Người lính phim “Biệt động Sài Gòn” được sửa nhà, mua xe
Ông Aly Dũng nuối tiếc vì không kịp biết tên của tất cả những người đã động viên, giúp đỡ mình trong thời gian qua.
“Con ơi, chú muốn nhờ con viết một mục ngắn cho chú cảm tạ các mạnh thường quân đã hết lòng giúp đỡ chú trong thời gian qua và kể từ bây giờ chú đã có người sửa giúp nhà, có xe đi làm rồi. Chú xin phép không dám nhận gì nữa cả, chỉ xin được mọi người thương là hạnh phúc lắm rồi”. Đó là lời nhờ vả đặc biệt của người diễn viên trong bài viết “Số phận không ngờ của diễn viên phim Biệt động Sài Gòn” đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM trước đó.
Hoàn cảnh của ông trên báo đã chạm đến trái tim của rất nhiều người. Họ đã tìm đến hỗ trợ ông những nhu cầu thiết thực mong cuộc sống của ông bớt vất vả hơn.
Anh Hồng Lĩnh (phải) đến đo đạc để sửa nhà theo ý của ông Dũng. Ảnh: HOÀNG LAN
“Tôi muốn sửa nhà cho anh, anh chịu không?”
Một mạnh thường quân đã giúp ông sửa lại chái nhà. Trong thời gian sửa nhà, họ đã bố trí một căn gác ở gia đình để ông ở và nghỉ ngơi. “Báo đăng, ảnh tìm đến nói muốn qua nhà thăm, cái ảnh chui vô nhà, bất ngờ rút cây thước ra nói anh cho phép tôi đo nhà của anh nha. Tôi mới hỏi ủa chi vậy anh thì ảnh mới nói là muốn sửa nhà cho anh, anh có chịu không?” – ông Dũng kể.
Mỗi ngày anh Hồng Lĩnh, người sửa nhà cho ông Dũng, đều đến để đốc thúc thi công, trực tiếp chở và mua nguyên vật liệu đến.
Hôm qua (13-11), anh cũng lại đến trông coi. Anh Lĩnh cho biết đọc bài báo về hoàn cảnh của ông Dũng và đến tận nơi mục sở thị, thấy gia cảnh đúng như báo viết và ông Dũng sống thật thà, chất phác nên quyết định giúp đỡ.
Anh Lĩnh chia sẻ: “Khi đọc mấy bài báo, tôi với bà xã rất bất ngờ vì ở gần nhà tôi lại có một người đang sống khốn khổ như thế. Trong khả năng tài chính và khoảng cách mà không giúp đỡ thì tôi thấy áy náy lắm”.
Xe máy nghĩa tình của nghệ sĩ Chí Trung
Trong lúc coi nhà, ông Dũng chốc chốc lại ra trông chiếc Honda mới cáu vì sợ kẻ gian cuỗm mất. Ông khoe tài sản quý giá này là do NSƯT Chí Trung ở miền Bắc xa xôi quyên góp từ các anh em nghệ sĩ cộng thêm tiền của bạn bè giúp đỡ.
Video đang HOT
Ngoài ra, khi biết được hoàn cảnh và tài năng của ông, nhiều đạo diễn cũng ngỏ lời mời ông tham gia các vai diễn để ông có thêm tiền trang trải cuộc sống như Hồng Yến, Trần Vũ Huân, Minh Cao, Nhất Tuấn, Thoại Chương…
Ông Dũng và chiếc xe do các nghệ sĩ hỗ trợ.
Biết ông bị bệnh tiểu đường, một chiều nọ có hai cô gái tìm tới cửa nhà để gửi cho mấy bao bún, gạo, cơm rang, miến toàn bằng gạo lứt và tảo biển Nhật Bản để bồi bổ sức khỏe.
Một đôi vợ chồng khác tạt qua gửi cho ông một bao gạo và phong bì. Ông từ chối phong bì thì họ vội vã nổ máy xe chạy đi…
Tất cả đều đến rồi đi vội vã như sợ ông sẽ không nhận tấm chân tình của họ.
“Tôi mong có một ngày gặp đông đủ các ân nhân của mình. Tôi xin cảm ơn mọi người đã động viên và giúp đỡ tôi có nhà để ở đàng hoàng hơn, có xe để đi lại. Tôi xin không nhận ơn của bất kỳ ai nữa, bà con hãy dành tình cảm đó cho những người khó khăn hơn” – ông Dũng nhắn nhủ.
Ngày 14-10, báo Pháp Luật TP.HCM có đăng bài “Số phận không ngờ của diễn viên phim Biệt động Sài Gòn”. Từ một gia đình giàu có ở Sài Gòn ngày trước, gia đình ông Aly Dũng rơi vào bi kịch. Những người thân của ông cũng lần lượt ra đi vì tai nạn, bệnh tật.
