Người giàu và nghèo Trung Quốc đều ‘thấm đòn’ Covid-19
Li Ming, 36 tuổi, giám đốc marketing cho một công ty xe hơi ở Bắc Kinh, lần đầu tiên cảm thấy khó khăn trong cuộc đời mình.
Khi Covid-19 bùng phát, doanh số bán xe giảm mạnh và cô bị cho nghỉ việc không lương từ tháng hai. Chồng Li, nhân viên một hãng hàng không, cũng bị giảm 40% lương.
“Đột nhiên, một nửa thu nhập của gia đình tôi bốc hơi”, Li nói. “Tôi chưa có một giấc ngủ tử tế nào suốt nhiều tháng nay. Chúng tôi có một khoản vay mua nhà phải trả và hai đứa con. Chúng đang trở thành gánh nặng”.
Li tiết kiệm được 12.000 tệ (1.700 USD) mỗi tháng nhờ sa thải người giúp việc gia đình. “Tôi giải thích và bảo cô ấy không phải quay trở lại nữa sau Tết Nguyên đán”, Li cho hay. “Sau một lúc lâu im lặng, cô ấy đồng ý. Cô ấy không nói gì mà chỉ gửi lời yêu thương tới các con tôi. Cô ấy đã ba năm chung sống với lũ trẻ”.
Công nhân lắp ráp linh kiện điện tử tại một nhà máy của Foxconn ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: AFP.
Ngoài mất mát về sinh mạng, Covid-19 còn khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề và rất ít người vượt qua đại dịch mà không chịu tổn thương. Nhưng trong khi tầng lớp trung lưu đối mặt với viễn cảnh chỉ phải từ bỏ những đồ xa xỉ thì những người ở dưới đáy của tháp thu nhập ở Trung Quốc lại phải đương đầu với một thảm họa tiềm tàng.
Tỷ lệ thất nghiệp tại đô thị Trung Quốc đã tăng lên 6,2% hồi tháng hai, mức cao kỷ lục. Con số này được cải thiện lên 5,9% vào tháng ba khi nhiều doanh nghiệp mở cửa trở lại do dịch hầu hết được kiểm soát. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cảnh báo điều tồi tệ nhất vẫn chưa tới đối với phần đa lực lượng lao động Trung Quốc.
Theo một báo cáo từ Economist Intelligence Unit ngày 22/4, tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc có thể lên tới 10% trong năm nay và thêm 22 triệu việc làm ở đô thị sẽ bị mất đi. Công ty đầu tư UBS tháng trước ước tính Trung Quốc đã mất 50 đến 60 triệu việc làm trong ngành dịch vụ bên cạnh 20 triệu việc làm trong ngành công nghiệp và xây dựng.
Tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc được đưa ra dựa trên dữ liệu thu thập từ 31 thành phố lớn. Tình hình ở những thành phố nhỏ hơn và khu vực nông thôn được cho là còn tồi tệ hơn.
“Khoảng cách giữa các khu vực của Trung Quốc là rất lớn”, Hu Xingdou, nhà kinh tế học chính trị độc lập tại Bắc Kinh, nhận xét. “Trong khi người dân ở các thành phố lớn và vùng ven biển đang chật vật duy trì cuộc sống bình thường thì những người ở các tỉnh nằm sâu bên trong đất liền và các khu vực nghèo đói có nguy cơ mất kế sinh nhai hoặc thực tế đã không còn kế sinh nhai”.
Video đang HOT
Peng Lixiang, 38 tuổi, đến từ tỉnh Sơn Đông, từng kiếm được 1.000 tệ (gần 141 USD) mỗi tháng với công việc tại một nhà hàng lẩu ở Hà Trạch, một trong những thành phố nghèo nhất tỉnh. Cuộc khủng hoảng do Covid-19 khiến nhà hàng nơi Peng làm việc phải đóng cửa hồi tháng hai. Cô trở thành người thất nghiệp.
Chồng Peng chỉ thỉnh thoảng làm các công việc thời vụ. Là trụ cột chính trong gia đình, Peng cho hay cô không biết kiếm tiền đâu ra để nuôi con gái mới 8 tuổi của mình và trả nợ tiền xây nhà.
Cô đã nộp đơn xin việc tại các nhà máy và nhà hàng trong thành phố nhưng đều bị từ chối.
“Tôi không nghĩ mọi chuyện sẽ trở nên khó khăn như thế này”, Peng chia sẻ. “Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi công việc dù nặng nhọc hay mức lương thấp, miễn là không phải làm đêm bởi tôi còn phải chăm con. Tôi chỉ cần một công việc thôi”.
Peng không phải người duy nhất gặp khó khăn trong nỗ lực tìm kiếm việc làm tại những thị trấn và thành phố nằm sâu trong nội địa ít thịnh vượng hơn của Trung Quốc. Đây là lý do vì sao hàng triệu lao động nhập cư, giống như Cao Jin, 39 tuổi, quay trở lại các thành phố ven biển để tìm việc sau nhiều tháng phong tỏa.
