Người lao động thụ hưởng gì từ khoản chi 30.000 tỷ đồng vừa được duyệt?
Sau khi UB Thường vụ Quốc hội thông qua đề xuất hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bằng nguồn của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, hôm nay, Chính phủ sẽ có nghị quyết cụ thể thực hiện chính sách.
Tổng mức hỗ trợ 38.000 tỷ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp bất thường của UB Thường vụ Quốc hội chiều 24/9 xem xét, thông qua Nghị quyết số 3 (Ảnh: Quốc Chính).
Theo tinh thần Nghị quyết số 3 của UB Thường vụ Quốc hội, do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành chiều tối qua, 24/9, nhà nước sẽ hỗ trợ một lần bằng tiền chi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Chính phủ đã đề xuất 2 nhóm đối tượng người lao động được hỗ trợ.
Nhóm thứ nhất là người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm chính sách có hiệu lực thi hành (trừ người lao động đang làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước).
Nhóm thứ hai là người lao động đã dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc từ ngày 1/1/2020 (thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng đến Việt Nam) đến thời điểm ban hành chính sách có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của Luật Việc làm, trừ người hưởng lương hưu hàng tháng.
UB Thường vụ quốc hội giao cho Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết trên nguyên tắc đảm bảo kết dư của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp sau khi thực hiện các chính sách không thấp hơn 2 lần tổng các khoản chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp của năm trước liền kề.
Theo ước tính của Bộ LĐ-TB&XH, 12,8 triệu người lao động được thụ hưởng chính sách. Con số này tương đương số người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh trên cả nước (bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm) trong quý II/2021.
Tổng mức hỗ trợ đã được UB Thường vụ Quốc hội biểu quyết, thông qua lần này là 30.000 tỷ đồng, lấy từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp năm 2020.
Video đang HOT
Dự kiến, mức hỗ trợ với những người lao động được thụ hưởng chính sách là từ 1,8 – 3,3 triệu đồng/người.
Tiền hỗ trợ sẽ do cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện đảm bảo thủ tục hành chính đơn giản, nhanh chóng và trực tiếp đến đối tượng thụ hưởng dựa trên cơ sở dữ liệu hiện có; hỗ trợ trực tiếp thông qua tài khoản cá nhân.
Trường hợp người lao động chưa có tài khoản ngân hàng, bảo hiểm xã hội sẽ phối hợp với các ngân hàng thương mại hỗ trợ lập tài khoản cho người lao động. Những trường hợp còn lại sẽ chi trả thông qua người sử dụng lao động hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương.
Thời gian hoàn thành việc hỗ trợ cho người lao động được UB Thường vụ Quốc hội chốt lại, chậm nhất đến hết ngày 31/12/2021.
Chính sách giảm đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp được áp dụng với người sử dụng lao động. Như Nghị quyết số 3 UB Thường vụ Quốc hội vừa thống nhất ban hành chiều tối qua, 24/9, người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày 1/10 đến hết ngày 30/9/2022 với tổng số tiền tính khoảng 8.000 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành việc thực hiện giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động chậm nhất đến hết ngày 30/9/2022.
Đảm bảo nguyên tắc đóng – hưởng, chia sẻ công bằng
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình đề xuất chính sách trước UB Thường vụ Quốc hội (Ảnh: Quốc Chính).
Cơ sở đề xuất chính sách hỗ trợ mới lần này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phân tích, đại dịch Covid-19 qua 4 đợt bùng phát, nghiêm trọng nhất là đợt dịch thứ tư, kéo dài từ cuối tháng 4 đến nay, đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và việc làm, thu nhập của người lao động. Thu nhập, đời sống gặp rất nhiều khó khăn, nhất là công nhân trong các khu công nghiệp phải dừng hoạt động, công nhân trong các khu vực nhà trọ, phụ nữ nuôi con nhỏ và những người bị nhiễm bệnh phải thực hiện cách ly,…
Tác động của dịch bệnh Covid-19 đến thị trường lao động vô cùng lớn, đặc biệt trong tháng 7 và tháng 8, đã làm “tê liệt” một bộ phận không nhỏ thị trường lao động phía Nam nơi có thị trường lao động sôi động nhất, thu hút nhân lực lớn nhất của cả nước. Sự dịch chuyển lao động một cách tự phát từ thành thị về nông thôn cuối tháng 7 và tháng 8 vừa qua cho thấy khả năng chịu đựng, chống lại với dịch bệnh của người lao động cũng như doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và đặt ra nhiều hệ lụy phải khắc phục nhằm phục hồi thị trường lao động trong thời gian tới.
Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là quỹ tài chính độc lập với ngân sách nhà nước, được hình thành từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động, có sự hỗ trợ từ ngân sách, tính an toàn hiện tại khá cao, kết dư lớn (tính đến hết năm 2020 là 90.0000 tỷ). Trong khi đó hàng chục triệu người lao động đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp.
Do vậy, việc sử dụng một phần kết dư của Quỹ để hỗ trợ người lao động và giảm mức đóng cho người sử dụng lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp gặp nhiều khó khăn là cần thiết và là giải pháp tình thế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Nguồn hỗ trợ này nhằm góp phần chia sẻ khó khăn, ổn định đời sống, duy trì việc làm; giảm bớt chi phí đối với người sử dụng lao động để duy trì chuỗi cung ứng.
Bộ trưởng Lao động cũng nhấn mạnh yêu cầu với sử dụng khoản hỗ trợ này là đảm bảo nguyên tắc đóng – hưởng, chia sẻ và công bằng đối với người lao động và người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, việc xác định tổng mức hỗ trợ, mức hưởng, đối tượng hưởng dựa trên thực tế kinh phí kết dư và tình hình thu – chi của Quỹ, đảm bảo an toàn và tăng trưởng Quỹ.
Việc thực hiện chính sách cũng phải đặt trong cân đối tổng thể chung các nguồn lực của Nhà nước, các quỹ, các nguồn hỗ trợ khác; có tính tới sự khác biệt và ưu tiên một số đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch. Theo đó, nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ không hỗ trợ đối tượng thuộc đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đơn vị đặc thù.
Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là thực hiện hỗ trợ đối với người lao động, người sử dụng lao động đảm bảo đơn giản, kịp thời và công khai, minh bạch.
Thời gian qua, nhiều chính sách chưa có tiền lệ đã được ban hành, liên quan đến hoạt động phòng chống dịch Covid-19. Nghị quyết 68 ngày 1/7 của Chính phủ cùng nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động đã được cộng đồng ghi nhận.
Đến nay, nhà nước đã thực hiện việc hỗ trợ gần 12.300 tỷ đồng cho hơn 16,9 triệu đối tượng, trong đó, hỗ trợ trên 4,57 triệu người lao động tự do và các đối tượng đặc thù với kinh phí gần 6.300 tỷ đồng và gần 77.000 hộ kinh doanh.
Đà Nẵng: Các doanh nghiệp FDI mong muốn sớm khôi phục toàn bộ sản xuất
Mong muốn sớm được hoạt động với công suất tối đa sau khi hoàn thành việc tiêm chủng cho người lao động, đó là đề xuất của nhiều doanh nghiệp FDI trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong Hội nghị đối thoại với chính quyền thành phố vào chiều 24/9.
Lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng biểu dương các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị, chiều 24/9.
Để có thể khôi phục sản xuất, kinh doanh, các hiệp hội, các doanh nghiệp FDI đã có nhiều kiến nghị, đề xuất chính quyền thành phố Đà Nẵng như: sớm được ưu tiên tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 cho người lao động để ổn định sản xuất; được hỗ trợ một phần chi phí xét nghiệm COVID-19 định kỳ cho người lao động; được tiếp tục tạo điều kiện cho các chuyên gia nước ngoài, hàng hóa lưu thông trong nước và quốc tế; được thông tin kịp thời các quy định, chính sách chống dịch của thành phố bằng nhiều thứ tiếng...
