Người Hàn đưa cô dâu Việt về thăm quê
Trở về dịp này (từ 8 đến 16-9) có 124 người của 35 gia đình cô dâu Việt. Chương trình thuộc dự án Phụ nữ di trú về thăm quê hương do Quỹ phụ nữ Hàn Quốc thực hiện.
Gia đình Cha Ji Hoon và Nguyễn Thị Liên lần đầu đưa con về thăm quê ngoại.
Do cuộc sống còn nhiều khó khăn, có không ít cô dâu Việt tại xứ Hàn sau 4-5 năm mới có dịp trở về quê hương.
Cuộc hội ngộ đong đầy cảm xúc. Ánh mắt rạng rỡ, Nguyễn Thị Liên (quê ở Quảng Ninh) lần đầu về thăm nhà sau 4 năm. Liên đi cùng chồng, anh Cha Ji Hoon, 2 cậu con trai và các dì bên nhà chồng. Hai cậu con trai tíu tít đùa giỡn.
Cô cho biết đang sống những tháng ngày hạnh phúc, đã xin được việc làm tại một nhà máy sản xuất vòi nước ở thành phố Icheon, nơi gia đình cô sinh sống. “Chồng lái xe, kinh tế gia đình không khá giả, nhưng tôi may mắn được chồng chia sẻ mọi việc”, Liên nói.
Liên lấy chồng qua trung tâm môi giới, sống cùng bố mẹ chồng khi tiếng Hàn lõm bõm, công việc bếp núc chưa thành thạo, văn hoá nhiều khác biệt.
“Biết phận làm dâu xa xứ, tôi chịu khó học hỏi, đăng ký học tiếng Hàn, học nấu ăn. Mẹ chồng, nàng dâu đôi khi bất đồng quan điểm là chuyện thường. Mình phải biết lắng nghe, học và biết xin lỗi. Đó cũng là bí quyết giữ hòa khí trong gia đình của tôi”.
Lấy chồng khi 19 tuổi, lại có bầu song thai, Liên một mình vượt cạn nơi đất khách quê người. Nước mắt tự nhiên chảy dàn, bởi tủi thân, khi bước ngoặt quan trọng nhất trong đời không có mẹ bên cạnh. Nhưng cô được sự quan tâm chăm sóc của gia đình nhà chồng.
Anh Cha Ji Hoon cho biết, khi xác định lấy vợ Việt Nam, anh biết mẹ mình là giáo viên tốt nhất cho vợ và yên tâm vì sự quan tâm của mẹ.
Video đang HOT
Gặp lại, Liên thấy vui vì gia đình nhà chồng hoà nhập nhanh với gia đình mình. “Nhà mình nghèo, nhưng đón tiếp họ chân tình, nên cả hai bên đều rất vui vẻ, quý mến nhau”.
Liên kể về những ngày ở quê, và nói: Qua đài truyền hình Hàn Quốc và các kênh thông tin khác, thấy nhiều cô dâu Việt bị bạo hành, tôi rất buồn lo. Để xây dựng gia đình hạnh phúc, bạn phải biết lắng nghe và không ngừng học. Học tiếng để có việc làm, dạy con và tìm mọi cách để chia sẻ suy nghĩ của mình với gia đình.
Thoáng buồn và quấn quýt bên mẹ suốt cuộc gặp gỡ, Nguyễn Liên (26 tuổi, Thủy Nguyên – Hải Phòng) cho biết, 5 năm xa quê, không biết có khi nào trở lại.
Cô lấy chồng ở Chung In Kwon, chồng làm nghề lái xe cẩu hơn cô 20 tuổi. Liên đã có một con trai gần 2 tuổi và đang mang bầu đứa thứ hai. Trước đó cô từng có thời gian làm phiên dịch cho người Việt ở Hàn Quốc.
Mẹ Liên, bà Nguyễn Thị Ấm thi thoảng nhìn con, mắt đỏ hoe. Bà cho biết, lúc mới sang, con điện về nói hai tháng đầu không ăn không ngủ được vì không quen món ăn Hàn, lại chưa nói được tiếng Hàn.
Thương con, đêm nào bà Ấm cũng thao thức. Dịp Liên sinh nở, gia đình chồng Liên đưa bà sang, chứng kiến cuộc sống của con, bà yên tâm phần nào. “Các cháu chưa có dự định trở lại lần nữa, có thể 10 năm sau hoặc lâu hơn thế”, bà nói giọng buồn.
Tính riêng tiền vé máy bay đi về khoảng 1 triệu won, bằng hai tháng chi phí sinh hoạt ăn uống của gia đình ở Hàn nên việc sắp xếp để thường xuyên về thăm quê ngoại là điều không thể.
