‘Người khiêm nhường’ tìm ra vaccine Pfizer
Tiến sĩ Ugur Sahin vẫn sống cùng vợ trong căn hộ khiêm tốn tại Đức, nơi ông dành phần lớn thời gian nghiên cứu vaccine Covid-19 của BioNTech.
Archimedes tìm ra định luật về sức đẩy của nước khi đang ngâm bồn tắm, còn Isaac Newton nảy ra thuyết vạn vật hấp dẫn nhờ táo rơi trúng đầu. Đối với tiến sĩ Ugur Sahin và vợ, tiến sĩ Ozlem Tureci, câu chuyện bên bàn ăn sáng về một loại virus bí ẩn ở Vũ Hán, Trung Quốc, đã bắt đầu cho một trong những tiến bộ khoa học vĩ đại nhất thời đại, phát minh được ca ngợi là quan trọng nhất sau việc Alexander Fleming khám phá ra penicillin năm 1928.
Tuần qua, lúc Anh trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép sử dụng vaccine Pfizer/BioNTech do công ty của hai vợ chồng ông phát minh, tiến sĩ Sahin vẫn ở trong căn hộ khiêm nhường của mình tại Mainz, Đức, nơi ông dành phần lớn thời gian nghiên cứu đại dịch.
Cạnh bàn làm việc của ông là vài chậu cây nhỏ. Trong phòng bên cạnh là máy đạp xe để giúp ông thư giãn đầu óc. Con đường bên dưới thưa thớt xe cộ. Không ai ở dưới đường nhìn lên mà đoán được đây là nhà của đôi vợ chồng có lẽ sẽ cứu cả thế giới.
Tiến sĩ Sahin nhanh chóng bác bỏ lời khen này. Vợ chồng ông vốn được coi là cuộc hôn nhân nổi tiếng nhất trong giới khoa học, chỉ sau hai nhà bác học Marie và Pierre Curie. Ông nhấn mạnh việc phát triển vaccine là nỗ lực chung của một nhóm nhà khoa học tại BioNTech, công ty công nghệ sinh học họ thành lập năm 2008 mà trị giá hiện nay lên tới hàng tỷ USD.
“Tất nhiên là thành quả này thật tuyệt vời”, người đàn ông 55 tuổi cười tươi trong buổi phỏng vấn qua video.
Tiến sĩ Ugur Sahin, giám đốc công ty BioNTech. Ảnh: Telegraph
Chuyện khó khăn nhất bây giờ là làm thế nào để vận chuyển và phân phối vaccine, bởi nó yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C. Chính phủ Anh đã phải xem xét lại những cam kết ban đầu về việc ưu tiên vaccine cho nhân viên và người trong viện dưỡng lão, bởi lo ngại về công tác vận chuyển. Nhưng tiến sĩ Sahin khẳng định nếu lên kế hoạch phù hợp, việc này không quá thách thức.
“Sẽ chẳng có gì là khó khăn nếu ai cũng hiểu rõ điều kiện vận chuyển và xây dựng được khuôn khổ xử lý hậu cần”, ông nói, chỉ ra một khi được vận chuyển trong điều kiện đông lạnh sâu, vaccine sẽ ổn định trong 5 ngày, thích hợp để bảo quản lạnh ở 2-8 độ C.
Video đang HOT
“Nếu cần đi tiêm ở Anh, bạn có thể tới mọi điểm tiêm chủng bằng phương tiện giao thông bình thường trong vài giờ. Vấn đề nằm ở khâu tổ chức. Bởi đây là một chiến dịch lớn và mới mẻ, thách thức thực sự nằm ở chỗ làm thế nào để sắp xếp công việc và đưa ra giải pháp hữu hiệu”, Sahin nói.
Sự thay đổi của chính phủ Anh xoay quanh việc làm thế nào để chia nhỏ các gói vaccine, mỗi gói gồm 975 liều. Khi được phê chuẩn hôm 2/12, các bộ trưởng ban đầu cho hay họ chưa thể đưa vaccine tới viện dưỡng lão bởi lo ngại về việc chia nhỏ và xử lý vaccine. Hôm 4/12, các quan chức lại thay đổi, cho biết có thể đã tìm ra cách phù hợp để sớm tung ra vaccine.
Tiến sĩ Sahin kêu gọi thành lập một nhóm chuyên gia để “xem xét thấu đáo mọi trở ngại” quanh việc sử dụng vaccine.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các đồng nghiệp ở Anh”, ông nói. “Nếu hiểu sai một số yêu cầu, có thể bạn sẽ nghĩ rằng việc này là bất khả thi”.
