Người Kazakh- Bộ tộc sống du mục hơn 2.000 năm trên thảo nguyên Mông Cổ
Nằm giữa Nga, Trung Quốc và vùng núi đá của Kazakhstan, tỉnh Bayan-lgii ở cực tây Mông Cổ là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa lâu đời của người Kazakh.
Người Kazakh là một trong những dân tộc sở hữu nền văn hóa du mục cuối cùng còn sót lại của thế giới.
Ảnh: The Guardian.
Kazakh là một bộ lạc bán du mục, sinh sống với đàn gia súc gồm cừu, dê, ngựa, lạc đà và bò yak lông dài. Vào mỗi mùa, người Kazakh sẽ cùng đàn gia súc di cư đến đồng cỏ mới. Một số gia đình chỉ di cư hai lần trong năm vào mùa đông và mùa hạ, sau đó sẽ trở về cánh đồng cỏ nơi nhiều thế hệ sinh sống.
Ảnh: The Guardian.
Vào mùa đông, khí hậu ở Bayan Olgii vô cùng khắc nghiệt với nhiệt độ thấp tới âm 30 độ C và tuyết phủ trắng trên mặt đất. Thời tiết khắc nghiệt kéo dài hay còn gọi là zud, có thể gây ra những thảm họa khủng khiếp. Gần đây nhất là vào năm 2010, gần nửa triệu người du mục bị ảnh hưởng, một số mất tới 70% đàn gia súc.
Người Kazakh buộc phải tìm nơi tránh rét cho đàn gia súc và những cánh đồng cỏ đủ cho chúng sống sót qua mùa đông. Để bảo vệ cho những con non trên hành trình lạnh giá, họ sẽ đặt chúng vào một chiếc túi sau lưng để giữ ấm.
Ảnh: The Guardian.
Thói quen sinh hoạt của người du mục Kazakh tập trung quanh đàn gia súc. Vào mỗi buổi sáng, gia đình sẽ có bữa sáng với Chai (trà sữa), Baursak (bánh mì chiên phồng) hay mì thịt luộc. Công việc chủ yếu của họ với đàn gia súc là chăn thả, cho ăn và vắt sữa. Sau bữa sáng, đàn ông sẽ ra ngoài để đi làm, những người phụ nữ ở lại, chăm sóc con cái và lo toan việc nhà.
Ảnh: The Guardian.
Đến cuối ngày, những người đàn ông sẽ trở về. Lúc này người thân trong gia đình cùng nhau đưa đàn gia súc trở lại chuồng, trước khi ánh sáng dần tắt và màn đêm lạnh giá buông xuống.
Buổi tối là thời gian nghỉ ngơi cùng gia đình và chuẩn bị bữa tối Beshbarmak, món ăn truyền thống với thịt luộc và mì. Beshbarmak sẽ được đặt trên một chiếc đĩa chung và ăn bằng tay, cũng vì vậy mà tên gọi của nó được dịch ra là “năm ngón tay”.
Video đang HOT
Ảnh: The Guardian.
Sinh hoạt với cộng đồng là một nét đặc trưng trong đời sống của người Kazakh. Họ sẽ thực hiện nó hàng ngày và thường xuyên nhất có thể, bằng cách đến thăm nhà lẫn nhau khi chăn thả gia súc và tiếp khách.
Đối với những gia đình sống cách nhau hơn 1 km, họ sẽ xây dựng mạng lưới những quán trà và điểm dừng chân để gặp gỡ. Thăm nhà dù không quen biết là một điều rất bình thường với người Kazakh. Tại đây, bạn sẽ được mời những món ăn nhẹ như Chai, Baursak và Aaruul (bánh sữa).
Ảnh: Jimmy Nelson.
Giống như những “thợ săn chim ưng” ở Trung Á, người Kazakh sử dụng đại bàng để đi săn. Công việc này chỉ diễn ra vào mùa đông, khi những con chim có sức khỏe tốt sau bài tập mùa hè và cũng là lúc con mồi của chúng, cáo, sóc, mèo manul và chó sói có bộ lông dày, thích hợp để may áo lông, mũ truyền thống của người Kazakh.
Những con chim dũng mãnh là niềm tự hào của người Kazakh và bắt đại bàng là một môn thể thao địa phương. Họ sẽ dùng thịt hoặc một con đại bàng để dụ đồng loại của chúng vào bẫy. Một cách khác đó là tìm đến những chiếc tổ và giấu đi những con non khi mẹ của chúng đi xa.
