‘Người giữ tiền’ của nước Mỹ
Bà là một trong những nhân vật chính trị có mặt khắp nơi ở nước Mỹ nhưng có lẽ nhiều người Mỹ chưa bao giờ nghe về bà.
Tên bà xuất hiện trong những giao dịch hằng ngày, từ mua bánh mì, cà phê đến thanh toán hóa đơn nhà hàng. Nhưng chỉ những ai chịu khó soi xét tờ đô la Mỹ mà họ đang cầm trên tay mới biết Rosa Gumataotao Rios là ai.
Theo dòng lịch sử
Tuần vừa qua, Cơ quan Khắc dấu và in ấn (BEP) thuộc Bộ Tài chính Mỹ, thường được dân Mỹ gọi nôm na là sở in tiền, theo thông lệ từ năm 2000 đã ra mắt bộ sưu tập tiền mừng tuổi cho năm mới sắp tới. BEP cùng với Sở Đúc tiền Mỹ (US Mint) là hai cơ quan trực thuộc sự giám sát của bà Rosa Rios. Với gần 4.000 nhân viên dưới trướng, bà còn là người tư vấn cho Bộ trưởng Tài chính Jack Lew về những vấn đề như phát triển cộng đồng và chính sách chống tiền giả. Kể từ tháng 8.2009 khi bà chính thức trở thành Treasurer thứ 43 của nước Mỹ theo sự chỉ định của Tổng thống Barack Obama, chữ ký của bà đã vinh dự được in trên những tờ đô la với tổng giá trị 700 tỉ USD, chiếm khoảng một nửa số tiền giấy đang được lưu hành. Đó là một vinh dự khi bà “sánh tên” cùng với Bộ trưởng Tài chính, trước là Timothy Geithner và sau là Jack Lew (từ năm 2013).
“Chữ ký của tôi hiện diện khắp thế giới. Đó là một cảm giác tự hào về công việc và về cá nhân đối với gia đình tôi”, người phụ nữ gốc Mexico 50 tuổi này cho biết. Và bà Rios hẳn nhiên hiểu rõ sức nặng lịch sử ở cương vị trên, khi người đầu tiên giữ chức này là Michael Hillegas nhận nhiệm sở năm 1775, một năm trước khi đất nước này có tên chính thức United States of American.
Và đây cũng là một vị trí quan trọng mà phụ nữ Mỹ để lại dấu ấn của họ. Từ năm 1949 khi Tổng thống Mỹ Harry S.Truman bổ nhiệm bà Georgia Neese Clark cho công việc này thì phụ nữ “đóng đô” luôn ở đây. Bà Rios là người phụ nữ thứ 15 với trọng trách in tiền cho nước Mỹ. Một con số thống kê thú vị nữa: bà là người Mỹ gốc Mexico thứ 2, là người phụ nữ thứ 2 liên tiếp xuất thân từ khu vực nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, và là người Mỹ Latin thứ 6 giữ chức vụ này. “Phải nói rằng quyết định của Tổng thống Truman rất dũng cảm và mang tính biểu tượng cao”, bà Rios cho biết.
Từ đó, các đời tổng thổng Mỹ đã chọn chữ ký của một phụ nữ xuất hiện cùng với chữ ký của người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ để in lên một trong những tờ tiền phổ biến nhất thế giới. Còn hiện nay, đích thân bà Rios cùng với các lãnh đạo cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ đang tìm kiếm một nhân vật nữ để in hình chân dung lên tờ tiền giấy 10 USD. Mọi ý kiến đều được cân nhắc trước khi Bộ trưởng Jack Lew công bố người được chọn vào cuối năm nay với một điều kiện: nhân vật đó đã qua đời. Tờ 10 USD này sẽ ra mắt vào năm 2020 đúng kỷ niệm 100 năm ngày phê chuẩn Đạo luật thứ 19 trao quyền bầu cử cho phụ nữ.
Đây không phải là tờ tiền giấy đầu tiên in chân dung một phụ nữ bởi Pocahontas và Martha Washington đã xuất hiện trên những tờ tiền giấy của những năm 1800. Và lịch sử tiền tệ Mỹ hiện đại đang đợi một cái tên mới. Đó có thể là nhà đấu tranh bãi bỏ chế độ nô lệ Harriet Tubman, nhà hoạt động nhân quyền Rosa Parks hay cựu đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt.
Video đang HOT
Dấu ấn cá nhân
Trong cuộc trò chuyện với tờ Fortune, bà Rios khi được hỏi muốn chọn ai, đã trả lời: “Tôi sẽ chọn mẹ mình nếu có thể, ngay lập tức”. Bởi đó là hình tượng mà bà đã đặt trong trái tim mình. Người mẹ nhập cư này đã một tay nuôi 9 đứa con (Rios là con thứ 6) sau khi ly dị chồng năm 1974. Để đỡ đần mẹ, Rios cùng các anh chị em phải làm thêm việc thu hoạch trái cây ở các nông trại thuộc phía bắc California. “Tất cả 9 đứa chúng tôi đều làm việc hăng say. Tôi rất, rất nhỏ. Tôi nhớ khi thức dậy buổi sáng trời còn tối lắm. Nhưng với con nít thì chuyện này rất vui. Thay vì chơi ném bóng tuyết, chúng tôi ném trái đào vào nhau trong lúc đùa giỡn”, bà nhớ lại.
Người mẹ ấy không bao giờ bị khuất phục trước nghèo khó và không để cho đứa con nào bị ngăn cản trên đường đến với giảng đường đại học. Với sự tiếp sức của mẹ và sự say mê tri thức của bản thân, bà Rios trở thành một trong số ít sinh viên gốc Mexico tại Đại học Harvard. Ngay từ năm đầu trường trung học, Rios nhận được công việc chính thức đầu tiên của cuộc đời tại Thư viện công cộng hạt Alameda ở Hayward.
Bà kể: “Như thể trúng xổ số, tôi được tiếp cận với tất cả những cuốn sách mà tôi từng muốn. Tôi đọc ngấu nghiến. Và tôi chắc rằng công việc đó đã đưa tôi đến Harvard”. Và nay, cậu con trai lớn của bà Rios tiếp bước mẹ tại Harvard, mang theo lời dặn của mẹ khi đến giảng đường: “Đừng tuân theo Harvard. Hãy để Harvard thích ứng với con!”.
Còn riêng bà Rios, cho đến nay vẫn không bao giờ quên “bộ quy tắc làm việc” mà mẹ bà dựng lên cho bà. “Tôi lớn lên cùng với ba chữ F của những gia đình người nhập cư: Family (gia đình), Food (thức ăn) và Faith (niềm tin)”, bà cho biết. Giữa một hội thảo quy tụ những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới do tạp chí Fortune tổ chức, bà đã không ngần ngại bày tỏ: “Hãy là người phá vỡ theo tinh thần xây dựng. Kết quả sẽ không chỉ là người ta nghe thấy tiếng nói của bạn mà còn lắng nghe tiếng nói ấy”.
Nguyệt Hàn
Theo Washington Post, FoxNews, Fortune
Nhân dân tệ: Đường còn dài để trở thành đồng tiền quốc tế
Sau hơn nửa thập niên bị trì hoãn, nhân dân tệ (CNY) vừa chính thức vượt qua các nghi ngại và phản đối để trở thành đồng tiền dự trữ. Bây giờ, một cuộc chiến mới thật sự bắt đầu trên con đường không bằng phẳng phía trước.
Trung tâm mua sắm Galaxy Soho ở Bắc Kinh - Ảnh: Bloomberg
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 30.11 tuyên bố thêm nhân dân tệ làm đồng tiền dự trữ quốc tế, xác nhận vị trí của CNY ngang hàng với đô la Mỹ, euro, bảng Anh và yen Nhật.
Theo Bloomberg, dù đã đáp ứng được tiêu chuẩn "tự do sử dụng" theo yêu cầu của IMF, các nhà hoạch định chính sách Đại lục vẫn còn một chặng đường dài để đồng bản tệ có thể "được tự do chuyển đổi". Đó là mục tiêu dài hạn của các nhà cải cách đang cố gắng chuyển đổi mô hình cho vay theo chỉ đạo của nhà nước - mô hình đang để lại đống nợ 28.000 tỉ USD treo lơ lửng trên một nền kinh tế được dự báo là sẽ tăng trưởng ở mức độ thấp nhất kể từ năm 1990.
Sau khi IMF đưa ra thông báo, Phó thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) Yi Gang cho biết: "Chúng tôi vẫn còn khoảng cách tương đối xa so với các thị trường phát triển. Gia nhập giỏ tiền Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) cũng đồng nghĩa với việc cộng đồng quốc tế kỳ vọng nhiều hơn vào Trung Quốc trong các vấn đề tài chính và kinh tế".
"Cuộc chiến" cải cách
Hệ thống tài chính là "chiến trường chính" giữa Thống đốc PBOC Chu Tiểu Xuyên, ông Yi Gang cùng các đồng sự của họ và phía các thành viên thuộc giới doanh nghiệp nhà nước - những người muốn giữ cấu trúc của nền kinh tế cũ. Dù lẽ ra hiện giờ, nội các Trung Quốc cần đồng lòng nhất trí, họ vẫn ít nhiều còn bất đồng.
Các lãnh đạo Đại lục đã đồng thuận trong Kế hoạch 5 năm về việc để nhân dân tệ được tự do chuyển đổi vào năm 2020. Các bước tiếp theo mà Trung Quốc phải đi là đầy rủi ro vì nền kinh tế thế giới đã chứng kiến nhiều ví dụ về việc này. Nhật Bản mất 40 năm để hoàn thành cải cách lớn trong tỷ giá hối đoái, lãi suất và khu vực tài chính để rồi sau đó chịu cảnh bong bóng tài sản bị bơm căng, vỡ tung và kéo theo sự sụp đổ của nền kinh tế trong hai thập niên qua.
"Kinh nghệm quốc tế cho thấy các cải cách tài chính làm tăng nguy cơ bất ổn tài chính. Cải cách phải được tiến hành thận trọng, theo đúng trình tự thì mới tốt cho nền kinh tế và tài chính Trung Quốc trong dài hạn", chuyên gia kinh tế châu Á Louis Kuijs tại Oxford Economics cho biết.
Vấn đề nhân dân tệ
Hồi tháng 8, việc Trung Quốc quyết định thả nổi tỷ giá nhân dân tệ đã gây ra một cú sốc. "Một thị trường vốn dễ tiếp cận với giới đầu tư ngoại là chìa khóa. Tỷ giá hối đoái linh hoạt giúp làm dịu các rủi ro trong quá trình mở tài khoản vốn và cũng nên là một phần trong quá trình cải cách", Cui Li, Phó giám đốc International Finance Forum Institute kiêm cựu chuyên gia kinh tế cấp cao của IMF nói.
Trong khi vài ngân hàng trung ương nước ngoài đã được chấp nhận để thâm nhập thị trường trái phiếu nội địa Trung Quốc, một số ngân hàng trung ương khác vẫn trúc trắc với các quy định hoặc bị loại hoàn toàn khỏi cuộc chơi. Giới đầu tư trong nước Trung Quốc vẫn chịu giới hạn khi đem tiền ra nước ngoài. Song hệ thống chặt chẽ như trên vẫn khiến hàng trăm tỉ USD chảy khỏi Đại lục trong thời gian qua.
Rủi ro đạo đức và thị trường trái phiếu
Trung Quốc hiện vẫn chưa trả lời được câu hỏi sẽ cứu trợ ai trong số những người đi vay nội địa, ít nhiều tạo nên các rủi ro tiềm ẩn đối với các đơn vị phát hành cổ phiếu, trái phiếu.
Trong thị trường chứng khoán vốn đã chứng kiện đợt bong bóng vỡ, thổi bay 5.000 tỉ USD tài sản đầu năm nay, giới đầu tư ngạc nhiên với các biện pháp tức thời của giới chức như bất ngờ cấm giao dịch một số loại cổ phiếu nhất định. Những vụ mất tích không rõ nguyên nhân của các giám đốc điều hành công ty lớn Đại lục cũng chỉ ra rằng thị trường Trung Quốc còn thiếu minh bạch.
Các thực tế trên sẽ làm giảm bớt con số hàng trăm tỉ USD mua nhân dân tệ đầy hào hứng mà các nhà phân tích đã đưa ra sau khi CNY được IMF công nhận làm đồng tiền dự trữ - quyết định sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 10 năm sau.
"Cuối cùng thì quyết định lượng nhân dân tệ nắm giữ của các nhà quản lý và đầu tư sẽ không phụ thuộc quá nhiều vào giỏ tiền SDR, mà phụ thuộc vào tính thanh khoản và ổn định của thị trường trái phiếu Trung Quốc", chuyên gia kinh tế Wang Tao thuộc ngân hàng UBS cho hay. Ngoài ra, công cụ bảo hiểm rủi ro cho tỷ giá hối đoái và lãi suất cùng sự ổn định của nền kinh tế tổng thể cũng là hai yếu tố quan trọng.
Chuyên gia Alexander Sullivan tại Center for a New American Security ở Washington (Mỹ) nhận định dù kết quả ngắn hạn có như thế nào đi nữa, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phải đi. "Trung Quốc hiện đang bắt đầu một câu chuyện sẽ ngày càng phức tạp hơn trong nhiều năm, nhiều thập niên tới", ông nói.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Ai chịu thiệt khi nhân dân tệ thành đồng tiền dự trữ? Việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công nhận nhân dân tệ (CNY) là đồng tiền dự trữ là cột mốc cho các nỗ lực quốc tế hóa bản tệ của Trung Quốc, song lại là dấu hiệu sụt giảm cho các đồng tiền mà CNY thay thế. Từ cuối năm sau, CNY sẽ chính thức góp 11% trong giỏ tiền SDR -...