Chị Nguyễn Thị Thanh Bình nhớ lời mẹ chồng tâm sự có điều gì khó khăn hãy chia sẻ và mọi người sẽ cùng gánh vác, nên luôn sống chân tình và cởi mở trong ứng xử với mọi người trong gia đình. Cùng về nước thăm quê ngoại lần này càng ý nghĩa, hạnh phúc hơn khi có thêm hai đứa con xinh xắn.
Hạnh phúc và ấm lòng, đó là cảm xúc của những người làm cha làm mẹ có con làm dâu xứ người. Cô Đinh Thị Ky (Hải Phòng) cười tươi khoe: “Đây là cháu ngoại đấy”. Lần đầu gặp nhau, nhưng đứa cháu nhanh bén hơi quấn lấy bà ngoại càng khiến cô Ky hạnh phúc.
Cô Ky vẫn không quên, hồi con gái mới sang Hàn Quốc, mỗi lần điện thoại, cô lại dặn con gái: Phải sống biết điều và chịu thương chịu khó.
Bà Cho Hyong, Chủ tịch Quỹ phụ nữ Hàn Quốc cho biết bắt đầu từ năm 2007, Quỹ phụ nữ Hàn Quốc đã thực hiện dự án Phụ nữ di trú về thăm quê hương. Theo thống kê, chương trình đã giúp cho 158 gia đình (gồm 569 người) của phụ nữ di trú các nước Việt Nam, Philippines, Mông Cổ, Thái Lan về thăm quê hương.
Theo bà Cho Hyong, biết nhiều cô dâu Việt bị bạo hành, Quỹ phụ nữ Hàn Quốc đã tìm cách tiếp cận và lập ra trung tâm hỗ trợ người bạo hành để bảo vệ đồng thời có dự án hỗ trợ tiền viện phí, giúp đỡ cả gia đình phụ nữ di trú nếu phải điều trị bệnh, có dự án hướng dẫn học tập cho con em gia đình đa văn hóa.
Quỹ phụ nữ Hàn Quốc đã có nhiều chương trình tìm kiếm, tạo việc làm cho phụ nữ di trú như mở nhà hàng đa văn hóa, mở xưởng làm đồ mỹ nghệ, thủ công, làm túi xách handmade…
Theo TPO
Bi hài chuyện... "phường lấy chồng ngoại"
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh hiện có gần 300 phụ nữ "xuất ngoại" lấy chồng - chiếm tỷ lệ cao nhất tỉnh. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng rất nhanh với tần suất trên 40 trường hợp/năm (chủ yếu lấy chồng Hàn Quốc).
Điều hết sức ngạc nhiên là từ một vài vụ kết hôn đơn lẻ mấy năm trước, nay chuyện "lấy chồng Hàn" tại đây đang trở thành "chuyện thường ngày" và thậm chí còn phát triển như một thứ "phong trào" khó cản nổi.
Qua số liệu phân tích của Phòng LĐ-TB&XH thị xã Quảng Yên, 3/4 số cô dâu lấy chồng Hàn của phường Nam Hòa đều rơi vào những gia đình đông con, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu việc làm, trình độ văn hóa thấp, có trường hợp chưa biết chữ, tan vỡ, éo le trong hôn nhân. Song, đáng lo ngại nhất vẫn là việc nhiều gia đình đã quyết định gả con gái lấy chồng Hàn Quốc với khát vọng đổi đời, mong con mình có cuộc sống vương giả. Chính vì thế, hầu hết các phi vụ kết hôn giữa phụ nữ với người nước ngoài ở đây không hề dựa trên nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ mà chỉ xuất phát từ mục đích kinh tế.
Bác Lê Thị Dụt, ở khu 2, phường Nam Hòa cho biết: "Xóm tôi có khá nhiều hộ cho con lấy chồng Hàn Quốc theo hình thức mai mối từ người thân. Người đi trước giới thiệu cho người đi sau. Nhiều thanh nữ cứ học xong trung học là ở nhà chờ cơ hội lấy chồng nước ngoài. Cứ tình trạng này vài năm nữa thanh niên ở đây "ế" vợ hết...".
Cũng theo một số người dân phường Nam Hòa, mặc dù bị pháp luật nghiêm cấm, việc "tuyển chọn" cô dâu vẫn lén lút diễn ra một cách biến tướng tại các nhà nghỉ, khách sạn trong khu vực. Không ồn ào, vài ba người đàn ông nước ngoài với vài ba phụ nữ cũng thuê phòng "sống thử" với nhau ít ngày như những cặp tình nhân.
Quá trình đi đến kết hôn thường diễn ra nhanh chóng, vội vàng, đơn giản, hoàn toàn phụ thuộc vào cái gật đầu của người đàn ông nọ. Thậm chí, có nhiều cô dâu qua bên xứ Hàn mới biết vị hôn thê của mình thật sự là ai? Điều kiện ra đình của họ như thế nào?... Thế nhưng, họ vẫn chấp nhận mạo hiểm, đặt cược hạnh phúc cuộc đời mình vào canh bạc rủi may.