Những con chim dũng mãnh là niềm tự hào của người Kazakh và bắt đại bàng là một môn thể thao địa phương. Họ sẽ dùng thịt hoặc một con đại bàng để dụ đồng loại của chúng vào bẫy. Một cách khác đó là tìm đến những chiếc tổ và giấu đi những con non khi mẹ của chúng đi xa.
Người Kazakh sẽ nuôi đại bàng trong một ngôi nhà gần với nơi ở, để luyện tập cho những chuyến đi săn thường xuyên. Đại bàng sẽ được giữ bình tĩnh bằng cách bịt mặt và buộc chân cố định bởi sợi dây nhỏ. Những con chim dần quen được chủ cho ăn và trở nên trung thành.
Ảnh: Jimmy Nelson.
Ngoài đại bàng, những con ngựa khỏe mạnh cũng quyết định thành bại trong mỗi chuyến đi săn của người Kazakh. Chúng sẽ đưa chủ nhân cùng băng qua vùng đất Altai rộng lớn và leo lên những đỉnh núi có tầm nhìn thuận lợi nhất. Lên tới đỉnh núi, người thợ săn sẽ tháo bịt mắng cho đại bàng và làm xáo trộn sự yên bình của những ngọn núi.
Thông thường thợ săn sẽ vút roi da hoặc ném đá để con mồi tháo chạy khỏi nơi ẩn nấp. Tiếng rít liên tục của đại bàng sẽ càng làm chúng căng thẳng và sợ hãi. Khi phát hiện con mồi, đại bàng lập tức trở nên im lặng và nhắm thẳng mục tiêu. Người du mục sau đó sẽ thả dây chân của chúng và hi vọng về chuyến đi săn thành công, trước khi lên lưng ngựa và đuổi theo tới chỗ con mồi.
Lúc này, người thợ sẵn sẽ phải phi càng nhanh càng tốt vì con mồi lớn như cáo và sói có thể chiến đấu và gây thương tích cho đại bàng. Một cuộc đi săn thành công sẽ là khoảnh khắc đầy tự hào của người thợ và trở thành chủ đề trò chuyện trong nhiều tuần sau đó. Chuyện bắt thêm nhiều đại bàng sẽ được người Kazakh khoe tại lễ hội thợ săn vào tháng 10 hàng năm.
Ảnh: Medium.
Với những người du mục chưa bắt được đại bàng, họ vẫn có thể săn bắn bằng loại súng 1940s rifle của Nga và tìm kiếm con mồi trên dãy núi Altai rộng lớn.
Một cuộc đi săn sẽ kéo dài trong vài giờ vì vậy rất cần sự kiên nhẫn. Những chiếc súng Nga đời cũ cùng những viên đạn nhỏ đòi hỏi thợ săn phải tiếp cận thật gần với con mồi.
Những cuộc đi săn thất bại là điều thường thấy, tuy nhiên những người đàn ông vẫn giữ cao tinh thần sau một ngày làm việc với bạn bè. Người Kazakh sẽ nỗ lực hơn trong những chuyến đi săn tới.
Ảnh: Jimmy Nelson.
Đặc trưng địa lý của Bayan Olgii đã lưu giữ văn hóa truyền thống của người Kazakh trong hơn hai nghìn năm. Tuy nhiên, sẽ không thể đoán định được những thay đổi của khu vực trong tương lai. Ngày nay, tỉnh Bayan Olgii liên tục phát triển, những con đường xuyên quốc gia cũng dần được xây dựng để nối khu vực với thủ đô.
Băng rừng taiga tìm "làng tuần lộc cổ tích"
Đi qua những thảo nguyên xanh trải dài bất tận, xuyên qua cả những cánh rừng taiga phía bắc Mông Cổ đẹp diệu kỳ, chúng tôi lần theo dấu vết của tự nhiên ẩn dưới cỏ và hoa, nơi tồn tại những người Tsaatan cuối cùng còn thuần hóa và chung sống với tuần lộc tự nhiên...
8 tiếng cưỡi ngựa băng rừng
Làng tuần lộc nằm giữa rừng taiga sát cực bắc Mông Cổ, giáp với nước Nga, khá khó khăn để tìm đến. Chúng tôi phải ngủ lại một đêm ở ngôi làng Tsagaannuur bên cạnh hồ Dod Nuur để sáng sớm hôm sau cưỡi ngựa băng rừng suốt tám tiếng đến nơi những người Tsaatan cuối cùng còn thuần hóa và chung sống với tuần lộc tự nhiên.
Khoảng 13 giờ, chúng tôi mới chính thức lên lưng ngựa, tự cầm cương, điều khiển chú ngựa của mình từ từ tiến về bìa rừng. Lạ lẫm, sợ hãi, phấn khích, tự hào, thỏa mãn - tôi đã có thật nhiều cảm xúc khi lần đầu cưỡi ngựa, mà lại chọn phải chú ngựa tham ăn, tụt lại phía sau đoàn chỉ vì thích ăn cỏ không ngừng nghỉ.
Chuyến hành trình băng qua các cánh rừng taiga, những con suối, ngôi làng nhỏ, đồng cừu, đồng cỏ xanh mướt, rặng hoa tím ngắt, biển hoa vàng, bông cỏ heo may trắng tinh khôi... Tất cả đều đẹp như trong truyện cổ tích. Sau khoảng hai giờ, chúng tôi dần quen với việc cưỡi ngựa, thích thú ngắm nhìn thế giới sinh động nơi thảo nguyên mênh mông. Vậy nhưng đến trước giờ nghỉ trưa, con ngựa hoang khó thuần phục phi nước đại kéo lê một cô gái hướng dẫn trong đoàn đến hai lần. Nạn nhân sưng cả mặt mũi do va đập mạnh, khiến những người tận mắt chứng kiến lặng thinh hoảng sợ.
Thật khó tưởng tượng nếu chúng tôi cưỡi phải một con ngựa như thế. Vài người đàn ông chạy vào rừng sâu tìm con ngựa đi lạc trong khi cả đoàn dừng bên bờ suối ăn trưa và nằm nghỉ ngơi để hồi phục sau nhiều cơn xóc nảy mỗi lần ngựa phi nước đại.
Túp lều đơn sơ của người Tsaatan
Chúng tôi tiếp tục đi sâu vào các dãy núi khi nắng chiều nhuộm vàng hoa cỏ. Lúc này, đoạn đường dài hơn nên người hướng dẫn thường quất roi vào lưng ngựa hoặc hô to "chu chu" để chúng chạy nhanh hơn, tránh tắc nghẽn giữa đường. Như những cảnh ngựa hoang tung vó giữa thảo nguyên từng thấy nhiều lần trên phim ảnh, chúng tôi cùng hô "chu chu", đạp nhẹ vào hai bên bụng ngựa, ghì chặt cương và điều khiển con ngựa của mình.
Đoạn đường tiếp theo khó khăn hơn tôi tưởng. Có những đoạn sông sâu, sình lầy trũng, cả những đoạn dốc mà một bên là vực thẳm... Đã có những người ngã ngựa. Có những con ngựa lách qua rặng cây vô tình làm chủ bị thương, có cả những con ngựa không chịu đi hoặc đã đi thì phi nước đại không kìm được cương...
Cho đến tám tiếng sau, khi đã đi được khoảng 30km, hai túp lều cùng những chú tuần lộc cũng hiện ra trước mắt. Làng tuần lộc của những người Mông Cổ du mục đây rồi! Dưới nắng chiều xiên xiên bên rặng cây xanh lục, chúng tôi băng qua một con suối lớn còn sót băng tuyết, ngựa đầm mình xuống nước hơn quá nửa người mới qua được. Gian nan kết thúc, cuối cùng tôi cũng thực sự chạm tay đến miền cổ tích trong ký ức tuổi thơ.
Chúng tôi vào lều, giao lưu cùng những người ở làng tuần lộc. Tại đây, cả đoàn được mời uống sữa tuần lộc, ăn bánh mì bơ ngon tuyệt. Sữa tuần lộc không có mùi gây gây như sữa cừu. Chúng tôi mê mẩn mùi vị của sữa tuần lộc vì thơm hương trà.
Dưới cái lạnh buốt giữa rừng taiga vào thời điểm giao mùa, chúng tôi nằm la liệt trên nền đất, trên giường gỗ, bên một lò sưởi nóng cháy da, vừa ho khan do cảm mạo, vừa nhắm mắt cảm nhận rõ ràng hành trình khắc nghiệt, tuyệt mỹ, không tưởng, vô cùng đáng nhớ trong đời.
Cuộc sống tách biệt "ba không"
Nắng vàng như mật từ các tầng không đổ xuống cánh rừng thông trước mặt, nhảy nhót trên túp lều hình chóp đơn sơ dựng bằng gỗ và vải. Chúng tôi may mắn ghé thăm làng tuần lộc vào đúng thời điểm họ di chuyển đến một nơi có suối, núi, rừng và cả băng tuyết.
Mở khẽ cửa lều đón nắng, chúng tôi nhâm nhi tách sữa tuần lộc mới xin được từ những người Tsaatan hiền lành, thân thiện; ngắm nhìn nắng ướp thẫm bộ lông mịn màng của những chú tuần lộc đang nằm biếng lười dưới tảng băng, bên rặng hoa bồ công anh trắng muốt.
Bên ngoài lều, nhiều người trong đoàn tôi đang háo hức mua những chiếc sừng tuần lộc điêu khắc để ủng hộ dân làng. Tôi cũng góp vui mua ba miếng làm quà lưu niệm, giá 30.000 Tugrik (khoảng 220.000 đồng).
Phải kể thêm, người Dukha (Tsaatan) sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi tuần lộc ở các vùng núi cao khí hậu lạnh và săn bắn. Họ uống sữa tuần lộc, ăn bánh mì khô, làm bơ và phô mai từ sữa tuần lộc và thỉnh thoảng dùng thịt tuần lộc gác bếp làm thức ăn (với những con tuần lộc già yếu).
Đời sống du mục nay đây mai đó và nghèo khổ ấy cũng khiến số lượng tuần lộc giảm dần, chỉ còn gần 700 con. Việc đưa du lịch đến gần hơn với những người Tsaatan đã giúp họ có thêm thu nhập từ việc cho thuê lều nghỉ, bán đồ lưu niệm từ sừng và xương tuần lộc để nuôi dưỡng đàn tuần lộc cũng như con cái của mình.
Giấc mộng tuổi thơ đã thành sự thực
Chúng tôi có những ngày "ba không" ở trong rừng: không điện, không nước, không internet. Việc duy nhất có thể làm là quan sát cuộc sống của những người du mục chăn tuần lộc. Cảnh người Mông Cổ vắt sữa tuần lộc, cưỡi tuần lộc, chú chó săn nằm dài bên rặng hoa, liếm láp lông mình và nước trong dưới suối. Cảnh những chú tuần lộc với chiếc sừng xinh đẹp tựa cổ tích, tưởng chỉ có trong những mẩu truyện Grimm.
Mọi người đổ xô vào rừng, tôi và các chị ở lại để chiêm ngưỡng cảnh cậu bé dắt tuần lộc về nhà, đàn tuần lộc chạy ùa vào tầm mắt. Võng mạc no đầy những cảnh tượng chỉ có trong giấc mộng trẻ thơ. Tôi mặc vội một bộ đồ xúng xính, chân chạm băng, tay chạm vào bộ lông của chú tuần lộc, ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng trong đời.
Chụp ảnh miết mải, tôi lại chạy sang lều của những người Tsaatan xin sữa tuần lộc, chơi với lũ trẻ. Tôi bỗng trở thành bạn thân của các em nhỏ Ottna (2 tuổi), Namona (6 tuổi), Sara (9 tuổi), Nara (11 tuổi); những cô bé đáng yêu ở làng tuần lộc đã cùng tôi đi rửa tô chén dưới suối, chơi đùa bên đám tuần lộc, dạy tôi cách ăn trái thông, nhào lộn dưới cỏ đất cùng cười nắc nẻ như cái cách hồn nhiên yêu đời đầy sơ khai và giản dị của người xứ này.
Chúng tôi còn cùng nhau chơi bóng chuyền, tiếng cười đập vào không trung, vọng lại giữa lòng suối, khe núi, nghe giòn giã và đầy sảng khoái. Mọi người ở đây đều sống rất chậm, vui vẻ, hồn nhiên, đơn giản và luôn luôn giàu năng lượng. Điều đó có lẽ bất cứ ai cũng ao ước và mong muốn có được.