Đánh giá cao việc phòng, chống dịch của thành phố Đà Nẵng, ông Kim Jinmo, Phó Giám đốc Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Đà Nẵng nhận định, chính quyền đã có nhiều quyết định kịp thời, giúp giảm số lượng ca mắc COVID-19 trên địa bàn. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, các quyết định được thay đổi quá nhanh, nên các công ty rơi vào thế bị động, không kịp thay đổi để thích ứng. Các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Đà Nẵng rất chia sẻ và đồng hành với các quyết sách chống dịch của thành phố. Song giờ đây, dịch đã cơ bản được kiểm soát, cần xây dựng kịch bản phải sống chung, để vừa duy trì sản xuất vừa phòng, chống dịch.
Còn theo ông Ciprian Bota, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Vietnam (Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng), hiện nay, công ty đã có trên 90% người lao động tiêm 1 mũi vaccine COVID-19 và đang dần khôi phục các hoạt động sản xuất. Nhưng hiện nay, các đơn hàng vẫn đang bị chậm do giãn cách xã hội và chưa được hoạt động hết công suất.
Ông Ciprian Bota kiến nghị thành phố Đà Nẵng sớm được phân bổ thêm vaccine để tiêm đủ 2 mũi cho người lao động, đồng thời cho phép các chuyên gia nước ngoài được lựa chọn cách ly tại các khách sạn, cơ sở lưu trú thay vì phải cách ly tập trung như hiện nay.
Ông Ikeda Naoatsu, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản - Chi hội Đà Nẵng (JCCID) thì cho rằng, hiện rất nhiều doanh nghiệp đang bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Vì nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng phụ thuộc nguồn nguyên vật liệu từ các tỉnh, thành phía Bắc và phía Nam nhưng hàng hóa hiện rất khó lưu thông vì không thiết yếu. Nếu không sớm có sự thông thương, kết nối, sẽ rất khó cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Hiệp hội đề nghị thành phố nới dần các quy định về giấy đi đường, vì thực tế có một số doanh nghiệp đã tuyển được nhân sự mới nhưng người lao động không thể đến doanh nghiệp để nhận việc. Mong muốn của các doanh nghiệp hiện nay là được tạo điều kiện hoạt động với 100% công suất để hoàn thành đơn hàng cho các đối tác.
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định những ý kiến tâm huyết của các doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp FDI là cơ sở quan trọng để thành phố nghiên cứu và sớm ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng, an toàn, linh hoạt với dịch bệnh COVID-19.
Chính quyền thành phố sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp đã ban hành và khẩn trương ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, đảm bảo hiệu quả, khả thi, cân đối được nguồn lực thành phố, với quy trình, thủ tục đơn giản; ưu tiên hỗ trợ ngành nghề, lĩnh vực có tính lan tỏa, dẫn dắt nền kinh tế.
Trước mắt đến đầu tháng 10, thành phố sẽ đảm bảo người lao động được tiêm tối thiểu 1 mũi vaccine phòng ngừa dịch COVID-19 và hướng đến tiêm đủ 2 mũi vào cuối năm 2021; hỗ trợ 50% chi phí xét nghiệm, hướng dẫn rõ đối tượng, thời điểm lấy mẫu xét nghiệm; thành lập đội phản ứng nhanh về y tế để hỗ trợ doanh nghiệp khi phát hiện ca bệnh tại doanh nghiệp...
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cũng cho biết, ông đã trực tiếp kiểm tra việc phòng, chống dịch trong từng đơn vị, doanh nghiệp FDI và đánh giá rất cao sự chuyên nghiệp, kỹ lưỡng, cẩn thận của các doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Quảng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát dịch; tăng cường tuyên truyền làm cho người lao động thấy được việc thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình, doanh nghiệp trong sinh hoạt và làm việc; đặc biệt là tạo ra thói quen và cộng đồng; chăm lo đời sống, chế độ cho người lao động đảm bảo các quy định của Trung ương và của thành phố.
Dành 30.000 tỷ đồng bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động khó khăn UB Thường vụ Quốc hội đồng ý cho Chính phủ sử dụng một phần kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 (30.000 tỷ đồng) để hỗ trợ người lao động. Người sử dụng lao động được giảm mức đóng Quỹ về 0%. Chiều 24/9, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp bất thường...