Người mật báo cho Dương Chí Dũng có thể bị tử hình
Nếu lời khai của Dương Chí Dũng là xác thực về việc nhận 500.000 USD thì người nhận khoản tiền này đã phạm tội “Nhận hối lộ” với mức hình phạt cao nhất có thể tử hình.
Ông Dũng cũng khai đã đưa 500.000 USD cho ‘ông anh’ này để nhờ chạy án.
Trong phiên tòa xét xử cựu đại tá Dương Tự Trọng (nguyên Phó Giám đốc Công an TP.Hải Phòng) cùng 6 đồng phạm về hành vi tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, với tư cách là nhân chứng,Dương Chí Dũng (người vừa bị tuyên án tử hình trong vụ án Vinalines) đã khai ra người báo tin cho mình bỏ trốn là một “ông anh” cao cấp. Ông Dũng cũng khai đã đưa 500.000 USD cho “ông anh” này để nhờ chạy án.
Dù đây mới chỉ là lời khai một chiều, chưa hề được kiểm chứng, nhưng tình tiết này cũng đủ gây chấn động dư luận. Lý do là trước đó, trong phiên tòa xét xử mình, ông Dũng nhất quyết không nêu thông tin về người này.
Ngay khi ông Dũng công bố tin này, luật sư Nguyễn Đình Hưng – người bào chữa cho Dương Tự Trọng (em trai ông Dũng) đã kiến nghị tòa nên dừng vụ án này, chờ làm rõ hành vi đó rồi xem xét vụ tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài mới đúng bản chất. Tuy nhiên, điều này bị tòa bác bỏ ngay sau đó.
Video đang HOT
Chiều 8/1, TAND TP.Hà Nội đã tuyên Dương Tự Trọng chịu 18 năm tù, là mức án cao nhất trong 7 bị cáo. Sau khi đọc xong bản kết án các bị cáo, chủ tọa phiên tòa cũng công bố Quyết định khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước theo điều 263 Bộ luật Hình sự và giao cho VKSND TP.Hà Nội báo cáo với VKSND tối cao để xử lý theo quy định của pháp luật. Quyết định này do thẩm phán Trương Việt Toàn ký ngày 8/1/2014.
Trao đổi với chúng tôi xung quanh hành vi của người “mật báo” cho Dương Chí Dũng, cựu thẩm phán, luật sư Phạm Công Út (hiện là Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Phạm Nghiêm) cho biết: Người mật báo cho Dương Chí Dũng về việc Thủ tướng đã đồng ý khai hỏa phá vụ đại án Vinalines để ông Dũng tìm đường thoát thân có thể đối diện với mức án phạt đến 15 năm tù về hành vi làm lộ bí mật nhà nước theo điều 263 Bộ luật Hình sự.
Cũng theo luật sư Út, việc Dương Tự Trọng giúp anh trai là Dương Chí Dũng bỏ trốn thì tình ruột thịt trong Luật không được xem là tình tiết giảm nhẹ vì đó là hành vi phạm tội chứ không là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điều 46 Bộ luật Hình sự.
Cùng trao đổi về vấn đề này, một luật sư của Liên đoàn luật sư Việt Nam nhận định, trong lời khai của Dương Chí Dũng có hai ý. Một là báo tin đã khởi tố, có lệnh bắt, tức là làm lộ bí mật thông tin. Tiếp đó người “mật báo” khuyên ông Dũng tắt điện thoại, lánh đi, việc này có dấu hiệu đồng phạm xúi giục của tội tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài.
Như vậy, người đã báo tin cho Dương Chí Dũng đối mặt hai tội danh: Làm lộ bí mật thông tin và có dấu hiệu là người đồng phạm với vai trò xúi giục ông Dũng bỏ trốn.
“Ở đây, nếu chứng minh được người “mật báo” bàn với Dương Chí Dũng trốn đi bằng cách nào, phương thức gì… thì sẽ đồng nghĩa với việc người “mật báo” đó là người tổ chức, chỉ huy trong cuộc bỏ trốn này”, vị luật sư này nói.