Trăng trong đêm tĩnh sáng vằng vặc, rừng thở sâu sau một ngày dài, còn chúng tôi, những vị khách yêu Mông Cổ, đã thật sự thỏa mãn với một ngày hạnh phúc ở một chốn tuyệt vời.
Chia tay miền cổ tích
Hừng đông, màu tím nhuộm cả một góc trời. Dưới tiết trời 80C, chúng tôi nằm dài trong túp lều nhỏ, nơi cột khói bốc lên cao ngất, rỉ rả chỉ nghe thấy tiếng củi và tiếng rột rột ăn cỏ của những chú tuần lộc nằm ngay bên ngoài lều.
Buổi sáng thong thả cuối cùng ở ngôi làng "ba không", chúng tôi đã dần hồi phục thể lực để tiếp tục hành trình dài lên ngựa băng qua các cánh rừng. Tôi đã kịp tạm biệt những người bạn thân của mình, ăn vội một tô phô mai và sữa tuần lộc. Bai-tê, lời chào tạm biệt của tôi vang trong núi. Ngựa băng qua dòng sông băng, hướng về bìa rừng, còn tôi vẫn cố ngoái lại vẫy tay gửi lời chào tạm biệt họ. Lưu luyến quá!
Hành trình hôm nay vẫn là 30km đi ngựa băng rừng trở lại làng Tsagaan Nuur. Hôm nay, lũ ngựa bắt đầu dở chứng, không nghe lời và hay lồng lên tức tưởi làm một vài người ngã ngựa. Con ngựa của tôi lao đầu chạy trước, dù hô stop rất lớn và gồng kìm dây cương cũng không lại được nó. Nó là một chàng trai háu ăn và điên loạn. Nó đâm sầm vào những gốc thông lớn khiến tôi mắc kẹt và rách áo. Thật may mắn vì không té ngã và không trầy xước tay chân do mặc nhiều quần áo và có đồ bảo hộ.
Cơ thể của chúng tôi đều không thể chịu nổi hành trình dài đằng đẵng này nữa. Mưa lớn dần và đường càng khó, cùng với sự nổi loạn của bầy ngựa khiến cảnh dù quá đỗi thơ mộng cũng không giúp chúng tôi tận hưởng được nhiều.
Thật may mắn, qua khoảng vài quả núi, chúng tôi đã chạy thoát được vùng mưa. Mỗi lần ngựa phi nước đại, chúng tôi đều gồng lên, rời khỏi lưng ngựa và nương theo chúng. Đợt di chuyển này đau đớn, điên loạn, vật vã nhưng nhanh hơn. Khoảng hơn hai tiếng đã tới suối nghỉ trưa (vào lúc gần 15 giờ).
Bữa trưa mệt mỏi cùng với bánh mì và ruốc thịt, ruốc nấm và bơ đã giúp chúng tôi có lại năng lượng và sẵn sàng cho hai giờ hành xác tiếp theo. Trời nắng, ngựa lại phi nước đại và chúng tôi lại băng rừng để sớm được về nhà. Ngựa băng qua suối, đi qua rất nhiều đoạn rừng dốc ngược, sình lầy... cuối cùng cũng đã thấy được ngôi làng ẩn hiện sau rặng cây.
Chúng tôi đã hú hét đầy hào hứng vì được trở về nhà. Sau ngần ấy gian nan, đau đớn, khoảng gần năm tiếng, chúng tôi đã an toàn trở về được căn lều quen thuộc.
Buổi tối, dưới ánh trăng vằng vặc tròn rõ khó thấy được ở thị thành, chúng tôi hỉ hả bên bếp lò với hai mâm lớn thịt dê và nước ngọt. Bên ngoài lạnh dần, mưa to và gió rít khiến cảnh tượng ở nơi đây thật cô liêu. Thảo nguyên rộng lớn, chúng tôi đã chinh phục được một đoạn hành trình gian khó, ghi vào ký ức những trải nghiệm có một không hai trong đời.
Khám phá vùng đất Mông Cổ, nơi lưu giữ những câu chuyện cổ tích Nhắc đến Mông Cổ, người ta nghĩ ngay đến những thảo nguyên xanh và cuộc sống du mục, nhưng thực thực ra đất nước này có vô vàn những điều thú vị và bí ẩn trong cổ tích mà không phải ai cũng biết... Hoàng hôn ở Mông Cổ khiến người ta không khỏi sửng sốt, với ánh mặt trời lộng lẫy tỏa...