Người Malaysia mắc bẫy ‘việc nhẹ lương cao’
Một số người Malaysia đã nhận được những lời mời làm việc với mức lương cao ở các nước như Campuchia và Thái Lan, nhưng họ sớm nhận ra rằng đó là trò lừa đảo khi bị giam cầm và trở thành nô lệ thời hiện đại.
Các nạn nhân Malaysia được giải cứu từ Campuchia về nước vào ngày 9/9/2022. Ảnh: CNA
Khi Wong Sim Huat nhìn thấy mẩu tin tuyển dụng trên Facebook về một công việc tại Campuchia với mức lương hứa hẹn lên tới 3.300 USD/tháng, không hề nghĩ ngợi gì, anh nhanh chóng ứng tuyển.
Vào thời điểm đó, Wong đã thất nghiệp hơn 1 năm do đại dịch COVID-19.
“Rất khó để kiếm được một công việc thực sự vào lúc đó và mẩu tin tuyển dụng nói rằng tôi không tốn một xu để tới Campuchia”, người đàn ông 32 tuổi nói với kênh Channel News Asia.
Thay vì bay từ Kuala Lumpur tới Campuchia, Wong được yêu cầu tới thành phố Sungai Golok thuộc tỉnh Kelantan giáp biên giới Thái Lan.
Từ Sungai Golok, anh nhập cảnh Thái Lan bất hợp pháp bằng thuyền. Sau đó, anh cùng 6 người Malaysia khác đi trên một chiếc xe đưa vào Campuchia.
Vài ngày sau, họ được đưa tới một sòng bạc lớn. Có nhiều người khác là người Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và Malaysia cùng được đưa tới cơ sở này.
Video đang HOT
Tuy nhiên, giấc mơ về một công việc lương cao đã trở thành ác mộng đối với Wong. Anh cùng những người khác bị giam giữ và bị buộc làm tiếp công việc lừa những người khác trên mạng.
“Chúng tôi bị bắt làm việc tới tối khuya. Nếu như chúng tôi không thể lừa ít nhất một người mỗi tuần, chúng tôi sẽ bị đánh đập và gí súng điện. Có tuần tôi bị gí súng điện tới 3 lần”, Wong nhớ lại.
Không chỉ các nạn nhân không có lương để gửi về mà tại quê nhà, gia đình họ phải lo một khoản tiền chuộc lớn. Bất kỳ ai muốn thoát khỏi sòng bạc đó phải trả ít nhất 11.000 USD.
Wong đã liên lạc được với Michael Chong – Giám đốc Bộ phận Khiếu nại và Dịch vụ Công cộng của Hiệp hội Người Hoa Malaysia (MCA) qua ứng dụng Whatsapp. Thông qua các thỏa thuận với đại sứ quán và chính quyền Campuchia, Wong cuối cùng đã được giải cứu mà không cần tiền chuộc. Ông Chong chia sẻ có một vài nạn nhân đã phải trả tới 20.000 USD để thoát khỏi chốn “địa ngục trần gian” trong sòng bạc.
Wong là một trong số những người Malaysia bị rơi vào bẫy lừa đảo bằng hình thức tuyển dụng công việc lương cao ở nước ngoài. Hầu hết các trường hợp bị lừa đến Campuchia được ghi nhận tại Sihanoukville, một thành phố có gần 100 sòng bạc.
Tin tức về hình thức lừa đảo trên bắt đầu nổi lên vào giữa năm ngoái. Các đường dây lừa đảo thường sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook và Instagram để quảng cáo việc làm được trả lương cao ở nước ngoài.
Trong một thông báo ngày 26/8, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc Vitit Muntarhorn cho biết các nạn nhân của đường dây buôn người bị lừa làm việc cho các công ty lừa đảo trực tuyến ở Campuchia đang phải trải qua địa ngục trần gian, thường bị tra tấn và thậm chí là tử vong.
Một khi nạn nhân phản kháng, họ sẽ bị đánh đập và buộc phải lừa đảo người khác trên mạng. Theo Tổ chức Chống lừa đảo Toàn cầu (GASO), giấy tờ tùy thân và điện thoại của nạn nhân thường bị nhóm lừa đảo thu giữ. Các nạn nhân không được phép rời khỏi các tòa nhà và bị buộc phải làm việc đến 15 giờ/ngày.
Ông Chong cho rằng những lời mời việc làm lừa đảo này là một hình thức nô lệ hiện đại. “Tôi nhận ra đây là vấn đề cực kỳ nguy hiểm khi số lượng nạn nhân ngày càng tăng. Tính từ tháng 4 cho đến nay, tôi đã nhận được báo cáo 150 trường hợp tương tự”, Chong chia sẻ ông đang cùng với Bộ Ngoại giao Malaysia và cảnh sát nước này giải cứu các nạn nhân.