Trong phiên xét xử Dương Tự Trọng, ông Dũng khai có dùng 500.000 USD để đưa cho người đã “mật báo”, nếu thông tin này xác thực thì người đã nhận khoản tiền này phải chịu trách nhiệm hình sự độc lập về hành vi “Nhận hối lộ” theo khoản 4 điều 279 Bộ luật Hình sự, với mức hình phạt có thể tử hình.
Theo Xahoi
ĐBQH Hoàng Hữu Phước: Sẽ không từ nhiệm
"Tôi là người lớn mà, một khi đã thấy sai thì sẽ phục thiện. Chắc chắn trong vài ngày tới tôi sẽ viết thư xin lỗi anh Dương Trung Quốc".
Đó là những chia sẻ của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Hữu Phước với báo chí trong cuộc gặp chiều 19/2 xung quanh bài viết công kích ông Dương Trung Quốc (Dương Trung Quốc: Bốn điều sai năm cũ (Tứ Đại Ngu)) trên blog cá nhân của mình. Trong chiếc áo màu đỏ sậm, thắt chiếc caravat màu hồng, mái tóc được chải chuốt chỉnh tề, ông Phước mở đầu câu chuyện: "Đầu năm gặp nhau giá như là vì lập được một kỳ công nào đó với Nhà nước thì hay biết mấy; còn cuộc gặp hôm nay vì tôi gây chuyện làm anh em nhức đầu".
Viết blog như đặt "thùng nước đá" bên đường
- Phóng viên: Cho đến lúc này, khi thật sự lắng lại, ông suy nghĩ gì về việc làm của mình, với tư cách là một ĐBQH?
Ông Hoàng Hữu Phước: Tôi đã sai về phương pháp truyền tải chính kiến của mình. Tôi xin chấp nhận sự sai ấy như một sự phục thiện. Nhưng cũng xin nói thêm, cái sai này xuất phát từ việc tôi có thói quen viết blog từ hơn 10 năm nay. Tôi cứ nghĩ, khi tôi không đồng ý về vấn đề nào đó thì tôi viết ra chính kiến của mình và đưa lên blog ai đọc hay không đọc thì thôi, xem như "thùng nước đá" đặt bên lề đường cho mọi người đi qua uống hay không uống thì tùy.
Tôi cũng hay viết phê bình phiếm chỉ theo kiểu dí dỏm, trêu đùa. Trước đây thì tôi hay cứ viết trống không (không nêu đích danh) ai muốn hiểu gì thì hiểu. Nhưng điều sai ở đây là trong bài viết này, tôi viết châm biếm mà nêu đích danh ông Dương Trung Quốc. Đáng lẽ ở đây khi nêu đích danh tôi nên gửi trực tiếp cho ĐB đó thì hay hơn.
- Vậy ý ông là ông chỉ sai về mặt phương pháp truyền tải chính kiến của mình? Nhưng chắc ông biết rằng mình đang là ĐBQH và người dân thật khó chấp nhận khi đọc những câu chữ, lời lẽ miệt thị, đả kích trong bài viết?
Ban đầu là tôi chủ quan nghĩ "có gì đâu", bài viết của mình trên blog như "thùng nước đá" đặt dọc đường. Nhưng giờ tôi đã thay đổi nhận thức của mình rằng việc đưa chính kiến lên blog đâu phải "như thùng nước đá" kia sao cũng được; ai muốn uống hay không uống cũng được. Hai năm nay, tôi không chỉ là một công dân thường mà còn là một ĐBQH. Tôi phải làm sao để thùng nước đá kia phải là thùng nước tinh khiết. Người ta khi uống cũng phải uống được nước ngon chứ không phải nước không sạch.
Tôi cũng thấy rằng việc mình làm dễ để cho các thế lực khác lợi dụng công kích. Vì họ sẽ đặt ra câu hỏi: Có ai đứng đằng sau lưng giật dây tôi; QH mất đoàn kết, hay có vấn đề gì trong tranh luận nghị trường để đến nỗi các ĐB phải viết blog giãi bày... Tôi đã rút ra bài học sâu sắc cho mình là không nên tạo cớ cho cộng đồng mạng nổi giận, cử tri bức xúc và các thế lực khác lợi dụng.
