Người lính già và hồi ức qua hai cuộc kháng chiến
Gần 40 năm sống trong hòa bình, tuy tuổi đã cao, mái tóc đã bạc trắng song những kỷ niệm về hành trình đánh Pháp, chống Mỹ cứu nước vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức người lính giải phóng năm xưa.
Ký ức hào hùng thời binh lửa
Chúng tôi gặp cụ Lê Văn Diếp (SN 1926, trú xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) tại nhà riêng vào một buổi chiều cuối tháng Tư, khi cả nước đang hướng đến ngày lễ kỷ niệm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2014). 39 năm qua đi, nhưng không khí ngày non sông thu về một mối vẫn còn như in đậm trong hồi ức của người lính già.
Cụ Lê Văn Diếp xem chiếc rađio như kỷ vật quý thời chiến
Từ lúc sinh ra, quê hương Lê Văn Diếp đã chìm trong lửa đạn. Lòng căm thù giặc đã nung nấu trong tim, cậu bé Diếp chỉ mong lớn thật nhanh để được đi diệt giặc, bảo vệ Tổ quốc. Năm 22 tuổi, chàng thanh niên Diếp nhập ngũ, bắt đầu tham gia các phong trào đánh giặc ở chiến trường Bình – Trị – Thiên. Năm 24 tuổi anh được tuyển chọn để ra Quân khu 3 (Thanh Hóa) huấn luyện. Sau một thời gian, Diếp cùng đồng đội ở Trung đoàn 9 đánh thắng giặc Pháp tại đường số 6 và giành nhiều chiến thắng khác ở tỉnh Hòa Bình.
Vào năm 1953, với tài trí của mình, người lính tên Diếp được cấp trên cử đi huấn luyện và đào tạo ở Trường Lục quân Trung Quốc – khóa 8. Sau 2 năm hoàn thành khóa học, anh được lệnh phải sang chiến trường Hạ Lào và Đông Bắc Miên (Cam-phu-chia) hỗ trợ cho Sư đoàn 325, trung đoàn 101. Tại đây, mặc dù cuộc sống gian khổ, chiến đấu liên tiếp nhưng Diếp và đồng đội đã đánh thắng nhiều trận chiến oanh liệt, lập nhiều chiến công.
Kỷ niệm đời lính của cụ Lê Văn Diếp
Cụ Diếp xúc động nhớ lại: “Khi đó tui tham gia vào lực lượng bộ binh, chinh chiến nhiều trận ở Lào cho đến Miên ác liệt, chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh, để xác nằm lại nước bạn, lòng tui như đau quặn thắt, nhưng chiến tranh nên ai cũng sẵn sàng ra trận, sẵn sàng hy sinh…” .
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông Lê Văn Diếp được cấp trên cử về lại Quảng Bình nhận nhiệm vụ ở Trung đoàn – 186 để hỗ trợ và luôn sẵn sàng chiến đấu nếu trường hợp giặc quay lại. Tháng 8/1957, ông lại được chỉ huy cử sang Trung Quốc học lớp Lục quân khóa 10. Sau khóa học, ông trở về Quảng Bình làm Trung đoàn Trưởng Trung đoàn pháo binh 78, thuộc Sư đoàn 325, lúc này nhiệm vụ của Trung đoàn 78 là phải bảo vệ bờ biển Quảng Bình. Thời điểm này, mặc dù chiến sự ác liệt, khó khăn và nhiều gian khổ nhưng người lính ấy vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Vào năm 1967, các đơn vị ngoài Bắc được lệnh Nam tiến để bổ sung lực lượng cho chiến trường miền Nam. Khi ấy, Trung đoàn 78 pháo binh của ông đang đóng quân ở bờ biển Quảng Bình nhưng phải khẩn trương hành quân bộ qua Quảng Trị rồi men theo đường rừng vào chiến trường Bình – Trị – Thiên qua Lào để bảo đảm bí mật. Đơn vị hành quân bộ ròng rã gần 1 tháng mới đến địa bàn để nhận nhiệm vụ.
Dấu ấn về những trận đánh tiểu đoàn “Trâu điên” khét tiếng
Đơn vị của ông Lê Văn Diếp nhận lệnh xuất kích, tiêu diệt tiểu đoàn “Trâu điên” của quân lực Việt Nam Cộng hòa tại căn cứ phía Bắc đường 9 Nam Lào. Đây là trận chiến để lại nhiều dấu ấn đối với những người cựu binh. Cụ Diếp bồi hồi nhớ lại: “Quân “Trâu điên” rất tàn nhẫn, bọn chúng hành động điên khùng, tàn sát và cực kỳ nguy hiểm nên buộc bộ đội chúng ta phải vất vả phục kích và chiến đấu cả ngày lẫn đêm để bảo vệ quân và dân nước bạn”.
