Người hùng giải cứu 3 mẹ con giữa dòng lũ dữ Đà Lạt
Khi bơi qua đến nhà, nước mấp mé cầu dao điện, anh Sơn nhanh tay cúp cầu dao. Tiếp đó, Sơn cùng anh Nghĩa tìm cách dìu 3 mẹ con đứng lên nóc tủ rồi chui lên la phông để được anh Phong, người cạy mái tôn, đưa lên thoát thân trước khi căn nhà bị lũ dữ nuốt chửng.
Ngôi nhà của vợ chồng anh Nghĩa bị lũ cuốn sập chiều 1.6 – Ảnh: Lâm Viên
Không chỉ một mà là 2 thanh niên rất dũng cảm, một người tên Nguyễn Đình Sơn và người là Dương Nhạt Phong đã bất chấp nguy hiểm, mạng sống, bơi giữa dòng lũ dữ để cứu 3 mẹ con chị Hằng – 2 cháu trai (4 tháng và 4 tuổi) an toàn.
Sáng 2.6, PV Thanh Niên Online trở lại nhà số 30/1 Hoàng Văn Thụ, P4, TP. Đà Lạt, nơi 3 mẹ con chị Đặng Thị Thanh Hằng được giải cứu ngoạn mục trong khi nước lũ kéo sập 1/3 ngôi nhà vào chiều 1.6
Khi chúng tôi đến, chị Hằng và chồng là anh Nguyễn Văn Nghĩa cùng một số bà con đang phụ giúp dọn dẹp bùn đất ngập trong nhà bị sập và chuyển một số đồ đạc, máy móc đi gởi nơi khác.
Máy móc trong ngôi nhà bị ngập nước – Ảnh: Lâm Viên
Chị Đặng Thị Thanh Hằng cho biết đến sáng nay, hai con trai chị là cháu Nguyễn Quốc An (4 tháng tuổi) và Nguyễn Quốc Khánh (4 tuổi) vẫn chưa hết hoảng sợ. Cả đêm cháu Khánh cứ ôm cứng cổ mẹ nói con sợ nước lắm mẹ ơi! Ngoài ra, cháu còn thường xuyên giật mình thức giấc kêu mẹ.
Xả thân giải cứu
Chiều 1.6, anh Nghĩa đang đi làm xa, nhưng thấy trời mưa lớn, linh cảm ở nhà có chuyện chẳng lành. Khi anh Nghĩa về đến thì nước bắt đầu tràn vào nhà và dâng cao rất nhanh. Khi anh Nghĩa đang tìm cách đưa vợ con tránh lũ thì bức tường nhà bị nước xô ngã, anh Nghĩa bị nước đẩy vào một căn phòng.
Anh Nghĩa thu dọn đồ đạc sau mưa lũ ảnh: Lâm Viên
Chị Hằng la lên: “Cứu mẹ con em anh ơi! Cứu mẹ con em anh ơi!”. Cháu Khánh la lớn “Mẹ ơi con sợ quá! Cứu con với!”. Rất may anh Nghĩa cố bơi ra vì sợ nước lũ cuốn trôi 3 mẹ con. Lúc này 3 mẹ con bị ướt sũng phải đứng trên tủ lạnh, máy photo để tránh nước
Lúc này mẹ con chị Hằng chỉ biết kêu gào mong hàng xóm nghe thấy đến cứu giúp.
Video đang HOT
Chỉ ít phút sau, anh Nguyễn Đình Sơn (35 tuổi), ngụ số 26 Hoàng Văn Thụ bơi trong nước lũ khoảng 40m đến để cùng anh Nghĩa tìm cách đưa mẹ con chị Hằng ra khỏi nhà. Nhưng lúc này nước lũ rất mạnh, ngập gần ngang cổ không thể đưa 3 mẹ con chị Hằng ra được, đặc biệt là cháu bé An mới 4 tháng tuổi.
Anh Dương Nhạt Phong – Ảnh: Lâm Viên
Cùng lúc đó, trên mái tôn có tiếng người đang cạy mái tôn, một thanh niên bảo đưa cháu bé lên ngay (sau khi được cứu gia đình anh Nghĩa vẫn không biết thanh niên đó là ai, tên gì). Đúng lúc đó một phần la phông ngôi nhà bị sập khiến mọi người hoảng sợ.
Sau khi lấy lại bình tĩnh, anh Sơn cùng thanh niên trên mái tôn lần lượt giải cứu cháu Khánh (4 tuổi), rồi chị Hằng qua mái nhà rồi chuyển qua mái tôn nhà bên cạnh và đưa xuống nhà hàng xóm ẩn náu tạm thời, đồng thời chống lạnh cho 3 mẹ con.
Phong đang tháo mái tôn – Ảnh: Thu Thảo
Họ, những chàng hiệp sĩ đã nói gì?
Hai thanh niên dũng cảm, mưu trí cứu người đều đang độc thân, mặt hiền queo. Cả hai thanh niên cho biết khi thấy người bị nạn thì cứ lao vào tìm cách cứu chứ không hề nghĩ đến nguy hiểm đến tính mạng bản thân.
Qua tìm hiểu, được biết chàng thanh niên mưu trí dùng ván để leo lên nhà tháo tôn cứu 3 mẹ con chị Hằng là chàng kỹ sư xây dựng trẻ tuổi Dương Nhạt Phong (26 tuổi, quê Phú Yên), đang làm giám sát công trình cho Công ty Cổ phần xây lắp và vật tư xây dựng 2, chi nhánh Lâm Đồng.
Anh Nguyễn Đình Sơn – Ảnh: Lâm Viên
Phong kể, khi đang ngồi uống cà phê gần cây xăng Nam Thiên, thấy lũ dâng cao dọc theo chung cư Mạc Đĩnh Chi. Đúng lúc đó nghe tiếng chị Hằng kêu cứu. Không ngần ngại, Phong nghĩ chỉ có cách tháo mái tôn mới có cơ may cứu được 3 mẹ con chị Hằng.
Ngay lập tức, Phong vác tấm ván dài làm cầu để leo lên mái tôn nhà bên cạnh rồi leo qua mái nhà chị Hằng. Phong dùng cây cạy mái tôn để giải cứu những người bị nạn.
Khi cứu được 3 mẹ con chị Hằng, Phong mừng đến muốn chảy nước mắt.
Khoảnh khắc anh Phong và Sơn giải cứu 3 mẹ con thành công – Ảnh: Thu Thảo
Còn anh Nguyễn Đình Sơn (35 tuổi), độc thân, hành nghề lái xe tải nhẹ. Dù nhà Sơn cũng đang bị lũ nhấn chìm, nhưng khi nghe tiếng kêu cứu của mẹ con chị Hằng anh đã tìm cách bơi qua để ứng cứu.
Khi qua đến nhà, nước mấp mé cầu dao điện, anh Sơn đã nhanh tay cúp cầu dao đề bảo đảm an toàn tính mạng cho những người trong ngôi nhà sắp đổ sụp. Tiếp đó, Sơn cùng anh Nghĩa tìm cách dìu 3 mẹ con đứng lên nóc tủ rồi chui lên la phông để được anh Phong đưa lên mái nhà.
Anh Sơn là người bế bé An (4 tháng tuổi) chui lên mái tôn đầu tiên để đưa qua nhà hàng xóm sưởi ấm cho bé. Sơn nói: “Em biết bơi nhưng chỉ bơi đoạn ngắn, nhưng hôm qua không hiểu sao em bơi được đoạn dài khoảng 40m để kịp cứu mẹ con chị Hằng”.