Ngày 1/4, Cao từ Su Huệ, thành phố ở tỉnh Hồ Bắc, bắt tàu cao tốc tới Quảng Đông, trung tâm sản xuất của Trung Quốc. Tại đây, anh hy vọng được nhận lại công việc giám sát viên dây chuyền tại một công ty sản xuất tấm gia nhiệt cho các thiết bị điện ở Phật Sơn.
Nhưng sau khi trải qua 12 ngày cách ly phòng ngừa trong ký túc xá nhà máy, Cao nhận được thông báo rằng công việc của anh giờ chỉ còn ca đêm, làm việc từ 18h đến 4h sáng, 5 ngày mỗi tuần, với mức lương 2.000 tệ/tháng (gần 282 USD), chỉ bằng 1/4 thu nhập trước đây.
“Nó còn không đủ trả chi phí sinh hoạt của tôi ở Phật Sơn chứ đừng nói tới chuyện hỗ trợ gia đình ở Hồ Bắc”, anh cho biết.
Cao cố gắng thương thuyết với ông chủ nhưng chỉ nhận được câu trả lời rằng vì đơn hàng đã bị mất 50% nên nhà máy quyết định giảm dây chuyền sản xuất từ 10 xuống 5. Số lượng lao động cũng giảm còn một nửa, xuống khoảng 300 người.
“Tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài xin thôi việc”, anh nói.
Cao cho hay anh đã dành vài ngày sau đó để tìm việc ở Phật Sơn nhưng không thành công. Bạn bè và đồng nghiệp cũ lý giải với anh rằng nhu cầu nước ngoài đối với hàng hóa Trung Quốc giảm đã tác động tới toàn bộ chuỗi cung ứng.
Công nhân xẻ gỗ tại một nhà máy ở thành phố Tuy Phân Hà, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, ngày 15/4. Ảnh: Reuters.
Phật Sơn là nơi tập trung vô số nhà sản xuất thiết bị gia dụng cung cấp chủ yếu cho thị trường nước ngoài. Một trong số này, Tập đoàn Midea, đã báo cáo doanh thu quý một năm nay giảm 23% trong khi công ty Gree Electric Appliances, trụ sở ở Chu Hải, đối mặt với mức giảm tới 50%, phần lớn là do xuất khẩu sụt giảm.
Giá trị xuất khẩu tháng ba của Trung Quốc đã giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái, nối tiếp sau bước giảm 17,2% trong tháng một và tháng hai cộng lại.
Tháng 4 chứng kiến mức tăng 3,5% về xuất khẩu khi một số đối tác thương mại của Trung Quốc thoát khỏi lệnh phong tỏa. Tuy nhiên, đóng góp vào mức tăng này chủ yếu là các đơn hàng tồn từ năm ngoái.
Theo Rosealea Yao, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Gavekal Dragonomics, mức độ phục hồi của Trung Quốc sẽ “vẫn còn khá nông” do nhu cầu toàn cầu còn ở mức yếu.
“Xuất khẩu khởi sắc hơn so với dự kiến trong tháng 4 nhưng các đơn hàng mới vẫn giảm mạnh. Mặt khác, tác động từ sự sụp đổ tăng trưởng ở Mỹ và châu Âu vẫn chưa giáng xuống”, bà đánh giá. “Tình trạng mất việc làm trong ngành sản xuất xuất khẩu sẽ tồi tệ hơn thay vì được cải thiện”.
Một báo cáo do Fitch Ratings công bố tuần qua chỉ ra rằng tác động của dịch bệnh đối với kinh tế toàn cầu đang gia tăng áp lực lên thị trường lao động Trung Quốc.
Cao, lao động nhập cư đã làm việc trong ngành sản xuất hơn 10 năm, cho biết anh chưa bao giờ gặp phải một thị trường việc làm khó khăn như hiện nay. “Tôi không biết bao giờ thì nền kinh tế sẽ tốt lên nhưng trong năm nay, tôi chắc chắn sẽ không làm việc trong ngành sản xuất nữa sau khi tận mắt thấy hàng loạt nhà máy phải cắt giảm việc làm và dây chuyền sản xuất”, anh nói. “Có lẽ tôi sẽ tới thành phố phía bắc nào đó và tìm một công việc trang trí nhà cửa”.
Đây có thể là một lựa chọn khôn ngoan khi mà ngành bất động sản Trung Quốc đang có dấu hiệu đi lên nhờ các khoản vay có sẵn và rẻ hơn cùng với những thay đổi trong chính sách của chính phủ.
“Những cải cách về hộ khẩu và đất đai mới đây có thể làm gia tăng nhu cầu trong ngành bất động sản và xây dựng, kết hợp với đó là kế hoạch đẩy nhanh tốc độ cải tạo các thị trấn cũ do chính phủ đề ra”, Wang Tao, nhà kinh tế học tại UBS, nhận định.
Theo Wang, những thay đổi mới nhất trong hệ thống hộ khẩu có thể giúp các lao động nhập cư đăng ký thường trú dễ dàng hơn, qua đó được quyền tiếp cận các dịch vụ xã hội và giáo dục tại những thành phố có dân số từ một đến 5 triệu người. Nhờ thế, chi tiêu tiêu dùng và nhu cầu bất động sản sẽ gia tăng.
