Người Israel săn lùng mặt nạ phòng độc
Chính phủ Israel đang trở thành tâm điểm giận dữ của dân chúng khi tuyên bố mất khả năng cung cấp mặt nạ chống độc cho 40% dân số, giữa bối cảnh nguy cơ về một cuộc chiến hóa học ở quốc gia láng giềng Syria đang tăng cao.
Cơn sốt mặt nạ phòng độc xuất hiện đầu tiên ở Haifa, thành phố miền bắc Israel và rất gần với thủ đô Damacus, Syria, nơi vừa xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 21/8. Suốt nhiều ngày nay, hàng nghìn người đã tập trung ở sân vận động thành phố, nơi vừa được biến thành trung tâm phân phối mặt nạ phòng độc tạm thời, từ tờ mờ sáng.
Thời tiết oi bức và không gian chật chội khiến người dân bực tức và quay ra gây gổ với cảnh sát, những người được giao nhiệm vụ phải kiểm soát đám đông thật chặt chẽ.
“Chúng tôi bị đối xử như súc vật chứ không phải người”, Telegraph dẫn lời ông Harry Kamal, 67 tuổi, người bị yêu cầu rời khỏi khu vực phân phối.
Ông Kamal, người chỉ còn một quả thận, cho biết ông đã phải chịu cái nóng như thiêu đốt suốt 5 giờ. “Tôi cho họ thấy các tài liệu chứng tỏ tôi bị bệnh, thế mà họ chỉ đáp rằng ‘Nó không giúp được ông đâu’ rồi yêu cầu tôi ra ngoài”, ông bức xúc nói.
Miri Lugasi, 33 tuổi, người đã đi hơn 32 km từ Nahariya, một thành phố sát với Li-băng, bằng taxi, để nhận 7 chiếc mặt nạ phòng độc cho cô và cả gia đình, nói: “Bạn có thể kiên nhẫn trong một giờ, nhưng suốt 5 tiếng liền như thế thì không. Tôi thậm chí còn tới nhầm điểm phân phối vì họ không hề thông báo với chúng tôi về việc nó đã bị chuyển sang nơi khác”.
Thậm chí các gia đình có con nhỏ, vốn thường được xếp vào diện ưu tiên, cũng phải trải qua hàng giờ liền xếp hàng trong mệt mỏi.
Video đang HOT
Cơn sốt mặt nạ chống độc là hệ quả của những tuyên bố sẽ tấn công Syria của Mỹ và các nước phương Tây. Để làm yên lòng người dân, giới chức Israel đã tuyên bố sẽ không có chuyện chính quyền Bashar al-Assad tấn công vào nước này.
Tuy nhiên, cơn hoảng loạn vẫn chưa hề có dấu hiệu lắng, bởi số lượng mặt nạ chỉ đủ để cung cấp cho 60% dân số của Israel.
Tình trạng hỗn loạn còn lan tới cả các thành phố miền nam như Jerusalem, nơi truyền thông cho biết nhiều kẻ đã lao vào ăn trộm mặt nạ phòng độc và chạy trốn hôm thứ tư.
Về phía người dân Haifa, nguồn gốc cơn sợ hãi của họ còn đến từ cuộc chiến tranh hồi năm 2006 của nước này với Hezbollah, một tổ chức chính trị có vũ trang ở Li-băng.
Sandra Ruderman, 46 tuổi, nói cô rất hiểu tầm quan trọng của những chiếc mặt nạ sau khi chứng kiến một quả tên lửa Katyusha, loại vũ khí được Hezbollah sử dụng chủ yếu trong cuộc xung đột năm đó, bị bắn thẳng vào nhà cô. Ruderman phải sống tại hầm trú ẩn suốt vài tuần trong tình trạng thiếu nước và thức ăn khi đó.
Giới chức ở Haifa đã tăng cường lượng binh sĩ làm nhiệm vụ gần hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome. Hệ thống này được xây dựng nhằm mục đích bảo vệ một nhà máy hóa dầu khổng lồ, được coi như mục tiêu tiềm năng cho mọi cuộc tấn công. Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tại một căn cứ quân sự bên trong thành phố cũng đã được khởi động.
Theo VNE
Iran sẽ trả đũa Isarel nếu Syria bị tấn công
Các quan chức Iran tuyên bố họ sẽ giáng trả Israel nếu phương Tây phát động cuộc tấn công nhắm vào Syria.
Ngày 27/8, các nghị sĩ và chỉ huy quân đội Iran đã phát đi những lời cảnh báo mạnh mẽ tới Mỹ và các đồng minh rằng một cuộc can thiệp quân sự của phương Tây vào Syria sẽ dẫn tới một cuộc tấn công trả đũa của Iran nhắm vào Israel được phát động bằng "ngọn lửa giận dữ".