Trong trí nhớ của cụ Diếp, trận chiến ấy vô cùng khốc liệt. Vào một buổi sáng của một ngày tháng 2/1971, đơn vị của Lê Văn Diếp xuất kích với 3 chiếc xe tăng. Cụ Diếp là pháo thủ trong chiếc xe dẫn đầu, lúc đó trên xe còn có một đồng chí Chính trị viên Tiểu đoàn 3. Cụ kể với chúng tôi, đây là trận chiến đấu ác liệt nhất, đáng nhớ nhất trong đời cầm súng của mình. Sau khi bước vào trận đánh, địch tăng cường thêm máy bay và lính dù nhằm bao vây đơn vị tăng thiết giáp, chúng quần thảo trên bầu trời, sẵn sàng nã đạn vào bất cứ chỗ nào nghi là có bộ đội ẩn nấp nên hai chiếc xe đều phải rút về phía sau để bảo toàn lực lượng. Chiếc xe của pháo thủ Lê Văn Diếp tiếp tục chiến đấu, phá vỡ vòng vây của địch. Sang đầu giờ chiều, chiếc xe tăng của cụ chiếm được đỉnh đồi rồi sau đó lan sang nhiều đỉnh đồi khác. Trước tình thế ấy, địch buộc phải rút quân.
Video đang HOT
Sau đó mấy ngày, quân lực Việt Nam Cộng hòa huy động lực lượng để giải vây. Trận này lực lượng của ta mỏng nên bộ đội thương vong nhiều. Cụ Diếp bị thương. “Đơn vị đã chiến đấu hết sức mình, nhưng lực lượng ta so với địch quá chênh lệch nên buộc phải rút vào rừng sâu, không có thức ăn nên anh em phải bứt lá rừng để nhai cho đỡ đói, bất cứ lá nào không đắng là chúng tôi ăn, một số người vì quá đói hoặc ăn phải lá rừng độc mà chết…”, cụ Diếp ngấn lệ.
Nhưng, sau những trận chiến ác liệt ở chiến trường phía Nam nước Lào, đơn vị của cụ Diếp đã lập nhiều chiến công và tiêu diệt được nhiều tiểu đoàn “Trâu điên” của địch, buộc địch phải co cụm lại và dần rút quân vào chiến trường miền Nam Việt Nam.
Năm 1973, cụ về nhận nhiệm vụ làm Chính ủy thuộc Trung đoàn 186 đóng tại Quảng Bình đến ngày đất nước thống nhất.
Bao năm chinh chiến qua đi, cụ Lê Văn Diếp nay đã 65 tuổi Đảng và 89 tuổi đời, nhưng trong tâm trí của cụ vẫn không bao giờ quên kỷ niệm chiến trường xưa và giây phút lịch sử giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước. Nay, do tuổi già sức yếu, không đi lại được xa, nhưng hằng ngày bên chiếc giường của mình, cụ Lê Văn Diếp vẫn giữ một chiếc đài từ thời chiến, nó vừa là kỷ vật quý giá, vừa giúp cụ theo dõi tin tức hàng ngày.
Vợ chồng cụ Diếp tâm niệm luôn sống và học theo gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Với những chiến tích, công lao trong suốt 2 cuộc chiến, cụ Lê Văn Diếp được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều huân chương cao quý như: Huân chương độc lập hạng 3, Huân chương Quân công hạng 3, Huân chương giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba, Huân chương chống Mỹ hạng nhất…
Với những chiến tích qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cụ Lê Văn Diếp được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương cao quý
39 năm đất nước thống nhất vẹn toàn, những người lính ra đi khi tuổi còn xanh, nay tóc đã bạc trắng. Họ đã cống hiến những ngày đẹp nhất cho chiến trường, cho sự nghiệp chiến đấu giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
Theo Dantri
Đau đáu kỷ vật Huy hiệu chiến sỹ Điện Biên Phủ
Trong một trận bom đánh phá khốc liệt vào trọng điểm, ông hy sinh; kỷ vật còn lại là tấm huy hiệu chiến sỹ Điện Biên Phủ...
Tác giả (áo xanh ngoài cùng bên phải) cùng CCB Đại đoàn 312 dâng hương trước phần mộ Anh hùng Phan Đình Giót và Tô Vĩnh Diện tại nghĩa trang liệt sĩ A1.
Cha tôi là lính Đại đoàn 312, Trung đoàn 141, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ngay từ trận mở màn ngày 13 tháng 3 năm 1954, đánh chiếm trung tâm đề kháng Him Lam. Trong kháng chiến chống Mỹ, cha tôi trực tiếp chỉ huy đơn vị mở đường vào mặt trận phía Nam. Trong trận bom đánh phá khốc liệt vào trọng điểm, ông hy sinh ngày 27/5/1967. Kỷ vật còn lại là tấm huy hiệu chiến sỹ Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ trở thành dấu ấn chẳng phai mờ trong ký ức không chỉ của thân nhân người chiến sỹ Điện Biên Phủ.
Phải vậy chăng, mỗi dịp lên Điện Biên Phủ, tôi dành phần lớn thời gian thăm bảo tàng lịch sử. Mỗi hiện vật như lấp lánh, tỏa rạng quá khứ hào hùng của dân tộc. Tôi cứ trân trọng lật từng lưỡi xẻng, lưỡi cuốc mòn vẹt, sứt mẻ vì mảnh bom, vết đạn xuyên thủng. Đâu là lưỡi xẻng, lưỡi cuốc mà cha tôi sát cánh cùng lớp lớp chiến sĩ khoét núi, mở đường kéo pháo, xây dựng hệ thống chiến hào tiến công, vây lấn, thực hiện phương châm "đánh chắc, tiến chắc".
Họ là lính Đại đoàn 312, 304, 308, 316, 351, những người con từ nhân dân mà ra vì nhân dân mà chiến đấu. Cha tôi kể chỉ trong khoảng 10 ngày, bộ đội đã đào hơn 100 km hào chiến đấu, hầm trú ẩn tránh phi pháo, tạo thế trận vây hạm tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Từng ngày, từng giờ siết chặt cổ họng từng phân khu cứ điểm, cắt ngang sân bay Mường Thanh.
Lại nhớ tới công lao của biết bao người thợ làng rèn Nho Lâm (Diễn Châu) và Thượng Rừng (Nghi Lộc), Nghệ An nổi lửa rèn xẻng, rèn cuốc cung cấp cho mặt trận Điện Biên Phủ. Nhìn số hiện vật trưng bày ít ỏi, tôi liên tưởng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội, dân công, thanh niên xung phong sử dụng tới gần 4 vạn lưỡi xẻng, lưỡi cuốc, có còn lại bảo tảng tàng lưỡi xẻng, lưỡi cuốc nào của làng rèn Nho Lâm, Thượng Rừng (Nghệ An).
Ông Vũ Đình Chi, nguyên Bí thư huyện ủy Diễn Châu (1953 đến 10/1954), nguyên Trưởng Ban cung cấp hậu cần chống Pháp huyện Diễn Châu, Nghệ An.
Sinh thời, mỗi khi vào dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Vũ Đình Chi, quê xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu, nguyên Bí thư huyện ủy Diễn Châu, nguyên Trưởng Ban cung cấp hậu cần kháng chiến chống Pháp của huyện Diễn Châu thường, lại hào hứng kể lại cho thế hệ trẻ về kỳ tích chỉ trong một tháng, hơn 300 lò rèn làng Nho Lâm (bao gồm xã Diễn Thọ, Diễn Phú, Diễn Lộc) và hơn 100 lò rèn làng Thượng Rừng (Nghi Xuân, Nghi Lộc) liên tục nổi lửa rèn 10.000 lưỡi xẻng, 5.000 lưỡi cuốc chim cung cấp cho mặt trận Điện Biên Phủ.
Riêng làng đúc lưỡi cày chợ Si (xã Diễn Kỷ, Diễn Châu) còn rèn cả búa tạ, xà beng, dao phát cung cấp cho 500 đội viên thanh niên xung phong mang tên Cù Chính Lan Nghệ An mở đường vào bến phà Tạ Khoa, bảo đảm giao thông đèo Pha Đin, ngã ba Cò Nòi dẫn vào Tuần Giáo.
