Người mua nhà xã hội Thái Lan chỉ trả góp một triệu đồng mỗi tháng
Chính sách của Thái Lan kỳ vọng cung ứng nhà giá rẻ giá chưa đến một triệu baht (khoảng 700 triệu đồng) cho người thu nhập thấp.
Tại Hội nghị Bất động sản quốc tế – IREC 2018 vừa diễn ra, việc phát triển nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ nhận được sự quan tâm của các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Ông Vichai Viratkapan Ph.D, Trung tâm thông tin Bất động sản, Ngân hàng Nhà ở của Chính phủ Thái Lan chia sẻ, đầu năm 2018, Thái Lan có kế hoạch xây dựng một triệu căn hộ giá rẻ cho người thu nhập thấp. Chính sách này kỳ vọng mang đến nguồn cung nhà ở với giá chưa đến một triệu baht Thái (khoảng 700 triệu đồng) và đơn vị xây dựng là các doanh nghiệp tư nhân.
Bên cạnh đó, Thái Lan áp dụng mức lãi suất thấp, giữ ở 3 – 4% mỗi năm trong suốt 3 năm đầu tiên. Theo đó, mỗi tháng người dân chỉ phải trả góp 1.500 – 2.000 baht (khoảng 1-1,5 triệu đồng). Các công ty xây dựng tư nhân cũng được hưởng ưu đãi để phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp qua việc tiếp cận vốn của Ngân hàng Nhà ở.
Một dự án nhà ở xã hội ở phía Tây của Hà Nội. Ảnh: CĐT
Trong khi đó, ông Noh Jae Keuk, Chuyên gia về Nhà ở xã hội, Công ty Đất đai và Nhà ở Hàn Quốc cũng cho biết, quốc gia này chia thành 10 nhóm thu nhập để áp dụng những chính sách khác nhau về nhà ở. Với 2 nhóm đầu tiên là những người được xác định không có khả năng chi trả, Chính phủ sẽ xây nhà và cho họ thuê với mức giá thấp hơn khoảng 30% so với thị trường. Vốn xây nhà sử dụng Quỹ nhà ở quốc gia.
Nhóm thu nhập cao hơn một chút thì được áp giá thuê thấp hơn thị trường khoảng 15%. Trong khi đó, những nhóm có thu nhập trung bình Chính phủ sẽ hỗ trợ mua nhà mới bằng cách áp dụng lãi suất trung bình thấp hơn thị trường.
Ông Noh Jae Keuk cho biết, Hàn Quốc có quỹ nhà ở để phát triển nhà cho người thu nhập thấp, trong đó, một phần do ngân sách và một phần nhờ người dân tiết kiệm. Mỗi tháng, họ đóng góp một khoản tích cóp cho quỹ nhà ở, có thể là 100 USD hoặc nhiều hơn là 500 USD.
“Ở Hàn Quốc, muốn mua nhà ở thì người dân bắt buộc phải đóng cho quỹ nhà ở. Chúng tôi có cơ chế khuyến khích người dân tiết kiệm cho quỹ này. Quỹ nhà ở cũng được thông báo minh bạch về chỉ tiêu để người dân an tâm gửi tiền vào đó”, ông cho hay.
Đại diện của Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Mỹ (NAR) cũng chia sẻ, dù là quốc gia phát triển, Mỹ mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu của những đối tượng đủ tiêu chuẩn mua nhà. Quốc gia này xác định đối tượng được mua nhà là người có thu nhập thấp hơn trung bình trên địa bàn. Lúc triển khai, cơ quan quản lý cũng phải tính toán để khi mua nhà, mức chi trả hàng tháng của người dân không quá 30% thu nhập.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Vĩnh Trân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MIK Group cho rằng ở Việt Nam, bài toán cần giải để phát triển nhà giá rẻ là làm sao thu hút doanh nghiệp tư nhân vào phân khúc này. Thứ nữa là khi phát triển nhà ở xã hội cần gắn kết chặt chẽ với câu chuyện phát triển các cơ sở giáo dục.
