Người Hàn mưu sinh giữa đất Triều Tiên
Đã bốn năm qua, cứ mỗi sáng thứ hai, Seijin Roh, một thợ may người Hàn, lại thức dậy vào lúc 4h sáng, tắm rửa và mặc đồ rồi đi xe sang Triều Tiên. Nếu Triều Tiên tấn công Hàn Quốc, bà Roh có thể ngay lập tức bị bắt làm con tin.
Các xe tải đến từ khu công nghiệp Kaesong của Triều Tiên đi qua điểm quá cảnh ở Paju, gần Khu Phi quân sự (DMZ) chia đôi liên Triều hôm 1/4. Ảnh: AFP
Suốt cả tuần làm việc, người công nhân 55 tuổi sống trong ký túc xá của một nhà máy và một cuộc điện thoại công cộng về đêm là liên lạc duy nhất của bà với gia đình.
Tuần trước, Bình Nhưỡng tuyên bố “đang ở trong tình trạng chiến tranh với Hàn Quốc” và cảnh báo bất cứ hành động quân sự khiêu khích nào gần biên giới trên bộ hoặc trên biển của hai miền Triều Tiên đều có thể dẫn đến “một cuộc xung đột toàn diện và một cuộc chiến tranh hạt nhân”.
Tuy nhiên, sáng thứ hai hôm qua, bà vẫn đi làm như bình thường, cùng vài trăm người khác, một dấu hiệu đảm bảo rằng chiến tranh vẫn chưa xảy đến với bán đảo Triều Tiên.
“Sự thật khác xa so với những gì các bạn nhìn thấy trên báo chí, truyền thông”, bà nói khi đang đợi giấy phép nhập cảnh tại Văn phòng Quá cảnh Triều Tiên. “Khi tôi đi làm, tôi chẳng cảm thấy chút căng thẳng nào. Những người Triều Tiên làm việc với tôi đôi khi còn bật cười về chuyện đó”, bà kể.
Không phải tất cả những người làm việc cùng bà Roh đều giữ được sự vững tâm bất chấp những lời đe dọa liên tục được đưa ra từ chính quyền của ông Kim Jong-un. Trong hơn 800 người đăng ký nhập cảnh Kaesong vào sáng qua, chỉ 352 người tỏ ra căng thẳng, dù không rõ liệu họ sợ Triều Tiên xâm lăng hay sợ hàng chục phóng viên truyền hình đang chờ xin giấy phép để phỏng vấn họ.
Thực tế, các nhà phân tích tin rằng mấu chốt thực sự của quan hệ giữa hai nước là liệu khu công nghiệp Kaesong, nơi bà Roh đang làm việc, có tiếp tục mở cửa hay không.
Được thành lập vào năm 2005, khu công nghiệp này cho phép 123 công ty Hàn Quốc kiếm lời từ đội ngũ 53.000 nhân công Triều Tiên giá rẻ và có tay nghề. Đổi lại, Triều Tiên thu về một lượng ngoại tệ cần thiết.
Video đang HOT
Là mối liên hệ duy nhất còn tồn tại giữa hai quốc gia, Kaesong chưa bao giờ phải đóng cửa, kể cả trong những cơn khủng hoảng tồi tệ nhất suốt những năm qua như vụ thử hạt nhân năm 2009 và vụ nã pháo lên đảo Yongpyeong năm 2010 của Triều Tiên.
Tuy nhiên, tuần trước, Bình Nhưỡng cảnh báo nếu Seoul còn tiếp tục bóng gió rằng Triều Tiên sắp không còn hy vọng vào nguồn ngoại tệ, nước này sẽ “đóng cửa khu tổ hợp này không thương xót”.
“Rất khó để phủ nhận khả năng bị bắt làm con tin”, Yongja Oh, bà chủ nhà máy 52 tuổi nói. Tuy nhiên, bà cho rằng khi không có binh sĩ Hàn Quốc nào được phép vào Kaesong, các công nhân bảo trì sẽ là những người lo lắng an toàn cho họ.
“Dù sao thì đến nay cũng chưa có gì bất thường xảy ra và tôi cũng chưa cảm thấy có sự thay đổi nào trong tâm trạng hay bầu không khí xung quanh. Nhưng đôi khi tôi cũng lo lắng về công việc đầu tư của mình”, bà nói.
Một binh sĩ Hàn Quốc (trái) đang kiểm tra các phương tiện sang Triều Tiên tại điểm quá cảnh ở Paju, biên giới liên Triều. Ảnh: AFP
Tên của bà Oh và những người khác trong bài đều đã được thay đổi, do tình báo Triều Tiên theo dõi rất sát tất cả mọi người có liên quan đến Kaesong. Những người khác thì tỏ ra còn lạc quan hơn.
“Gia đình tôi chẳng hề lo lắng lấy một chút về an toàn của tôi”, Minsu Kim, một nhân viên hậu cần 51 tuổi nói. “Miễn là chúng tôi không khiêu khích Triều Tiên, chúng tôi sẽ ổn. Và dù sao, họ cũng không dám tấn công chúng tôi đâu. Họ biết nếu họ đánh chúng tôi một cái, chúng tôi sẽ đáp trả lại họ gấp hai”.
Để đến Kaesong, người Hàn Quốc đầu tiên phải xếp hàng để đi qua cầu Thống nhất bắc trên sông Imjin, được bảo vệ với các barrie chặn xe màu vàng và đen, cùng những lính gác có súng. Sang bên kia cầu, họ bước vào một vùng đất không người sinh sống giữa hai quốc gia.
