Người mẹ đa năng’ ở trường dạy trẻ khuyết tật
Chập choạng tối, cô giáo Thủy cùng đồng nghiệp hốt hoảng chạy đi tìm học trò khuyết tật đi lạc trong màn mưa mịt mù. Sau nhiều giờ tìm kiếm, cuối cùng họ thấy cậu bé ướt sũng, ngơ ngác khóc bên đường.
32 năm gắn bó với ngành giáo dục, từng là giáo viên dạy Toán, Lý, Tổng phụ trách đội, Phó hiệu trưởng chuyên môn trường Tiểu học rồi về quản lý trường dạy trẻ khuyết tật Quảng Ngãi, cô giáo Trần Thị Thu Thủy cho biết luôn cảm thấy hạnh phúc với sự nghiệp “trồng người”.
Nhắc lại ngày nhận quyết định chuyển công tác về trường dạy trẻ khuyết tật, Phó hiệu trưởng Thủy bảo rằng khi đó cả gia đình và bạn bè đều ái ngại cho cô bởi năm 2006 chưa có địa điểm xây trường, tất cả bắt đầu từ “tay trắng”. Suốt cả năm dài, cô phải nương nhờ trong một căn phòng chật hẹp tại trường THPT Dân tộc Nội trú Quảng Ngãi.
Cô giáo Thủy đang dạy hát cho trẻ khiếm thính ở trường Dạy trẻ khuyết tật Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín.
Trong buổi đầu đầy khó khăn, cô giáo Thủy với vai trò là Phó hiệu trưởng cùng đồng nghiệp chạy đôn, chạy đáo để hình thành 2 lớp dạy trẻ khiếm khuyết đầu tiên. Sang năm thứ hai tăng lên bốn, sau 6 năm miệt mài đến nay đã lập nên chín lớp học với hơn 100 em.
Thương học trò kém may mắn về thể chất ở vùng nông thôn nghèo khó, không quản ngại nắng mưa, cô Thủy gõ cửa các doanh nghiệp, nhà hảo tâm xin hỗ trợ may đồng phục, sữa cho các em uống hàng ngày. Những ngày ấy, giáo viên trường dạy trẻ khuyết tật vừa dạy học vừa nơm nớp lo học sinh bị lạc. Nhiều em lần đầu tiên đến trường tâm lý chưa ổn định, tính tình hung hãn thường tùy tiện rượt đánh các bạn. Lúc các cô giáo can thiệp, có em tát thẳng vào mặt.
Cô Thủy còn nhớ như in vào buổi chiều chạy tìm học trò khắp nơi trong cơn mưa tầm tã cuối năm 2006. Chiều hôm ấy, sau giờ tan học, cậu bé chậm phát triển Nguyễn Ngọc Hoai (10 tuổi) quê ở xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành bỗng dưng biến mất.
Trời sập tối, cô Thủy cùng cô Khánh chạy xe máy đi tìm Hoai khắp tuyến đường TP Quảng Ngãi trong màn mưa mịt mù nhưng không thấy. Sợ lạc mất học trò, lại thương Hoai khờ khạo không thể tự bảo vệ mình, cả hai cô giáo đứng giữa đường khóc. May có người đi đường nhìn thấy lại hỏi chuyện và chỉ đường tìm thấy Hoai. Cậu bé đang run rẩy, ngơ ngác khóc trên cầu cách đó hơn một km.
Video đang HOT
Từ lâu, trẻ khuyết tật trìu mến gọi cô giáo Thủy là mẹ. Ảnh: Trí Tín.
Chở học trò về trường, cô giáo Thủy chạnh lòng khi thấy cha Hoai cụt chân phải, đang chống chếnh đứng chờ đón con. Hỏi ra, cô giáo Thủy mới biết ông chở Hoai đến trường muộn vì nhà ở cách xa trường đến 30 km và xe bị nổ lốp giữa đường. Sau chuyện của Hoai, cô Thủy bắt đầu lập danh sách, tìm hiểu kỹ hơn hoàn cảnh từng gia đình để có giải pháp phù hợp giúp trẻ khuyết tật vượt qua khó khăn bệnh tật, vững tin hòa nhập với cộng đồng.
Uốn nắn hành vi, dạy kỹ năng sống giúp trẻ trở thành người có ích là cả một quá trình lâu dài. Cô Thủy cho biết, 2 năm trước em Lê Hoàng Tâm trèo cổng rời trường, bỏ đi lang thang vào lúc 2h sáng. Đêm hôm ấy, giáo viên toàn trường đổ đi tìm đến hừng đông mới đưa được cậu bé trở về khu nội trú. Sáng hôm sau, cậu bé này lại giẫy khóc, nằm giữa đường có ý định tự tử.
