Người lao động quay lại TPHCM được tiêm vắc xin ngay cửa ngõ thành phố
Một trong những biện pháp để đảm bảo an toàn, thu hút người lao động trở lại TPHCM làm việc sau dịch là chăm lo an sinh và tiêm phòng vắc xin. Thành phố bảo đảm người lao động sẽ được tiêm đủ vắc xin.
Ông Nguyễn Văn Lâm – Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM thông tin về việc triển khai hỗ trợ đợt 3 trong buổi livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời” ngày 22/10 (Ảnh cắt từ clip).
Tối 22/10, trong buổi livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời”, ông Nguyễn Văn Lâm – Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM trao đổi về những phương án hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động quay trở lại thành phố và được đảm bảo an toàn.
Ông Lâm cho biết, từ ngày 1/10, TPHCM bắt đầu nới lỏng giãn cách, nhiều người dân đã rời TP về quê. Thời điểm đó và cả hiện nay, UBND thành phố đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phối hợp, tạo điều kiện cho người dân về quê.
Ông Lâm khẳng định, khi người lao động trở lại sẽ được chăm lo về an sinh và tiêm phòng vắc xin. Theo ông Lâm, Sở Y tế TPHCM đã có kế hoạch tiêm vắc xin cho người lao động trở lại thành phố.
Theo đó, người lao động ở các tỉnh giáp ranh, khi tới cửa ngõ TPHCM sẽ được tiêm vắc xin ngay. Thành phố cũng xúc tiến việc tiêm tại địa phương nơi họ tạm trú và tiêm tại nơi xí nghiệp mà người lao động đang làm. Thành phố bảo đảm người lao động sẽ được tiêm đủ vắc xin.
Video đang HOT
Người lao động trở lại có được nhận tiền hỗ trợ đợt 3?
Ngoài ra, về vấn đề hỗ trợ đợt 3, Phó Giám đốc Sở Lao động cho biết, tại thời điểm khảo sát nếu người dân có mặt ở địa phương thì sẽ được hỗ trợ đợt 3. Khi khảo sát người dân không có mặt, giờ quay lại thì không đủ điều kiện hỗ trợ.
Lý giải về vấn đề trên, ông Lâm cho biết, trong 5 nhóm đối tượng hỗ trợ đợt 3 đều có các quy định cụ thể nên không thể làm sai quy định. Theo Công văn 3181 của UBND TPHCM để thực hiện Nghị quyết 97/HĐND về gói hỗ trợ đợt 3, trong thời gian đi khảo sát, người dân thuộc đối tượng được hưởng có mặt tại địa phương thì mới được nhận.
“Người dân ở TPHCM đang thực sự khó khăn sẽ nhận được hỗ trợ. Người dân chưa nhận được hỗ trợ có thể báo với UBND Phường để giải quyết, nếu phường không giải quyết thì báo lên UBND Quận. Các địa phương nếu làm sót đối tượng hỗ trợ thì phải bổ sung để hỗ trợ người dân”, ông Lâm nhấn mạnh.
Đến nay, 5,3 triệu người dân ở TPHCM đã nhận hỗ trợ đợt 3 (tương đương khoảng 80%).
Ông Lâm cũng cho biết, UBND TPHCM đã chấp thuận kéo dài thời gian chi hỗ trợ đợt 3 đến ngày 31/10, riêng 3 địa phương là quận 12, quận Bình Chánh, quận Bình Tân (dân số đông, nhiều địa bàn vẫn đang phong tỏa) nên việc chi trả hỗ trợ sẽ kéo dài đến 7/11.
Thông tin thêm về vấn đề trên, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM Lê Minh Tấn cho biết, sẽ không hạn chế thời gian 31/10 hay 7/10 đối với những người được hỗ trợ thuộc nhóm 1 (thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng đang gặp khó khăn) và những người đang cách ly tập trung, đang trị bệnh trong nhóm 2, 3, 4, 5.
Cùng với đó, những người đã được lập danh sách và được thẩm định danh sách nhưng trong thời gian chờ hỗ trợ mà vì lý do nào đó vắng mặt ở TPHCM (như về quê), thì sẽ được các địa phương tổng hợp danh sách, gửi TPHCM xem xét về việc hỗ trợ sau ngày 31/10 hoặc 7/11.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM Lê Minh Tấn.
Đến nay, TPHCM đã hỗ trợ đợt 3 cho 5,3 triệu người dân theo gói hỗ trợ đợt 3 (đạt khoảng 80%. Hiện còn khoảng 1,5 triệu người dân có hoàn cảnh khó khăn, đã có trong danh sách nhưng chưa nhận hỗ trợ đợt 3.
