Người không yêu
Em có nên nói thật mọi chuyện với chồng, rằng em không yêu anh ấy, cũng không yêu bất kỳ người đàn ông nào…
Chị Hạnh Dung kính mến,
Em mới lấy chồng được một năm, đang mang thai đứa con đầu lòng. Vợ chồng có nhà riêng, gia đình yên ấm, chỉ riêng lòng em là không yên. Mấy tháng nghỉ ở nhà chờ sinh, em càng nghĩ ngợi nhiều.
Em vốn không yêu chồng, cũng như em chưa bao giờ yêu hay rung động gì với ai trước đó. Khi tuổi tác ngày một gần sang “băm” thì cha mẹ giục lấy chồng, em thấy anh ấy là ổn nhất trong những người theo đuổi nên gật đầu đồng ý cưới.
Em nghĩ không yêu nhưng tôn trọng nhau thì vẫn sống được với nhau. Nhưng hình như bây giờ chồng em cũng nhận ra rằng, em lấy anh ấy chỉ vì các điều kiện vật chất, sự tương xứng hình thức và gặp nhau về nhu cầu lập gia đình của cả hai bên.
Giữa hai vợ chồng hiếm khi có hạnh phúc nào, hay ân ái nào nồng nàn mãnh liệt. Anh ấy có dò hỏi, em trả lời đang mang thai và tất cả tình cảm đều dồn vào con. Nhưng em cảm giác anh ấy cũng nhận ra vợ mình hờ hững.
Em có nên nói thật mọi chuyện với chồng, rằng em không yêu anh ấy, cũng không yêu bất kỳ người đàn ông nào, nhưng nếu tôn trọng nhau, thì em vẫn có thể làm vợ anh một cách bình thường?
Thu Lan (TP.HCM)
Ảnh mang tính minh họa – Nguồn: Internet
Video đang HOT
Em Thu Lan thân mến,
Trong chuyện này, người thiệt thòi hơn chưa hẳn đã là chồng em, mà có khi là chính em đó. Không yêu, không rung động, thì cũng sẽ không có những trải nghiệm sống mãnh liệt, riêng biệt mà chỉ có tình yêu mới có thể mang lại cho con người.
Có khi nào em tự hỏi, phải chăng đã sống khép kín lòng mình quá? Muốn rung cảm, muốn yêu thương ai đó, cần mở lòng ra, cần chấp nhận có thể sẽ tổn thương; khi mình quá cân nhắc, quá so đo, thậm chí quá sợ hãi đau đớn, cũng sẽ không tự tạo cho mình cơ hội để đón nhận tình yêu của người khác.
Em đang có một cơ hội vàng để thay đổi bản thân: đứa trẻ em đang mang trong bụng. Người đàn bà mang thai là mang trong mình một vũ trụ yêu thương. Em hãy trải lòng mình, thoải mái thể hiện tình yêu thương với bé, và chia sẻ tình yêu thương ấy với chồng.
Đứa con là cầu nối, là mối dây tình cảm thiêng liêng gắn kết vợ chồng. Có thể ngày xưa mình chưa yêu anh ấy như người yêu, bây giờ hãy yêu anh ấy như yêu người chồng tốt của mình, như yêu bố của con mình. Từ khởi đầu ấy, tình yêu sẽ đơm hoa kết trái. Kiên nhẫn vun xới tình cảm gia đình, đó cũng là một kiểu tình yêu em ạ.
Nói thật tất cả những cảm xúc của em ra bây giờ có thể không thay đổi được gì mà còn làm mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Em rất có thể sẽ làm tổn thương anh ấy, có thể làm tan vỡ gia đình, đẩy anh ấy vào những mối quan hệ bên ngoài để tìm kiếm một người yêu mình thật sự.
Hãy tự hỏi: em đã sẵn sàng cho những kết cục đó chưa? Đứa trẻ trong bụng em chuẩn bị ra đời, em muốn nó được cha mẹ đón nhận trong yêu thương hạnh phúc hay trong đổ vỡ?
Khi cân nhắc xong tất cả những điều này, Hạnh Dung tin rằng em sẽ cho mình thêm thời gian, và xếp thứ tự ưu tiên số một cho việc sinh nở được mẹ tròn con vuông, sau đó khi cả mẹ cả con cứng cáp rồi hãy tính tiếp.
Tạo hóa ban cho con người khả năng yêu thương, em hẳn có một tình yêu còn được cất sâu đâu đó chưa khám phá ra mà thôi, đừng tự làm thui chột khả năng ấy trong mình. Hãy mở lòng thì yêu thương mới nảy nở, em ạ!
Theo Hạnh Dung/Baophunu
Trở lại giảng đường sau khi làm mẹ
Khi lấy chồng, sinh con, việc học của em phải xin bảo lưu, tạm dừng một năm. Nay em muốn đi học trở lại nhưng chồng em không muốn.