ĐBQH Hoàng Hữu Phước: "Mọi người hãy chờ xem tôi sẽ hành động thế nào sắp tới"
"Lo trước cái lo của thiên hạ"
- Thưa ông, người dân rất mong có một không khí tranh luận thẳng thắn trong nghị trường, rất mong các ĐBQH phản biện, góp ý xây dựng chính sách, luật pháp để phát triển đất nước. Nhưng sự thật là không ai trông chờ cái kiểu tranh luận như trường hợp của ông trong sự việc này cả?
Điều này đúng! Tôi không nói thêm gì ở đây.
- Dư luận đồ rằng có bài viết này vì ông cay cú với ĐB Dương Trung Quốc xoay quanh các ý kiến về dự luật Biểu tình vào kỳ họp cuối năm 2011. Hỏi thật, ông có cay cú không?
Không có sự cay cú nào. Tôi chỉ nêu chính kiến cá nhân. Tuy nhiên, tôi không lường trước hậu quả sự việc này. Tôi cũng không phản đối Luật Biểu tình. Tôi chỉ cảnh báo các hệ quả gặp phải đối với người dân thôi. Giả dụ như một ông bố đặt con lên vai để đi biểu tình, ai đó lợi dụng tạt sơn vào, rồi chụp ảnh tung lên mạng la lên là Nhà nước đàn áp dân biểu tình thì sao? Hay như bà bán hàng rong sẽ bị thiệt hại vì biểu tình làm bà bán hàng không được thì sao? Trong chương trình hành động tôi có nói "tôi lo trước cái lo thiên hạ" và tôi cho là tôi giữ được điều này - cái không phải ĐB nào cũng có. Tôi chỉ lo, lường trước cho dân thôi.
- Ông đã chính thức bày tỏ lời xin lỗi của mình với ông Dương Trung Quốc trên báo chí. Thế ông đã gọi điện thoại trực tiếp chưa?
Thú thật là chưa. Nhưng tôi là người lớn mà, một khi đã thấy sai thì sẽ phục thiện. Chắc chắn trong vài ngày tới tôi sẽ viết thư xin lỗi anh Dương Trung Quốc. Và tôi sẽ gửi thư ấy qua Văn phòng Đoàn ĐBQH TP.HCM nhờ chuyển cho anh Quốc.
Chấp nhận xử lý nhưng không từ nhiệm
- Có ý kiến cho rằng ông dùng những lời lẽ đó là vi phạm quy định của pháp luật dân sự vì đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác. Ông thấy sao?
Tôi là công dân, lại là ĐBQH. Nếu tôi sai thì tôi sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật thôi.
- Nếu được rút lại các nội dung trong bài viết, ông sẽ rút lại những gì?
Tôi không rút các quan điểm tranh luận về các vấn đề. Nếu được như thế tôi chỉ rút tên ông Dương Trung Quốc, đồng thời cách trình bày sẽ không giễu cợt với các câu cú, ngôn ngữ thể hiện, diễn đạt không đúng các nội dung đó. Vì nó không phù hợp với suy nghĩ của mọi người hiện nay.
- Ông nghĩ sao về niềm tin về việc cử tri vào ông sẽ sụt giảm lớn sau sự việc này?
Cử tri cũng có nhiều kiểu suy nghĩ khác nhau. Có người nếu thấy tôi làm không đúng mà biết phục thiện thì sẽ nghĩ khác. Có người chắc chắn sẽ rất nghiêm khắc với ĐB của mình. Nếu tôi là cử tri, tôi mong ĐB hãy làm gì cho đất nước khởi sắc lên. Đây là những kỳ vọng chính đạo - chính đáng - chính tâm. Và mọi người hãy chờ xem tôi sẽ hành động thế nào sắp tới.
- Có ý kiến cho rằng Quốc hội nên bãi miễn tư cách ĐBQH của ông?
Vấn đề này có quy trình, quy định rất cụ thể. Nếu xảy ra thì tôi tuân theo xử lý của QH mà không phàn nàn gì. Chẳng hạn như khi bị cảnh sát thổi phạt vì vượt đèn đỏ, anh không thể biện bạch vì anh đau bụng nên phải chạy vượt đèn.
