Người Hà Nội rầm rập rời Thủ đô năm ấy
Sau đợt bom đầu tiên mở màn cao điểm 12 ngày đêm đánh phá miền Bắc, khoảng 8h tối 18/12, loạt bom thứ hai đã nhằm vào xã Uy Nỗ (huyện Đông Anh, HN).
Mặc dù đã đoán trước, nhưng người dân Uy Nỗ vẫn không khỏi thảng thốt khi chứng kiến mức độ công phá của các loại vũ khí tối tân. Hàng ngàn người của xã này ngay lập tức phải rời nhà cửa ngay trong đêm.
Phụ nữ và trẻ em đi sơ tán vào những ngày cuối tháng 12/1972 – Ảnh: tư liệu của NXB Kim Đồng
Chuyến sơ tán trong đêm
Ngay trong đêm đó, trong khi máy bay Mỹ vẫn tiếp tục oanh tạc, người dân Uy Nỗ đã lũ lượt kéo nhau đi sơ tán. Ai có xe bò, xe đạp thì chất cả gia đình lên, ai không có thì chạy bộ băng đồng sang các địa bàn lân cận.
Bà Nguyễn Thị Chút (73 tuổi) ở thôn Đản Dị, xã Uy Nỗ (Đông Anh) nhớ lại: “Đêm ấy một tay tôi bế thằng Đào Văn Đức (người con nhỏ nhất) phía trước ngực, đầu cúi gập xuống để che bom đạn cho nó, tay còn lại dắt đứa con kế chạy bổ về hướng Tráng Việt (Mê Linh). Bốn đứa con còn lại tán loạn nhập theo dòng người chạy đạn. Bị lạc mất bốn đứa con, hỏi thăm tôi mới biết chúng chạy về xã Vĩnh Ngọc (Đông Anh) nhưng không thể đi đón được, đành nhắn người quen nhờ cho ăn uống, chăm sóc hộ”.
Từ tháng 6/1966, Nhà máy cơ khí Hà Nội đã di chuyển an toàn gần 1.500 tấn phương tiện, thiết bị đến 16 địa điểm, trại trẻ của nhà máy lên Hà Bắc; Nhà máy dệt 8/3 với hơn 7.000 công nhân đã phân tán ra nhiều địa điểm nhưng vẫn duy trì sản xuất liên tục. Các đơn vị sản xuất trọng điểm khác như Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Nhà máy gỗ Cầu Đuống, Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Xí nghiệp dược phẩm 1,2, Nhà máy in Tiến Bộ… Hàng chục nghìn công nhân viên chức cùng người thân được sơ tán ra khỏi nội thành.
Để duy trì sản xuất, Hà Nội cũng chuyển hướng công nghiệp sang thời chiến, với 17 xí nghiệp địa phương, gần 200 hợp tác xã thủ công và 128 tổ sản xuất được đưa ra khỏi thành phố. Mạng lưới thương nghiệp cũng được mở rộng ra ngoại thành và các tỉnh lân cận với gần 500 điểm bán hàng mới.
Nhưng điều bà Chút lo lắng nhất trong cái đêm “chạy giặc” đáng nhớ ấy là sự an nguy của chồng.
“Đêm ấy trời rét đậm nhưng người tôi ướt đẫm mồ hôi, vì vừa chạy vừa trông lên đầu thấy bom đạn đan nhau sáng rực một góc trời. Mà đâu chỉ một lần, cả đêm ấy có tới ba đợt máy bay ném bom quanh trụ sở ủy ban xã Uy Nỗ, nơi ông nhà tôi đang làm nhiệm vụ. Chừng được tin chồng bình an vô sự, tôi đã bật khóc cảm ơn trời” – bà Chút nhớ lại.
Chỉ riêng trong đêm 18/12 thôi, khoảng 4.000 dân trên địa bàn xã Uy Nỗ đã ra khỏi nhà. Cả trâu bò, lợn gà cũng được đưa đi hoặc cho xuống hầm trú ẩn.