Ông Tấn cũng cho biết, TPHCM sẽ lập 3 đoàn kiểm tra chi hỗ trợ người dân từ 1 – 15/11. Đoàn 1 do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phụ trách, đoàn 2 do Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn và đoàn 3 do Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Nguyễn Văn Lâm. Các đoàn sẽ mời báo chí cùng tham dự các buổi kiểm tra để thông tin rộng rãi đến người dân.
5 nhóm được hỗ trợ đợt 3 tại TPHCM 1: Thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng đang gặp khó khăn.2: Người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội đang thực tế có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn (bao gồm người đang cách ly tập trung, đang trị bệnh…).3: Người phụ thuộc của nhóm 2. Cụ thể là cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc trong cùng một hộ đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn (bao gồm người đang cách ly tập trung, đang trị bệnh…).4: Cha, mẹ, vợ/chồng, con của những người đang hưởng lương hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, đang tham gia BHXH và được doanh nghiệp trả lương tháng 8/2021 mà có hoàn cảnh khó khăn (ở nhà làm nội trợ, hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc, bao gồm người đang cách ly tập trung, đang trị bệnh…) sống cùng một hộ và đang có mặt ở TPHCM.
5: Người lưu trú tạm thời trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu lao động nghèo, xóm nghèo, có hoàn cảnh thật sự khó khăn trong thời gian TPHCM thực hiện giãn cách và đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
'Gói an sinh Công đoàn' đến với người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Ngày 22/10, ông Phạm Tiến Nam, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Bình cho biết, Liên đoàn đang tích cực triển khai hỗ trợ đoàn viên, người lao động theo Quyết định số 3022 và "Gói an sinh Công đoàn" của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và Liên đoàn Lao động tỉnh trao tượng trưng "Gói an sinh Công đoàn" phân bổ cho các cấp công đoàn cơ sở để triển khai đến đoàn viên, người lao động. Ảnh: TTXVN phát
Đây là những chính sách lớn, thể hiện tính nhân văn sâu sắc của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đối với đoàn viên công đoàn, người lao động. Chương trình góp phần hỗ trợ cho 3.500 đoàn viên, người lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; kịp thời chia sẻ, động viên tinh thần đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19.
Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, du lịch, dịch vụ. Dưới tác động của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động dài ngày hoặc giải thể, nhiều công nhân lao động đã phải tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc ngừng việc làm, đời sống, sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn.
Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát tại tỉnh Quảng Bình từ cuối tháng 8/2021 đến tháng 9/2021, đã có 55 doanh nghiệp trong tổng số 234 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn tại địa phương phải tạm dừng hoạt động; trên 2.650 lao động dừng làm việc, trên 2.440 lao động ngừng tham gia bảo hiểm xã hội.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Bình Phạm Tiến Nam cho biết, trước những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Đảng, Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quan tâm, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Từ đầu năm đến nay, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp Công đoàn triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả; góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, ổn định đời sống cho người lao động. Cùng với đó, Công đoàn đã hỗ trợ, thăm hỏi, động viên đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tác động bởi dịch bệnh và các hoạt động xã hội khác.
Từ "Gói an sinh Công đoàn", theo kế hoạch, tỉnh Quảng Bình sẽ triển khai hỗ trợ 3.500 túi quà, có tổng trị giá 700 triệu đồng. Các suất quà ý nghĩa này sẽ được phân bổ cho các cấp Công đoàn cơ sở trên địa bàn để triển khai đến tay đoàn viên, người lao động. Bên cạnh đó, khoảng 1.500 lao động tại địa phương sẽ được hỗ trợ, sẻ chia khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19, với tổng số tiền trên 1,2 tỷ đồng.
Để tiếp tục phát huy và tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo, chia sẻ khó khăn đối với đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Bình yêu cầu các cấp Công đoàn tiếp tục phối hợp với người sử dụng lao động, chính quyền địa phương kịp thời triển khai, hướng dẫn, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn đúng theo các quy định, hướng dẫn liên quan của Trung ương và địa phương; triển khai các chế độ, chính sách và "Gói an sinh Công đoàn" đến tận đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo kịp thời, thiết thực, hiệu quả.
Công đoàn các cấp phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tiến hành giám sát việc triển khai thực hiện các gói hỗ trợ của Chính phủ cho người lao động, người sử dụng lao động, đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ, đúng đối tượng và đúng quy định.
Cơ sở giáo dục mầm non tư thục tại Hà Nội được hỗ trợ 20-40 triệu đồng Từ tháng 10/2021, các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục trên địa bàn Hà Nội sẽ được hỗ trợ 20-40 triệu đồng. Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập...