Người Hồng Kông xuống đường biểu tình “mừng” lễ Giáng sinh
Người biểu tình Hồng Kông đã tổ chức lễ Noel năm nay bằng cuộc diễu hành tới trụ sở chính quyền thành phố, mang theo những chiếc ô vàng và các tấm biểu ngữ “Chúng tôi muốn bầu cử tự do đúng nghĩa”.
Người biểu tình Hồng Kông tổ chức diễu hành trên đường phố trong ngày Chúa Giáng sinh.
Vào ngày 24/12, khoảng 100 người biểu tình Hồng Kông đã xuống đường tổ chức lễ Giáng sinh theo cách riêng của họ. Đây là lần diễu hành với số lượng lớn đầu tiên kể từ khi các trại biểu tình của phong trào “Chiếm trung tâm” bị giải tỏa hồi trung tuần tháng này.
Những người biểu tình mang theo những chiếc ô vàng, biểu tượng của phong trào “Chiếm trung tâm” và những tấm biểu ngữ dài nhiều mét với khẩu hiệu “Chúng tôi muốn bầu cử tự do đúng nghĩa”.
Trang AFP cho biết, nhiều hoạt động khác đã diễn ra trong đêm 24/12 và ngày lễ Noel bao gồm cả một màn nhảy tập thể trên nền nhạc Giáng sinh với chủ đề kêu gọi biểu tình.
“Tôi chắc chắn rằng phong trào “Chiếm trung tâm” sẽ không bao giờ kết thúc trong trái tim tôi. Dù có bị chính quyền ngăn cản và đàn áp thì chỉ cần chúng tôi kiên định đến cùng, cuộc biểu tình này sẽ tiếp tục”, anh Cheung Wai-man (25 tuổi), người sáng lập một công ty thương mại điện tử, cho hay.
Video đang HOT
Công dân Hồng Kông này nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn chính quyền hiểu rằng nhân dân có quyền lực của họ”.
Trong ngày hôm qua, nghị sỹ Hội đồng lập pháp Lương Quốc Hùng, một trong số các thủ lĩnh của phong trào “Chiếm trung tâm”, tuyên bố trước đám đông tụ tập ở trụ sở chính quyền đặc khu rằng: “Chúng ta đã từ bỏ các khu vực chiếm giữ trước đây. Từ giờ trở đi, chúng ta cần tiếp tục tranh đấu đòi bầu cử tự do trên diện rộng với các biện pháp hòa bình”.
Phong trào biểu tình, được biết đến với cái tên “Phong trào dù” hay “Chiếm trung tâm”, nổ ra sau khi Bắc Kinh ra quy định bầu cử mới hồi tháng 9.
Cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo đã yêu cầu tổ chức bầu cử một cách tự do vào năm 2017, cho phép người dân đặc khu này tự lựa chọn ứng cử viên cho vị trí Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông.
Sau hơn hai tháng “Phong trào dù” chiếm giữ những tuyến phố chính ở Hồng Kông, ngày 11/12 vừa qua cảnh sát đặc khu đã hoàn tất công tác tỏa khu trại cuối cùng của những người biểu tình, nối lại giao thông tại quận trung tâm Admiralty.
Thoa Phạm
Theo Dantri/AFP
Crimea hỗn loạn sau khi bị Ukraine đột ngột cắt điện
Bán đảo Crimea, vùng đất đã được sáp nhập vào Nga từ tháng 3 năm nay, đã rơi vào cảnh hỗn loạn trong ngày 24/12 sau khi bị Kiev cắt toàn bộ hệ thống điện mà không báo trước.
Bán đảo Crimea đã bị Kiev cắt điện vào đúng lễ Noel (Ảnh minh họa)
Tình trạng hỗn loạn xảy ra vào đúng dịp lễ Giáng sinh 24/12 khi toàn bộ bán đảo Crimea bị cắt điện trong khoảng 3 giờ đồng hồ, từ 11h00 - 14h00. Mất điện đột ngột khiến giao thông tắc nghẽn, nhiều bệnh viện hoạt động cầm chừng, các ga tàu điện, cửa hàng kinh doanh và sân bay phải đóng cửa.
Hệ thống đèn đường bất chợt vụt tắt cũng khiến giao thông rối tung ở thành phố chính Simferopol. Thậm chí, một số người còn bị "giam" trong thang máy nhiều giờ.
Theo người đứng đầu ngành năng lượng của Crimea Sergei Yegorov, nguyên nhân mất điện do bị ngắt nguồn cung cấp từ Ukraine. Hiện 80% lượng điện tiêu thụ ở bán đảo này do Ukraine cung cấp.
"Vì việc mất điện xảy ra đột ngột, không được cảnh báo trước nên các cơ quan chức năng không kịp vận hành các trạm điện chạy bằng xăng", ông Sergei Yegorov cho hay.
Chính quyền Crimea xác nhận lượng điện tiêu thụ của bán đảo này đã vượt quá giới hạn thỏa thuận trước đó với chính quyền Kiev. Bản thân Ukraine cũng đang phải áp dụng cơ chế phân phối điện một cách chặt chẽ cho các địa phương sau khi bị Nga cắt nguồn cung cấp than và ngắt van cung cấp khí đốt.
Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk cũng thừa nhận thị trường năng lượng của nước này rơi vào khủng hoảng từ 3 tháng nay và phải chấp nhận việc cắt điện luân phiên.
"Nếu Ukraine không có điện thì những vùng lãnh thổ hiện do Nga tạm thời kiểm soát cũng sẽ không có điện", Thủ tướng Yatsenyuk phát biểu trong phiên họp nội các diễn ra cùng ngày ở Kiev.
Bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 3 năm nay, động thái này bị cả Kiev và phương Tây bác bỏ. Hiện bán đảo này chỉ được kết nối với Nga thông qua các chuyến phà, còn điện, nước, khí gas và hầu hết lương thực, thực phẩm vẫn do Ukraine cung ứng.
Vũ Anh
Theo Dantri/AFP
Lời chúc Giáng sinh gửi từ vũ trụ Hai phi hành gia của NASA đang làm việc trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) đã quay một đoạn phim ngắn để chúc mọi người trên trái đất một lễ Giáng sinh vui vẻ. Chỉ huy Barry Wilmore (trái) và kỹ sư máy Terry Virts (phải) đang gửi lời chào Giáng sinh đến trái đất từ một trạm vũ trụ quốc tế....