Người không được phép chết
“Chế (chị) cũng có hoàn cảnh nợ nần đầm đìa vì cho con đi học như Mỹ Nhân. Chế cũng đã một lần tìm đến cái chết để giải thoát, nhưng mà không chết được…” – bà Nguyễn Thị Tùng – 52 tuổi, ở phường Tân Xuyên, thành phố Cà Mau – tâm sự. Ở Cà Mau, bi kịch mang tên “cho con học đại học” như chị Nhân không phải là hiếm.
Không nhớ hết nợ
Tìm đến nhà không gặp, xin được số điện thoại thì gọi năm lần bảy lượt bà Tùng vẫn không chịu thưa máy. Tìm đến chợ phường 4, thành phố Cà Mau – nơi bà Tùng đang bán cá hằng sáng – hỏi thăm “ai là bà Sáu Tùng bán cá” thì từ đầu đến cuối chợ, ai cũng nhìn tôi từ đầu tới chân rồi lắc đầu nói “không biết”. Rồi tôi cũng gặp được bà Tùng ở nhà riêng tại phường Tân Xuyên.
Sau khi biết tôi là nhà báo, một chị tên Linh – xưng là một trong những chủ nợ của bà Tùng, đang chờ lấy lãi của số tiền cho vay 50 triệu – nãy giờ mặt mày dò xét căng thẳng mới thở phào: “Hồi sáng anh hỏi tui ngoài chợ, tui nghĩ anh đang tìm bà Tùng để… đòi nợ nên nói không biết vì tội bả”. Bà Tùng cười xởi lởi: “Chế bị nợ vây dữ lắm. Toàn tiền vay mượn cho mấy đứa con đi học đại học, rồi lãi mẹ đẻ lãi con suốt 10 năm nay. Sáng cưng (em) điện, thấy số lạ nên chế không dám nghe”. Hỏi chính xác chị nợ người ta bao nhiêu tiền? Bà ngồi thừ một lúc rồi cười: “Từng người một thì chế nhớ, nhưng gộp lại thì chế không nhớ chính xác là bao nhiêu. Chỉ biết là nhiều lắm, làm mấy cũng không đủ trả lãi”.
“Cũng vì nghèo, vì nợ mà chế mất con dâu, con trai chế mất vợ”. Bà kể cách đây 2 tháng, con dâu đầu của bà đã ôm đứa con sau mới 12 tháng tuổi về nhà mẹ đẻ, để lại cho gia đình bà đứa con gái đầu mới hơn 2 tuổi. “Nó chê nhà chế nghèo, lại nợ nần đầm đìa, ngày nào cũng có người tới đòi, không đòi được thì chửi mắng. Nó bắt chế phải cất nhà riêng cho nó, nhưng tình cảnh chế thế này, lấy đâu ra tiền mà cất nhà riêng cho con?” – bà Tùng thở dài.
Chị Linh – một trong những chủ nợ của bà Tùng – ảnh: H.V.M
Cũng như chị Nhân, bà Tùng có ba con trai, và con đường nợ nần của bà cũng bắt đầu từ giấc mơ cho các con đi học đại học để được đổi đời, bất chấp sự dè bỉu, khinh rẻ vì “thân ốc mà bày đặt mang mai rùa” của bà con xóm giềng. Bà khoe: “Trong ba đứa con của chế, chỉ có đứa đầu Trần Quốc Tỏn học xong 12 là không học nữa vì thấy chế khổ quá, ở nhà đi làm hồ để nhường cho hai em đi học. Còn lại con gái thứ Trần Huyền Kha đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm TPHCM chuyên ngành tin học, hiện đã đi làm cho một công ty giày da trên đó. Và con trai út Trần Tiến Anh, hiện đang học năm thứ 3 Trường Đại học Cơ khí Cửu Long.
Video đang HOT
“Đó là tháng 6/2010″, bà nhớ lại thời điểm mình tìm đến cái chết để giải thoát nợ nần. Lúc đó con trai út Trần Tiến Anh vừa thi đỗ đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh ở Cần Thơ. “Thời điểm đó chế đang nợ lớn vì lo cho con gái đi học 4 năm ở Sài Gòn, ngày nào cũng có người tìm đến nhà chửi bới, đòi nợ. Giờ thêm đứa nữa, chế không biết phải xoay xở làm sao. Chế cũng đã ra phường để xin được làm hộ nghèo, nhưng người ta nói vợ chồng chế có 3 công đất nuôi tôm, chế còn buôn cá ở chợ, nhà chế là nhà xây… nên nghèo thế nào được.