“Đó là cuộc sơ tán vô tiền khoáng hậu. Uy Nỗ gần như trở thành xã trắng, chỉ còn lại trên dưới 100 người làm nhiệm vụ chiến đấu trong những căn hầm, giao thông hào. Nhờ vậy đã tránh được nguy cơ thiệt hại về người và của trong những đợt oanh kích tiếp sau đó” – ông Đào Văn Đạc (76 tuổi), nguyên phó chủ tịch kiêm trưởng Công an xã Uy Nỗ, hồi tưởng.
Video đang HOT
Nhà văn Tô Hoài, khi đó là cán bộ tổ dân phố, trực tiếp đốc thúc, tuyên truyền cho người dân đi sơ tán, nhớ lại: “Trong suốt gần chục năm Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, người Hà Nội có lẽ đã quen với bom đạn. Thế nhưng sau đêm 18-12 thì dù có quen với tiếng bom nổ đến bao nhiêu người Hà Nội cũng cảm thấy bất an. Vậy là ai nấy kéo nhau đi mà không phải vận động như trước nữa”.
Ông Nguyễn Văn Viễn (67 tuổi, ở phố Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm), một cư dân phố cổ chính cống, hồ hởi nhớ lại thời trai trẻ: “Phía bên kia Chợ Gạo là bến sông, bà con đi sơ tán nhiều lắm nhưng tôi thì không đi. Gồng gánh, tay xách nách mang hối hả vượt sông Hồng. Hồi ấy tôi được giao nhiệm vụ trực chiến. Nhưng nhiều người trong phố không có nhiệm vụ ở lại cũng chẳng đi sơ tán. Họ nói đâu đâu cũng có hầm, chết sao được. Những người nào đi rồi gửi chìa khóa nhà lại cho hàng xóm để trông hộ. Người ta cứ đi vài hôm lại về nhà để lấy thêm đồ đạc, gạo củi mắm muối. Nên dù là thành phố thời chiến nhưng không hề vắng bóng người. Nó vẫn là một thành phố sống với đủ mọi hoạt động ngày thường: sản xuất, sinh hoạt và các lực lượng tự vệ, tự quản, quân đội cùng phối hợp nhịp nhàng để bắn máy bay Mỹ”.
Sơ tán khỏi Hà Nội bằng tất cả phương tiện có được – Ảnh tư liệu
Đi để trở về
Để cuộc sơ tán được tiến hành nhanh chóng, Hà Nội đã huy động hàng trăm phương tiện, từ tàu điện, xe ca, xe tải, cả xe khách của các tỉnh lân cận về đậu sẵn ở các đầu phố đón người đi sơ tán không thu cước phí. Khắp nơi vang lên tiếng loa vận động, kêu gọi người dân tạm rời trung tâm Hà Nội để tránh thương vong.
“Xe ca đón ở đầu phố từ ngày 21/12 trở đi. Đây là những người đi theo tổ dân phố thôi chứ mọi nhà có quê thì về quê, hoặc đi theo cơ quan, chỉ còn những người nào không có cơ quan mới đi theo tổ dân phố. Ôtô lúc ấy thì ít, nhưng được huy động từ các tỉnh Hà Tây, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phú… đều là xe chở khách cả. Từng đoàn xe rầm rập rời thành phố, hối hả nhưng vẫn bình thản, trật tự. Họ biết đi rồi sẽ trở về, bởi tin rằng chúng ta sẽ thắng” – nhà văn Tô Hoài nhớ lại.
Hướng đi, địa bàn sơ tán đối với dân cư ở từng khu phố đã được chính quyền sắp xếp, liên hệ sẵn, mọi người chỉ việc bước lên xe là đi, không cần phải mang theo nhiều tài sản. “Cán bộ bảo là đi tạm thôi, sẽ có tiếp tế, tiếp viện, có thương nghiệp đi theo phục vụ nên ai cũng an tâm” – ông Trần Văn Tâm ở khu Trung Tự (Q.Đống Đa) kể.
