Người lính Anh 200 lần vượt trại tù phát xít để gặp người yêu
Bất chấp bị canh gác nghiêm ngặt, Horace Greasley đã đào thoát khỏi nhà tù phát xít Đức hàng trăm lần để gặp người tình đứng đợi trong khu rừng gần đó.
Horace Greasley và một trại tù binh của Đức. Ảnh: War History.
Horace Greasley, tù binh người Anh trong Thế chiến II, đã liên tục vượt ngục tới 200 lần, sau đó lén quay trở lại trại tù của phát xít Đức. Những cuộc trốn tù mạo hiểm này chỉ để Greasley có cơ hội gặp gỡ người yêu, một cô gái địa phương, theo War History.
Horace Greasley bị lính Đức bắt làm tù binh khi cùng Tiểu đoàn 2/5, Trung đoàn Leicestershire rút lui đến Dunkirk, Pháp vào tháng 5/1940. Greasley trải qua 10 tuần áp tải đến Bỉ, rồi lên tàu đến trại tù binh của Đức ở Silesia, Ba Lan. Rất nhiều đồng đội của Greasley đã chết trên hành trình do bị lính Đức đối xử tàn tệ.
Tại trại tù binh Silesia, Horace Greasley gặp cô gái 17 tuổi Rosa Rauchbach, con của một chủ mỏ đá gần trại. Do Rauchbach nói được tiếng Anh và làm phiên dịch cho quân Đức, họ có thể gặp gỡ, giao tiếp và ngay lập tức nảy sinh tình cảm, bất chấp việc này có thể khiến họ mất mạng.
Trong vòng vài tuần, cặp đôi liên tục gặp nhau một cách bí mật, ngay trước mũi lính gác. Nhưng chỉ một năm sau, Greasley bị chuyển đến trại tù Freiwaldau cách đó 64 km. Đây có thể là dấu chấm hết cho mối tình ngọt ngào, nhưng người lính Anh lại không nghĩ vậy. Greasley quyết tâm vượt trại tù để đến với người yêu.
Binh sĩ của Tiểu đoàn 2/5, nơi Greasley tham gia huấn luyện tân binh. Ảnh: Wikipedia.
Video đang HOT
“Một lính gác đi tuần liên tục quanh khu trại. Horace đã tính toán thời gian tên lính đi từ bên này sang bên kia. Một lính khác sẽ đi ngang qua tên kia, khi họ tách ra là lúc anh ấy nhảy qua cửa sổ”, Brenda, vợ sau này của Horce Greasley, mô tả về phương thức vượt trại tù táo bạo của chồng.
Greasley gửi tin nhắn cho Rosa Rauchbach qua nhóm lao động ngoài trại, sau đó nhận thư trả lời của người yêu khi những người đó đi cắt tóc. Greasley là thợ cắt tóc trong trại do từng làm nghề này khi còn ở Anh, điều đó giúp anh rất nhiều trong việc liên lạc.
Ngay khi có cơ hội, Horace Greasley sẽ luồn dưới hàng rào dây thép gai và đi bộ hơn 32 km để đến điểm hẹn. Sau đó, anh lại đi bộ trở về trại tù binh, bởi việc vượt quãng đường hơn 600 km đến lãnh thổ trung lập Thụy Sĩ gần đó là điều vô cùng mạo hiểm.
Một thời gian sau, phát xít Đức bắt đầu thất thế trên chiến trường, khiến điều kiện sinh hoạt ở trại tù binh trở nên dễ chịu hơn, lính gác canh phòng cũng lỏng lẻo hơn.
“Thông qua Rosa, Horace biết được rằng quân Đồng minh đã giải phóng Pháp và phát xít Đức đang rút chạy. Cô ấy thường nhét thư vào trong các điếu thuốc lá. Mọi thứ trở nên dễ dàng, anh ấy được chuyển đến một trại khác thoải mái hơn và nằm cạnh một khu rừng. Đó là lúc Horace hay nhảy ra ngoài cửa sổ mỗi đêm để gặp cô ấy, sau khi đã bẻ cong các thanh sắt”, Brenda kể.
Tình yêu của Greasley với Rosa Rauchbach không kết thúc có hậu, dù có lúc tưởng chừng họ sẽ đến được với nhau sau chiến tranh. Khi Đức bại trận, Greasley giúp Rosa nhận công việc phiên dịch viên cho quân đội Mỹ. Tuy nhiên, khi trở về quê nhà, Greasley nhận được tin Rauchbach đã qua đời khi sinh nở, dù anh không chắc đó có phải con mình hay không.
Đây là cái kết bi thảm của câu chuyện tình về người lính bất chấp nguy hiểm để gặp người yêu. Dù còn nhiều tranh cãi về những tình tiết xung quanh câu chuyện, đây vẫn là minh chứng cho sức mạnh của tình yêu vượt qua mọi rào cản trong các tình huống khác thường nhất, sử gia Russell Hughes nhận định.
Duy Sơn
Theo VNE
Phi công Anh 13 lần đào thoát khỏi nhà tù phát xít Đức
Trong 3 năm kể từ khi bị bắn rơi, phi công William Ash đã 13 lần tìm cách trốn thoát khỏi trại tù binh, trong đó có 6 suýt lần thành công.
Hồ sơ tù binh của William Ash. Ảnh: BBC.