Cùng đường, chế nghĩ thôi uống thuốc tự vẫn để thoát nợ tiền, nợ đời…”. Nói là làm, bà Tùng đi mua mười mấy vỉ thuốc an thần, về đóng cửa phòng lại. “Nhưng chế mới uống có mấy viên thì không hiểu sao thằng Tiến Anh phát hiện được. Hắn gào thét, đạp cửa, nói má mà không mở cửa, má mà chết thì con sẽ chết theo má, con sẽ không đi học đại học nữa… Hắn khóc lóc, gào thét một hồi làm chế bừng tỉnh. Chế nghĩ giờ mình chết đi thì để chồng, để con, để nợ lại cho ai? Rồi các con mình sẽ ra sao nếu không được tiếp tục ăn học? Nghĩ đến đó, chế quyết định thôi không chết nữa. Chế nghĩ mình không được phép chết”.
Sau đận đó, Tiến Anh nghỉ học và xin đi bộ đội. Ngày Tiến Anh gần xuất ngũ, bà Tùng đã “hợp lực” cùng con gái Huyền Kha viết một bức thư gửi đến Đài Truyền hình Việt Nam để nhờ chuyển đến… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Thư viết đại ý: Bà là con mẹ Việt Nam anh hùng, trong kháng chiến chống Mỹ, nhà bà có đến 11 liệt sĩ đã hy sinh xương máu cho tổ quốc. Nay bà có thằng con út tên là Trần Tiến Anh đang nhập ngũ, rất ham học nhưng do nhà nghèo quá, không có tiền cho con đi học nên nhờ Thủ tướng can thiệp để… con bà được ở lại vĩnh viễn trong quân đội…
Lạy trời cho con của con… thi rớt
Xuất ngũ, Tiến Anh xin má tiền mua 3 cuốn sách về tự ôn thi để tiếp tục giấc mơ đại học. Thấy con ôn thi, tối nào bà Tùng cũng lẳng lặng thắp nhang vái ông bà, trời đất “cầu mong cho thằng Tiến Anh… thi rớt”. Bà còn hứa “nếu Tiến Anh rớt thì con sẽ ăn chay 5 ngày”. Đến ngày đi thi, Tiến Anh thủ thỉ: “Nếu con đậu thì má có cho con đi học không?”. Vì khấn vái lâu nay rồi nên bà cười tự tin: “Nếu mày đậu thì má cho mày học”. Bỗng nhiên bà cười lớn: “Ai ngờ trời thương con nít. Năm đó hắn lại thi đậu và khi nghe kết quả, chân tay chế cứ run bần bật vì không biết lấy tiền đâu ra cho con học…”.
Bà Nguyễn Thị Tùng
Không chết được, lại lỡ hứa với con rồi, không còn cách nào khác, bà Tùng lại phải tìm mọi cách, làm đủ nghề để có tiền, từ giấu gia đình đi lượm bọc nylon trong bãi rác nhưng “ngụy trang” thành mót củi; đi ăn trộm bồn bồn trong vuông người ta về bán; đi nói dóc gạt hết người này đến người khác để vay nợ. Bà cười nhưng nước mắt cứ liên tục ứa ra trên hai hốc mắt sâu hoắm: “Chế nói dóc hay lắm. Nói hồi là người ta đưa tiền hà”.
Và “chế nói dóc hay lắm” chính là nguyên nhân dẫn đến việc bà Tùng nợ không nhớ hết như hôm nay. Bà bảo mới lần đầu vỡ nợ, người ta đến đòi rồi nói tiếng to, bà xấu hổ với chồng con lắm. Nhưng đến khi vỡ nợ lần hai, lần ba, rồi đến lần… không nhớ hết, “chế đâm ra chai lỳ. Chế mặc cho ai chửi bới, mắng nhiếc chế kiểu gì cũng được, miễn là đừng chửi trước mặt các con chế. Buồn quá thì chế tới chùa ngồi”. Nhắc tới chuyện không chửi trước mặt các con, bà kể một chuyện mà bà cho là vui. Chuyện là bà nợ một bà tên Linh 25 triệu đồng tiền mua cá. Bà Linh xiết nợ bà cái xe máy rồi chửi bới đủ điều ngay giữa chợ.
