sát.
Cuối tuần trước, hai cảnh sát thành phố New York đã bị bắn chết tại khu Brooklyn. Kẻ tấn công là Ismaaiyl Brinsley, 28 tuổi, thành viên của một tổ chức xã hội đen ở Baltimore. Tên này đã tự sát ngay sau khi thủ ác.
Được biết, trước khi ra tay sát hại, Brinsley đã rêu rao trên tài khoản Instagram về ý đồ này để trả thù cho công dân da màu Eric Garner bị ghì cổ chết ngạt trong hành động khống chế quá tay của một cảnh sát da trắng.
Trước nguy cơ trên, cảnh sát New York đã tăng cường điều tra và phát hiện 40 âm mưu tấn công cảnh sát. Bốn đối tượng đã bị bắt giữ trong chiến dịch điều tra này.
Vũ Anh
Theo Dantri/AFP
Nỗi ám ảnh của nước Mỹ
Trong những ngày cuối năm này, nước Mỹ chứng kiến làn sóng biểu tình rộng khắp trong cả nước liên quan tới hàng loạt vụ cảnh sát da trắng bắn chết những nạn nhân da màu mà phần lớn đều không có vũ trang.
Dường như nỗi ám ảnh mang tên phân biệt chủng tộc vẫn còn đeo bám nước Mỹ để rồi dễ dàng bùng nổ khi có mồi lửa nhỏ.
Khi nước Mỹ chưa hết bàng hoàng sau vụ thanh niên da màu Michael Brown bị cảnh sát bắn chết ở thị trấn Ferguson thuộc bang Missouri hôm 9/8 thì tại vùng Phoenix ở bang Arizona, một viên cảnh sát da trắng đã nổ súng vào thanh niên da đen Rumain Brisbon do lầm tưởng đối tượng định rút súng trong túi ra chống cự.
Trước đó chưa đầy hai tuần, một cảnh sát da trắng khác đã bắn chết thiếu niên da màu T. Rice, 12 tuổi, khi nhầm tưởng thiếu niên này cầm súng thật đe dọa người đi đường tại một trung tâm giải trí ở Cleveland. Hồi tháng 7, một người đàn ông da màu ở New York chỉ vì bị tình nghi bán thuốc lá lậu lẻ (1 USD/điếu) đã bị 5 cảnh sát vây bắt, một trong số đó đã ghì cổ khá mạnh khiến ông nghẹt thở và tắt thở ngay sau đó.
Các nhân viên da màu làm việc trong Quốc hội Mỹ quy tụ trước cửa tòa nhà Quốc hội, cùng cầu nguyện cho Michael Brown và Eric Garner, ngày 11/12 (ảnh: EPA)
Hàng loạt vụ việc khiến cộng đồng người da màu nổi giận. Tình hình căng thẳng hơn khi trong nhiều trường hợp, những sĩ quan cảnh sát da trắng gây ra cái chết của những người da màu đều được miễn đưa ra xét xử. Các cuộc biểu tình lan rộng khắp nước Mỹ.
Cái chết của Michael Brown và Eric Garner hay vụ việc mới đây tại Phoneix chỉ là một phần trong câu chuyện về nạn phân biệt chủng tộc chưa có hồi kết ở Mỹ. Giới chuyên gia nhận định những vụ việc trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Các vụ việc đã và đang làm gia tăng mối quan hệ căng thẳng xưa nay trong xã hội Mỹ giữa các cộng đồng dân cư thiểu số với lực lượng cảnh sát chủ yếu gồm những người da trắng.
Không thể phủ nhận rằng kể từ khi Đạo luật dân quyền được cố Tổng thống John F. Kenedy ban hành cách đây 50 năm với mục tiêu bãi bỏ toàn bộ mọi hành vi phân biệt chủng tộc, chính sách bình đẳng cho mọi chủng tộc của Mỹ đã mang lại cho cộng đồng người da màu nhiều cơ hội phát triển và vươn lên trong xã hội. Họ được hưởng nền giáo dục bình đẳng cũng như quyền công dân bình đẳng (đi bầu cử). Đặc biệt, sự kiện Thượng nghị sĩ Barack Obama trở thành vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử 232 năm của nước Mỹ đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử, như một minh chứng rằng cộng đồng người gốc Phi có thể vươn lên thượng tầng kiến trúc. Đó cũng là minh chứng về sự bình đẳng giữa các chủng tộc ở Mỹ.
Sự kỳ thị chủng tộc cũng đã hằn sâu vào ý thức của một bộ phận lực lượng cảnh sát vốn đa số là người da trắng khi họ luôn có định kiến rằng người da màu đồng nghĩa với "thành phần nguy hiểm"
Tuy nhiên, vẫn có nhiều câu hỏi để ngỏ và mâu thuẫn sắc tộc vẫn đang hiện hữu trong mọi khía cạnh của đời sống xã hội Mỹ như việc làm, nhà ở, giáo dục và tư pháp. Đa phần người da màu thường khó xin việc và nếu có thì họ cũng chỉ được trả mức lương thường thấp hơn so với người da trắng. Dù chiếm 37% lực lượng lao động Mỹ, hơn 2/3 trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi vẫn chỉ có thể kiếm được những việc làm giản đơn và lương của họ cũng thường thấp hơn so với người da trắng. Hệ lụy là thu nhập và sức tiêu dùng của nhóm người này thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng.
Trong các nhà tù ở Mỹ, người Mỹ gốc Phi chiếm tới 40% số tù nhân dù đối tượng này chỉ chiếm 13% dân số Mỹ (khoảng 45 triệu người). Ước tính, cứ 1/15 trẻ em người Mỹ gốc Phi có cha mẹ từng ở tù, trong khi tỷ lệ này ở trẻ em da trắng là 1/111. Năm ngoái, 461 người Mỹ bị cảnh sát bắn chết theo cách được coi là hợp pháp, trong đó đa số nạn nhân là người Mỹ gốc Phi.
50 năm đã trôi qua kể từ khi nhà hoạt động dân quyền da màu nổi tiếng Martin Luther King Jr có bài diễn văn nổi tiếng "I have a dream" (Tôi có một giấc mơ) trước hàng nghìn người tại Washington với khát vọng mãnh liệt về một xã hội tự do, bình đẳng và bác ái cho mọi người dân, song nạn phân biệt chủng tộc vẫn là một "căn bệnh" trầm kha của nước Mỹ. Đây cũng là một trong những vấn đề mà Tổng thống Obama tiếp tục phải đối mặt trong hai năm cuối nhiệm kỳ.
Theo TTXVN/Tin tức
Cảnh sát Mỹ lại hứng "bão" vì nổ súng vào người da màu Cảnh sát tại khu vực hạt Orange, bang Florida ngày 8/12 đã phải lên tiếng đề nghị người dân kiềm chế, sau khi một sỹ quan da trắng nổ súng khiến một tên trộm xe da màu bị thượng nặng, dù có nhân chứng cho biết tên trộm đã giơ tay hàng. Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ nổ súng Sự việc...