“Không được bỏ qua các yếu tố xã hội khi phát triển nhà ở. Đừng cho rằng, cứ phát triển các khu nhà ở xã hội chỉ dành cho những người nghèo. Như thế có thể tạo nên các khu ổ chuột kiểu mới”, ông phân tích.
Theo ông, mỗi dự án nhà ở thương mại nên dành khoảng 10% cho những người thu nhập thấp. Ở đó, không biết là ai giàu và ai nghèo, tránh tạo ra những bức tường phân biệt trong xã hội.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra mạnh mẽ trong khoảng 20 năm trở lại đây. Tuy nhiên, phải đến năm 2009 mới có có chương trình phát triển riêng nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp.
Theo ông, hiện Việt Nam có 86 dự án nhà ở xã hội đã được xây dựng, đang tiếp tục triển khai 134 dự án. Quỹ nhà được đầu tư từ nguồn vốn nhà Nước đã giải quyết được 200.000 chỗ ở cho sinh viên. Có 100 dự án nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp và có 72 dự án đang triển khai.
Lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, khung pháp lý hiện hành đều có quy định rất cụ thể về phát triển nhà ở xã hội như ưu đãi thuế, vốn vay, các tiêu chuẩn về quy hoạch… Tuy nhiên, theo ông, hiện vẫn còn nhiều khó khăn trong việc triển khai nhà ở xã hội. Tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam rất nhanh nên việc lựa chọn nguồn cung về quỹ đất là rất khó khăn, khu vực trung tâm hầu như không còn quỹ đất, ở xa trung tâm thì lại chưa có hệ thống hạ tầng kết nối nên nhiều dự án xây xong không thu hút được người dân đến ở.
Bên cạnh đó, nguồn vốn từ ngân sách để đầu tư công chưa đáp ứng nên khó khăn. Cơ quan quản lý cũng tính toán nhu cầu là khoảng một triệu căn hộ nhưng thực tế mới đáp ứng được 30%.
Ông Ninh cho biết, Việt Nam đang phối hợp cùng Hàn Quốc để nghiên cứu chính sách nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội cho giai đoạn tới. Trong đó, một trong những vấn đề đặt ra là làm sao để khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào phát triển nhà ở xã hội, giảm sự phụ thuộc vào Chính phủ.
Nguyễn Hà
Theo vnexpress.net
IREC 2018: Bất động sản Việt Nam đang dần thu hút thế giới
Hội nghị bất động sản quốc tế (IREC 2018) đang diễn ra tại Hà Nội là cơ hội cho các nhà đầu tư, kinh doanh BĐS trong nước và nước ngoài gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, hợp tác và đổi mới tư duy trong phát triển BĐS.
Du lịch tăng trưởng nóng, cơ hội cho BĐS nghỉ dưỡng
Trong những năm gần đây, BĐS Việt Nam phát triển mạnh mẽ, xuất hiện nhiều loại hình sản phẩm mới bắt nhịp cùng thế giới. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp đang phát triển độc lập, chưa có định hướng chung để hình thành hệ sinh thái BĐS đồng nhất về tầm nhìn. Việc tổ chức Hội nghị BĐS quốc tế lần này được coi là cơ hội vàng để thảo luận và đưa ra các xu hướng phù hợp tại Việt Nam.
BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam ngày càng bắt kịp xu hướng thế giới.
Đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, năm 2017, Việt Nam đứng thứ sáu trong tổng số mười quốc gia có tốc độ phát triển du lịch nhanh nhất thế giới với tổng lượng khách ngoại quốc tăng trưởng 30%, biến du lịch trở thành ngành mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế - xã hội.
Từ năm 2016 đến 2017, khách nội địa tăng từ 72 triệu lượt lên 86 triệu lượt, tương ứng 19%; khách quốc tế tăng 29%. 6 tháng đầu năm 2018, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 7,89 triệu lượt người, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng thu từ khách du lịch đạt 312.000 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2017. Dự báo lượng khách nước ngoài sẽ tiếp tục tìm đến Việt Nam, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình BĐS nghỉ dưỡng cao cấp.
Tuy nhiên, so với tiềm năng sẵn có, Việt Nam chưa tận dụng hết cơ hội thế mạnh này. Sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, đặc sắc với những nét văn hoá Á đông nổi trội và yếu tố con người thân thiện, du lịch Việt Nam còn có cơ hội bứt phá nếu phát triển đúng định hướng.