Nhưng đây cũng là cơ hội tốt cho hai vấn đề: Một là cho mọi người về cách dùng từ ngữ phải thận trọng, không nên dùng từ nặng nề xúc phạm người khác. Thứ hai, tôi sẽ cho mọi người thấy nếu tôi có ra khỏi QH cũng không hề nói xấu Đảng, Nhà nước hay tổ chức mà mình đã từng tham gia như một số ít người mới ra đi là đã quay lưng lại nói xấu. Tôi vẫn là tôi, dù có bị ra khỏi QH, tôi cũng sẽ góp công sức xây dựng đất nước. "Thất phu hữu trách" tức kẻ vô học còn có trách nhiệm xây dựng đất nước nữa là tôi.
- Thế ông có nghĩ tới việc sẽ từ nhiệm không?
Không, tôi không nghĩ tới điều đó. Tôi sẽ ở đây ngoại trừ tổ chức có quyết định xử lý buộc tôi phải ra đi.
- Bài học lớn nhất mà ông rút ra qua sự vụ này là gì?
Sự cẩn trọng không bao giờ thừa.
Trao đổi với PV, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH, đề nghị Ủy ban MTTQ TP.HCM (đơn vị giới thiệu ông Hoàng Hữu Phước ra ứng cử ĐBQH khóa XIII) và Ủy ban Thường vụ QH cần phải có những đề xuất cụ thể lên QH để xem xét tư cách ĐB đối với ông Phước và có hình thức xử lý thích đáng.
Về vấn đề này, sáng 19/2, bà Võ Thị Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP.HCM, cho hay: Việc đánh giá tư cách ĐB của ông Hoàng Hữu Phước phải do tập thể Ban Thường trực tiến hành. Trong thời gian qua, Ban Thường trực cũng đã theo dõi việc này và thấy những thông tin như vậy cũng đã rõ. Tuy nhiên, cho đến nay Ban Thường trực chưa bàn về tư cách ĐB Phước và cũng chưa có kế hoạch để bàn việc này, còn việc giám sát ĐB thì MTTQ vẫn theo kế hoạch giám sát thường xuyên.
Đối với việc đề xuất bãi miễn ĐB Hoàng Hữu Phước, bà Dung cho hay hiện mặt trận chưa nhận được đề xuất cụ thể nào như thế. Khi nào có ý kiến đề xuất thì Ban Thường trực sẽ xem xét.
Theo Vietnamnet, sau khi đọc bài báo "ĐB Hoàng Hữu Phước xin lỗi ĐB Dương Trung Quốc", trong đó ông Phước thông qua Vietnamnet gửi lời xin lỗi vì đã "sai khi sử dụng phương pháp trình bày các ý kiến qua blog" khi nhằm vào cá nhân ĐB Dương Trung Quốc, ông Dương Trung Quốc nói: "Anh Phước đã có lời xin lỗi thì mình vui vẻ nhận lời thôi. Đấy là ứng xử tối thiểu".
Ông Quốc nói thêm: "Cá nhân tôi vẫn tôn trọng anh Phước vì anh Phước đang là ĐBQH TP.HCM. Sau những sự việc như vậy thì mỗi người đều có bài học cho riêng mình. Quan trọng nhất vẫn là ý kiến của cử tri bầu ra mình". Ông Quốc cũng cho biết "không có ý kiến" trước một số ý kiến cho rằng ĐB Phước xứng đáng bị đem ra bãi miễn tư cách ĐBQH.
Theo 24h
'Tôi không cay cú với đại biểu Dương Trung Quốc' Thừa nhận việc đăng bài công kích đại biểu Dương Trung Quốc trên blog là sai, chiều 19/2, đại biểu Hoàng Hữu Phước cho biết sẽ viết thư tay xin lỗi ông Quốc và chấp nhận mọi hình thức kỷ luật của Quốc hội. - Khi đăng bài viết "Dương Trung Quốc và Bốn điều sai năm cũ (Tứ đại ngu)" lên blog...