Ông Cao Xuân Khuê, huyện đội trưởng Diễn Châu thời ấy nhận lệnh từ Hội đồng cung cấp tiền phương trực tiếp chỉ huy, đôn đốc 2 huyện Diễn Châu, Nghi Lộc gấp gáp bảo đảm đủ số lượng xẻng, cuốc trong một tháng, kịp chuyển ra chiến trường. Nguồn nguyên liệu sắt, thép là vô số thanh tà vẹt đường sắt hư hỏng, thanh dằng cầu bị bom ném cong vênh từ Hoàng Mai tới cầu sắt Yên Xuân. Một nguồn cung cấp nguyên liệu dồi dào nữa là đóng góp của nhân dân cả tỉnh Nghệ An, đấy là hàng vạn tấn than củi, dao cùn, lưỡi cày, lưỡi mác, lưỡi cưa, lưỡi rìu...
Những ngày đầu tháng 3 năm 1954, dọc tuyến đường 1A, kênh nhà Lê, kênh Sắt, rạo rực, nô nức từng đoàn xe bò kéo, xe cút kít, xe đạp thồ, thuyền nan chở lặc lè những sắt, những thép hối hả đổ về bãi tập kết làng rèn Nho Lâm, làng rèn Thượng Rừng, làng đúc chợ Si.
Dưới dãy núi Đại Vạc, không gian như sôi sục bởi tiếng búa tạ nện mặt đe tạo dáng lưỡi xẻng, lưỡi cuốc. Lửa phun từ lò sáng rực thâu đêm suốt sáng. Chẳng biết người thợ rèn làng Nho Lâm thời ấy sử dụng bao nhiêu tấn nguyên liệu để rèn hàng vạn lưỡi xẻng, chỉ biết đến bây giờ người dân khi xây nhà, đào móng vẫn chạm vào vô số vỉa xỉ than, xỉ sắt nung đã đông kết dày hàng mét.
Nguyên cớ nào, động lực nào truyền sức mạnh cơ bắp và cả ý chí cho hàng nghìn lực sĩ Nho Lâm tạo ra hàng vạn sản phẩm cho bộ đội Điện Biên Phủ thực hiện chiến thuật đào hào đánh lấn, xóa sổ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tôi lại ngược dòng lịch sử chống thực dân Pháp của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn hưởng ứng chiếu Cần Vương, khởi nghĩa chống Pháp từ năm 1885.
Không chỉ những người thợ đúc quặng sắt, thợ rèn tham gia nghĩa quân Nguyễn Xuân Ôn dựng cờ khởi nghĩa tại Động Thờ (huyện Yên Thành, Nghệ An), xây chiến lũy tại Thành Trài mà người thợ rèn Nho Lâm còn chuyển xưởng vào rừng Đại Vạc bí mật rèn dáo, mác, kiếm, đúc cả súng hỏa mai bắn đạn chì cung cấp cho hàng vạn nghĩa quân đánh Pháp. Thực dân Pháp vây ráp, bắt bớ, khủng bố, đốt cháy làng Nho Lâm, triệt phá bệ rèn, giết hại thợ nhưng ý chí chống Pháp đến người cuối cùng của nhân dân Nho Lâm vẫn không lay chuyển.
Từ lò rèn phân tán trong ngút ngàn cánh rừng Đại Vạc, Thần Vụ, Xuân Dương, lưỡi mác, mũi giáo sắc ngọt được phường Củi, phường Sơn Tràng dấu kín trong bó Củi, trong gánh Cỏ chuyển tới căn cứ nghĩa quân Nguyễn Xuân Ôn. Được thừa hưởng vóc dáng cao lớn của tiền nhân làm nghề đúc, rèn hàng trăm năm, nghĩa quân làng rèn Nho Lâm, Thượng Rừng biết bao lần góp sức sản xuất vũ khí khiến thực dân Pháp bại trận tại Cầu Bùng, Văn Trai, Động Thờ, Động Đình.
Khẩu pháo 105 ly chiến lợi phẩm tại bảo tàng Điện Biên Phủ.
Ông Vũ Đình Chi từng kể, thợ rèn Nho Lâm có sức vóc cao từ 1,5m đến 1,7m, nặng từ 70 đến 80kg, khi ăn "nồi bảy quăng ra, nồi ba quăng vào". Họ quai búa 15 giờ mỗi hiệp rèn, bởi thế trong vòng một tháng người của Hội đồng cung cấp tiền phương từ Thanh Hóa vào nhận hàng đã không khỏi ngỡ ngàng, hồ hởi khi tiếp nhận đủ cơ số xẻng, cuốc đạt tiêu chuẩn cho mặt trận.