Ông Trần Đạo Đức - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn CEO nhận định: Nhìn tổng quan, Việt Nam là quốc gia vô cùng hấp dẫn cho đầu tư BĐS: tình hình chính trị ổn định, an toàn; tăng trưởng kinh tế bền vững, du lịch phát triển mạnh trên điều kiện tự nhiên, bề dày lịch sử; dân số trẻ với nhu cầu sở hữu BĐS cao....
Tại hội nghị này, Tập đoàn CEO giới thiệu đến các nhà đầu tư trong nước và quốc tế 4 tổ hợp dự án lớn tại Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh), Cần Thơ, Quảng Bình. Trong đó, Sonasea Vân Đồn Harbor City và Sonasea Villas & Resort tại Phú Quốc là hai tổ hợp dự án nghỉ dưỡng tầm cỡ, hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện và đi vào đón khách.
Chúng tôi đánh giá cao cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế tại sự kiện IREC 2018. Với chiến lược phát triển mạnh BĐS nghỉ dưỡng mang tầm quốc tế tại các địa phương có tiềm năng du lịch, Tập đoàn CEO luôn tìm kiếm hợp tác tại các dự án sắp tới, mang đến những sản phẩm giá trị cao, ông Đức nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ IREC 2018, các khách mời đến từ gần 30 quốc gia trên thế giới sẽ trực tiếp đến tham quan các dự án tại Hạ Long, Phú Quốc, Đà Nẵng... Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực sẽ tiếp cận được khách hàng toàn cầu, giúp BĐS nghỉ dưỡng cất cánh.
Môi trường thông thoáng cho nhà đầu tư ngoại
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng đồng bộ hành lang pháp lý cho thị trường BĐS, ban hành nhiều văn bản quan trọng với tinh thần cởi mở, liên quan đến thị trường này như: Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đầu tư nước ngoài... đồng thời thường xuyên rà soát, điều chỉnh các văn bản luật để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị
Trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật, Chính phủ Việt Nam đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng hành lang pháp lý cho người nước ngoài được mua và sở hữu BĐS tại Việt Nam và thu hút các nhà đầu tư quốc tế tham gia vào thị trường BĐS Việt Nam.
Việt Nam cũng đã đang nỗ lực phát triển phát triển thị trường BĐS theo hướng hiện đại, bền vững; phát triển BĐS gắn với tăng trưởng xanh, kiến trúc xanh; hình thành các TP thông minh; phát triển BĐS du lịch nghỉ dưỡng gắn với bảo vệ thiên nhiên, môi trường.... Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang quyết liệt triển khai các chiến lược phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở nông thôn... nhằm đảm bảo quyền tiếp cận nhà ở của mọi công dân, đảm bảo công bằng xã hội.
Để có được thành công nêu trên, Chính phủ Việt Nam đặc biệt đánh giá cao vai trò tích cực chủ động vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế hoạt động trong thị trường BĐS Việt Nam..., Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh: IREC 2018 không những là cơ hội kết nối, xúc tiến đầu tư, trao đổi kinh nghiệm và đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa cộng đồng các nhà phát triển BĐS Việt Nam với quốc tế mà còn là một cơ hội tốt để chúng ta giới thiệu, quảng bá về tiềm năng phát triển, về đất nước con người Việt Nam nói chung và thị trường BĐS Việt Nam nói riêng.
Lạc quan nhận định về thị trường BĐS Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng: Trong trung và dài hạn, Việt Nam sẽ là một điểm đến hấp dẫn để đầu tư kinh doanh BĐS, do nhu cầu về nhà ở, hạ tầng khu công nghiệp, trung tâm thương mại, BĐS nghỉ dưỡng... của Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Hoàng Dương/Báo Tin tức
IREC 2018: 'Rộng cửa' cho bất động sản Việt bước ra thế giới Ngày 6/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hội nghị Bất động sản quốc tế - IREC 2018 đã chính thức khai mạc và mở ra nhiều cơ hội kết nối đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài. Ông Daniel Kristenblink - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ...