Người hùng chống bạo lực tình dục và vũ khí đau đớn nhất
Cô gái đoạt giải Nobel Hòa bình 2018 Nadia Murad kể lại hành trình từ nô lệ tình dục của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tới nhà hoạt động nhân quyền. Câu chuyện đau đớn nhưng là vũ khí cô có để chống chủ nghĩa khủng bố
Chợ nô lệ mở về đêm. Chúng tôi có thể nghe tiếng động ở tầng dưới của những tên phiến quân đang rục rịch mua bán. Khi gã đầu tiên bước vào phòng, tất cả các cô gái bắt đầu gào thét.
Những con quái vật
Những tên phiến quân đi quanh phòng, nhìn chằm chằm vào những cô gái bất chấp tiếng gào thét và van xin. Chúng hướng về những cô gái đẹp nhất trước tiên, vạch tóc và miệng của “món hàng” ra kiểm tra. “Còn trinh đúng không” – chúng hỏi tên lính gác và nhanh chóng nhận được câu trả lời: “Tất nhiên!”. Kế đó, kẻ đi mua sỗ sàng động chạm vào bất cứ chỗ nào chúng muốn trên cơ thể cô gái.
Cả căn phòng nhốn nháo khi những gã phiến quân sục sạo, chúng quét mắt từ đầu tới chân mỗi cô gái và đặt những câu hỏi, kẻ nói tiếng Ả Rập, kẻ dùng ngôn ngữ Turkmen. “Im lặng! Câm đi!” – chúng không ngừng quát tháo nhưng càng gào lên như vậy, tiếng la hét trong phòng càng lớn hơn.
Dù biết chẳng thể tránh được việc sẽ rơi vào tay một tên phiến quân nhưng tôi chẳng để hắn thỏa nguyện dễ dàng. Tôi gào thét và tru tréo, hất mạnh bất cứ bàn tay nào muốn tóm lấy mình. Những cô gái khác cũng làm như vậy, họ cuộn mình lăn như những trái bóng trên nền nhà hoặc co cụm vào nương tựa lẫn nhau.
Lúc tôi đang nằm đó, một gã phiến quân khác tới trước mặt. Hắn là tên Salwan, từng mua một cô gái trẻ Yazidi khác từ làng Hardan (Iraq). Gã tính đuổi cô gái này khỏi nhà khi đã kiếm được người thay thế trong phiên chợ. Gã gầm lên: “Mày, con nhỏ áo khoác hồng, đứng dậy!”. Đôi mắt gã sâu hoắm trên khuôn mặt to bạnh gần như bị phủ kín trong mái tóc lòa xòa. Trông gã không giống một người đàn ông, gã giống một con quái vật.
Sau màn chọn hàng, các tay phiến quân bắt đầu đăng ký giao dịch vào sổ sách ở tầng dưới. Tôi nghĩ mình có thể rơi vào tầm ngắm của Salwan. Gã đàn ông thô lỗ xộc ra mùi trứng thối quện với nước hoa!
Tôi nhìn xuống sàn nhà, nhìn vào những đôi chân và mắt cá chân của những phiến quân và cả những cô gái đi ngang qua. Trong đám đông, tôi bất chợt nhìn thấy một đôi dép đàn ông với cặp mắt cá gầy gò giống như của phụ nữ. Và chẳng kịp suy nghĩ, tôi vội vàng vươn về phía đôi chân đó và cầu xin: “Làm ơn hãy đưa tôi đi với ông. Ông muốn làm gì cũng được, tôi không thể đi cùng với gã to lớn đó”.
Video đang HOT
Tôi không biết tại sao người đàn ông mảnh dẻ đó lại đồng ý. Sau khi nhìn tôi, gã quay về phía Salwan và mở lời: “Cô này của tôi”. Salwan không phản đối. Hóa ra gã gầy gò là một thẩm phán ở Mosul, không ai muốn trái lời gã cả. Tôi theo gã tới bàn đăng ký… Khi đọc tên tôi và “chủ nhân” của tôi (hóa ra không phải gã) để đăng ký: “Nadia, Hajji Salman”, giọng ẻo lả không mấy dễ chịu của gã run rẩy như thể đang sợ hãi, tôi trộm nghĩ lẽ nào mình vừa phạm một sai lầm lớn.
Nadia Murad cuối cùng cũng thoát khỏi tay IS. Cô trốn chạy khỏi Iraq vào đầu năm 2015 và tị nạn ở Đức. Sau đó, cô bắt đầu chiến dịch nâng cao nhận thức về nạn buôn người.
Nadia Murad về thăm làng Kocho của mình ở phía Bắc Iraq lần đầu tiên vào tháng 6-2017. Ảnh: REUTERS
Nỗi đau của ký ức
Tấn công thị trấn Sinjar (miền Bắc Iraq) và bắt các cô gái làm nô lệ tình dục không phải hành động tự phát của vài tên phiến quân dị hợm. Đó là cả một kế hoạch được tổ chức từng đường đi nước bước của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng: Làm sao để ập vào những ngôi nhà, làm gì để nâng hay hạ giá trị của một cô gái, chiến binh nào đáng được tặng thưởng sabaya (từ IS dùng chỉ các nô lệ tình dục) và ai phải trả tiền. Chúng thậm chí còn khoe khoang về các sabaya trên tạp chí tuyên truyền Dabiq nhằm nỗ lực lôi kéo các chiến binh mới gia nhập IS.
Tuy nhiên, IS không phải là những kẻ khủng bố đầu tiên sử dụng vũ khí này như chúng tưởng. Cưỡng hiếp đã được dùng làm vũ khí chiến tranh xuyên suốt chiều dài lịch sử.
