Người hùng xả thân cứu thánh tích tại nhà thờ Đức Bà
Một linh mục Pháp đã được ca ngợi như người hùng trong vụ hỏa hoạn tại nhà thờ Đức Bà, sau khi xả thân cứu các thánh tích vô giá ra khỏi đám cháy dữ dội.
Jean-Marc Fournier, một giáo sĩ của Lữ đoàn Cứu hỏa Paris, đã cứu được Bí tích Thánh thể và vòng mạo gai khỏi nhà thờ đang bốc cháy, Sky News đưa tin.
Linh mục Jean-Marc Fournier. (Ảnh: KTO TV)
Nhiều người đã lo sợ rằng cả hai bảo vật vô giá này đều sẽ bị thiêu rụi trong vụ hỏa hoạn hôm 15/4.
“Cha Fournier đúng là một anh hùng”, một thành viên của lực lượng cứu hộ nói. “Ông ấy không sợ gì cả khi đi thẳng vào bên trong nhà thờ để cứu các thánh tích và đảm bảo rằng chúng được an toàn. Ông ấy đối mặt với sự sống và cái chết mỗi ngày, không hề tỏ ra sợ hãi”.
Đây không phải lần đầu tiên linh mục này hỗ trợ người dân Paris trong một thảm họa quốc gia.
Ngày 13/11/2015, ông đã vào bên trong nhà hát Bataclan ở Paris sau khi những kẻ khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng giết hại 89 người bằng súng và thuốc nổ.
Linh mục đã cầu nguyện cho những người chết và an ủi những người bị thương hoặc thân nhân của các nạn nhân.
Chiếc vòng mạo gai đã được an toàn (Ảnh: Sky News)
Video đang HOT
Cha Fournier, ngoài 50 tuổi, đã bắt đầu sự nghiệp là một linh mục Công giáo tại Đức và sau đó chuyển tới Sarthe, Pháp. Ông gia nhập giáo phận Lực lượng Vũ trang vào năm 2004 và có 7 năm làm việc với quân đội trên toàn thế giới. Tại Afghanistan, ông đã sống sót trong một cuộc phục kích, trong đó 10 binh sĩ đã thiệt mạng.
Vòng mạo gai được cho là chiếc vòng mà Chúa Giê-su đội trên đầu trước khi bị đóng đinh trên thập giá. Thánh tích này được vua Louis IX đưa về Pháp năm 1238. Vòng mạo gai được đặt trong một chiếc hộp bằng vàng, cất trong kho của nhà thờ và thỉnh thoảng mới được trưng bày.
Bí tích Thánh thể được đựng trong một chiếc bình tinh xảo bằng vàng. (Ảnh: Sky News)
Trong khi đó, Bí tích Thánh thể được coi là thân thể và máu của Chúa Jesus dưới hình thức bánh thánh và rượu. Thánh tích này thường được đựng trong chiếc bình tinh xảo bằng vàng.
Sầm Hoa
Theo Vietnamnet
Cánh cửa Nhà thờ Đức Bà Paris bị xem là 'tác phẩm của quỷ'
Vào thế kỷ 13, tin đồn lan khắp Paris rằng công trình cánh cửa Nhà thờ Đức Bà Paris hoàn thành do người thợ Biscornet đã bán linh hồn cho quỷ Satan để đổi lấy tác phẩm nghệ thuật khiến cả Paris choáng váng này
Công trình của một người thợ luyện kim trẻ tuổi khiến Nhà thờ và cả Paris sững sờ. Người ta không thể tin bàn tay con người có thể tạo ra một tuyệt tác lộng lẫy và đồ sộ như vậy.
Paris là một thành phố lâu đời, gắn liền với nó là nhiều câu chuyện bí ẩn, lôi cuốn và không hiếm khi rùng rợn. Nhà thờ Đức Bà (Notre Dame de Paris) - trái tim của Paris - cũng có một truyền thuyết thú vị.
Hồi thế kỷ 13, một người thợ rèn trẻ tuổi và tài giỏi tên Biscornet thuyết phục được Nhà thờ để anh chế tác cửa ra vào cho Nhà thờ Đức Bà. Do công trình được xây từ sau ra trước, mặt tiền và lối vào là phần cuối cùng được lắp đặt.
Tác phẩm gây choáng váng thậm chí đối với những bộ óc nghệ thuật nhất của Paris. (Ảnh: afrenchfryeinparis)
Nhiệm vụ hết sức nặng nhọc. Nó đòi hỏi Biscornet lao động vất vả nhiều tháng liền bên cạnh các lò nung kim loại nóng đỏ rực trong xưởng.
Tuy vậy, người thợ trẻ vẫn hoàn thành công việc đúng hẹn. Và thành quả của anh là một kiệt tác. Ngày trình làng, những cánh cửa khổng lồ trang trí bằng hoa văn kim loại khiến dân Paris và giáo chức Nhà thờ choáng váng.
Trước Biscornet, chưa ai từng đạt được trình độ nghệ thuật đó chỉ với thứ kim loại tầm thường là sắt. Nó hết sức lộng lẫy, là phần bổ sung hoàn hảo cho một công trình biểu tượng như Nhà thờ Đức Bà.
Nhưng hỡi ôi, cái gì vượt quá sự tưởng tượng luôn mang lại bất hạnh, nhất là ở một giai đoạn như thế kỷ 13. Tin đồn nhanh chóng lan khắp Paris rằng công trình đó không thể được tạo ra bởi bàn tay con người, Biscornet hẳn đã bán linh hồn cho quỷ Satan để đổi lấy tác phẩm nghệ thuật để đời.
Một vài nhân chứng còn khẳng định khi đến thăm xưởng làm việc, họ thấy Biscornet nằm bất tỉnh trên sàn nhà với công trình đã được hoàn thành một cách bí ẩn trong thời gian kỷ lục.
Chưa hết, các giáo sĩ nói họ không tài nào mở được cánh cửa cho đến khi vẩy nước thánh lên ổ khóa...
Các hoa văn bằng sắt được chế tác hết sức tỉ mỉ và chi tiết. (Ảnh: afrenchfryeinparis)
Mặc dù Biscornet ra sức thanh minh, nhưng không ai tin anh. Chuyện kể rằng anh qua đời sau đó không lâu, sự việc càng khiến người ta tin rằng Satan đã quay lại để hoàn thành nốt giao kèo - lấy đi linh hồn của người nghệ nhân.
Một cách trùng hợp, cái tên Biscornet trong tiếng Pháp nếu tách ra sẽ cho ra nghĩa: "bis" là "hai", "cornet" là "sừng". Một nhân vật có hai sừng...
Ngày nay, không ai rõ thực hư câu chuyện cách đây nhiều thế kỷ, nhưng các chuyên gia về kim loại không thể giải thích được làm cách nào những cánh cửa của Nhà thờ Đức Bà có thể được chế tác chỉ với những công cụ thô sơ của thời Trung cổ.
Dù sao, đó chỉ là một trong nhiều bí mật của Paris.
Cận cảnh các chi tiết trên cánh cửa Nhà thờ Đức Bà Paris:
Những thanh sắt được chế tác thành tác phẩm nghệ thuật. (Ảnh: afrenchfryeinparis)
Nhìn bề ngoài có vẻ thô sơ nhưng ẩn chứa trong đó là tâm hồn nghệ thuật của Biscornet. (Ảnh: afrenchfryeinparis)
Phần tay nắm cửa. (Ảnh: afrenchfryeinparis)
Đã qua dấu thời gian nhưng đường nét mỹ thuật vẫn còn đó. (Ảnh: afrenchfryeinparis)
Nguồn: Tuổi Trẻ
Vụ hỏa hoạn Nhà thờ Đức Bà Paris từng được tiên tri cách đây gần 200 năm? Diễn biến vụ cháy ở Nhà thờ Đức Bà có nhiều điểm tương đồng đáng ngạc nhiên với các tình tiết trong tác phẩm được đại văn hào Victor Hugo chắp bút năm 1831. Xuất bản vào năm 1831, Tiếu thuyết "Nhà thờ Đức Bà Paris" xoay quanh số phận của các nhân vật chính với phông nền là nhà thờ mang đậm...