Người khát, lúa chết
Mặc dù đã có những trận mưa nhỏ rải rác nhưng đến thời điểm hiện tại, người dân Kon Tum vẫn khốn đốn vì thiếu nước sinh hoạt và nước tưới phục vụ sản xuất.
Toàn tỉnh Kon Tum có khoảng 12 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung bị hạn, trong đó có 7 công trình thiếu nước và 5 công trình có khả năng thiếu nước. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết nắng nóng kéo dài; một số công trình bị xuống cấp, hư hỏng nặng.
Lòng hồ thủy lợi Tân Điền có nhiệm vụ trữ nước cho hơn 90 ha lúa, sau một vài trận mưa nhỏ đã có nước nhưng không đáng kể
Bên cạnh đó, số giếng đào bị cạn kiệt nguồn nước. Chỉ tính riêng trên địa bàn TP Kon Tum, huyện Sa Thầy, huyện Đắk Hà cũng có tới 1.000 giếng bị hạn.
Ông Phan Hùng – thôn trưởng thôn 7, xã Đoàn Kết, TP Kon Tum, cho biết, toàn thôn có hơn 500 hộ dân nhưng chỉ vài nhà giếng có nước sinh hoạt, các hộ khác phải đi xin từng thùng nước. Thậm chí nhiều hôm nước cạn kiệt, người dân phải nhịn cả những sinh hoạt thiết yếu nhất.
Không chỉ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, nguồn nước tưới cho cây trồng, đặc biệt là cây lúa cũng đang lâm vào tình trạng “thoi thóp”. Tổng diện tích bị hạn trên toàn tỉnh là 1.380 ha, diện tích có khả năng bị hạn là hơn 1.600 ha. Để cứu những diện tích lúa còn lại, người dân đã cùng nhau góp tiền khoan giếng tại chỗ lấy nước tưới.
Video đang HOT
Người dân phải khoan giếng bơm liên tục cả ngày đêm để mong cứu được diện tích lúa còn lại
Tuy nhiên không phải người dân nào cũng có kinh phí đầu tư khoan giếng cứu lúa. Nhiều hộ dân đành lòng nhìn lúa chết dần từng ngày. Bà Lữ Thị Sỹ (51 tuổi huyện xã Đắk La, Đắk Hà) thở dài: “Nhà tôi có 2 sào ruộng, mua 10kg đạm mang đi bón cho lúa, nhưng vì không có nước nên chỉ bón được một nửa còn lại mang về. Các hộ dân ở đây góp tiền khoan giếng nhưng nhà tôi không có tiền nên chỉ biết cầu trời cho có mưa xuống để chúng tôi có chén cơm ăn”.
Ông Trần Thanh Minh – Phó Chủ tịch xã Đắk La (huyện Đắk Hà) – cho biết, hiện xã đang tìm phương án thích hợp nhất để cứu diện tích lúa còn lại. Một là phải khoan giếng tại chỗ, hai là mua dụng cụ, đường dây dẫn. Nhưng cả hai phương án này đều hết sức tốn kém.
Theo Dantri
Gần 10 học sinh thoát nạn trong căn nhà bị cây cổ thụ đè sập
Gió lốc và sấm sét làm cây Dầu Lai hàng trăm năm tuổi đổ đè lên ngôi nhà tình thương của bà Đỗ Thị Nhung, trong nhà có 10 người, đa phần là trẻ em, đang trú mưa...
Khoảng 16h00 ngày 31/3, tại khu vực xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa xuất hiện cơn gió lốc xoáy làm sập 40 ngôi nhà, 25 trụ điện bị gãy, 365 ha lúa và 150ha keo bị ngã đổ.
Vào thời điểm trên, người dân địa phương cho biết sau khi xuất hiện đợt mưa rơi nhẹ, bỗng có gió lốc rất mạnh và sấm sét rầm trời, hậu quả có nhiều ngôi nhà bị đổ sập, hoa màu bị hư hại nặng.