Lời cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh phương Tây đang thúc đẩy một cuộc tấn công quân sự vào Syria sau khi Mỹ, Anh, Pháp và một số nước khác cho rằng họ có bằng chứng "không thể chối cãi" về việc Tổng thống Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường. Về phần mình, ông Assad lại cáo buộc phe nổi dậy tìm cách lật đổ ông bằng cách sử dụng các loại vũ khí hóa học này.
Iran sẽ trả đũa Israel nếu Syria bị tấn công
Iran cũng từng là nạn nhân của các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học do Iraq phát động trong cuộc chiến tranh 8 năm hồi thập niên 1980. Là đồng minh thân cận của Syria, các quan chức Iran thường nói rằng Syria là chiến hào đầu tiên của Iran trong cuộc chiến tiềm tàng với các thế lực thù địch phương Tây. Iran cũng đã chỉ trích Israel gây ra cuộc nội chiến ở Syria và đang tìm cách lật đổ ông Assad.
Ông Mansur Haquiqatpur, một nghị sĩ có nhiều ảnh hưởng ở Iran tuyên bố: "Nếu Mỹ phát động tấn công quân sự chống lại Syria, ngọn lửa giận dữ của các phong trào cách mạng trong khu vực sẽ chĩa vào Israel."
Quân đội Iran diễn tập bắn tên lửa
Các chuyên gia phân tích cho rằng cuộc can thiệp quân sự của Mỹ vào Syria sẽ là một phép thử đối với tân Tổng thống Iran Hassan Rouhani, người đã lên tiếng chỉ trích việc sử dụng vũ khí hóa học trên tài khoản Twitter của mình hôm thứ Hai nhưng không hề đổ lỗi cho phía nào trong cuộc nội chiến ở Syria.
Hôm thứ Ba, tân Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng nhấn mạnh rằng Iran chỉ trích việc sử dụng vũ khí hóa học của bất kỳ bên nào, đồng thời sẽ gây sức ép với chính phủ Syria hỗ trợ các thanh sát viên Liên Hợp Quốc thực hiện một cuộc điều tra về vũ khí hóa học.
Tuy nhiên ông khẳng định hiện vẫn chưa có bằng chứng nào chứng tỏ chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học, trong khi đó có một số bằng chứng cho thấy đạn hóa học đã được trang bị cho các nhóm nổi dậy Takfiri ở Syria.
Nhiều chính trị gia theo đường lối cứng rắn ở Iran cho rằng cuộc tấn công của phương Tây vào Syria về thực chất là hành động chiến tranh chống lại Iran, và sẽ nước này sẽ thực hiện cam kết bảo vệ lẫn nhau với Syria trong trường hợp bị nước thứ ba tấn công.
Tàu chiến Mỹ đã sẵn sàng bắn tên lửa hành trình vào Syria
Từ lâu Iran đã được coi là có mối quan hệ thân cận với đồng minh Hezbollah trong khu vực khi cả hai bên đều coi Israel là kẻ thù chung. Hezbollah được cho là đã triển khai nhiều tên lửa ở miền nam Lebanon có khả năng đánh vào sâu trong lãnh thổ của Israel.
Iran và Hezbollah cũng tham gia rất lớn trong việc giúp đỡ phe chính phủ Syria trong cuộc nội chiến ở đất nước này. Các cố vấn quân sự Iran đã xuất hiện ở Syria, và Iran cũng cung cấp vũ khí, hỗ trợ huấn luyện cho các chiến binh Hezbollah lên đường tham gia chiến đấu cùng quân đội Syria.
Hôm thứ Hai, nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei trong cuộc gặp với Quốc vương Qaboos bin Said al Said của Oman đã tiên đoán rằng cuộc xung đột Syria sẽ leo thang qua biên giới nếu các quốc gia khác trong khu vực tiếp tục ủng hộ phe đối lập Syria. Ông nói: "Những kẻ ủng hộ phe đối lập ở Syria cần phải biết rằng ngọn lửa này cuối cùng rồi sẽ nuốt chửng chúng."
Theo khampha
Tên lửa Yakhont của Syria sẽ ngăn chặn Mỹ tấn công Tiến sĩ Mostafa Zahra, một nhà phân tích quân sự và chuyên gia nghiên cứu chiến lược Iran cho rằng, tên lửa siêu âm chống tàu của Syria và phong trào Hezbollah (Lebanon) sẽ gây thiệt hại lớn đối với bất kỳ cuộc tấn công nào, đặc biệt là từ các tàu chiến của Hải quân Mỹ, nhằm vào quốc gia Trung Đông...