Anh đã đặt hàng Pfizer 40 triệu liều vaccine, đủ để tiêm cho 20 triệu người, mỗi người hai liều và cách nhau 21 ngày.
Chris Hopson, giám đốc điều hành của NHS Providers, một thành viên của Cơ quan y tế Anh, cảnh báo 800.000 liều ban đầu “có thể là đợt duy nhất chúng ta nhận được trong một khoảng thời gian”.
Dù tiến sĩ Sahin không công bố ngày giao hàng với lý do bảo mật, ông hứa “Anh sẽ được phân bổ liều lượng hợp lý”.
Hồi tháng 1, sau cuộc trò chuyện bên bàn ăn sáng với vợ, tiến sĩ Sahin bắt đầu làm việc trên máy tính, thiết kế mẫu cho 10 loại vaccine nCoV khả thi. Hai vợ chồng lập một dự án có tên “Tốc độ Ánh sáng” và liên hệ với công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ.
Khi kết hợp với Pfizer, họ chỉ mất 10 tháng để phát triển thành công vaccine và xin cấp phép sử dụng khẩn cấp, đánh bại kỷ lục trước đó của một nhóm nghiên cứu phương Tây với thời gian hơn ba năm. Ông Sahin ghi nhận thành công này là nhờ “một nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học đẳng cấp thế giới” mà nhiều người trong số đó đã làm việc cùng nhau trong ít nhất một thập kỷ.
Về cơ bản, loại vaccine này hoạt động bằng cách hướng dẫn các tế bào của cơ thể người sản xuất một số loại protein giúp tạo ra phản ứng miễn dịch. Công nghệ mRNA (RNA thông tin) này vốn được phát triển để chống ung thư và Sahin tin rằng trong 20 năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc cách mạng trong chữa trị ung thư.
Ông tin rằng câu trả lời nằm ở việc phát triển cơ chế điều trị “cá nhân hóa” có thể nhằm vào một khối u nhất định trong cơ thể người bệnh. “Tôi tin rằng kiểu điều trị cá nhân hóa này sẽ giúp chúng ta thay đổi đáng kể số phận của những liệu pháp chữa trị ung thư”, ông nói.
Tuy nhiên, điều trước mắt cần giải quyết là làm thế nào để tiêm chủng cho cả thế giới nhằm ngăn ngừa Covid-19, công việc đang thử thách tinh thần của toàn thế giới. Một số nước châu Âu và Mỹ đã dị nghị rằng Anh đã bất chấp quy chuẩn để đẩy nhanh quá trình phê duyệt, nhằm trở thành quốc gia đầu tiên cấp phép sử dụng rộng rãi cho vaccine của Pfizer/BioNTech.
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, hôm 2/12 đã nhận xét rằng Anh không đánh giá vaccine “cẩn thận” như Mỹ và đã “vội vàng” đẩy nhanh quá trình phê duyệt, nhưng sau đó xin lỗi về lời nhận xét này.
Cơ quan Quản lý thuốc và Sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) của Anh đã nhấn mạnh rằng “không có vaccine nào được cấp phép ở Anh nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn, chất lượng và hiệu quả”.
Tiến sĩ Sahin cho hay “không hề lo lắng” với tốc độ vaccine được phê duyệt. Ông nhận định nhà chức trách Anh đã “cực kỳ chuyên nghiệp, cẩn thận, hiểu rõ trách nhiệm của mình và làm việc thật tuyệt vời”.
Sahin hy vọng các đối tác ở châu Âu và Mỹ sẽ nhanh chóng noi gương Anh. Trong ba tháng tới, ông mong sẽ có nhiều loại vaccine được phê duyệt hơn như vaccine của Moderna, loại mà Anh đã đặt hàng 7 triệu liều, hay vaccine của Oxford hợp tác cùng AstraZeneca, loại Anh đã đặt hàng 100 triệu liều.
Hiện tại, Pfizer có kế hoạch sản xuất 1,3 tỷ liều năm 2021 và họ đang chuẩn bị để đáp ứng khối lượng này. Tuy nhiên, ông lo ngại trước những lời dị nghị về việc những nước giàu có và các công ty đang tìm cách chen ngang, khẳng định vaccine của Pfizer sẽ phục vụ toàn thế giới – quan điểm trái ngược với chủ nghĩa dân tộc về vaccine mà Bộ trưởng Giáo dục Anh Gavin Williamson từng tuyên bố. Ông Williamson đã nói Anh là nước đầu tiên phê duyệt vaccine vì đây là “quốc gia ưu tú hơn” những nước khác.
