Người già, trẻ nhỏ đổ bệnh vì nắng nóng
TPHCM và các tỉnh phía Nam đang bước vào những ngày nắng nóng, có ngày mức nền nhiệt lên đến hơn 40C, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn; kèm theo đó là các bệnh về tiêu hóa, hô hấp, da liễu,… tăng nhanh.
Đặc biệt, đối tượng nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người cao tuổi có nhiều bệnh nền nếu không có biện pháp phòng tránh phù hợp có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đang thăm khám cho bệnh nhi
Gia tăng bệnh lý
7 giờ sáng ngày 14-5, tại khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng 1, rất đông trẻ khám về các triệu chứng tiêu hóa, hô hấp. Ngồi ôm con chờ chồng đang xếp hàng lấy thuốc, chị Nguyễn Thị Thu Thủy (quận Thủ Đức) cho biết, chị đưa con gái 6 tuổi đến đây từ sớm do cháu đau bụng, không tiêu đã nhiều ngày liền. Sau khi được bác sĩ thăm khám, bé được kết luận bị rối loạn tiêu hóa và cho thuốc về nhà điều trị.
Video đang HOT
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh – Bệnh viện Nhi đồng 1, do tình hình dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp và kéo dài nên số lượng bệnh nhi đến khám tại đây giảm mạnh so với mọi năm. Nếu như cùng kỳ năm 2019, mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 5.000 bệnh nhi thì hiện nay chỉ có hơn 2.500 trẻ đến khám. “ Thời tiết nắng nóng thường làm trẻ giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh như viêm đường hô hấp trên, viêm họng amidan, viêm tai giữa, nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi…”, bác sĩ Phạm Văn Hoàng cho hay.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, từ đầu tháng 5 đến nay, lượng bệnh nhi đến khám tăng so với các tháng trước, chủ yếu là các bệnh lý do nắng nóng như: rôm sẩy, viêm da dị dứng do ngứa, các bệnh lý về tiêu hóa… Theo bác sĩ Đặng Thị Kim Huyên, Trưởng khoa Khám bệnh – Bệnh viện Nhi đồng 2, thói quen sử dụng nước đá, ngâm mình khi tắm nhằm giải nhiệt cũng khiến trẻ rất dễ bị bệnh tấn công. Trong khi thức ăn dễ bị hư hỏng, ô nhiễm, nhưng nếu vô tình cho trẻ ăn thì có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa.
Trong khi đó, bác sĩ Trần Minh Giao, Trưởng khoa Lão – Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết, đơn vị này cũng đang điều trị cho nhiều bệnh nhân cao tuổi mắc các bệnh lý về tim mạch, tăng huyết áp, viêm phổi, tai biến mạch máu não và đặc biệt thời gian gần đây xuất hiện nhiều bệnh nhân bị say nắng, cảm nắng. Theo bác sĩ Minh Giao, nắng nóng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người cao tuổi do sức đề kháng cũng như sự chống đỡ yếu của cơ thể trước thay đổi của môi trường, nhiệt độ bên ngoài. Đặc biệt, bệnh tai biến mạch máu não thường xảy ra khi gặp sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ, độ ẩm.
Linh hoạt, chủ động phòng chống
Trước tình trạng nắng nóng, nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo, người già, trẻ nhỏ, người béo phì, mắc bệnh mãn tính là đối tượng dễ bị tổn hại sức khỏe, nhiễm bệnh vì sức đề kháng kém. Đối với người già, người có bệnh lý mãn tính, thường nắng nóng khiến bệnh nhân dễ tăng huyết áp, suy nhược cơ thể… Các bác sĩ khuyến cáo các cụ lớn tuổi nên bổ sung nước, vitamin C, ăn uống đầy đủ để tăng sức đề kháng. Để phòng tránh bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, người lớn tuổi nên có chế độ làm việc vừa phải, tránh căng thẳng và ở nhiều giờ ngoài trời.
Những người cao tuổi có sức khỏe kém hay bị mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm đường hô hấp, viêm da hoặc mắc bệnh về tim mạch thì việc tắm rửa hàng ngày cần hết sức lưu ý là không dùng nước lạnh đột ngột. Trong ăn uống không nên dùng nước lạnh quá hoặc thực phẩm quá lạnh. Ban đêm lúc đi ngủ nên dùng quạt hơn là dùng máy điều hòa nhiệt độ. Nếu dùng điều hòa nhiệt độ nên duy trì nhiệt độ khoảng 27 – 28C.