Sau khi tìm hiểu, cô giáo Thủy mới vỡ lẽ cậu bé khiếm thính này yêu một nữ sinh cùng lớp nên mới nảy sinh tâm lý khác thường như vậy. Lúc đó cô giáo Thủy đã động viên em nữ sinh kia ra động viên Tâm trở lại lớp học. Điều bất ngờ là sau đó tâm lý của cậu bé tiến triển rất tốt, cậu viết thư xin lỗi cô giáo và hứa không bỏ trốn khỏi trường nữa.
Sau mỗi tình huống đặc biệt xảy ra, cô giáo lại tích lũy, tìm cách đưa những phương pháp sư phạm phù hợp để hóa giải vấn đề. Song, thực tế hiện nay rất nhiều trẻ khuyết tật hòa nhập ở bậc tiểu học xong phải ở nhà, gây thiệt thòi cho tương lai các em. “Ngành giáo dục nên nghĩ hướng dạy kỹ năng sống lâu dài cho trẻ khuyết tật sang bậc THCS, THPT. Có như vậy mới có thể giúp các em trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”, cô Thủy đề xuất.
Không chỉ gắn bó công tác giảng dạy, quản lý tại trường, cô giáo Thủy còn đến nhiều nơi tập huấn cho giáo viên tiểu học, mầm non, nâng cao nhận thức cộng đồng hỗ trợ cho hàng trăm trẻ khuyết tật hòa nhập tại địa phương. Cô còn đang thực hiện hai đề tài “Chắp cánh ước mơ” và “Nâng cao trong cộng đồng hỗ trợ trẻ khuyết tật học tập hòa nhập tại địa phương”. Hai đề tài này thuộc dự án “Giáo dục Tiểu học cho trẻ em khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn” từng được Bộ GD&ĐT đánh giá cao trong hai năm 2007-2008.
Bên cạnh công tác chuyên môn, cô giáo Thủy còn gây dựng phong trào sinh hoạt văn nghệ, thể thao sôi nổi tại trường. Cô thành lập đội bóng chuyền nữ, cần mẫn hướng dẫn trẻ “học mà chơi, chơi mà học” với môn cờ vua, rèn luyện sức khỏe với môn bóng bàn, cầu lông… Trong Hội thao học sinh khuyết tật toàn quốc tại Thái Bình năm 2011, trường dạy trẻ khuyết tật Quảng Ngãi xếp thứ ba toàn đoàn với 6 huy chương vàng, 15 huy chương đồng các môn cờ vua, bóng bàn, cầu lông…
Thầy Lê Trung Tiên, Hiệu trưởng trường Dạy trẻ khuyết tật Quảng Ngãi cho biết, suốt nhiều năm qua, trong công tác quản lý, cô giáo Thủy luôn nhiệt tình, năng nổ, thể hiện bản lĩnh trên mọi lĩnh vực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cô sống chân tình, gần gũi, hết lòng giúp đỡ đồng nghiệp, riêng các em khuyết tật trìu mến hay gọi cô là “mẹ Thủy”.
Ghi nhận 32 năm tận tụy, cống hiến vì sự nghiệp giáo dục, Bộ GD&ĐT vừa tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho cô Trần Thị Thu Thủy.
Theo VNE
Hai phó Hiệu trưởng bị kỷ luật ở Đại học TDTT Bắc Ninh về làm văn phòng
Sau quyết định kỷ luật vì những sai phạm, ngày 7/11/2012, Thứ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch, ông Huỳnh Vĩnh Ái đã ký quyết định điều chuyển công tác đối với 2 Phó Hiệu trưởng Đại học TDTT Bắc Ninh là Nguyễn Danh Hoàng Việt và Đinh Hùng Sơn.
Theo quyết định điều chuyển công tác số 4341/QĐ - BVHTTDL do Thứ Trưởng Huỳnh Vĩnh Ái ký ngày 7/11/2012, Phó Hiệu trưởng Đinh Hùng Sơn được điều chuyển về công tác tại Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kể từ ngày 15/11/2012, công việc cụ thể do Chánh Văn phòng Bộ phân công trực tiếp.
Cùng ngày, Thứ Trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng ký quyết định điều chuyển công tác số 4342/QĐ - BVHTTDL đối với Phó Hiệu trưởng Nguyễn Danh Hoàng Việt. Giống như người đồng cấp Đinh Hùng Sơn, ông Nguyễn Danh Hoàng Việt sẽ chuyển về làm việc tại Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ ngày 15/11/2012, công việc cụ thể do Chánh Văn phòng Bộ trực tiếp phân công.
Quyết định điều chuyển công tác với ông Đinh Hùng Sơn
Như thông tin báo Dân trí đã nêu trong loạt bài " Lật tẩy nhiều mánh khóe rút tiền tại Đại học TDTT Bắc Ninh". Ngày 5/7/2012, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký kết luận Thanh tra số 46/KL-TTr nêu rõ những sai phạm của 2 Phó Hiệu trưởng Đinh Hùng Sơn và Nguyễn Danh Hoàng Việt.