Vào tháng 11-2015, một năm 3 tháng sau khi IS ập vào quê hương tôi ở Kocho, tôi rời Đức tới Thụy Sĩ để phát biểu tại một diễn đàn Liên Hiệp Quốc về các vấn đề dân tộc thiểu số. Đó là lần đầu tiên tôi kể câu chuyện của mình trước rất nhiều người. Tôi muốn nói về mọi thứ: Những đứa trẻ chết thảm khi trốn chạy IS nhưng gia đình vẫn mắc kẹt trên núi, hàng ngàn phụ nữ và trẻ em bị bắt giữ và những gì anh em tôi đã thấy ở cuộc thảm sát.
Tôi đã run rẩy khi đọc bài phát biểu của mình. Khi trấn tĩnh lại, tôi nói về những cô gái ở làng Kocho như tôi đã bị bắt đi làm nô lệ tình dục. Tôi đã nói với họ về quãng thời gian tôi bị hãm hiếp, đánh đập triền miên và cuối cùng đã trốn thoát như thế nào.
Kể câu chuyện của mình không bao giờ là dễ dàng. Mỗi lần kể là một lần hồi tưởng nỗi đau. Khi tôi kể về chốt kiểm soát – nơi tôi bị hãm hiếp hay những trận đòn bằng roi da của Hajji Salman, hay bầu trời đen đặc của Mosul khi tôi lần tìm lối thoát, tôi lại trở về chính khoảnh khắc sợ hãi cùng cực ấy. Những người Yazidi cũng đang phải vật lộn trong những ký ức rùng rợn như tôi.
“Cô gái cuối cùng”
Theo lời Murad, câu chuyện trần trụi này chính là vũ khí tốt nhất cô có để chống lại chủ nghĩa khủng bố. Nhà hoạt động 25 tuổi nhấn mạnh: “Tôi sẽ kể câu chuyện này tới khi tất cả những kẻ khủng bố phải đền tội trước tòa. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Các lãnh đạo thế giới và đặc biệt là các lãnh đạo tôn giáo đạo Hồi phải đứng lên và bảo vệ những nạn nhân bị cưỡng hiếp”.
Murad đặt tên cho cuốn tự truyện năm 2017 là “Cô gái cuối cùng” vì cô muốn chiến dịch vận động của mình bảo đảm cô là phụ nữ cuối cùng trên thế giới trải qua một bi kịch như vậy.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-10
Kỳ tới: Bác sĩ “phép mầu”
ĐỖ QUYÊN lược dịch
Theo nld.com.vn
'On Her Shoulders' - những thước phim chân thực về nạn bạo lực tình dục trong chiến tranh
Bộ phim tài liệu "On Her Shoulders" (tạm dịch: Trên đôi vai cô ấy) về Nadia Murad - một trong hai chủ nhân của giải Nobel Hòa bình 2018 - sẽ được công chiếu vào ngày 19/10 tới tại Mỹ.
Cô Nadia Murad được Ủy ban Nobel Na Uy trao giải Nobel Hòa bình 2018. Ảnh: AFP/TTXVN
Cô Nadia Murad, 25 tuổi, là một nhà hoạt động nhân quyền người Yazidi - một cộng đồng sắc tộc tôn giáo người Kurd - đến từ tỉnh Sinjar, miền Bắc Iraq. Cùng bác sĩ người Congo Denis Mukwege, cô đã vinh dự được Ủy ban Nobel Na Uy trao giải Nobel Hòa bình 2018, tôn vinh những nỗ lực không mệt mỏi nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu và chống lại bạo lực tình dục.
Trong "On Her Shoulders", Murad đã thuật lại những tội ác chống lại phụ nữ và nhân loại, trong đó cô là một trong những nạn nhân trực tiếp.
Tháng 8/2014, Murad là một trong hơn 5.000 người Yazidi bị tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng bắt cóc và buộc phải làm nô lệ tình dục khi lực lượng này chiếm các vùng lãnh thổ ở miền Bắc Iraq. Ba tháng sau, cô đã trốn thoát và chạy tới một trại tị nạn trước khi xin tị nạn tại Đức.
Cô đã chia sẻ câu chuyện của mình với truyền thông quốc tế, trở thành một tiếng nói đại diện cho những phụ nữ và trẻ em gái bị bắt cóc. Kể từ tháng 9/2016, cô là Đại sứ thiện chí tại Liên hợp quốc ủng hộ những nạn nhân sống sót trong các vụ buôn bán người.
Đạo diễn phim "On Her Shoulders" Alexandria Bombach hy vọng bộ phim với nội dung chân thực đầy đau đớn này có thể phần nào giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế đối với nạn bạo lực tình dục trong chiến tranh, tạo tiền đề để tìm kiếm và xét xử thích đáng những kẻ gây ra tội ác này. Bộ phim đã mang về cho Bombach giải Đạo diễn phim tài liệu xuất sắc nhất của Mỹ tại Liên hoan phim Sundance 2018.
Thanh Phương
Theo TTXVN
Cuộc sống địa ngục của nô lệ trẻ em dưới bàn tay IS Rơi vào tay IS từ khi còn rất nhỏ, trẻ em Iraq và Syria trở thành tài sản trong tay các chiến binh, với nguy cơ bị lạm dụng như nô lệ tình dục hay bị đẩy vào cuộc chiến chết chóc. Cậu bé đoàn tụ bên gia đình sau 3 năm bị bắt làm nô lệ. Ảnh: CNN. Lazem lặng lẽ chơi...