Bà van xin: “Mày chửi tao thế nào cũng được, nhưng đừng chửi khi có con gái tao”. Bà Linh nghe vậy không chửi nữa, nhưng khi Huyền Kha – con gái bà Tùng – ra thì bà Linh lại chạy qua tiếp tục mắng nhiếc. Điên quá bà cự lại: “Tại tao thấy mày giàu quá nên tao lấy tài sản của mày để chia cho con tau có tiền đi học. Tao thấy vậy còn có ích hơn là để cho mấy đứa con thất học của mày đi phá”. Nói ngang ngược vậy, nhưng bà Linh lại thấy chột dạ và từ đó không mắng chửi bà Tùng nữa, dù đến giờ, số nợ 25 triệu bà vẫn chưa trả hết.
“Nói chuyện ngang ngược và… chậm tiêu là đặc sản của bà Tùng” – chị Linh – chủ nợ của bà Tùng – lên tiếng góp chuyện. Chị kể có lần bà Tùng ra Ngân hàng Chính sách Cà Mau xin vay tiền cho con đi học, nhưng ngân hàng không cho vay vì bà không phải là hộ nghèo. Quay về gần tới nhà, không hiểu sao bà quay xe lại ngân hàng, vào gặp cán bộ tín dụng vừa từ chối cho bà vay tiền, vỗ vai nói “bữa ni chú khỏe rồi he, suốt ngày ngồi chơi đến tháng nhận lương”.
Cán bộ tín dụng ngớ người, hỏi “sao bà nói vậy?”. Bà Tùng nói: “Thì người nghèo theo tiêu chuẩn của Nhà nước có ai cho con đi học đại học nên chẳng ai tới đây vay tiền. Chỉ có loại không được nghèo như tui mới cho con đi học và cần vay nhưng chú không cho vay. Thế thì chú còn việc chi nữa mà làm?”.
Trong những ngày lang thang ở Cà Mau, nghe về cái chết của chị Nhân, về chuyện nợ nần suýt tìm đến cái chết của bà Tùng, rồi nghe bà Nguyễn Thị Tiến – Hội phó Hội Phụ nữ ấp 5, xã An Xuyên – nói rằng “ở xứ này, những hoàn cảnh và bi kịch như chị Nhân, chị Tùng vì lý do cho con đi học đại học không phải là hiếm”.
Một lần nữa, tôi lại hỏi cái câu rất cũ với bà Tùng, rằng vì sao khổ và bế tắc đến mức có thể tìm đến cái chết, nhưng chị vẫn cương quyết cho con đi học mà không để ở nhà đi làm kiếm tiền như hàng trăm, hàng ngàn gia đình khác đang là số đông? Bà lại vừa cười vừa khóc: “Chế chỉ nghĩ đơn giản rằng để con thất học đi làm kiếm tiền thì có lợi, nhưng là lợi trước mắt. Chế cho các con chế đi học, dù ra trường không xin được việc làm hay làm trái nghề như Huyền Kha con gái chế, nhưng dù làm gì thì có kiến thức vẫn hơn, vẫn có cơ hội để sống và làm người đàng hoàng…”.
Nghe bà Tùng nói, tôi lại nhớ đến cái chết tức tưởi của chị Nhân và câu nói “thân ốc mà bày đặt muốn mang mai rùa” của người hàng xóm chị Nhân trong cuộc họp xét hộ nghèo cho gia đình chị sau khi chị chết. Những bà Tùng, chị Nhân và nhiều phụ nữ khác ở đây, họ đã trả giá bằng cả cuộc đời, thậm chí là cái chết của mình để làm người tiên phong cho ước mơ thay đổi tâm lý “thân ốc – mai rùa” vốn đã ăn sâu vào máu thịt của người dân hàng trăm năm nay. Nhưng liệu cuộc đời của bà Tùng, cái chết của chị Nhân có đủ để trở thành một lời cảnh tỉnh?