Còn đối với trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần chú ý phòng bệnh cho trẻ bằng cách hạn chế đưa trẻ ra ngoài trời chơi khi nắng nóng trên 30C, cũng như không để trẻ chạy ra chạy vào liên tục phòng điều hòa, tránh việc trẻ bị thay đổi nhiệt độ đột ngột, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Tuyệt đối không để quạt hoặc luồng gió điều hòa thốc thẳng vào người trẻ khi ngủ. Chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ, nếu thấy có các dấu hiệu sốt cao, ho nhiều, tiêu chảy liên tục, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế khám ngay; tuyệt đối không được tự ý điều trị hay mua thuốc cho trẻ uống khi không có chỉ dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, cần bổ sung dinh dưỡng, các loại hoa quả giàu vitamin C, và cho trẻ uống nhiều nước…
Người già, trẻ nhỏ nhập viện vì lạnh
Thời tiết tại TPHCM và khu vực phía Nam chuyển lạnh mấy ngày qua khiến nhiều người lớn lẫn trẻ con bị ho, hắt hơi, cảm cúm...
Tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, mặc dù là ngày thứ bảy và đã quá trưa nhưng tại Khoa khám theo yêu cầu có rất nhiều phụ huynh bế con chờ đợi để được khám.
Theo bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh BV Nhi đồng 1, để hạn chế việc trẻ nhiễm các bệnh trong những ngày lạnh, các bậc cha mẹ nên giữ ấm cho trẻ, có chế độ ăn uống phù hợp, nhiều chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho trẻ, đồng thời giữ gìn vệ sinh răng miệng cho trẻ. Khi trẻ có biểu hiện như ho, sổ mũi, khò khè... cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế.
Không chỉ trẻ em, người lớn tuổi, người già cũng dễ mắc bệnh khi thời tiết thay đổi mấy ngày qua.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trương Quang Anh Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Thống Nhất, cho biết, thời tiết chuyển lạnh, số lượng bệnh nhân đến thăm khám và điều trị tại BV có sự biến động tăng với các bệnh thường gặp là bệnh lý về đường hô hấp, hen suyễn, tim mạch.
Cụ thể, trong 2 ngày 3 và 4-12, số lượng bệnh nhân khám ngoại trú là 3.500, trong đó những bệnh nhân mắc các bệnh viêm phổi, hen suyễn, tim mạch chiếm 40%. "Trước tình trạng thời tiết thay đổi, chuyển lạnh, người dân cần giữ ấm cơ thể, đặc biệt là khi đi ra ngoài. Đối với các bệnh nhân mắc các bệnh lý mãn tính như: COPD, hen suyễn, tăng huyết áp, bệnh lý mạch vành... cần phải tuân thủ chế độ điều trị, ăn uống đủ chất, uống đủ nước", BS Trương Quang Anh Vũ nhấn mạnh.
Còn tại BV Đại học Y Dược TPHCM, Th.S-BS Nguyễn Khánh Dương, Khoa Cấp cứu, cho biết, thời tiết chuyển lạnh nên một số gia đình có thói quen sử dụng than sưởi ấm. Điều này tưởng chừng vô hại, nhưng đó là lầm tưởng chết người. Bởi, những loại than tổ ong, than củi khi cháy trong điều kiện thiếu không khí sẽ tạo ra loại khí cực độc là carbon monoxide (hay còn gọi là CO). Đây là loại khí không màu, không mùi, không gây kích thích cho da và mắt.
"Nạn nhân bị ngộ độc khí CO có thể có các dấu hiệu như nhức đầu, chóng mặt, yếu cơ, buồn nôn, ói mửa, đau ngực, mất ý thức... Đặc biệt, với những người đang ngủ hoặc đang say rượu, nạn nhân có thể tử vong mà không có biểu hiện nào", Th.S-BS Nguyễn Khánh Dương lưu ý.
Ngoài ra, để tránh xảy ra các trường hợp ngộ độc khí CO, không nên đặt lò than để sưởi ấm trong phòng ngủ, không ngủ trong garage ô tô hoặc để máy nổ, máy phát điện ở nơi kín gió (tầng hầm, gầm cầu thang...).
THÀNH AN
Theo SGGP
Cảnh báo nhiều bệnh khi trời nắng gay gắt TP.HCM liên tục nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến 40C khiến các bệnh về da, tiêu hóa, hô hấp tăng nhanh. Ngồi chờ lấy thuốc tại Phòng khám nội tổng quát - tiêu hóa, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (quận Tân Bình) cho biết ba ngày trước, con chị là bé ĐHTP (bảy tuổi)...