Dù vậy, triển vọng vẫn bị che mờ bởi tác động của Covid-19 tới thu nhập hộ gia đình, Wang cho hay.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, thu nhập bình quân khả dụng của người dân thành thị trong quý đầu năm nay đã giảm 3,9% xuống còn 11.691 tệ (gần 1.650 USD), trong khi con số này ở nông thôn giảm 4,7%, xuống 4.641 tệ (hơn 650 USD).
Cảm thấy lạnh nhạt với cha mẹ
Tôi là nữ, 34 tuổi, không hề có ý định lập gia đình. Sau 15 tuổi tôi bắt đầu sống với bà nội.
Trước đây tôi tốt nghiệp đại học Kiến trúc, sau đó lựa chọn ngành khác để làm việc vì cần tiền và công việc ngay sau khi ra trường, không thể theo đúng chuyên môn. Tôi là quản lý các trang mạng xã hội.
Tôi sống cùng mẹ tới năm 15 tuổi, ba đi nước ngoài từ khi tôi lên 3, tôi không nhớ nhiều về ba lắm. Sau đó tôi biết ba đã có gia đình riêng và con trai riêng bên đó. Mẹ tôi liền sang đó giải quyết vấn đề. Tôi ở lại với bà nội. Ba chia tay với người kia nhưng vẫn có liên lạc với con riêng. Mẹ quyết tâm sinh con trai nên sau đó em trai tôi ra đời. Sau đó được sự hỗ trợ của bà nội, mẹ mua đất cất nhà 4 tầng ở Tuyên Quang, gần nhà ngoại, có vay nợ thêm vì muốn xây nhà to; rồi làm giấy tờ, sổ đỏ, hộ khẩu, đứng tên mẹ tôi hoàn toàn.
Rồi mẹ tôi sang nước ngoài, tiếp tục sống vài năm ở đó với ba và em trai tôi. Sau đó vì làm ăn không được nên ba mẹ trắng tay trở về cách đây 5 năm. Mẹ nói giờ ở với tôi vì khi đó tôi đi làm thu nhập ổn định, chừng 7 triệu, có thể lo cho mẹ. Mẹ bảo đã ly hôn ba, em tôi học không giỏi nên sẽ cho em và ba qua Trung Quốc vì nhà tôi có họ hàng ở đó. Tôi phản đối quyết định này vì biết rằng nếu đi sẽ phải vay nợ, trước đó cũng nợ rồi. Vay nợ anh em trong nhà nên những người này cực ghét gia đình tôi, lý do là ba mẹ không thể trả. Tiền học của tôi cũng vay mấy người này, mẹ muốn tôi tự trả tiền đó cho họ.
Cả nhà tôi vẫn ở nhà, sống bằng tiền cho thuê cửa hiệu chừng 4 triệu một tháng. Tôi kêu mọi người đi bán thêm ở chợ hay ngã ba, như mùa hè thì nước mía, mùa đông thì bán khoai nướng để kiếm thêm, cha mẹ nói Việt kiều không làm thế. Tôi đã mua cho em trai điện thoại, máy tính, quần áo; mỗi tháng đưa thêm cho gia đình một triệu vậy mà lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Có đợt tôi thấy ba mang một triệu đó đi mua chiếc áo thun giá 700 ngàn. Ba mẹ còn nói sau này căn nhà đó cho em trai.
Tôi thấy vậy nên quyết định vào Huế sống, cố dành dụm tiết kiệm cho bản thân, tới nay chỉ có khoảng 50 triệu. Do mất công việc đợt dịch vừa rồi, tôi không thể hỗ trợ gia đình thêm nữa. Mẹ biết tôi có khoản tiết kiệm, một mặt giục tôi đi lấy chồng, một mặt muốn mượn số tiền đó. Tôi biết sẽ mất luôn số tiền nếu đưa. Mẹ còn nói mỉa mai rằng tôi không có đầu óc kinh doanh, thu nhập thấp. Ba nghe lời mẹ hoàn toàn. Tôi cảm thấy ba không thể tự suy nghĩ được, luôn cần mẹ. Em trai tôi mới 12 tuổi, khá ngoan nhưng do ở nước ngoài lâu nên khi về có nhiều khó khăn với cuộc sống xung quanh.
Tôi đang nghĩ về cuộc sống của mình sắp tới và trách nhiệm với gia đình. Cuộc sống quá rộng lớn, bản thân lại nhỏ bé. Thực sự tôi dần thấy lạnh nhạt với các đấng sinh thành dù biết không nên như vậy. Xin quý độc giả cùng chia sẻ với tôi.
Nhóm đi xe hơi giả ăn xin tại Hội An bị phạt 67,5 triệu Sau khi dàn dựng cảnh nhóm ăn xin ngồi tràn ra lòng đường rồi quay phim đăng Facebook "câu like", 5 hành khất giả đã bị UBND TP Hội An phạt hành chính tổng cộng 67,5 triệu đồng. Hình ảnh nhóm đóng giả ăn xin xuất hiện trên mạng gây sự phản ứng từ dư luận - Ảnh: Facebook Chủ tịch UBND TP...