Tại văn phòng quá cảnh, các công nhân nhận chìa khóa và cất những tài sản có giá trị vào các ngăn tủ. Một bảng hiệu nhắc nhở họ rằng, tất cả các thiết bị nghe nhạc, điện thoại di động, bộ sạc pin, báo, tạp chí, bản đồ, máy tính, thẻ nhớ, camera, dược phẩm và pháo hoa đều bị cấm.
Vào 7h sáng, văn phòng mở cửa để cấp phép nhập cảnh và các công nhân lên các xe buýt chuyên dụng để đến Kaesong. Nhiều năm nay, người ngoài không được phép vào khu công nghiệp này, nhưng theo mô tả, đây giống như một vùng ngoại ô sạch sẽ của Seoul, với các căng-tin, quán cà phê dành cho công nhân và rất ít xe cộ.
Không có ai trong số những người đi đến đây sáng qua sẵn sàng cân nhắc đến kịch bản xấu nhất. “Tôi không muốn nghĩ về nó. Không có gì tồi tệ xảy ra hết”, một công nhân nói.
“Tại thời điểm xấu nhất, khu công nghiệp sẽ đơn giản là đóng cửa và chúng tôi trở về nhà”, một người khác nói. “Thậm chí nếu họ có bắt giữ chúng tôi một thời gian đi nữa thì cũng không thể gọi đó thực sự là bắt cóc con tin được”.
Theo VNE
Mỹ lên án Triều Tiên, vỗ về Hàn Quốc
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cam kết ủng hộ vững chắc cho đồng minh Hàn Quốc, sau khi Triều Tiên tuyên bố chính thức cắt đường dây nóng quân sự với Seoul hôm qua.
Lính Hàn Quốc dựng rào chắn trên con đường nối sang khu tổ hợp công nghiệp Kaesong của Triều Tiên tháng trước. Ảnh: AFP
Trong cuộc gọi điện với người đồng cấp Hàn Quốc Kim Kwan-Jin hôm qua, ông Hagel "tái khẳng định sức mạnh của liên minh hai nước, đã và sẽ tiếp tục là công cụ duy trì sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên", AFP dẫn lời phát ngôn viên Lầu Năm góc George Little cho biết trong một thông cáo.
Ông Hagel cũng khẳng định "cam kết vững chắc của Mỹ trong liên minh với Hàn Quốc, nhất là vào thời điểm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang leo thang.
Washington và Seoul vừa ký kết một thỏa thuận quân sự mới vào tuần trước, nhằm thúc đẩy một cách thức đối phó chung trước bất kỳ hành động gây chiến nào từ Bình Nhưỡng. Khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ đang đóng quân ở Hàn Quốc nhằm ứng phó với mối đe dọa từ Triều Tiên.
Trước đó, ông Little chỉ trích việc Triều Tiên cắt đường dây nóng quân sự với Hàn Quốc là "một bước đi khiêu khích và không có tính xây dựng". "Hành động khiêu khích và lời lẽ hiếu chiến của họ chẳng giúp ích gì cho tình hình", ông nói.
Quyền phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell cho hay Washington đã duy trì liên lạc chặt chẽ với các đồng minh trong khu vực khi tình hình diễn biến phức tạp.
Một kênh liên lạc, cho phép kết nối Triều Tiên và Mỹ dù hai bên không có quan hệ ngoại giao với nhau, vẫn được mở.
"Chúng tôi vẫn chuẩn bị để xây dựng kết nối với Triều Tiên, nhưng Bình Nhưỡng cần phải giữ đúng các cam kết, thực thi nghĩa vụ quốc tế của họ, giải quyết hòa bình với các láng giềng và kiềm chế hành động khiêu khích này", Ventrell nói.
Việc cắt đường dây nóng được một quan chức cấp cao của quân đội Triều Tiên báo cho người đồng cấp Hàn Quốc biết, trước khi hình thức liên lạc này bị hủy.
"Trong tình trạng chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, việc giữ liên lạc quân sự Triều Tiên - Hàn Quốc là không cần thiết", KCNA dẫn lời quan chức nói trên. "Kể từ lúc này, các liên lạc quân sự giữa hai miền sẽ bị cắt".
Quyết định hủy bỏ đường dây liên lạc cuối cùng với Seoul cũng được đưa ra vào thời điểm các lãnh đạo cấp cao của Triều Tiên sắp nhóm họp vào những ngày tới, nhằm thảo luận về "một vấn đề quan trọng" và tạo ra "một bước ngoặt mạnh mẽ".
Đường dây nóng quân sự liên Triều bị cắt là sự kiện mới nhất trong chuỗi những hành động cũng như đe dọa của Bình Nhưỡng khiến bán đảo Triều Tiên nóng lên kể từ sau vụ phóng tên lửa tầm xa tháng 12/2012 và vụ thử hạt nhân tháng trước. Cả hai sự kiện này đều dẫn tới những lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên, khiến Bình Nhưỡng sau đó tuyên bố có thể tiến hành cuộc tấn công tổng lực với sự yểm trợ của vũ khí hạt nhân.
Theo VNE
Hàn Quốc tập trận bắn đạn thật gần Triều Tiên Quân đội Hàn Quốc hôm nay tổ chức tập trận bắn đạn thật gần biên giới tranh chấp với Triều Tiên trên biển Hoàng Hải, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bên lại bùng phát. Quân đội Hàn Quốc tập trận trên đảo Yeonpyeong tháng trước. Ảnh: AFP AFP cho biết cuộc tập trận được tổ chức trên hai đảo Baengnyeong và...