“Sau gần một đêm hết xuống rồi lên khỏi hầm trú ẩn theo còi báo động, báo an, khoảng 5g sáng hôm sau (19/12), tôi cột túi gạo, dưa cà, mắm muối vào hai bên ghiđông chiếc
xe đạp Thống Nhất, đặt con trai đầu 11 tuổi lên yên phía trước, thằng con kế lên yên sau, rồi tới bà vợ ngồi lên sau cùng, kẹp thằng bé ở giữa, cứ thế theo đường 6 mải miết đạp về Lương Sơn (Hòa Bình), quê vợ. Dọc đường đi lúc nào mệt thì dừng lại, trải tấm cao su cho cả nhà nằm nghỉ, lấy cơm nắm ăn rồi đi tiếp. Mọi người đi sơ tán ai cũng làm thế mà” – ông Lê Minh Sơn, nhà ở phố Hàng Cót, P.Hàng Mã, Q.Hoàn Kiếm, kể.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường (Hà Nội) cũng là thành viên trong đoàn người đi sơ tán ngày ấy. Ông kể: “Đầu năm 1972 Hà Nội đã rục rịch đi sơ tán rồi vì ta biết trước thể nào địch cũng đánh Hà Nội. Trường đại học Mỏ – địa chất, nơi tôi công tác, cũng đã sơ tán khỏi Hà Nội từ trước nên đến tháng 12/1972 tôi mang xe đạp về Hà Nội đón mẹ sang Gia Lâm sơ tán. Khi đi hai mẹ con chỉ mang theo một số đồ dùng và vật dụng cần thiết, còn tài sản gần như để lại hết. Đi sơ tán cả tháng nhưng khi về thì tất cả mọi thứ vẫn còn nguyên xi, chả suy suyển gì”.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng tâm sự trong ký ức của ông tuyệt nhiên không có sự sợ hãi, không có hoảng loạn cho dù bom có nổ ngay trên đầu. Nhiều người dân mà ông có dịp trò chuyện ngay trên đường đi sơ tán cũng tỏ ra bình thản đến lạ.
Theo 24h
Thà mất chức mà dân no
Mở đầu hội thảo "Đồng chí Võ Văn Kiệt với cách mạng VN", ông Lê Thanh Hải, ủy viên BCT, Bí thư Thành ủy TP.HCM, nhắc 1 câu hỏi của chú Sáu Dân: "Một là để dân đói, các đồng chí giữ nguyên chức vụ. Hai là dân no, các đồng chí mất chức. Chọn cái nào?"...
Hội thảo tổ chức nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2012).
Thủ tướng Võ Văn Kiệt và công nhân trên công trường xây dựng trạm biến thế 500kv Pleiku ngày 3/11/1993 - Ảnh: Nguyễn công thành
Đã hơn bốn năm kể từ ngày cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra đi, nhưng ký ức về một vị lãnh đạo luôn đau đáu một chữ "dân" trong suy nghĩ, trong tình cảm, trong tư tưởng, trong quyết định vẫn luôn in đậm trong tâm trí những ai từng được làm việc với ông, được nghe ông nói và thấy những gì ông làm.
Sáng 17/11, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh của ông, Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Thành ủy TP.HCM và Tỉnh ủy Vĩnh Long đồng tổ chức buổi hội thảo khoa học "Đồng chí Võ Văn Kiệt với cách mạng VN". Một lần nữa, chữ "dân" được nhắc đi nhắc lại trong hơn 90 bản tham luận, như từng được nhắc hàng vạn, hàng triệu lần trong cuộc đời của ông Sáu Dân (bí danh của ông Võ Văn Kiệt).
Tất cả đều vì dân, cho dân
Ông Võ Văn Kiệt tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi, trải qua bao lửa đạn của hai cuộc kháng chiến nhưng tên tuổi, sự nghiệp của ông còn gắn liền với cuộc cách mạng trong thời bình, cuộc cách mạng mang tên đổi mới. Trong bản tham luận mở đầu hội thảo, ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM - nhắc lại những câu chuyện mà từng người dân ở TP.HCM đều rung động khi nghe kể về Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt của những năm 1976-1981. Ấy là khi ông trực tiếp đến gặp những người trí thức đang có ý định rời Tổ quốc, nghe những tâm sự, góp ý rút cạn lòng của họ và nói: "Anh em cố gắng ở lại, trong vòng ba năm nữa nếu tình hình không thay đổi, tôi sẽ đưa anh em ra sân bay". Ấy là trong một cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh Tây Nam bộ bàn về giá mua lúa, nếu theo giá chỉ đạo của Chính phủ thì không mua được để xuống giống kịp thời vụ, ông nói: "Một là để dân đói, các đồng chí giữ nguyên chức vụ. Hai là dân no, các đồng chí mất chức. Chọn cái nào?". Và tất cả đã thống nhất chọn cách thứ hai.
"Đảng gắn bó máu thịt với dân. Trên dòng sông cuộc sống, Đảng mà tách khỏi dân thì chẳng khác nào như cá bị ném lên bờ, chết là chắc"
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt .
Chỉ một nhiệm kỳ tại TP.HCM, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đã có hàng loạt chỉ đạo "xé rào" nhằm tháo gỡ bế tắc cho sản xuất và đời sống. "Nhiều người đã gọi đồng chí là "bí thư xé rào", sau này lại gọi là kiến trúc sư của đổi mới" ông Lê Thanh Hải nhắc đầy tự hào về người tiền nhiệm của mình.
Ở vai trò một người nghiên cứu, giáo sư Trần Thành - nguyên viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, Học viện chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh - phân tích cho đến khi giữ cương vị Thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt đã có hơn 50 năm trải nghiệm qua các lĩnh vực hoạt động, từ vận động chính trị, đấu tranh vũ trang, xây dựng và phát triển kinh tế... Ông đã lăn lộn trong dân, ăn cơm, mặc áo của dân, được dân cưu mang, che chở nên thấu hiểu nỗi cực khổ cùng tâm tư, khát vọng giản dị của họ: sau độc lập, tự do là miếng cơm, manh áo, ruộng cày. Sống trong dân, ông học nhiều ở trí tuệ của người dân. Họ không biết lý luận nhưng có cái nhìn rất sáng về cái đúng, cái sai, cái trúng, cái trật của cách mạng. Ông rút ra bài học: cái gì được dân đồng tình, ủng hộ là ta đúng, cái gì bị dân phản đối là ta sai. Một chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt là chính quyền được lòng dân, làm được cái mà người dân muốn. Ông hành xử theo cái minh triết ấy của người dân, trí tuệ của ông bắt nguồn từ trí tuệ của dân. Ông dám nói, dám làm bởi ông không có tham vọng cá nhân, tất cả đều vì dân, cho dân.
Vì thế ông Sáu Dân đã xông pha làm một trong những người tiên phong đi đầu cuộc đổi mới, cho đến tận ngày rời chức vụ khi đã 75 tuổi, vẫn chưa chịu nghỉ ngơi. Hào hứng với những cơ hội phát triển kinh tế nhưng ông không phút nào quên người nghèo, giáo sư Trần Thành nhắc lại một lời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng lưu ý với Đảng: "Đừng để người nghèo bị gạt ra bên lề của sự phát triển, phải có những chính sách cốt lõi để giải quyết căn cơ vấn đề dân nghèo".
Cùng chung ý kiến, tiến sĩ Phạm Văn Bính nhấn mạnh thêm bằng cách nhắc lại lời ông Sáu dân: "Đảng gắn bó máu thịt với Dân. Trên dòng sông cuộc sống, Đảng mà tách khỏi dân thì chẳng khác nào như cá bị ném lên bờ, chết là chắc".
Luôn nghĩ cho dân, vì dân, lấy suy nghĩ, ước nguyện của dân làm suy nghĩ và cách giải quyết công việc của mình, trong ông không hề cạn kiệt ý tưởng, suy tư, luôn đầy ắp mong muốn, hoài bão cho dân giàu, nước mạnh, mọi người đều sống ấm no, hạnh phúc. Làm thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt cũng suy nghĩ thống nhất với suy nghĩ của dân về việc dân, việc nước, việc ứng xử trước sau với người đang sống và người đã chết.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt với bà con dân tộc huyện Chư Pảh (Gia Lai) năm 1996 - Ảnh: TTXVN
Nước Việt Nam của mọi người Việt Nam
Đến từ quê hương ông Sáu Dân, ông Nguyễn Chiến Thắng - nguyên trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long - nhắc lại kỷ niệm những lần ông Sáu về thăm quê, ăn bữa cơm gia đình, hồn nhiên, xông xáo ở tuổi 80. Có lần nghe chuyện về một số cán bộ có thời gian cống hiến lâu năm nhưng bị nhiều nghịch cảnh, chưa được giải quyết chính sách, ông lập tức sắp xếp đến nhà thăm viếng, an ủi, lại yêu cầu cơ quan chức năng tìm hiểu, làm rõ.
Có người đặt câu hỏi tại sao ông lại đi thăm những gia đình có vấn đề, ông vui vẻ giải thích: làm cách mạng, có người may mắn, có người vô cùng khó khăn. Có người suốt mấy chục năm dũng cảm quật cường, không may bị bắt, tra tấn, tù đày, có những phút quá khắc nghiệt giữa cái sống, cái chết trong nháy mắt mà xiêu lòng. Có thể quá trình cách mạng chưa trọn vẹn nhưng không vì thế mà không giữ được tình đồng chí, tình người với nhau.
Ông Võ Văn Kiệt là như vậy, giáo sư Mạc Đường lặp lại câu nói nổi tiếng của ông: "Không ai chọn cửa mà sinh ra" tại công viên Tao Đàn từng tiếp thêm động lực cho bao thanh niên, học sinh, sinh viên TP.HCM thế hệ thứ tư để tiến đến tương lai bằng thực tâm, thực học, thực tài. "Đã có một thế hệ coi anh là thần tượng" - giáo sư Mạc Đường nhắc.
Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt từng viết: "Đất nước VN, giang sơn VN cùng mọi thành quả của nền văn hóa VN không phải của riêng ai, của một giai cấp hay đảng phái nào, mà là tài sản chung của mọi người VN, của cả dân tộc VN... Phải phát huy dân chủ cao độ, thực hành dân chủ thật sự, hòa hợp dân tộc rộng rãi. Mọi người VN không chỉ là chủ đất nước mà phải làm chủ thật sự, được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra và được thụ hưởng thành quả dân chủ".
Thần tượng của nhiều thế hệ
Ông Nguyễn Trọng Minh, khoa lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM, tham gia hội thảo với đề tài "Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với vấn đề sử dụng tri thức trong công cuộc đổi mới". Bản tham luận đầy ắp câu chuyện của Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt. Nghe nói có nhóm Thứ Sáu gồm các chuyên gia tự nhóm họp vào chiều thứ sáu hằng tuần, ông sắp xếp đến nghe, rồi lại mời ra tận Hà Nội để trình bày ý tưởng với Chính phủ...
Làm thủ tướng, ông càng lắng nghe nhiều hơn nữa những ý kiến của tổ chuyên gia tư vấn, những trí thức ở nước ngoài. Ông bảo: "Kinh nghiệm của nhà lãnh đạo là phải nghe rất kỹ ý kiến chuyên gia". PGS.TS Phan Xuân Biên kể: ông Sáu luôn tôn trọng, lắng nghe, dù ý kiến của giới trí thức không phải lúc nào cũng đồng thuận, thuận chiều. Ông nói "nghe xuôi, nghe ngược, có khi nghe xốn cả lỗ tai" nhưng vẫn khuyến khích, cổ vũ những ý kiến tâm huyết...
Dấu ấn Võ Văn Kiệt sâu đậm như vậy, nên không chỉ có "thế hệ thứ tư" như lời giáo sư Mạc Đường nói, mà có thể nhận rõ ngay trong buổi hội thảo này: đã có nhiều thế hệ coi ông là thần tượng. Những gì ông để lại đến hôm nay vẫn còn là những bài học sống động, giá trị và tối cần thiết để phải nhắc lại.
Theo Dantri
Bữa ăn bán trú thiếu chuẩn Nhu cầu học 2 buổi, bán trú ở trường ngày càng tăng ở các bậc học, tuy nhiên, các bếp ăn trường học chủ yếu vẫn đang hoạt động theo định tính thay vì định lượng của một bữa ăn dinh dưỡng đạt chuẩn. Nhiều trường tiểu học chưa có đội ngũ cô nuôi được đào tạo bài bản Khoảng cách lớn bữa...