Theo 24h
Bi kịch mang tên "cho con học đại học"
Nếu như ở miền Trung, miền Bắc..., một gia đình nghèo, phải vay mượn cho con cái thực hiện giấc mơ đổi đời bằng cách học đại học, và sẽ trở thành "tấm gương" của hàng xóm thì ngược lại ở nhiều địa phương của Đồng bằng sông Cửu Long, điều đó sẽ bị miệt thị kiểu "thân ốc mà bày đặt đòi mang mai rùa". Chính sự khinh rẻ này là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều bi kịch đẫm nước mắt và máu trong thời gian qua...
Đã hơn 20 ngày, nhưng gia đình và người dân ấp 5, xã An Xuyên, thành phố Cà Mau vẫn chưa thôi bàng hoàng về cái chết của chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân. Họ không tin và không thể nào lý giải nổi rằng vì sao, một bà mẹ của 3 người con, đã sống trên đời này đến 48 năm như chị Nhân lại có thể tự tay kết liễu cuộc sống của mình chỉ vì không vay được 4 triệu đồng cho con đóng học phí...
Tôi gặp anh Đinh Ngọc Bảo - người đàn ông trông hom hem và cam chịu trước mọi thứ - là chồng chị Nhân tại chi nhánh NHNN&PTNT thành phố Cà Mau, khi anh đang làm thủ tục trả nợ số tiền 25 triệu đồng mà vợ chồng anh vay cho con đi học trước đó. "Cũng... nhờ có tiền phúng điếu và cô bác hỗ trợ sau cái chết của vợ, tui mới trả được nợ ngân hàng, nếu không thì chẳng biết đến năm tháng nào tui mới trả được". Nói rồi anh cười, trông như mếu, bảo tôi "ráng chờ chút nữa rồi cùng về nhà nói chuyện". Đó là nụ cười duy nhất mà tôi nhận được từ anh Bảo trong suốt cả một ngày nói chuyện sau đó.
"Không lối thoát..."
Giữa trưa. Nhà anh Bảo, giống như bao gia đình nghèo khác ở miền Tây bốn bề bọc tôn, nóng nực tới mức tưởng như di ảnh của chị Nhân trên bàn thờ cũng toát mồ hôi như người lạ đang thắp hương cho mình. Hương vừa cắm xong là anh Bảo lấy tay quệt nước mắt, nắm tay tôi kéo vội xuống nhà sau. Anh gọi con trai út đang ngồi thu lu một mình sau vườn vào lấy nước mời khách.
"Nó tên là Ngân. Từ ngày bả mất, nó trở nên lầm lỳ. Nhớ hôm má nó chết, bà con ra trường chở nó vào. Nó bảo tưởng má hôm nay làm bánh gì ngon kêu nó vào ăn nên mừng hú...". Ông Bảo thở dài thườn thượt, nói "hai mươi ngày nay, đêm nào tui cũng thức trắng, ngồi một mình với hàng trăm câu hỏi vì sao? Thời gian gần đây, đêm nào vợ tui cũng nói chắc em sẽ chết thì may ra các con mình mới có cơ hội được tiếp tục đi học. Tui cũng có la rầy, khuyên bảo, nhưng chỉ nghĩ là vợ mình túng quẫn quá nên nói bậy, ai ngờ bả chết thiệt...".
Anh Đinh Ngọc Bảo - chồng chị Nhân. Ảnh: H.V.M
Rồi anh kể, điều được điều mất, trước sau lẫn lộn. Anh và chị Nhân cưới nhau năm 1990, sinh được ba con trai: Đinh Công Bằng, đang học Cao đẳng Dầu khí Vũng Tàu; Đinh Thành Tâm, đang học lớp 11 và Đinh Phát Ngân, đang học lớp 8. Anh chị được cha mẹ hai bên cho 5 công (5 ngàn mét vuông) đất ruộng. Việc trồng trọt thất bát, cộng thêm vài trận bệnh của chị, đất phải bán đi để trả nợ nần và lo việc học cho các con.
Khác với phần lớn người dân trong ấp, anh chị cùng có ước mơ sẽ nuôi ba đứa con trai ăn học đến nơi đến chốn để được đổi đời. Với quyết tâm này, họ đã quần quật mười mấy năm qua bằng đủ nghề, từ phụ hồ, bán rau cải, bánh mì ngoài chợ... Và bi kịch cũng bắt đầu từ ước mơ này.