Phần lớn các nạn nhân đều gặp vấn đề tài chính và bị thu hút từ những lời quảng cáo hấp dẫn, với những vị trí công việc trong mơ như trợ lý hay giám đốc nhân sự tại Thái Lan.
Theo ông Vitit, các nước trong khu vực Đông Nam Á đang ra cảnh báo về hiện tượng này và Campuchia cần triển khai các biện pháp đối phó mạnh mẽ hơn, đồng thời hoan nghênh sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế. Campuchia đã thực hiện một số bước đi để ngăn chặn vấn nạn này.
Theo tờ Khmer Times, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Campuchia Sar Kheng cho biết nạn buôn người, buôn bán lao động và mua bán dâm ngày càng gia tăng ở tỉnh Preah Sihanouk cần phải được giải quyết khẩn cấp. Ông hối thúc các nhà chức trách phải tuân thủ ba nguyên tắc – giải cứu các nạn nhân, truy quét các địa điểm tội phạm và bắt giữ những kẻ phạm tội.
“Chúng ta phải nhanh chóng hành động. Hình ảnh và danh tiếng của đất nước chúng ta đang bị đe dọa”, nhà chức trách nhấn mạnh.
VOD, một cổng thông tin độc lập của Campuchia, đưa tin các nhà chức trách đã tiến hành một loạt cuộc giải cứu và truy quét các băng nhóm lừa đảo, giải cứu hàng chục lao động nước ngoài và bắt giữ một số đối tượng.
Cổng thông tin cũng cho biết chính quyền tỉnh Preah Sihanouk đã yêu cầu tất cả các chủ sở hữu và người quản lý sòng bạc khai báo bất kỳ người nước ngoài nào đang ở và làm việc tại cơ sở của họ. Thông tin phải được đăng ký với cảnh sát trước ngày 24/9. Các chủ sở hữu tòa nhà được yêu cầu ký một văn bản cam kết rằng người làm việc của họ có thị thực và hợp đồng rõ ràng.
Vấn nạn nô lệ hiện đại gia tăng do thế giới liên tiếp đối mặt khủng hoảng
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) của Liên hợp quốc cho biết số người bị ép buộc làm việc hoặc kết hôn không mong muốn trong những năm gần đây là khoảng 50 triệu người.
Một công nhân đang hoàn thiện những công việc cuối cùng tại sân vận động Al Bayt, một trong những địa điểm tổ chức World Cup Qatar 2022. Ảnh: Reuters
Dẫn báo cáo về tình trạng nô lệ thời hiện đại của ILO, hãng tin Reuters ngày 12/9 cho biết các cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19, xung đột vũ trang và biến đổi khí hậu đã dẫn đến tình trạng gián đoạn chưa từng có đối với thị trường việc làm và giáo dục, đồng thời làm trầm trọng thêm vấn nạn nghèo đói và di cư.
So với đợt thống kê năm 2016, số người phải chịu cảnh nô lệ thời hiện đại đã tăng khoảng 9,3 triệu người.
Theo số liệu mới nhất, số người chịu cảnh lao động cưỡng bức chiếm 27,6 triệu trong số những nô lệ hiện đại năm 2021, trong đó hơn 3,3 triệu là trẻ em. Số người chịu cảnh hôn nhân ép buộc là 22 triệu người.
ILO chỉ ra rằng hơn một nửa số lao động cưỡng bức xảy ra ở các nước có thu nhập trên trung bình hoặc thu nhập cao, trong đó nguy cơ phải chịu cảnh ép buộc đối với người nhập cư cao hơn gấp ba lần.
Báo cáo đề cập đến Qatar - quốc gia đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc vi phạm quyền lao động liên quan đến những người nhập cư làm việc trước thềm giải World Cup 2022.
Trước những cáo buộc của một số người về việc bóc lột lao động, CEO của World Cup 2022 - Nasser Al Khater đã phải lên tiếng. Ông Nasser Al Khater cho biết: "Qatar đang bị làm xấu hình ảnh của quốc gia thuộc thế giới Arab làm chủ nhà vòng chung kết World Cup hứa hẹn thành công vang dội và có những nét riêng biệt... Trong suốt quá trình chuẩn bị nhiều năm qua, Qatar cũng có những sai sót nhưng không đáng và không như các thông tin bịa đặt với ý bôi xấu nước chủ nhà không chu đáo".
Báo cáo của ILO cũng chỉ ra mối lo ngại về tình trạng lao động cưỡng bức ở một số vùng của Trung Quốc song quốc gia châu Á đã mạnh mẽ bác bỏ các cáo buộc.
Vấn đề nhức nhối toàn cầu: Xóa bỏ 'nô lệ thời hiện đại' "Nô lệ thời hiện đại" là khái niệm được nhắc nhiều trong những năm gần đây khi mà nạn buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, lao động cưỡng bức, bóc lột tình dục hay các hoạt động như bắt làm nô lệ để trả nợ, hôn nhân ép buộc... vẫn nhức nhối. Xung đột, bất ổn chính trị,...