Gió lốc và sấm sét làm cây Dầu Lai hàng trăm năm tuổi bị đổ, đè lên ngôi nhà tình thương của bà Đỗ Thị Nhung (50 tuổi, ngụ thôn An Tây, xã Nghĩa Thắng). Lúc này, trong nhà bà Nhung có 10 người, đa phần là trẻ em vào trú mưa. Rất may không bị ảnh hưởng đến tính mạng.
Cây cổ thụ Dầu Lai đè sập ngôi nhà của bà Nhung khi trong nhà đang có 10 người trú mưa
"Tôi được nhà nước xây nhà tình thương vào năm 2002, với diện hộ nghèo bị ảnh hưởng chất độc gia cam, giờ bị đổ sập mất rồi, tôi chẳng biết trú ngụ ở đâu cả", bà Nhung rầu rĩ tâm sự.
Ông Nguyễn Hồng Tiên - Công an xã Nghĩa Thắng - cho biết: "Nặng nhất là 40 căn nhà bị hư hỏng hoàn toàn, rất nguy hiểm đến tính mạng. Cơn lốc làm cây cối, trụ điện ngã đổ gây ách tắc giao thông đoạn liên tỉnh thuộc huyện Tư Nghĩa và Sơn Hà. Trước mắt, chúng tôi huy động lực lượng khai thông tuyến đường và hỗ trợ người dân sửa chữa lại nhà cửa".
Ngoài ra, hệ thống điện thắp sáng và sinh hoạt của nhiều hộ dân ở xã Nghĩa Thắng cũng bị hư hỏng, không thể sử dụng trong tình thế trời mưa. Thiệt hại về tài sản rất lớn nhưng rất may không có thiệt hại về người.
Khắc phục hậu quả sau cơn gió lốc
Ông Nhâm Xuân Sỹ - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi - cho biết, đợt mưa giông kèm theo lốc xoáy và sấm sét lần này rất lớn, báo hiệu tình trạng nắng hạn trong những ngày tới.
Cùng ngày, vào đêm 31/3, tại địa bàn xã Ia Pết, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai cũng xảy ra mưa lớn kèm gió lốc, khiến nhiều nhà dân bị tốc mái, có nhà sập hoàn toàn.
Theo phản ánh của người dân, mưa và gió lốc xảy ra bất ngờ khiến nhiều gia đình không kịp neo giữ nhà cửa, bên cạnh đó nhiều nhà tôn của người đồng bào không được làm chắc chắn, khi có gió mạnh đã bị sụp đổ hoàn toàn.
Ngôi nhà của anh Vin thôn Lâm Thung, xã Ia Pết toan hoang sau cơn lốc.
Ông Phạm Đức Thuận trú làng Bờ Long Way, xã Ia Pết, cho biết, khi gia đình ông đang ăn cơm thì mưa và gió lốc kéo đến ầm ầm, cánh cửa nhà bị gió hất tung, mái hiên đằng trước nhà cũng bị cuốn bay mất.
Ngay sau khi xảy ra gió lốc, UBND xã Ia Pết đã cử cán bộ xuống địa bàn các thôn hướng dẫn người dân đến nơi an toàn và giúp người dân dọn dẹp nhà cửa ngay trong đêm. Đồng thời, UBND xã cũng trích một phần kinh phí để hỗ trợ cho những hộ bị thiệt hại.
Hiện tại, thời điểm này các tỉnh Tây Nguyên bắt đầu xuất hiện những cơn mưa giông nên thường có mưa lớn kèm gió lốc, chính quyền các cấp và người dân cần có sự chuẩn bị để tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra.
Theo Dantri
Ao hồ cạn trơ đáy, nhiều đất ruộng bỏ hoang Nhiều ao hồ, đầm ở mực nước chết, không ít diện tích đất nhiễm mặn, phèn không có nước ngọt tưới phải bỏ hoang hoặc phải chuyển sang loại cây trồng khác. Nghiêm trọng hơn là hàng nghìn hộ dân phải đối diện với tình trạng thiếu nước khi mùa hè sắp tới. Chưa bao giờ Bình Định lại thiếu nước trầm trọng...