Vợ chồng anh Nghĩa cảm ơn 2 ân nhân đã cứu gia đình trong cơn lũ dữ – Ảnh: Lâm Viên
Ông Phan Văn Quốc (ngụ 30 Hoàng Văn Thụ) chứng kiến vụ giải cứu nhận xét: “Nếu không có 2 người này thì 2 em bé và chị Hằng sẽ thiệt mạng, hành động của 2 thanh niên rất dũng cảm, đáng tuyên dương”.
Còn chúng tôi, những người làm báo, nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của 2 anh khi thấy 3 mẹ con chị Hằng bình an, khỏe mạnh cũng lâng lâng một cảm xúc khó tả. Cuộc đời vẫn còn những “nụ hoa” rực rỡ quanh ta!
Lâm Viên
Theo Thanhnien
Mót sắt mưu sinh tại siêu dự án Formosa
Hàng trăm người dân thôn Đông Yên (xã Kỳ Lợi, H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau khi nhường đất cho dự án Formosa, không có ruộng đất canh tác, không có việc làm, đành chấp nhận quay trở lại khu vực dự án này, mót sắt mưu sinh bất chấp nguy hiểm.
Dong thuyền ra biển, lặn xuống độ sâu hàng chục mét để mót xái sắt - Ảnh: Nguyên Dũng
12 giờ trưa. Nhiệt độ trên bãi cát trắng tại cảng Sơn Dương (khu kinh tế Vũng Áng, H.Kỳ Anh) chạm ngưỡng 40oC. Hàng chục phụ nữ, đàn ông trung niên, có cả những người già, chạy theo những chiếc xe ủi đất, vật thải của siêu dự án Formosa, nhặt nhạnh từng mẩu sắt vụn, thanh thép đã hoen gỉ trộn lẫn trong đất cát. Cạnh đó, nhiều người cầm búa tạ, búa đinh, xà beng đập, nạy những khối bê tông để lấy vài ba mẩu sắt đang bị mắc kẹt trong đó.
Đàn bà đội nắng đập bê tông
Mỗi khi xe ủi, xe chở vật thải của siêu dự án Formosa đẩy, đổ đất cát có trộn lẫn "xái" sắt ra hướng sát cảng Sơn Dương là nhiều người xúm lại, chen lấn, nhanh tay lượm lặt bất cứ thứ gì có thể bán lại cho các đại lý thu mua đồng nát. Không có bất kỳ dụng cụ bảo hộ lao động nào phòng thân, tất cả những con người lam lũ tại đây, đều để tay trần đào bới, nhặt nhạnh từng thanh sắt thép, khuân vác từng mảng bê tông chứa sắt thép, dưới trời nắng bỏng rát, bụi phủ kín.
Người dân thôn Đông Yên mót sắt dưới cái nắng như đổ lửa tại dự án Formosa - Ảnh: Nguyên Dũng
Mặt mũi lấm lem cát bụi, chân phải đạp lên tảng bê tông, hai tay giữ chặt cán búa đinh, đưa cao quá đầu, rồi đập mạnh xuống tảng bê tông khô cứng, chị Mai Thị Tịnh (44 tuổi, thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi, H.Kỳ Anh), loạng choạng, suýt ngã vật xuống đất. Lấy lại thăng bằng, chị lại quai búa, cố đập thật mạnh, khiến mảng bê tông vỡ vụn, rồi nhặt vội những thanh sắt, cẩn thận để vào một chỗ. Khi thấm mệt, đói bụng hay khát nước, chị Tịnh và những "đồng nghiệp" của mình, lại chui vào những căn lều nhỏ, dựng tạm bợ trên bãi cát trắng cạnh cảng Sơn Dương để nghỉ chốc lát, ăn uống cầm hơi rồi lại tiếp tục công việc nặng nhọc.
