Người mẹ lên kế hoạch cùng con trai cả sát hại con trai thứ
Cơn mưa phùn mùa xuân lất phất rơi trên Trại giam Phú Sơn 4, một người phụ nữ lầm lũi vội vàng bước vào hội trường lớn của Phân trại số 2. Nghe thấy người phụ trách gọi trên loa, những bước chân của nữ phạm nhân trung niên này càng sải nhanh hơn. Chiếc khăn quấn ngang đầu, giấu đi những sợi tóc bạc và làm hiện rõ những nếp nhăn, sự già nua của nữ phạm nhân này. Không bằng lòng với việc làm của người con trai thứ, bà Lý Mùi Nải (60 tuổi) đã lên kế hoạch cùng con dâu, con trai lớn thuê người hạ sát chính đứa con mà bà đã dứt ruột đẻ ra. Ngồi sau song sắt trại giam, bà Nải đang phải đối mặt với tòa án lương tâm đau đớn…
Bi kịch gia đình
Vào tù vị tội giết con, Lý Mùi Nải, năm nay đã tròn 60 tuổi, có đầy đủ cả cháu ngoại và nội. Ở cái tuổi mà lẽ ra người phụ nữ này đang ở nhà chăm nom con cháu, nhưng giờ bà Nải đang phải vùi mình sau song sắt trại giam và hàng ngày gặm nhấm nỗi đau mà tòa án lương tâm không ngừng cào xé bà. Vừa ngồi xuống chiếc ghế nhựa, người phụ nữ quê ở Tam Kim, Nguyên Bình, Cao Bằng đã rơi nước mắt khi phải nhớ lại việc làm tội lỗi của mình. Bên trong chiếc áo sọc là cơ thể đang run rẩy, nức nở của người mẹ đồng phạm sát hại con trai mình. Nải bảo: “Có còn gì đâu cán bộ, tôi đã mất tất cả rồi. Con trai, con dâu lớn cũng vào tù cả rồi. Đứa con trai thứ hai thì đã vĩnh viễn ra đi…”. Nải mở đầu câu chuyện.
Lấy vạt áo lau vội hàng nước mắt, Nải nhớ lại cuộc đời mình: Cũng như các cô gái ở trong bản, Nải theo chân người ta về nhà chồng khi mới tròn 16 tuổi. Hai năm sau cô hạ sinh đứa con đầu lòng, cô đặt tên con là Lý Tòn Ton. Ngay năm kế tiếp, Nải sinh thêm đứa con trai khác đặt tên là Lý Văn Nhì và sòn sòn theo đó ba đứa nữa, mỗi đứa cách nhau chừng chưa đầy năm tuổi. Ở cái bản nghèo Dòn Rù, lại cộng thêm đông con nên cuộc sống gia đình cô khá vất vả, thường xuyên phải ăn độn củ sắn, hạt ngô, họa hoằn lắm mới có bò gạo nấu cháo cho các con.
Nhưng với sự chịu thương, chịu khó, biết cách tính toán của cả hai vợ chồng, cuộc sống của gia đình cũng dần bớt khó khăn. Người con trai cả của Nải đến tuổi dựng vợ gả chồng nên cũng đã lấy Bàn Mùi Hỏi, cô gái ở bản bên về làm vợ. Cũng từ đây, thấy anh trai lấy vợ được phân ruộng, đất làm ăn, Lý Văn Nhì cũng bắt bố mẹ chia cho phần đất của mình.
Video đang HOT
Lý Thị Nải rưng rưng lệ khi nói về tội lỗi.
“Được chia đất, Nhì bán luôn, rồi ôm tiền vào Nam sinh sống. Tháng 10/2004, do không làm ăn được, Nhì lại quay về bản, mang theo một người đàn bà sống không hôn thú. Về nhà, đất đã bán, không còn ruộng làm ăn lấy kế sinh nhai, Nhì nằng nặc nhất định bắt mẹ phải chia thêm phần đất của gia đình, anh ta còn đòi mẹ phải cho thêm 10 triệu đồng mới chịu ra ăn riêng. Thương con, Nải bán cặp trâu được 8 triệu và vay mượn thêm ở bản đưa cho nó. Có tiền mẹ cho, thay vì ra ăn riêng như đã hứa, Nhì lại thường xuyên rủ bạn bè lên chợ uống rượu, rồi về quậy phá. Tiêu hết tiền, Nhì lại về nhà đòi tiền mẹ. Khi Nải không cho đứa con hư tiền tiêu, Nhì đã vác dao dọa nạt mẹ, phá phách ngông cuồng.
Không may cũng thời gian này, chồng Nải mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời. Không có bố, Nhì càng được thể hành hạ bắt mẹ phải cho tiền. Vì kinh tế khó khăn, lại bị con dồn ép, Nải bán tiếp những thứ có giá trị trong gia đình như giường, tủ để có tiền đưa cho con trai. Nhưng mỗi lần như vậy, gia đình Nải chỉ được vài ngày yên. Cứ tiêu hết tiền, Nhì lại về “xin” mẹ. Không được, người con trai thứ của Nải lại dùng dao dọa nạt, phá cây cối, chặt cột nhà, đánh đuổi mọi người trong gia đình. Nhiều lần, Nải đã phải nhờ tổ hòa giải của bản đến can thiệp, nhưng rồi Nhì vẫn chứng nào tật ấy.
Tội ác…
Theo lời kể, ngày 13/3/2006, nhà Nải được đền bù do làm đường vào phần đất của gia đình. Nải định bụng, sẽ dành số tiền ấy để sắm lại những vật dụng trong gia đình cho những đứa cháu có cái giường, cái phản tử tế để nằm. Nhưng đón trước việc mẹ sẽ có tiền đền bù, Nhì đã lên ủy ban xin ký lấy trước khiến người mẹ này như phát điên, sinh ra ý định độc ác: “Nếu giết được, thì giết nó đi luôn, không sống nó cứ phá phách hết lần này đến lần khác…”. Nghe thấy “ý nguyện” của mẹ chồng, Bàn Mùi Hỏi (vợ của con trai lớn Lý Tòn Ton) tiếp lời: “Để con đi thuê người…”.
Nói là làm, Hỏi đã đến nhà Triệu Dào Tỉnh (SN 1951, ở cùng bản) thuê “xử” em chồng với giá 15 triệu đồng. Sợ một mình không hạ sát được Nhì, Tỉnh sang rủ Bàn Văn Phong (SN 1978, cũng trú cùng bản) cùng thực hiện. Nếu thành công, số tiền trên sẽ chia đôi. Sau khi nhận lời, Tỉnh và Phong quay lại gặp Hỏi và thỏa thuận tối hôm sau sẽ gặp ở nhà Bàn Mùi Sao (chị gái Hỏi) để bàn bạc.
Đúng hẹn, Hỏi đã cùng chồng là Lý Tòn Ton đến nhà Sao hỏi vay tiền để thuê Phong và Tỉnh “xử” em trai. Lúc bàn bạc chuyện hạ sát Nhì, ngoài Ton, Hỏi, Phong, Tỉnh, Sao trong nhà còn có Bàn Lồng Lụa (chồng của Sao). Sau khi bàn bạc và có sự giúp sức tích cực của những người trên về cách thức xuống tay với Nhì, Tỉnh và Phong đưa ra một câu chắc nịch: “Chắc chắn sẽ giết được” với yêu cầu được tạm ứng trước 5 triệu đồng, khi nào hoàn thành “nhiệm vụ” sẽ lấy nốt số tiền còn lại. Trực tiếp Sao đã vào buồng lấy tiền đưa cho chồng đếm rồi chuyển cho em.
Ngày 17/3/2006, Phong rủ Nhì đi chợ và vào quán uống rượu đến gần tối. Bịa lý do có người bà con ở xã Thể Dục (Nguyên Bình) còn nợ hắn hai triệu đồng, Phong đã rủ nạn nhân đi đòi cùng. Tin lời, Nhì đã cầm lái đèo Phong. Đi xuống tới “điểm hẹn” trời đã tối hẳn, hắn lừa cho nạn nhân đi vào con đường treo leo, heo hút và cho nạn nhân đi trước. Trời tối, Nhì đi bị loạng choạng, nhân cơ hội, hắn đã dùng gậy gỗ đập vào đầu nạn nhân. Tuy nhiên, lần này Nhì chỉ bị thương nhẹ.
Kế hoạch hạ sát Nhì không thành, Phong về gặp Tỉnh và Lý Tòn Ton. Ton đã xui người cùng bản dùng súng làm phương tiện gây án. Để thực hiện đến cùng, Phong đã đến nhà chị gái nhờ một người bà con mua giúp một khẩu súng săn trị giá 600.000 đồng. Trong thời gian chờ đợi, Nải, Sao và Lụa đều sốt ruột vì chưa loại khỏi người con, người em nghịch ngợm ra khỏi mắt và còn “hối lộ” thêm tiền để thực hiện cho nhanh.