Lại cũng huyện ủy Diễn Châu tổ chức đoàn dân công hỏa tuyến cùng dân công Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Nam Đàn nhận chuyển xẻng, cuốc tới tiền phương. Bí thư huyện ủy Vũ Đình Chi, huyện đội trưởng Cao Xuân Khuê chọn tuyển 500 thanh niên trai tráng, dùng xe đạp tải hàng ra mặt trận.
Phong trào "Mùa Đông binh sĩ", "Hũ gạo nuôi quân kháng chiến", "Áo ấm bộ đội" ở Nghệ An là nền tảng để động viên gia đình khá giả, thương gia ủng hộ 5.000 xe đạp loại tốt. Những chiếc xe đắt tiền được gá lắp thêm tay ngai bằng thân tre già, gia công thêm vành xe bằng nan hoa gỗ, lắp thêm đền gầm để tránh máy bay khi hành quân đêm. Câu ca tự thuở khởi thủy nghề đúc quặng, rèn nông cụ:
"Nho Lâm than quánh nặng nề
Sức em đang được thì về Nho Lâm".
Khi chuyển hàng lên Điện Biên Phủ dân công thay lời mới:
"Nho Lâm rèn, đúc làng nghề
Hàng ra mặt trận sáng nghề Nho Lâm".
Đoàn dân công chuyển 10.000 lưỡi xẻng được bọc kín bằng bẹ chuối, phủ đầy lá ngụy trang vượt đường 15, qua Thọ Xuân, Thạc Minh, ngược ngã ba Mãn Đức (Hòa Bình) lên suối Rút kịp giao hàng tại trạm hậu cần trung tuyến trước ngày toàn mặt trận mở đợt tấn công đợt 2 vào thượng tuần tháng 4 năm 1954. Ông Cao Xuân Khuê kể, đoàn dân công trên đường tới mặt trận đã được nghe thư động viên của Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi toàn thể anh chị em dân công phục vụ hỏa tuyến.
Ông còn nhớ lời của Đại tướng "Nhiệm vụ của anh chị em rất nặng nề và quan trọng. Nó đòi hỏi một tinh thần hy sinh dũng cảm, một tinh thần phục vụ bền bỉ dẻo dai cũng như tinh thần xung phong giết giặc của anh chị em chiến sĩ ở mặt trận...". Ông Cao Xuân Khuê hồi tưởng lời động viên, kêu gọi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thôi thúc đoàn dân công Nghệ An vượt qua các tọa độ dày đặc bom, đạn đèo Khế, đèo Hút Gió, đèo Lũng Lô, đèo Pha Đin, ngã ba Cò Nòi, bến phà Tạ Khoa.
Mang theo tấm huy hiệu Điện Biên Phủ, kỷ vật còn lại của người cha, tôi tới làng rèn Nho Lâm mong tìm lại những người thợ rèn năm 1953 - 1954 nhưng tất cả đã về thế giới người hiền. Thế hệ hôm nay vẫn còn nhớ kỳ tích rèn xẻng cho mặt trận Điện Biên Phủ của thế hệ cha ông đánh giặc. May mắn lớp trẻ hôm nay không quay lưng với chiến thằng hào hùng của dân tộc, của quân đội nhân dân anh hùng.
Riêng Đại tá Công an nhân dân Từ Ngọc Anh, ông Mai Ất, nguyên phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Nghệ An, từng là chiến sĩ Thanh niên xung phong hỏa tuyến bám trụ ở ngã ba Cò Nòi, đèo Pha Đin vẫn còn khắc sâu tâm khảm khi được mở đường, san lấp hố bom trước cửa ngõ mặt trận Điện Biên Phủ.
Các ông không thể quên những chiếc xẻng, chiếc cuốc được rèn, đúc và chuyển gần 600km đường gian nan, bom đạn từ làng rèn Nho Lâm, Thượng Rừng tới Điện Biên Phủ góp phần làm nên chiến thắng chận động địa cầu.
Văn Hiền - Nguyễn Duy
Theo Dantri
Siết chặt an ninh Cảng hàng không Nội Bài Sau khi chiếc máy bay Boeing mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines, thực hiện chuyến bay từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh (Trung Quốc) mất tích cùng với 239 người, nhiệm vụ đảm bảo an ninh hàng không đã được Công an TP Hà Nội và các đơn vị chức năng của Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài...