Người giỏi ngoại ngữ ở VN không thiếu?
Dù hệ thống dạy ngoại ngữ của chúng ta còn quá nhiều bất cập nhưng công bằng mà nói người giỏi ngoại ngữ ở Việt Nam không thiếu.
Câu chuyện về tiêu chuẩn ngoại ngữ đối với cán bộ đang được dư luận quan tâm. Dù ban soạn thảo cho hay sẽ phải điều chỉnh các tiêu chí bất cập, nhưng quy định này đã thẳng thắn chạm vào một vấn đề nhức nhối mà bao lâu nay chúng ta ngại đề cập. Đó là mức độ thông thạo ngoại ngữ của cán bộ ta.
Bao giờ “cho đến ngày xưa”?
Trong lịch sử, do những bối cảnh đặc biệt, Việt Nam có thể vẫn còn thua kém ở lĩnh vực này, khác nhưng riêng về truyền thống học hành, trong đó có ngoại ngữ, thì chúng ta có thể tự hào.
Suốt mấy ngàn năm phong kiến, dù đại bộ phận người dân không biết chữ nhưng giới tinh hoa thì đều đọc thông viết thạo tiếng Hán. Thứ chữ tượng hình phức tạp đến thế mà bao nhiêu văn quan, võ tướng người Việt sử dụng thành thạo tới mức chẳng những có thể dùng để giao tiếp mà còn có thể làm thơ, thảo hịch như người bản xứ. Đối đáp, xướng họa như người bản xứ.
Thời Pháp thuộc, bên cạnh những quan chức dùng tiếng Hán, đã có rất nhiều vị khác dùng được tiếng Pháp, thậm chí cả hai thứ tiếng. Đọc lại các tác phẩm mô tả xã hội thời đó, có thể thấy phổ biến hình ảnh giới cầm quyền và giới trí thức trao đổi với người nước ngoài và trò chuyện với nhau bằng tiếng Pháp. Điều này làm không ít người trong chúng ta cảm thấy ngạc nhiên và ngưỡng mộ.
Thậm chí sau này, khi chính phủ kháng chiến được lập ra trong hoàn cảnh rất khó khăn, nhìn vào hàng ngũ các quan chức cấp cao chúng ta thấy Hồ Chủ tịch hầu như đều tin cậy trao trọng trách cho những bậc trí thức thông thạo ngoại ngữ. Ở thế hệ vàng ấy, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng đều có thể trao đổi với chính khách và phóng viên quốc tế bằng ngoại ngữ. Vậy mà sau mấy chục năm, giờ đây chúng ta vẫn đang phấn đấu “bao giờ cho đến ngày xưa”!
Hiện nay, khi điều kiện học ngoại ngữ tốt hơn rất nhiều trước đây thì suốt mấy mươi năm qua, trình độ ngoại ngữ của giới lãnh đạo, rồi cán bộ công chức các ngành, các cấp nước ta chưa được cải thiện là bao. Đành rằng có hoàn cảnh của chiến tranh, và có những bối cảnh lịch sử đặc thù, thế nhưng quãng thời gian “quá độ” đó tính đến nay đã hơn 20 năm, thế hệ cán bộ trẻ đã lên, tại sao trình độ ngoại ngữ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu?
Vấn đề còn là cơ chế tuyển dụng?
Nếu làm một cuộc khảo sát từ trung ương đến địa phương để xem bao nhiêu phần trăm cán bộ của chúng ta có thể sử dụng được ngoại ngữ trong nghiên cứu, điều hành, tổ chức công việc thì chắc chắn sẽ lộ rõ nhiều con số bất cập. Mặc dù, nếu khảo sát về bằng cấp, chứng chỉ ngoại ngữ thì… vẫn có đầy đủ?
Liệu vấn đề là do hệ thống dạy và học ngoại ngữ của chúng ta hiện nay quá yếu kém? Hay do những người có trình độ ngoại ngữ tốt lại không được tuyển dụng vào các cơ quan Nhà nước? Người viết cho rằng nguyên nhân thứ hai mới là chính yếu.
Video đang HOT
Bởi lẽ, thiết nghĩ dù hệ thống dạy ngoại ngữ của chúng ta còn quá nhiều bất cập nhưng công bằng mà nói người giỏi ngoại ngữ ở Việt Nam không thiếu. Nhưng với cơ chế tuyển dụng và bổ nhiệm nhân sự hiện nay của nước ta, đâu có dễ dàng để họ trở thành công chức Nhà nước, chứ chưa nói cán bộ lãnh đạo?
Cho nên, mới xảy ra thực tế là ở nhiều cơ quan đơn vị, người giỏi ngoại ngữ chỉ làm cấp dưới còn người đi ra ngoài mang bộ mặt đại diện lại không biết chút ngoại ngữ nào. Hay không ít doanh nghiệp cất công tuyển dụng các sinh viên giỏi ngoại ngữ về làm việc. Thế nhưng, khi doanh nghiệp tự khắc phục được hạn chế ngoại ngữ thì lại vướng phải các cán bộ Nhà nước do yếu kém ngoại ngữ nên gây phiền hà, sách nhiễu. Người giỏi lại phải lụy người kém hơn, đó là thực tế hết sức đáng lo ngại.