Sau khi có súng và bàn bạc lại một lần nữa với Ton, tối 18/5, Phong đã phục kích ở nhà Lý Văn Nhì. Khi phát hiện nạn nhân đang ngồi ăn cơm trong nhà, Phong đã giơ súng ngắm thẳng vào đầu nạn nhân. Gây án xong, hắn quay về nhà Hỏi và được người này dẫn đường cho đi bỏ trốn. Sau 7 tháng, Phong bị bắt tại xã Đắc Ca, Đắc Min, Đắc Nông theo theo lệnh truy nã. Bản kết luận pháp y cũng xác định nạn nhân chết là do sốc mất máu cấp, đa chấn thương do hỏa khí, vỡ hộp sọ kèm theo dập nát bán cầu đại não phải…
Ngoài ra, để dựng màn kịch, tránh sự phát hiện của cơ quan công an, sau khi vạch sẵn kế hoạch cho những người ở nhà thực hiện việc sát hại em trai ruột của mình, Lý Tòn Ton đã vào nơi ở của một người em gái ở Đắc Nông để tạo chứng cứ ngoại phạm. Người mẹ nhẫn tâm Lý Mùi Nải sau khi nhận được tin con trai thứ hai đã bị đồng bọn hạ sát, ngay trong đêm, thị đã bắt “ xe ôm” ra thị trấn Bình Nguyên gọi điện báo cho Lý Tòn Ton quay về, lo ma chay cho em, tránh sự phát hiện của pháp luật. Tuy nhiên, mọi hành vi tàn ác của những người trong gia đình Nải đã không qua mặt được cơ quan công an.
Năm tháng sau, 7 bị cáo trong vụ sát hại con đẻ của Nải đã bị đưa ra trước công đường. Đôi chân gầy yếu của Nải như càng ngã quỵ khi gia đình cô cùng đồng bọn phải nhận tổng cộng gần 90 năm tù cho tội lỗi của mình. Theo đó, với hành vi sát hại con ruột, Nải và con dâu đã phải nhận mức án 12 năm tù; con trai cô, Lý Tòn Ton cũng phải nhận mức án 15 năm tù; các đồng phạm khác nhận mức án lần lượt từ 7 đến 20 năm tù.
Nỗi ân hận của người mẹ
Từ ngày chuyển về Trại giam Phú Sơn, Nải bảo rằng bị mất ngủ thường xuyên, đêm nào cũng mong trời nhanh sáng để đi lao động, tiếp xúc với chị em, quên đi quá khứ đau buồn. “Không hiểu sao, tôi lại ngu dại như thế cán bộ ạ. Được cải tạo ở nơi đây, tôi mới nghĩ được rằng, giá như ngày ấy, bất lực với trò nghịch của con, tôi có thể báo cấp chính quyền cao hơn để can thiệp. Vậy mà, tôi đã nghĩ ra cái điều mất hết nhân tính…” Nải đưa vạt áo quệt ngang dòng nước mắt. Bà chia sẻ thêm: “Đêm nào, trong giấc ngủ chập chờn, tôi cũng mơ thấy đứa cháu nội tội nghiệp con của Nhì gào khóc đòi bà phải trả lại cha cho nó. Mơ thấy ánh mắt trẻ thơ nhìn tôi căm hận và cũng từ đó chưa hôm nào tôi nguôi day dứt. Giờ tôi ngồi đây, hai đứa con trai, con dâu cũng vào tù vì sự “khởi sướng” của tôi. Tội nghiệp cho những đứa cháu bơ vơ, không cha, không mẹ chăm sóc. Hai đứa chúng nó đang tuổi ăn, tuổi lớn”. Đôi mắt Nải xa xăm nhìn ra trời cao.
Nải bảo, ba đứa con của tôi cũng mỗi đứa một phận, nhưng vì quá nghèo, nên chúng cũng chỉ năm thì mười họa mới xuống và đến thăm bà được một lần. Đứa con gái kế tiếp Nhì thì lấy chồng mãi tận Bình Dương, làm công nhân nơi công trường nên cũng chỉ đủ lo cho cái ăn cái mặc hàng ngày là may lắm rồi. Hai đứa con còn lại của bà Nải thì ở lại bản, lên nương làm dẫy, kiếm đủ cái ăn qua ngày. Họ cũng quá nghèo đói, lo cuộc sống cho con cái đã khó rồi, huống chi đến chuyện nuôi thêm mấy đứa cháu con của anh trai.
Ở trại giam, Nải được học nhiều nghề như may mặc, khâu bóng và đặc biệt là học cách xây dựng, quy hoạch, sắp xếp những vườn cây bạch đàn, đồi chè… như thế nào cho hợp lý và phù hợp với đất của từng vùng. “Đây là lợi thế lớn nhất khi tôi được cải tạo ở đây. Vì đặc thù vùng tôi ở cũng có nhiều đồi núi và nương dẫy, nếu biết cách khai thác lợi thế này, thì có thể đem lại cuộc sống ấm no không chỉ cho mình mà còn tạo công ăn việc làm cho những người thân thoát nghèo”, ánh mắt bà Nải sáng ngời nghĩ về tương lai. Bà Nải chỉ mong đường về ngắn lại, sớm trở về để nuôi dậy các cháu thay con, bù đắp những mất mát và thiệt thòi lớn cho đứa cháu nội đã mất cha, mong phần nào chuộc lại những lỗi làm mình đã gây ra và chuộc lỗi với chính người con mình dứt ruột đẻ ra…
Theo PhuNutoday.vn