Người Hà Tĩnh phấn khởi nghe tin được “sở hữu” 2 ga đường sắt cao tốc
Trước thông tin về phương án tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam qua Hà Tĩnh có 2 nhà ga, người dân Hà Tĩnh đã hết sức phấn khởi, háo hức chờ đợi dự án sớm được triển khai, đặc biệt là những người dân ở các địa bàn được tư vấn đặt vị trí ga.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cùng một số lãnh đạo Hà Tĩnh đã chủ trì buổi làm việc nghe tư vấn báo cáo phương án tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam đoạn qua Hà Tĩnh.
Buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ GTVT với các lãnh đạo, đại diện sở, ban ngành ở Hà Tĩnh.
Theo thuyết trình của tư vấn, vị trí ga được lựa chọn là các trung tâm đô thị của tỉnh hoặc thành phố, các trung tâm vùng. Hà Tĩnh là địa phương được ưu tiên đặt 2 vị trí ga đó là tại xã Thạch Đài (huyện Thạch Hà) và xã Kỳ Hoa (thị xã Kỳ Anh), các tỉnh có đường sắt đi qua chỉ được đặt 1 ga. Từng vị trí ga được xem xét đảm bảo phù hợp với điều kiện hiện trạng, quy hoạch đô thị của địa phương.
Tại buổi làm việc, đại diện các sở ngành, địa phương ở Hà Tĩnh đánh giá cao vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của tuyến đường sắt cao tốc đối với sự phát triển KT-XH của cả nước và từng địa phương; đồng tình với đề xuất của tư vấn về hướng tuyến và vị trí ga; đồng thời, đề nghị tiếp tục cập nhật các quy hoạch, vùng dân cư, công trình, dự án cụ thể của các địa phương để có điều chỉnh phù hợp.
Trước những thông tin về phương án triển khai đường sắt cao tốc, hầu hết người dân ở Hà Tĩnh đặc biệt là ở thành phố Hà Tĩnh và thị xã Kỳ Anh hết sức phấn khởi. Theo họ, việc có tuyến đường sắt đi qua các vùng trung tâm là mong ước từ bao đời nay bởi tuyến đường sắt hiện tại chỉ chạy qua một số huyện miền núi, không có nhà ga ở trục đường chính nên việc đi lại, thông thương của người Hà Tĩnh rất khó khăn.
“Tôi ở trung tâm thành phố, thường xuyên đi lại công tác ở các tỉnh khác, nếu muốn đi tàu thì phải đi ngược các nhà ga ở các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ… Tuy nhiên, khoảng cách từ nhà tôi đến các ga tàu trên ngắn nhất cũng khoảng 50km, vậy nên rất bất tiện. Nếu có ga tàu gần thành phố sẽ thuận tiện rất nhiều, tôi hy vọng Nhà nước sẽ sớm triển khai dự án” – anh Nguyễn Ngọc Sáng (phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh) nói.
Nhiều người dân ở xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà (1 trong 2 địa phương được đơn vị tư vấn chọn làm ga của đường sắt cao tốc qua Hà Tĩnh) tỏ ra rất vui mừng cho biết, nếu dự án triển khai nhân dân ở đây sẽ tạo điều kiện hết sức trong việc giải phóng mặt bằng và thi công.
Video đang HOT
Người dân rất phấn khởi, háo hức chờ dự án sớm triển khai.
“Đây là chủ trương phát triển giao thông nhằm phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng, giúp người dân đi lại thuận tiện. Tôi rất mong dự án được triển khai sớm, người dân chúng tôi sẽ tạo điều kiện hết mức kể cả phải di dời nhà cửa” – ông Hồ Sỹ Tại (xã Thạch Đài) háo hức mong chờ dự án triển khai.
Còn theo ông Trương Quang Anh, Chủ tịch UBND xã Thạch Đài, nếu dự án triển khai và có ga trên địa bàn thì là một việc quá mừng, đó là điều kiện giúp cho địa phương phát triển về kinh tế, văn hóa góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp văn minh.