Đầu năm 2011, chị Nhân bị viêm thần kinh số 7, miệng méo và sức khỏe sa sút. Mỗi ngày chị phải chích thuốc hết 140 ngàn đồng, trong khi tiền công phụ hồ của anh Bảo chỉ có 100 ngàn đồng một ngày. Không thể cùng chồng phụ hồ được nữa nên chị xin giúp việc nhà cho một gia đình ở thành phố Cà Mau.
Khi đó, con trai lớn của chị là Đinh Công Bằng thi đỗ vào Trường Cao đẳng Dầu khí Vũng Tàu, tiền nong gia đình vì vậy càng thêm bức bách, nhất là khoản học phí một năm 8 triệu của Đinh Công Bằng. Túng quá, chị làm đơn ra xã chứng nhận hoàn cảnh khó khăn của gia đình để vay Ngân hàng Chính sách Cà Mau cho con đi học. Tuy nhiên, ngân hàng từ chối vì chị không có sổ hộ nghèo.
Chị lại về xin công nhận hộ nghèo nhưng xin mãi chẳng ai cho chị nghèo với lý do: Nhà chị có hai lao động chính, thu nhập 5 triệu đồng một tháng (anh làm thợ hồ 3 triệu, chị đi giúp việc được 2 triệu). Số tiền đó chia cho 5 nhân khẩu thì bình quân mỗi người được 1 triệu đồng một tháng. Trong khi theo quy định hiện hành, một gia đình muốn được công nhận là nghèo thì phải có thu nhập bình quân đầu người 401.000 đồng trở xuống.
Trước buổi chiều định mệnh 24/4 mấy hôm, chị Nhân xin chủ nhà nghỉ một hôm để đi chạy 4 triệu cho con nộp học phí và sau đó bất ngờ chị bị chủ nhà cho thôi việc luôn. Không chạy được tiền, lại mất việc, bệnh tật, rồi nợ nần, cực khổ, tủi nhục chồng chất bây lâu... đã khiến chị Nhân tìm đến cái chết bằng cách treo cổ ngay trong nhà mình.
Di ảnh chị Nhân. Ảnh: H.V.M
Chị chết vào chiều 24/4, để lại một một bức thư tuyệt mệnh 4 trang giấy học trò. Mở đầu chị viết: "Anh! Trong hoàn cảnh quá khổ sở, không lối thoát, em đành phải xa anh và các con...". Chị nói mình chọn cái chết là vì để cho chồng bớt gánh nặng tiền thuốc men cho vợ, dành phần tiền này lo cho các con ăn học vì bản thân bệnh nặng, sức khỏe tinh thần đều suy sụp, vì muốn phù hộ cho chồng con khỏe mạnh, trúng số độc đắc và cuối cùng là để chính quyền địa phương xót thương mà cấp cho chồng con chị cái sổ hộ nghèo hoặc cận nghèo. Chị viết: "Xin các cấp chính quyền ấp 5 thấu hiểu cho hoàn cảnh không lối thoát của chúng tôi hiện nay mà cấp sổ hộ nghèo cho chồng con tôi để sống những ngày tháng còn lại trên đời...".
Chết vì sự vô cảm?
Cái chết của chị Nhân đã dấy lên những luồng dư luận trái chiều trên báo chí và ở Cà Mau, trong đó sự công kích nặng nề nhất dành cho chính quyền địa phương vì đã cứng nhắc trong việc xét hộ nghèo cho gia đình chị Nhân, dẫn đến thảm cảnh đau lòng chưa từng thấy ở vùng đất này. Ông Trần Đại Đoàn - Bí thư Đảng ủy xã An Xuyên; bà Nguyễn Thị Tiến - Hội trưởng Hội Phụ nữ ấp 5 - những người tôi gặp để tìm hiểu về nguyên nhân cái chết của chị Nhân, đều khẳng định là chính quyền địa phương không có lỗi trong cái chết của chị Nhân.