Về sai phạm của Phó Hiệu trưởng Đinh Hồng Sơn, kết luận Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ: ông Đinh Hùng Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT Bắc Ninh ký hợp đồng số 25/HĐKT ngày 10/8/2010, giá trị 18.090.000 đồng và hợp đồng số 28/HĐKT ngày 18/10/2010, giá trị 14.070.000 đồng (tổng số tiền 2 hợp đồng là 32.160.000 đồng) với nhà nghỉ An Khánh để thuê phòng nghỉ cho các vận động viên của Trung tâm TDTTQĐ không có đề nghị của Phòng Quản trị, số người nghỉ và số ngày nghỉ của hợp đồng và hóa đơn tài chính không đúng với thực tế và quy mô của nhà nghỉ, vi phạm nghiêm trọng khoản 1, Điều 14 của Luật Kế toán và khoản 7, Điều 3, Luật Phòng chống tham nhũng.
Quyết định điều chuyển của ông Nguyễn Danh Hoàng Việt
Căn cứ khoản 2, Điều 2, Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ: Cấp phó của người đứng đầu phải chịu trách nhiệm như người đứng đầu trong lĩnh vực được phân công lãnh đạo. Vì vậy, ông Đinh Hùng Sơn, Phó Hiệu trưởng phụ trách về các hoạt động dịch vụ- đào tạo của nhà trường chịu trách nhiệm đối với việc để xảy ra tình trạng lập các hợp đồng trên không đúng với thực tế số tiền 32.160.000 đồng.
Liên quan đến sai phạm của Phó Hiệu trưởng Nguyễn Danh Hoàng Việt, kết luận Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu: Thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học số 15 ngày 26/5/2009, giữa Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Trường Đại học TDTT Bắc Ninh với đề tài "Kiểm chứng khoa học nội dung giảng dạy và các chỉ tiêu kiểm tra, đánh giá năng lực chuyên môn của cử nhân thể dục, theo thao ngành giáo dục thể chất và huấn luyện thể thao", nhà trường đã giao cho ông Nguyễn Danh Hoàng Việt, Phó Hiệu trưởng làm Chủ nhiệm đề tài để triển khai thực hiện. Ông Nguyễn Danh Hoàng Việt đã cùng nhà trường đứng tên trong hồ sơ đề tài nghiên cứu khoa học, ký xác nhận trong hồ sơ và hợp đồng trên.
Năm 2009, nhà trường có 6 quyết định cử cán bộ đi công tác do Hiệu trưởng Lưu Quang Hiệp ký, mỗi quyết định 4 người đi công tác ở 30 tỉnh, nhưng các quyết định này đều không có trong sổ công văn đi mà mang các số chèn (b,c).
Năm 2010, nhà trường có 2 quyết định số 57 và 58 ký cùng ngày 3/3/2010 do Hiệu trưởng Lưu Quang Hiệp ký, mỗi quyết định cử 3 người đi công tác tại 10 tỉnh trùng số với các quyết định được vào số trong sổ công văn nhưng với nội dung khác...
Những cá nhân sai phạm ở Đại học TDTT Bắc Ninh đã bị xử lý nghiêm khắc nhận được sự đồng tình của đông đảo cán bộ, giảng viên ĐH TDTT Bắc Ninh
Căn cứ khoản 2, Điều 2, Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ: Cấp phó của người đứng đầu phải chịu trách nhiệm như người đứng đầu trong lĩnh vực được phân công lãnh đạo. Vì vậy, ông Nguyễn Danh Hoàng Việt, Phó Hiệu trưởng chịu trách nhiệm đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phải chịu trách nhiệm để xảy ra tình trạng lập chứng từ quyết toán đề tài không đúng với thực tế và không đúng quy định.
Theo quyết định kỷ luật số 4263/QĐ - BVHTTDL đề ngày 2/11/2012, do Thứ Trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải ký, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Danh Hoàng Việt chịu hình thức kỷ luật Khiển trách; thời gian thi hành kỷ luật là 12 tháng, tính từ ngày 2/11/2012. Trong ngày 2/11/2012, Thứ Trưởng Lê Khánh Hải cũng ban hành quyết định kỷ luật số 4262 đối với Phó Hiệu trưởng Đinh Hùng Sơn; ông Sơn chịu chung hình thức kỷ luật Khiển trách; thời gian thi hành kỷ luật là 12 tháng, tính từ thời điểm ban hành quyết định kỷ luật.
Theo Dantri
Thầy cô xúc động khi tâm sự về nghề Có những người thầy đi dạy ở những miền xa của đất nước, có thầy cô vượt bão lũ đến trường bị lũ cuốn trôi, có giáo viên từ chối tiền bồi dưỡng của phụ huynh để giữ lòng với nghề... Sáng nay 14/11, 183 Nhà giáo ưu tú (NGUT) tại TPHCM đã có buổi họp mặt giao lưu nhân dịp kỷ niệm...