Chủ tịch UBND xã Thạch Đài
“Theo quan điểm của tôi, giao thông đi tới đâu là ở đó phát triển, đời sống của người dân ở nơi đó được nâng cao. Nếu được triển khai, với trách nhiệm của địa phương chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để dự án được hoàn thành tốt nhất” – ông Anh nói.
Dự kiến tiêu chuẩn kỹ thuật của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam tại địa bàn Hà Tĩnh:
Khổ đường tiêu chuẩn: 1435mm;
Vận tốc thiết kế tối đa 350 km/h, vận tốc khai thác 320 km/h;
Hướng tuyến: Sau khi vượt qua sông Lam, hướng tuyến đi thẳng sau đó rẽ trái cắt qua quốc lộ 8A, tránh khu đông dân cư thị xã Hồng Lĩnh. Hướng tuyến sau đó đi song song và bên phải quốc lộ 1A, cắt qua các đường tỉnh 06, 02, 03, đường tránh QL1A thành phố Hà Tĩnh và đi vào ven khu vực trung tâm thành phố Hà Tĩnh.
Từ ga Hà Tĩnh, hướng tuyến đi về phía Đông – Nam qua khu vực đồi thấp, đi song song và nằm bên phải quốc lộ 1A. Sau khi cắt qua sông Rác, hướng tuyến sẽ rẽ trái đi vào vùng đất nông nghiệp, vượt quốc lộ 1A và rẽ phải để đi vào khu vực quy hoạch dự án phát triển Vũng Áng và tiếp cận ga Vũng Áng (đặt tại xã Kỳ Hoa).
Từ ga Vũng Áng, hướng tuyến đi thẳng về phía Đông Nam, sẽ cắt qua Quốc lộ 1A và tuyến tránh quốc lộ 1A sau đó tuyến sẽ băng qua khu vực núi để vào hầm vượt Đèo Ngang sang địa phận tỉnh Quảng Bình.
Tiến Hiệp
Theo Danviet
Đường sắt tốc độ cao đi qua những địa phương nào ở Hà Tĩnh?
Bộ GTVT làm việc với tỉnh Hà Tĩnh để xin ý kiến về hướng tuyến, nhà ga dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh.
Toàn cảnh buổi làm việc
Sáng 31/7, đoàn công tác Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông dẫn đầu đã có buổi làm việc ở UBND tỉnh; các sở, ngành và các địa phương của tỉnh Hà Tĩnh để xin ý kiến về hướng tuyến, nhà ga dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh.
Trao đổi với đoàn làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Dự án tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được Liên danh tư vấn Việt Nam - Nhật Bản (VJC) lập báo cáo đầu tư dự án với tên gọi là đường sắt cao tốc Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh từ năm 2010. Báo cáo đầu tư dự án cũng đã được trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư nhưng chưa được chấp thuận.
Đến năm 2013, cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã hỗ trợ kỹ thuật để lập dự án đường sắt tốc độ cao cho các đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang.
Trước những nhu cầu cấp thiết về việc đầu tư dự án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu tiền khả thi hướng tuyến dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để Chính phủ trình Quốc hội vào năm 2019.
Tiếp nhận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ cuối năm 2017, Bộ GTVT đã lựa chọn tư vấn trong nước mà cụ thể là Liên danh Tư vấn TEDI - TRICC - TEDIS phối hợp với tư vấn hỗ trợ kỹ thuật nước ngoài nghiên cứu, làm cơ sở để Bộ GTVT làm việc với các bộ, ngành và các địa phương nơi dự án đi qua để hoàn thiện báo cáo dự án trước khi trình lên Chính phủ.