Bà Nguyễn Thị Tiến: "Chị Nhân chết không phải lỗi của chính quyền địa phương". Ảnh: H.V.M
"Dư luận, báo chí nói chị Nhân chết do ấp, xã An Xuyên không xét cấp hộ nghèo cho chị Nhân là không chính xác. Thực tế là gia đình chị Nhân không hề nghèo theo quy định và trong ấp, trong xã còn hàng chục gia đình khác nghèo hơn chị Nhân nhiều, nhưng không ai tìm đến cái chết cả" - bà Tùng bức xúc.
Theo lời bà Tùng (có xác nhận của ông Đinh Ngọc Bảo) thì "nguyên nhân cơ bản và quan trọng nhất dẫn đến việc chị Nhân phải thắt cổ tự vẫn ngoài bệnh tật, thiếu nợ, không chạy được tiền đóng học phí cho con... là sự vô cảm của anh em, bà con bên nhà chị Nhân".
Bà Tùng nói: "Từ nhà chị Nhân vạch bán kính một ngàn mét trở lại, đâu đâu cũng là anh em, bà con của chị. Và chị Nhân từng nhiều lần tâm sự với tui rằng, trong cơn túng quẫn, đã nhiều lần, kể cả trước khi chết mấy hôm, chị Nhân đã tìm đến họ, gõ cửa từng nhà để cầu xin sự giúp đỡ, nếu không chị sẽ tự vẫn chết, nhưng ai cũng làm ngơ. Thậm chí có ông anh ruột của chị Nhân còn nói đại ý mày về đào mả cha mẹ tao lên để bán mà lấy tiền cho con mày đi học...".
Ông Bảo ngồi rũ xuống, nước mắt lăn dài khi nghe bà Tùng nhấn mạnh câu cuối cùng. Ông kể cách đây mấy hôm, Chi bộ ấp 5 có tổ chức họp để bình xét lại chuyện nghèo của gia đình anh sau khi chị Nhân chết, có người đã đứng lên phê phán vợ chồng anh "thân ốc mà bày đặt đòi mang mai rùa" (ý nói nghèo không có tiền mà bày đặt cho con đi học đại học). Anh nấc lên từng hồi: "Mấy năm nay, chỉ vì ước mơ cho các con được đổi đời bằng cách đi học mà vợ chồng tui chịu không biết bao nhiêu điều tiếng của bà con cô bác. Ai cũng nói vợ chồng tui ngu, nghèo mà không để con ở nhà đi làm kiếm tiền, cho đi học làm chi để mang nợ...". Bà Tùng thở dài: "Đó là lý do khiến cả ấp, cả xã này, số em tốt nghiệp đại học chỉ đếm trên đầu ngón tay...".
Ông Bảo lại khóc, nói "cũng may là bả chết không vô nghĩa". Ông kể sau khi chị Nhân mất, tiền phúng điếu và cô bác khắp nơi gửi về cho đến nay đã nhận được hơn 200 triệu đồng, đủ để trả nợ và để dành cho các con đi học. Rồi một nhà báo giấu tên đã hứa sẽ bảo trợ cho Đinh Công Bằng đến lúc tốt nghiệp; đích thân Chủ tịch thành phố Cà Mau cũng đã gặp anh Bảo hứa sẽ dành một suất việc cho Đinh Công Bằng sau khi tốt nghiệp. Với Đinh Thành Tâm và Đinh Phát Ngân, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Cà Mau cũng hứa sẽ miễn học phí cho hai em bắt đầu từ năm nay cho đến khi tốt nghiệp 12.
"Vợ tui thắt cổ chết cũng chỉ vì mong có được cái sổ nghèo để vay tiền cho các con tui đi học. Nghe nói sắp tới ấp và xã sẽ họp lần nữa để xét công nhận hộ nghèo cho tui. Nhưng tui quyết định rồi, sẽ không xin, không nhận hộ nghèo nữa...".
Theo 24h
Mẹ bị đánh vì mất chào mào viết đơn xin cho con Trao đổi với Phunutoday, ông Lê Khắc Hậu, cán bộ điều tra, Công an huyện Sông Lô cho biết sẽ khởi tố vụ án Nguyễn Văn Xuân (SN 1966, thôn An Khang, xã Yên Thạch, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) đánh mẹ là bà Nguyễn Thị Tung (73 tuổi) tàn bạo vì để mất 3 con chim chào mào. Tại cơ quan...