Quan hệ ngoại giao giữa các nước cũng trở nên căng thẳng hơn với cáo buộc tấn công mạng nhằm mục tiêu vào dữ liệu vaccine. Nga đã bị cơ quan an ninh Anh cáo buộc cố gắng ăn cắp dữ liệu của đại học Oxford và Đại học Hoàng gia London, trong khi “chuỗi cung ứng lạnh” vận chuyển vaccine của Pfizer/BioNTech cũng được cho là đã bị tin tặc nhắm mục tiêu. Danh tính của tin tặc không được công bố, nhưng sự tinh vi của phương thức tấn công cho thấy có thể nó được chỉ đạo ở tầm quốc gia.
Việc phê duyệt vaccine cũng vấp phải phản ứng dữ đội của cộng đồng bài vaccine, với nhiều giả thuyết vô căn cứ lan truyền trên mạng xã hội. Tuần này, các bộ trưởng đã triệu tập nhiều ông chủ các hãng công nghệ qua một cuộc họp ảo, yêu cầu hành động và Facebook đã hứa sẽ loại bỏ những giả thuyết hoang đường này trên nền tảng của mình.
Bahrain phê duyệt vaccine Pfizer
Bahrain cấp phép khẩn cấp cho vaccine Pfizer vào ngày 4/12, trở thành quốc gia thứ hai sau Anh phê duyệt vaccine này.
Bahrain là một quốc gia Trung Đông phụ thuộc vào dầu mỏ với lực lượng lao động nhập cư đông đảo. Quốc gia này ghi nhận tỷ lệ ca nhiễm nCoV trên đầu người cao nhất thế giới, theo dữ liệu của New York Times .
Sự chấp thuận ở Bahrain "sẽ bổ sung thêm một lớp bảo vệ quan trọng cho cuộc chiến chống Covid-19 của vương quốc, vốn đã ưu tiên mạnh mẽ bảo vệ sức khỏe tất cả công dân và cư dân trong đại dịch", tiến sĩ Mariam Al Jalahma, Giám đốc Cơ quan Quản lý Y tế Quốc gia cho biết.
Lindsey Dietschi, trưởng đại diện Pfizer Trung Đông, gọi việc phê duyệt này là một "thời khắc lịch sử" trong cuộc chiến chống lại Covid-19.
Bà nói: "Sự cho phép này là mục tiêu mà chúng tôi hướng tới, kể từ lần đầu tiên hãng tuyên bố khoa học sẽ chiến thắng đại dịch".
Anh là quốc gia đầu tiên phê duyệt vaccine Pfizer/ BioNtech vào ngày 2/12. Lúc đó, chưa có quốc gia nào cho phép sử dụng vaccine Pfitzer thử nghiệm vào tiêm chủng đại trà. Dự kiến, Anh sẽ triển khai chiến dịch tiêm phòng vaccine Covid-19 vào tuần tới với 800.000 liều đầu tiên.
Nga và Trung Quốc là hai quốc gia đã phê duyệt khẩn cấp các loại vaccine Covid-19 tự nghiên cứu, khi chưa hoàn thành thử nghiệm lâm sàng để chứng minh tính an toàn và hiệu quả.
Tháng 11, Bahrain đã chấp thuận sử dụng vaccine Sinopharm Trung Quốc cho lao động tuyến đầu.
Pfizer của Mỹ cùng đối tác Đức BioNTech là đơn vị nghiên cứu đầu tiên trên thế giới công bố hoàn tất thử nghiệm vaccine Covid-19, hiệu quả 95%. Vaccine Pfizer bao gồm hai liều tiêm phải được bảo quản ở nhiệt độ cực lạnh, khó khăn cho việc vận chuyển sản phẩm đi khắp thế giới. Pfizer dự kiến sẽ xuất xưởng 50 triệu liều trong tháng 12.
Vì sao Anh phê duyệt vaccine Pfizer sớm? Anh phê duyệt vaccine Covid-19 sớm nhất nhờ quá trình xét duyệt đã bắt đầu từ tháng 6, bằng bộ máy gọn nhẹ và tương tác hiệu quả. Ngày 2/12, Anh trở thành nước phê duyệt vaccine Covid-19 của Pfizer sớm nhất thế giới, sớm hơn cả Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ hay châu Âu. Đây là động thái...