William Ash là phi công lái tiêm kích Spitfire thuộc Không quân Hoàng gia Anh. Sau khi bị bắn rơi ở Pháp đầu năm 1942, ông tìm đường trở về Anh để tiếp tục chiến đấu, nhưng bị mật vụ Gestapo của Đức bắt giữ tại Paris. Ông bị chuyển qua các trại tù binh chiến tranh ở Đức, Ba Lan và Litva, nơi Ash phát hiện ra khả năng đào thoát bậc thầy của mình, theo New York Times.
Wiliam Franklin Ash sinh ngày 30/10/1917 ở Dallas, Mỹ. Hồi nhỏ, ông làm đủ nghề để tiết kiệm 200 USD cho công việc đầu tư chứng khoán, nhưng gặp thất bại khi thị trường sụp đổ năm 1929. Khi Thế chiến II nổ ra ở châu Âu vào năm 1939, Ash nộp đơn xin gia nhập Không quân Hoàng gia Canada, chấp nhận từ bỏ quốc tịch Mỹ.
Năm 1941, ông đến châu Âu và trở thành phi công thuộc Phi đội tiêm kích Spitfire 411 Anh, có nhiệm vụ bảo vệ tàu thuyền qua lại eo biển Anh, hộ tống máy bay ném bom tấn công chiến hạm Scharnhorst và Gneisenau của Đức.
Mùa xuân năm 1942, máy bay của Ash bị bắn rơi trên bầu trời Pas-de-Calais, Pháp. Sau khi nhảy dù, ông được lực lượng kháng chiến Pháp giúp đỡ tới Paris để tìm đường trở về Anh. Tuy nhiên, ông bị mật vụ Gestapo phát hiện và bắt giữ khi đóng giả khách du lịch đến thăm một triển lãm tranh.
Bị tình nghi làm gián điệp, Ash bị tống vào nhà tù Stalag Luft III ở Silesia, nơi ông kết bạn với một tù binh tên là Paddy Barthropp. Nỗ lực trốn thoát đầu tiên của họ là chui xuống dưới một cống thoát nước trong nhà tắm, mang theo bánh mì và nước đủ dùng trong hai tuần.
Họ định trốn cho đến khi cuộc sống bên ngoài trại giam trở lại bình thường, sau đó cả hai sẽ bí mật rời đi để không ai biết về các tù binh mất tích. Tuy nhiên, khi điểm danh tù binh, lính Đức phát hiện thiếu hụt người, tổ chức cuộc truy tìm và lôi họ ra khỏi cống.
Lần khác, ông trà trộn vào nhóm lao động khổ sai Liên Xô ra khỏi cổng nhà tù và tìm cách trốn thoát theo cửa trước. Sự việc thất bại, ông nhận ra đào hầm mới là cách tốt nhất.
Vì hành động này, phát xít Đức chuyển ông đến một trại khác ở Schubin, Ba Lan, nơi ông và Eddy Asselin, một phi công Canada, đào một đường hầm dài hàng trăm mét dưới bồn cầu hôi thối trong vòng ba tháng. Tháng 3/1943, họ đã giúp khoảng 35 tù binh thoát ra theo đường hầm.
Phát xít Đức đã huy động hàng nghìn binh lính truy lùng các tù binh bỏ trốn. Toàn bộ những người tham gia vào cuộc trốn chạy này đều bị bắt lại, Ash bị gửi trả lại nhà tù ở Stalag Luft III.
Nhà tù Stalag Luft III, nơi Ash bị giam giữ lâu nhất. Ảnh: Serwis Muzeum.
Đến Stalag Luft III, Ash lại tìm cách vượt ngục bằng cách trèo qua hàng rào thép gai có các ụ súng máy cảnh giới. Mục tiêu của Ash là đến khu nhà chứa nhóm tù binh chuẩn bị được đưa đến một trại khác ở Litva, nơi ông hy vọng tìm được cơ hội trốn thoát tốt hơn.
Để thực hiện kế hoạch này, Ash tráo đổi thân phận với một tù binh khác có tên Don Fair. Khi đến nơi giam giữ mới, Ash đào đường hầm thông ra bờ biển Baltic. Ông tìm được một con thuyền nhưng kiệt sức, không thể kéo nó xuống biển. Ash bèn kêu gọi sự trợ giúp của một số thường dân đang trồng bắp cải gần đó, nhưng không ngờ họ là lính Đức vừa hết ca trực.
Ash bị bắt trở lại nhà tù Stalag Luft III, có mặt vào thời điểm 76 lính Đồng minh thực hiện cuộc đào thoát nổi tiếng vào tháng 3/1944, nhưng ông không trốn thoát cùng họ. Viên phi công rất sợ hãi khi biết nhiều bạn tù sau đó bị xử bắn theo lệnh của Hitler. Năm 1945, ông được trả tự do sau khi chiến tranh kết thúc.
Ash đã thực hiện 13 lần đào thoát khỏi trại tù binh của phát xít Đức, trong đó có 6 lần thoát được ra ngoài nhưng bị bắt trở lại. Sau chiến tranh, Ash trở thành công dân Anh và lấy bằng cử nhân thứ hai về triết học, chính trị và kinh tế ở Đại học Oxford, trở thành quản lý của đài BBC ở Ấn Độ.
Duy Sơn
Theo VNE
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tố Đức hành xử như 'phát xít' Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan lên án việc Đức huỷ bỏ các cuộc biểu tình của những người ủng hộ ông. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: Reuters "Nước Đức, anh chẳng có liên hệ gì với dân chủ và anh nên biết rằng các hành động hiện nay của mình không khác gì với hành động trong thời phát...