Tất nhiên người viết không tuyệt đối hóa khả năng ngoại ngữ, bởi lẽ dù quan trọng đến cỡ nào thì ngoại ngữ cũng chỉ là một công cụ để giao tiếp và phục vụ công việc chuyên môn. Có những vị sếp tuy không giỏi ngoại ngữ nhưng biết sử dụng hiệu quả cấp dưới giỏi ngoại ngữ để làm việc. Ngược lại, cũng có không ít người giỏi ngoại ngữ thuần túy nhưng không có kiến thức chuyên sâu, không có sự nhạy bén trong chuyên môn, không có kỹ năng lãnh đạo thì cũng không thể cất nhắc lên vị trí quản lý được.
Thế nhưng, trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, dù sao thông thạo ngoại ngữ vẫn là một lợi thế.
Ngoại ngữ sẽ mở cánh cửa với thế giới bên ngoài. Một nhà khoa học cần biết ngoại ngữ để tiếp cận và cập nhật tài liệu, thông tin khoa học đa dạng phong phú của nước ngoài. Một doanh nghiệp cần giao dịch với khách hàng, đàm phán, ký kết hợp đồng. Một quốc gia cần giao tế với lân bang, ký kết các thỏa thuận về kinh tế, chính trị…
Ngoại ngữ kém, nhưng chứng chỉ thì… đầy
Tất cả những công việc đó đều đòi hỏi phải trang bị thứ công cụ cần thiết này cho mỗi cán bộ. Thế nên việc cán bộ nhà nước thiếu và yếu ngoại ngữ không chỉ là bất lợi của cá nhân họ mà sẽ trở thành bất lợi cho tập thể.
Không chỉ trong cơ quan Nhà nước mà ngay cả trong giới học thuật, ngoại ngữ cũng vẫn là một rào cản lớn. Chúng ta có đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên đông đảo và không ít người trong số đó có tư duy khoa học rất tốt. Thế nhưng, so với giới học thuật của các nước trong khu vực thì chúng ta kém hơn hẳn về ngoại ngữ.
Trong khi đó, muốn có các công trình khoa học quốc tế thì phải thông thạo ngoại ngữ để đọc tài liệu và viết bài. Thế nên, khi đọc nhiều công trình của các nhà khoa học nước bạn mới thấy không phải chúng ta không đủ khả năng nghiên cứu, giải quyết vấn đề như họ mà một phần lớn lý do “lãng xẹt” vẫn là do không đủ vốn ngoại ngữ.
Một nghịch lý khác liên quan tới vấn đề này là trong lúc trình độ ngoại ngữ không được cải thiện thì số lượng các loại chứng chỉ lại tăng lên đáng kể.
Trong các hồ sơ tuyển dụng vào các cơ quan ban ngành, ai cũng có chứng chỉ ngoại ngữ, thế nhưng bao nhiêu người trong số đó có thể dùng được ngoại ngữ? Việc chúng ta tự làm hài lòng nhau bằng những bằng cấp, chứng chỉ vô nghĩa là biểu hiện của sự gian dối và giả tạo đang lên ngôi trong xã hội.
Nó cũng là một nguyên nhân khiến cho bao nhiêu năm nay trình độ ngoại ngữ của cán bộ nhà nước không khá lên được. Bởi lẽ, khi có thể dùng bằng cấp ngụy tạo để thay cho năng lực thực sự thì người ta sẽ dễ chọn cái thứ nhất vì nó mất ít thời gian, công sức hơn và lại có hiệu quả tức thì.
Những nghịch lý này liệu đến bao giờ mới được giải quyết? Liệu những quy định của Bộ Nội vụ có trở thành phương thuốc để chữa căn bệnh kém ngoại ngữ trầm kha, hay sẽ chỉ như “gió vào nhà trống”?
Điều đó có lẽ phụ thuộc vào cách thức cũng như quyết tâm triển khai của những người làm ra chính sách. Nếu chỉ triển khai hình thức và vẫn chỉ dựa vào bằng cấp, chứng chỉ để xác định đủ tiêu chuẩn thì tin chắc rằng, vấn nạn ngoại ngữ ở các cơ quan công quyền nước ta vẫn sẽ không thể nào được cải thiện.
Khương Duy
Theo_VietNamNet
Không còn "chú - cháu" nơi công quyền!
Khẳng định trên được Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đưa ra, khi nói về chuẩn hóa văn hóa công sở - một trong những đề án được Bộ Nội vụ triển khai trong thời gian tới để ra một nghị định "cứng" về vấn đề này.