Chị Hạnh Dung kính mến,
Em lấy chồng năm 19 tuổi, khi đang học đại học năm thứ nhất, do lỡ cấn thai trước khi cưới. Thời gian đầu kết hôn, em thật hạnh phúc, nhưng sau khi em sinh con gái, gia đình chồng bắt đầu có ý khác.
Em sinh mổ, bác sĩ nói phải ba năm sau mới có thể sinh bé thứ hai. Cha mẹ chồng không ở chung với vợ chồng em, nhưng mỗi lần qua thăm cứ nhắc hoài chuyện sinh thêm con trai.
Khi lấy chồng, sinh con, việc học của em phải xin bảo lưu, tạm dừng một năm. Nay em muốn đi học trở lại nhưng chồng em không muốn, nói em ở nhà nuôi con và lo việc gia đình.
Vợ chồng bất đồng ý kiến, cha mẹ chồng đứng về phía chồng em, em không biết bấu víu vào đâu ngoài lời chồng em hứa khi cưới là sinh con xong sẽ cho em đi học lại.
Thời gian cũng gần hết, nếu em không nhập học thì kết quả bảo lưu không còn giá trị nữa. Gia đình chồng cứ nghĩ em ham bay nhảy bạn bè, nhưng thực lòng là em muốn đi học để không bỏ lỡ con đường phát triển của bản thân. Em phải thuyết phục cách nào để được trở lại trường, mà gia đình vẫn yên ổn?
Thúy Vinh (TP.HCM)
Ảnh mang tính minh họa: Shutterstock
Em Thúy Vinh thân mến,
Đối với phụ nữ, thiên chức làm mẹ là vô cùng quan trọng, em đã hoàn thành thiên chức ấy rồi, cần phải vững tin vào điều đó, để phấn đấu mạnh mẽ hơn cho con đường học tập của mình.
Quyết định trở lại giảng đường của em là hoàn toàn đúng. Giờ chỉ là mình tìm cách nói sao cho quyết định ấy được mọi người tôn trọng và biến thành thực tế. Có kiên nhẫn, có mềm mỏng, nhưng cũng có khi phải quyết liệt đấu tranh cho cuộc đời mình, em nhé.
Em đã rất đúng khi bắt đầu từ lời hứa của chồng sẽ cho em đi học trở lại. Tuy nhiên, để anh ấy thực hiện lời hứa đó, em cần sắp xếp yên ổn công việc nhà, có người chăm con khi em đi học.
Em cần có cha mẹ giúp đỡ, ông bà nội của cháu bé không được thì ông bà ngoại, không nữa thì tìm người giúp việc. Điều kiện đi học cũng phải được bàn bạc kỹ: nhà em có ở gần trường không, mỗi buổi đi học em xa con mấy tiếng?
Vợ chồng em ở riêng, nên quan trọng nhất vẫn là quyết định của chồng em. Sẽ vất vả nhiều nhưng trẻ con ngày càng lớn, nỗi vất vả sẽ giảm dần.
Hơn nữa, những bà mẹ trẻ trên giảng đường đại học bây giờ không còn là chuyện hiếm. Họ có động lực mạnh mẽ để học tập, đồng thời, họ biết quý trọng hơn thời gian dành cho con, cho gia đình.
Với gia đình chồng, em cần tạm thời bỏ qua chuyện định kiến con trai con gái, cứ tập trung vào việc mình xin đi học, còn sinh con tất nhiên là mình sẽ sinh thôi.
Em có thể trình bày riêng với mẹ chồng về việc mình sắp xếp thời gian chăm con và học hành như thế nào, ai sẽ phụ giúp. Em cứ kiên nhẫn, nói lần này chưa được thì nói lần khác, miễn sao mẹ thấy em chân thành và có trách nhiệm.
Hãy nói với mẹ việc mình không muốn trở thành người ăn bám, chỉ trông vào chồng nuôi. Em hãy nói chuyện về lâu về dài có kiến thức, có nghề nghiệp sẽ giúp em nuôi dạy con tốt hơn.
Em cũng cần lưu ý tránh những chuyện nhạy cảm, ví dụ như mẹ chồng vốn không được học hành, mà em cứ nhấn mạnh việc thiệt thòi khi ít học, có thể sẽ làm tình hình xấu hơn. Chúc em thành công.
Theo Hạnh Dung/Baophunu
Vợ chỉ coi tôi là 'công cụ' để làm đẹp! Đêm nào vợ tôi cũng bắt tôi "trả bài" cật lực, cốt để phục vụ mục đích làm đẹp của cô ấy. Tôi năm nay 40 tuổi. Vợ tôi kém tôi 1 giáp, cô ấy mới 28 tuổi. Tuy chênh lệch tuổi tác lớn như vậy, nhưng lúc nào vợ tôi cũng nghĩ cô ấy sắp già, nhan sắc đang tàn phai. Tôi...