Ông Dũng bán đi chiếc Honda duy nhất để mua lại cái chuồng heo của một người dân quận Bình Thạnh để ở (ảnh). Từ đó trở đi, ông đi bộ hoặc đi xe buýt đến chỗ diễn. Thấy thương tình, một người bạn cho ông chiếc xe đạp. Tiền đi diễn chỉ đủ giúp ông cầm cự qua ngày nhưng ông vẫn háo hức với từng vai diễn dù nhỏ, thời gian còn lại ông dạy miễn phí cho các diễn viên trẻ không chuyên. Ông bén duyên với phim truyện qua vai diễn là lính cận vệ của Đại tá Sông trong phim Biệt động Sài Gòn. Có một kịch bản viết về cuộc đời ông mà người ta không chịu chuyển thể thành phim vì quá buồn. Có người biết chuyện đã tìm đến ngỏ ý muốn được mua lại để xem. Ông Aly Dũng nói: “Chị muốn thì tôi sao kịch bản ra tặng chứ không bán buôn gì đâu!”.
Theo Hoàng Lan (Pháp luật TPHCM)
Tài tử sống ở chuồng lợn: 'Diễm Hương nhận tôi làm anh trai'
Ngôi sao điện ảnh một thời vì thương diễn viên Aly Dũng - người sống trong nửa chuồng lợn - côi cút giống mình nên nhận ông làm anh kết nghĩa.
Mặc dù hiện tại phải sống trong cảnh "mưa dột nắng hắt" bởi căn nhà 9 m2 hình chữ L vốn trước đây được mua từ chuồng lợn của người ta, nhưng diễn viên Aly Dũng vẫn đau đáu nguyện vọng được gặp lại ngôi sao điện ảnh Diễm Hương và minh tinh màn bạc Thẩm Thúy Hằng.
Ông nghẹn ngào kể về 2 người phụ nữ ông yêu quý nhất trên đời và mong sớm đến ngày trùng phùng.
Aly Dũng sống trong căn phòng ọp ẹp nhưng lại không thích chuyển đến căn biệt thự của "biểu tượng sắc đẹp một thời" Thẩm Thúy Hằng. Ảnh: Lê Quân.
Diễm Hương nhận Aly làm anh kết nghĩa mặc mẹ phản đối
Năm 41 tuổi, tôi nghỉ việc ở đoàn kịch để chuyển sang đóng phim. Người ta bảo tôi làm trợ lý cho đoàn phim Đêm mùa hè nghiệt ngã để được đóng một vai. Từ việc tìm diễn viên quần chúng, xin bối cảnh... một mình tôi làm hết.
Thời đó chưa có điện thoại hay máy nhắn tin, tôi phải cầm một đống giấy có ghi rõ quay ở đâu, mấy giờ để thông báo cho dàn diễn viên chính biết. Tôi phải đạp xe đến từng nhà, gõ cửa từng người một, mà mỗi người ở mỗi nơi, từ sáng sớm đến tối khuya mới thông báo xong.
Khi đến nhà Diễm Hương, cô ấy ra mở cửa, nhận giấy và nói sao anh đi cực quá vậy, đến chừng nào mới hết đống giấy mời này. Tôi chỉ cười nhưng Diễm Hương bảo thôi ngày mai anh lại hội trường, em kêu xe chở anh đi, đừng đi xe đạp cực lắm.
Tôi cũng quen rồi, cũng không muốn làm phiền nên từ chối. Nhưng cô ấy cứ nài nỉ và nói anh cực lắm sao phải đi chiếc xe này, em thấy anh khổ em thương quá. Diễm Hương nhất định không để tôi đi xe đạp vì sợ tôi không còn đủ sức đến lúc đóng phim.
Ông vẫn còn lưu giữ những hình ảnh của Diễm Hương. Ảnh: Lê Quân.
Đúng lúc má Diễm Huơng ra cửa, cô ấy quay sang nói: "Má, anh Dũng cực khổ quá à. Mai cho anh Dũng đi chung xe với mình nha má". Bà ấy miễn cưỡng gật đầu và bảo chỉ cho đi nhờ một lần thôi, lần sau phải tự đi. Tôi thấy bà ấy không vui nên từ chối tiếp nhưng Diễm Hương vẫn cứng đầu, yêu cầu tôi đúng giờ đó ra đường để cô ấy đến đón.
Hôm sau, đúng hẹn tôi ra chờ thì thấy xe của Diễm Hương đợi sẵn. Lúc lên xe, cô ấy mời tôi ăn bánh bao nhưng má Hương lại bảo chỉ mua đủ người, không có dư cái nào. Tôi biết ý người ta nên nói dối mình ăn rồi. Lúc đó Diễm Hương đang trang điểm nên bảo anh ăn bánh của em đi, em đang make-up nên một lát mới ăn. Những hôm sau đó, dù má cô ấy phản đối nhưng Hương vẫn kiên quyết đưa đón tôi mỗi ngày cho đến khi hết phim.
Sau này tôi mới biết, thì ra Diễm Hương vốn mồ côi, cô được nhận nuôi nên muốn trả nghĩa ân tình cho trọn vẹn, nhất mực nghe theo lời của má. Hương thương tôi vì chung hoàn cảnh nên một ngày cô ấy bảo anh Dũng làm anh trai của em đi, từ nay em gọi anh bằng anh Hai. Không phải đợi đến lúc đó tôi mới thương em ấy, từ lúc nhận được cách đối xử thân tình, tôi đã xem Diễm Hương như ruột thịt.
Má Diễm Hương bảo làm anh của Hương rồi thì cũng là con bà. Bà bảo tôi đi xem những căn nhà bỏ hoang hoặc người ta cần bán để bà mua lại rồi sửa sang và cho thuê. Nhưng em ấy không bao giờ để tôi đi xe đạp vì nắng nóng, sợ tôi cực. Hương nhất mực đòi theo nên bà ấy lại miễn cưỡng cho tôi mượn xe máy để tìm nhà.
Tôi vẫn còn nhớ, trong lúc quay phim, Hương rủ tôi ra chợ Bến Thành mua đôi giày để tập thể dục. Em ấy quấn mái tóc dài lên hết, đeo khẩu trang kín mít để không ai nhìn thấy. Đoàn phim nằm ở phía Nhà thờ Đức bà, hai đứa đi bộ ra Bến Thành mồ hôi nhễ nhại. Nóng quá nên con bé xõa tóc, không ngụy trang nữa nên đám đông lập tức nhận ra, chạy đến để xin chữ kỹ.
Nó hốt hoảng kéo tay tôi bỏ chạy, được một đoạn thở hổn hển rồi bật cười ha hả. Cuối cùng, không mua được gì mà đói quá nên Hương rủ tôi ăn bột chiên, hết cả tiền mua giày.
Con bé giữ kín nhiều nỗi đau, tôi không đành lòng nên khuyên nó lấy chồng để giải thoát những phiền muộn. Diễm Hương cũng đồng tình. Sau phim đó, tôi nghe tin em ấy lấy chồng ngoại rồi sau này về Việt Nam. Tôi tìm đến nhà hỏi thăm tin tức nhưng má em ấy không nói, bảo không còn biết chuyện của em nữa. Từ đó Diễm Hương không còn đóng phim, tôi cũng không được gặp lại em dù đã dò hỏi nhiều đồng nghiệp thân thiết.
Thẩm Thúy Hằng sống khép kín
Thời còn đóng kịch, tôi gặp chị Thẩm Thúy Hằng khi xin về đoàn Bông Hồng. Sau này chị ấy nghỉ, thành lập một nhóm gồm chị, tôi, Thương Tín, Bảo Yến, Nhã Phương để về miền Tây lưu diễn. Ngày đó chúng tôi sống trong sung sướng vì được khán giả yêu thương, không bao giờ phải lo cái ăn cái mặc. Được 4 năm, đoàn tan rã, tôi lại về đoàn kịch Phi Hoàng và sau đó chuyển sang đóng phim.
Sau này, chị Thẩm Thúy Hằng ngừng đóng phim vì những ồn ào, rắc rối từ nhan sắc. Chị sống trong căn biệt thự ở Bình Thạnh, gần chỗ tôi nên hay kêu tôi sang chơi. Chị bảo, mày về ở với chị đi, trông coi nhà cửa và nghe điện thoại giúp chị, đừng sống trong chuồng lợn đó. Tôi biết về đó ở thì không phải lo cái ăn cái mặc nhưng lại không được đóng phim. Tôi không muốn vậy nên bảo thôi để em già thêm chút nữa đã, chị nói đợi mày già chị đã chết rồi.
Ông mong mỏi gặp lại Thẩm Thúy Hằng và Diễm Hương trước khi mất. Ảnh: Lê Quân.
Tết vừa rồi tôi sang nhà thăm chị thì mới hay căn biệt thự đó đã đập phá để chủ mới đến ở, hỏi thăm người ta bảo chị chuyển sang quận 7. Mà tính chị ấy thất thường lắm, điện thoại không số nào liên lạc được. Tôi hỏi các nghệ sĩ vốn quen biết với chị ấy nhưng ai cũng từ chối trả lời.
Theo Zing
Cuộc đời nhiều nước mắt của tài tử sống trong nửa chuồng lợn Từ một đại thiếu gia sống trong nhung lụa, diễn viên Aly Dũng phút chốc rơi vào cảnh không nhà ở, một nách nuôi 14 đứa em và lần lượt từng người một ra đi. Phóng viên Zing.vn tìm đến nhà diễn viên Aly Dũng sau khi cư dân mạng chia sẻ thông tin ông sống trong ngôi nhà ọp ẹp, trước đây...