Ông Trần Anh Tuấn cũng trao đổi thẳng thắn với phóng viên Báo Lao Độngvề một số vấn đề khác xung quanh các dự thảo thông tư, nghị định do Bộ Nội vụ xây dựng đang gây xôn xao dư luận trong thời gian qua.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết: Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc hội thảo về "Văn hóa công sở" để có một nghị định về vấn đề này, bởi đối với công chức ở công sở, có những vấn đề tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là văn hóa.
Ví dụ như khi phát biểu trong một cuộc họp thì phải đứng lên, không nên ngồi; bắt tay chào hỏi giữa mọi người với nhau như thế nào; xưng hô trong quan hệ công tác sao cho hợp lý, chứ cứ "chú cháu, bác cháu" nơi công sở là không phù hợp; hay phụ nữ có được mặc váy không, váy dài đến đâu... Nói chung, các hoạt động công vụ diễn ra nơi công sở được thực hiện một cách có văn hóa cũng là phản ánh chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức.
Đề án chuẩn văn hoá công sở sẽ có những quy định chi tiết tới từng cách xưng hô, trang phục cho đến cả cách bắt tay...
Cộng đồng mạng tranh cãi về việc có nên ban hành quy định cụ thể về việc ngủ trưa nơi công sở - quan điểm của ông?
- Theo tôi, khi bàn về vấn đề này cũng cần có cái nhìn mang tính khoa học, ví dụ như cần chú ý đến các yếu tố về văn hóa tập quán, khí hậu, thổ nhưỡng, tổ chức lao động ở từng ngành, từng lĩnh vực... với người làm việc trí óc, giấc ngủ trưa dù ngắn nhưng rất quan trọng, vì thế, theo tôi tùy tính chất công việc, tùy từng điều kiện cụ thể, để quy định một cách linh hoạt chứ không nên có quy định " cứng" về điều này.
Nếu định quy định thì cần nghiên cứu tình hình cụ thể của từng quốc gia, không nên bắt chước máy móc như thế, cần nghiêm túc và khoa học khi nghiên cứu về vấn đề "nghỉ trưa" cho phù hợp với con người, văn hóa, khí hậu và điều kiện làm việc ở Việt Nam.
Dự thảo nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh quản lý của công chức, trong đó cấp Thứ trưởng phải sử dụng được ít nhất một ngoại ngữ thông dụng ở trình độ cao cấp bậc 6 trở lên. Điều này là có "quá sức" so với mặt bằng chung hiện nay hay không, thưa ông?
- Đây là dự thảo ban đầu ở cấp chuyên viên được gửi để xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, đưa lên website lấy ý kiến nhân dân, rồi sau đó sẽ tổng hợp để tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện. Trong điều kiện hội nhập quốc tế, trong tiêu chuẩn tuyển công chức thì cũng phải có ngoại ngữ mang tính thông dụng. Trường hợp nếu không sử dụng được ngoại ngữ mà sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số để phục vụ cho công tác, làm việc ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa thì cũng được.
Hiện nay, dự thảo vẫn đang trong quá trình xây dựng, qua thảo luận và góp ý của mọi người nếu thấy quy định là cao, chưa sát và phù hợp với thực tế, thì phải tiếp thu và hoàn thiện. Bộ Nội vụ sẽ còn tổ chức nhiều cuộc hội thảo để thảo luận.
Đối với tiêu chuẩn ngoại ngữ thì Bộ Nội vụ sẽ trao đổi và lấy ý kiến của Bộ GD-ĐT cũng như các cơ quan có liên quan khác để việc quy định tiêu chuẩn ngoại ngữ phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay cũng như yêu cầu phát triển của đất nước.
Ý kiến của ông về tiêu chuẩn "phải có lòng yêu nước"của cán bộ, công chức?
- Mọi người Việt Nam đều có lòng yêu nước. Cách thể hiện lòng yêu nước của mỗi người là khác nhau. Những tiêu chuẩn liên quan đến tinh thần yêu nước, sự tận tụy phục vụ nhân dân là sự kế thừa các quy định hiện nay của Đảng và Nhà nước. Việc kiểm định lòng yêu nước của cán bộ, công chức, đặc biệt là đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đều có thể kiểm định được.
Việc kiểm định đó được thực hiện thông qua các tiêu chí như: Trách nhiệm trong hoạt động công vụ; các cống hiến và kết quả đạt được trong công tác; sự tận tâm tận tụy trong giải quyết các yêu cầu, đòi hỏi của nhân dân, không gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ... Lòng yêu nước thực chất cũng chính là một nội dung của đạo đức công vụ mà bất cứ một cán bộ, công chức nào cũng cần phải có.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Dương Hà - Diệu Linh
Báo Lao Động
Công chức có cần giỏi ngoại ngữ? Không thay đổi mục tiêu là phát triển khả năng sử dụng ngoại ngữ của công chức, tuy nhiên chúng ta cần đặt ra việc phát triển và đề xuất các giải pháp thực tế, hơn là chỉ cứng nhắc quy định bằng các văn bằng, chứng chỉ. Tiêu chuẩn quan trọng Theo người viết, một trong những vấn đề lớn ngăn cản...