"Ở đây, con gái đi lấy chồng nước ngoài nhiều lắm. Người ta cứ nghĩ lấy chồng Hàn có nhiều tiền" - chị Vũ Hiền, trú tại phường Nam Hòa tâm sự. Một số cô dâu buộc phải bỏ về cho biết thêm: Do sự bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán... không ít trường hợp đã rơi vào hoàn cảnh vô cùng bi đát, sống bất hạnh, không hạnh phúc vì lấy phải những anh chồng vũ phu, già yếu, tàn tật, dị dạng...
Một số cô dâu Việt tại Hàn Quốc (ảnh minh họa)
Anh Vũ Duy Phong, cán bộ phụ trách về LĐ-TB&XH của phường Nam Hòa còn cho hay, phường hiện có 10 trường hợp lấy chồng ngoại đã phải về quê nhưng chưa hoàn thành thủ tục về pháp luật, chưa có giấy ly hôn. Xuất thân từ các hộ gia đình nghèo, nay trở về với hai bàn tay trắng cùng những đứa trẻ lai, họ còn là gánh nặng cho người thân. Đã nghèo lại càng nghèo. Cuộc sống của những gia đình trên càng lâm vào khó khăn và bi đát hơn.
Trong số những trường hợp bi kịch nhất phải kể đến gia đình anh Cao Văn Huệ, cùng ở khu 2 thuộc phường có con gái là Cao Thị Hiền. Lấy chồng Hàn chỉ mới được 10 ngày, do không chịu nổi, cô dâu này phải quay về. Anh Huệ ngậm ngùi kể: "Năm đó, để lo chuyện trăm năm cho con, gia đình tôi phải chạy vạy vay mượn khắp nơi được 12 triệu đồng đưa cho bà mối làm thủ tục. Tiền mất đã đành nhưng giờ cháu còn trẻ, muốn đi bước nữa cũng rất khó vì giấy tờ ly hôn không có".
Gia đình bà Vũ Thị Tèo, ở khu 6 cũng có con gái lấy chồng bên Hàn. 3 năm sau, cô dâu này cũng đã phải trốn ra ngoài làm ăn bị bắt và trục xuất về nước. Tuy nhiên, người phụ nữ này còn may mắn hơn là được làm đầy đủ các thủ tục để xuất cảnh nên vẫn còn cơ hội lập gia đình mới.
Qua trực tiếp tìm hiểu, tại phường Nam Hòa các cô dâu khi trở về đều rơi vào hoàn cảnh, nợ nần chồng chất. Không chỉ mất tiền cho các bà "mối", họ còn bị mất hết giấy tờ tùy thân, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý hành chính về TTXH ở địa phương. Đáng buồn hơn, từ những thông tin ít ỏi được chuyển tải về cho cha mẹ, có tới con số trăm các nàng dâu bên đó buôcå phải chấp nhận cuộc sống đau khổ, bị đánh đập, chà đạp nhân phẩm nhưng vẫn cam chịu không dám về nước vì mặc cảm với gia đình, xóm làng.
Có thể thấy, tại phường Nam Hòa, những trường hợp lấy chồng Hàn có được chút tiền gửi về cho người thân chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đi dễ, về thật khó. Một phụ nữ mới về xin giấu tên còn nói thẳng, hạnh phúc từ những cuộc hôn nhân theo kiểu trên là ảo tưởng, mắc vào bẫy những "tú bà môi giới". Theo chị này, trên thực tế các chú rể Hàn đã phải sang đây tìm vợ đều là những trường hợp không bình thường về thể chất, sinh lý không thể tìm nổi được một hạnh phúc gia đình ở chính ngay nước họ.
Đáng tiếc, con xúc xắc trong cuộc chơi "lấy chồng ngoại" theo kiểu được ăn cả, ngã về không dường như vẫn chưa dừng ở phường Nam Hòa cũng như nhiều địa phương khác. Hệ lụy xấu tất yếu sẽ đến nếu từng gia đình, các bậc cha mẹ và chính ngay những người phụ nữ vẫn còn nuôi nhưng ảo tưởng, không biết lo và tự bảo vệ cho chính con em mình, cho chính mình
Theo Dantri
Chợ cô dâu Việt trên mạng Chỉ cần vào một vài trang mạng tìm kiếm, ngay lập tức hiện ra hàng chục trang web môi giới có hình các cô gái VN mặc áo dài, đội nón lá. Hoạt động môi giới hôn nhân xuyên quốc gia ngày càng tinh vi hơn. Trang điểm kỹ càng chuẩn bị chụp hình ở một công ty môi giới hôn nhân qua...