Chị Tịnh cho biết đã nhiều năm nay, ngày nào chị và chồng là anh Nguyễn Trọng (46 tuổi), cũng miệt mài với nghề mót xái sắt tại siêu dự án này. Theo chị Tịnh, trước đây, gia đình chị và đông đảo bà con lối xóm đều bám biển mưu sinh, hằng ngày giong thuyền đi thả lưới, đánh bắt cá, tôm, cua, mực... bán kiếm tiền mua gạo, trang trải cuộc sống gia đình. Những nhà không đi biển thì trồng lúa, trồng khoai, tỉa bắp trên những thửa ruộng khoán. Từ năm 2008, gia đình chị Tịnh và tất cả người dân thôn Đông Yên phải chuyển lên khu tái định cư, nhường đất cho dự án Formosa. Nơi ở mới cách xa nơi ở cũ, cách biển đến 25 km, lại không có đất nông nghiệp để canh tác, thiếu công ăn việc làm, người dân phải bươn chải khắp nơi kiếm sống, trong đó nhiều người quay lại khu vực đang triển khai dự án Formosa mót sắt.
"Cùng đường mưu sinh nên mới phải làm công việc này chú ạ! Nghề mót xái sắt vất vả lắm. Chạy theo xe tải, xe ủi, tìm kiếm, nhặt nhạnh, đập từng mảng bê tông giữa nắng nóng, bụi bặm suốt cả ngày trời cũng chỉ mót được ít sắt vụn, kiếm được 50.000 - 200.000 đồng/ngày, tùy vào may rủi", chị Tịnh nói.
Đàn ông mất mạng vì lặn biển
Nhiều năm nay, trong quá trình thi công hạng mục đúc giếng chìm và một số công trình khác tại cảng nước sâu Sơn Dương, sắt thép rơi xuống biển không ít và những người thợ lặn tìm cách trục vớt, bán đồng nát. Ngoài việc nhặt nhạnh sắt trên cạn, không ít người bà con của chị Tịnh cũng giong thúng, thuyền máy ra ngụp lặn ở độ sâu hàng chục mét biển để "khai thác nguồn xái sắt" này.
Anh Hoàng Thắng (49 tuổi, thôn Đông Yên), một thợ lặn đã có hơn 2 năm trong nghề, cho biết so với những người mót "xái" sắt trên cạn, những người lặn biển tìm sắt thường "gặt" được thành quả cao hơn, nếu may mắn "trúng quả đậm", có thể kiếm cả nửa triệu mỗi ngày. Nhưng anh Thắng và những thợ lặn mưu sinh nơi đây cũng thấm thía, nghề lặn biển mót xái sắt, nguy hiểm gấp bội lần, nếu gặp bất trắc, nhẹ thì bị ngạt khí, nặng thì bị tàn tật hoặc tử vong.
Tháng 3.2015, anh Võ Xuân Lịnh (thôn Đông Yên) lặn biển tìm sắt mưu sinh. Trong lúc đang ở độ sâu hơn chục mét, vòi thở khí ô xy bất ngờ bị tụt khỏi miệng, anh Lịnh bị ngạt nước, bất tỉnh. Nhờ những bạn lặn đi cùng đưa lên bờ, cấp cứu kịp thời nên anh Lịnh may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc, nhưng cũng từ đó anh phải sống cuộc đời của một người bị tàn phế.
Theo ông Mai Văn Chất, Trưởng thôn Đông Yên, trong khoảng 7 năm trở lại đây, ở địa phương có 11 người tử vong vì gặp tai nạn trong lúc lặn biển mót sắt mưu sinh và 15 người bị tàn phế suốt đời.
Nguyên Dũng
Theo Thanhnien
Hà Nội: Người dân ồ ạt vượt đèn đỏ để "chạy trốn" nắng nóng Không đủ kiên nhẫn đứng chờ mấy chục giây của tín hiệu đèn đỏ dưới trời nắng gay gắt lên tới 37 - 38 độ C, nhiều người đã cho xe chạy vượt đèn đỏ để "chạy trốn" nắng nóng. Thay vì kiên nhẫn đứng chờ đèn đỏ như thế này... ...nhiều người đã cho xe vượt đèn đỏ, để mau "chạy trốn"...