Theo nghiên cứu của VJC năm 2010, hướng tuyến đường sắt tốc độ cao đoạn qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh dài 102km, có điểm đầu tiếp giáp với địa phận tỉnh Nghệ An. Tuyến vượt sông Lam sang TX. Hồng Lĩnh, huyện Can Lộc, huyện Thạch Hà, đi vào trung tâm TP. Hà Tĩnh, về phía tây QL1 và tiếp cận ga Hà Tĩnh. Tuyến chạy cơ bản song song với QL1, cách khoảng 0,5 - 1km về phía Tây, qua huyện Cẩm Xuyên. Đến đầu TX. Kỳ Anh tuyến vượt qua QL1 và đi vào khu kinh tế Vũng Áng sau đó vượt đèo Ngang sang địa phận tỉnh Quảng Bình. Ga Hà Tĩnh đặt cách Trung tâm TP. Hà Tĩnh khoảng 1,1km về phía Tây thuộc địa phận phường Hà Huy Tập, TP. Hà Tĩnh. Ga Vũng Áng đặt tại khu vực phía Tây Bắc của khu kinh tế Vũng Áng thuộc địa phận xã Kỳ Hưng, TX. Kỳ Anh.
Đại diện Liên danh Tư vấn TEDI - TRICC - TEDIS trình bày lại những điều chỉnh mới nhất hướng tuyến, nhà ga đoạn qua Hà Tĩnh
Từ báo cáo dự án của VJC, JICA Nhật Bản trước đây và căn cứ theo quy hoạch của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ GTVT, Liên danh Tư vấn TEDI - TRICC - TEDIS đã có nhiều lần làm việc với UBND tỉnh; các sở, ngành và các địa phương tỉnh Hà Tĩnh để có những điều chỉnh hướng tuyến, nhà ga cho phù hợp nhất.
Tiếp thu những ý kiến của đại diện UBND tỉnh; các sở, ngành và các địa phương tỉnh Hà Tĩnh trong các cuộc làm việc trước đây, liên danh tư vấn đã có những điều chỉnh về hướng tuyến, nhà ga của dự án. Tại buổi làm việc hôm nay (31/7), đại diện Liên danh Tư vấn TEDI - TRICC - TEDIS đã trình bày những điều chỉnh mới nhất về hướng tuyến ở các đoạn qua TX. Hồng Lĩnh, TP. Hà Tĩnh, TX. Kỳ Anh... và 2 nhà ga Hà Tĩnh và ga Vũng Áng.
Sau khi lắng nghe những điều chỉnh mới nhất mà liên danh tư vấn đã trình bày, đại diện UBND tỉnh; các sở, ngành và địa phương Hà Tĩnh - nơi có dự án đi qua cơ bản nhất trí với những điều chỉnh mới. Các đại biểu của tỉnh Hà Tĩnh cũng mong muốn dự án sớm được thông qua và đưa vào đầu tư để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như tạo điều kiện để địa phương hoàn thiện hệ thống quy hoạch.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cảm ơn UBND tỉnh; các sở, ngành và các địa phương của tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp chặt chẽ với Bộ trong việc nghiên cứu hướng tuyến, nhà ga dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh.
"Bộ tiếp thu những ý kiến của UBND tỉnh; các sở, ngành và các địa phương của tỉnh Hà Tĩnh. Việc điều chỉnh hướng tuyến, nhà ga dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh sẽ được tiếp tục hoàn thiện trên cơ sở những đề xuất của các đại biểu và quy hoạch của UBND tỉnh Hà Tĩnh", Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
Sỹ Hòa
Theo baogiaothong
Thứ trưởng Bộ GTVT: Giữ nguyên BOT Cai Lậy, giảm phí là 'ưu việt' Thủ tướng giao Bộ Giao thông chọn một trong hai phương án "giữ nguyên trạm, giảm phí" hoặc "đặt thêm trạm ở tuyến tránh". Tại cuộc họp báo chiều 3.4, trả lời câu hỏi của VnExpress về việc Chính phủ đã chốt xử lý trạm BOT Cai Lậy theo phương án nào, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết,...