Người dưng chung nhà
Cuộc sống mệt mỏi, áp lực và có lẽ cơn giận lẫy quá lâu đã đẩy chúng tôi xa nhau. Xa tới mức muốn bắt đầu lại bình thường như ngày xưa cũng khó vô cùng.
Tôi và chồng xảy ra mâu thuẫn gần một năm nay. Chồng tôi là dân công trình đi triền miên. Tôi hiểu anh phải chịu nhiều áp lực từ công việc nên khá mệt mỏi. Nhưng tôi ở nhà chăm con cũng stress đâu kém. Con tôi sinh thiếu tháng, bé yếu từ khi sinh ra nên giờ tuy đã được hai mươi tháng nhưng gần như bé đi viện triền miên. Nay con sốt, mai con viêm phế quản khó thở, mốt con lại sổ mũi khò khè… đại loại đủ thứ bệnh trẻ con. Vì bé yếu nên sau khi nghỉ đủ sáu tháng theo chế độ, tôi xin nghỉ tiếp một năm không lương để ở nhà chăm bé, mong muốn con cứng cáp lên rồi mới đi làm.
Trước đây, chồng tôi còn làm ở gần nhà, anh yêu thương, chăm sóc vợ con rất chu đáo. Nhưng rồi một lần tôi phát hiện chồng mình đi hát karaoke cùng anh em, không biết anh thì sao nhưng mấy chiến hữu của anh thì có khuất tất. Vậy là chúng tôi cãi nhau một trận kịch liệt. Anh không nhận sai, còn tôi cho rằng anh không biết thương vợ con… Trong cơn giận dữ, anh thậm chí quăng cả mâm bát ra ngoài sân. Sau đó, chúng tôi không nói chuyện với nhau một thời gian dài.
Ảnh minh họa
Vì chúng tôi ở riêng nên mãi sau ba mẹ chồng mới biết chuyện vợ chồng tôi có chuyện. Ông bà họp gia đình, chỉ ra cái sai của cả hai, chứ không bênh riêng ai. Cuối cùng mẹ chồng tôi khuyên, hai đứa giờ làm bố làm mẹ rồi phải biết dẹp cái tôi để cho con có một tổ ấm yên bình. Chúng tôi dạ vâng, xin lỗi ba mẹ, xin lỗi nhau. Nhưng thực ra, sau đó mối quan hệ của hai vợ chồng cũng không có chiều hướng tốt đẹp hơn. Chúng tôi tự nhịn để khỏi phiền lòng người lớn, còn nỗi ấm ức, phiền muộn cứ đeo bám trong lòng tôi.
Chồng tôi cũng thay đổi tâm tính. Trước đó anh không nói chuyện nhưng còn lo cái này cái kia trong nhà. Sau khi ba mẹ chồng họp gia đình, anh mặc kệ mọi việc. Ngày nào anh cũng gọi một, hai cuộc điện thoại, nhưng câu đầu tiên thì hỏi luôn là “ con đâu?”. Tôi không trả lời mà đưa máy cho bé, hai cha con u ơ một hồi rồi anh tắt điện thoại. Mối quan hệ giữa hai vợ chồng dần dần chỉ còn cầu nối chung là đứa con.
Giờ anh cũng không đưa hết tiền lương cho tôi nữa, trước đưa mười, thì giờ chỉ đưa ba, bốn phần. Con ốm đau, tiền thuốc men, cháo bột bỉm sữa… với số tiền ít ỏi anh đưa, tôi lo không đủ. Trao đổi thẳng với chồng thì anh gắt: “ Giờ kiếm được có vậy thôi thì tôi phải làm sao? Chi tiêu tiết kiệm đi”. Tôi đã khóc vì biết chồng mình đã thay đổi thực sự, mối quan tâm và sự chăm sóc yêu thương hàng đầu của anh không còn là vợ con nữa.
Video đang HOT
Nhớ lần trước chồng về nhà, tôi than vãn mấy câu, anh cũng gắt: “Có mỗi việc ở nhà chăm con mà sao than hoài vậy?“. Lúc đó tôi điếng người. Đúng là tôi có mỗi việc ở nhà chăm con. Rồi tôi nhờ bạn bè, tìm cách làm thêm tại nhà. Thu nhập ít ỏi đó phụ vào chi tiêu cho hai mẹ con cũng đỡ phần nào. Chúng tôi dần như hai người dưng xa lạ chung nhà, chung con. Cuộc sống thật sự mệt mỏi và áp lực vô cùng.
Ảnh minh họa
Hôm vừa rồi con đi viện, trước mặt mẹ chồng, tôi điện cho anh nói gửi thêm ít tiền về để lo cho con. Sau khi hỏi sơ qua tình hình của con, bỗng anh trở giọng cáu kỉnh: “ Suốt ngày tiền tiền”. Tôi lặng người, không hiểu sao nước mắt cứ thế chảy ra. Mẹ chồng giật điện thoại từ tay tôi, bà hét vào máy: “ Không nói được lời tình cảm nào thì tốt nhất con im đi. Đã không giúp vợ chăm con còn vô tâm”. Lần đầu tiên tôi thấy mẹ chồng giận dữ như thế. Rồi bà ngoắc tay tôi: “ Chuẩn bị đồ đi, ông bà đi cùng cháu. Vợ chồng bay cứ vậy làm khổ thằng bé con”.
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Tôi vẫn còn yêu thương chồng nhiều lắm. Nhưng cuộc sống mệt mỏi, áp lực và có lẽ cơn giận lẫy quá lâu đã đẩy chúng tôi xa nhau. Xa tới mức muốn bắt đầu lại bình thường như ngày xưa cũng khó vô cùng. Nhìn con mà thương, thấy tội cả bản thân mình. Tôi đề nghị chồng ly hôn, sau một khoảng lặng thật lâu, anh nói: “ Bao ngày tháng qua chúng ta có khác gì đã ly hôn đâu, có quan tâm gì tới nhau đâu?”.
Tôi biết phải làm sao để thoát khỏi sự bế tắc này?
Đinh Hương
Theo phunuonline.com.vn
Tình cảm má chồng con dâu rạn nứt từ khi em chồng lên ở cùng
Bà ngọt nhạt rằng tôi không biết điều. Nếu ông bà không mạnh tay hỗ trợ việc mua nhà, giờ này vợ chồng tôi vẫn vất vưởng ở trọ chứ đâu có cơ ngơi khang trang như thế này.
Tôi và chồng đều xuất phát điểm từ quê, lên thành phố học đại học và lập nghiệp tại đây. Khi cả hai còn đang trong giai đoạn tìm hiểu, tôi đã có chút gợn gợn về cô em chồng tương lai. Em là út trong gia đình, lại là con gái hay nhõng nhẽo nên ba mẹ chồng cưng chiều như trứng mỏng. Sự bao bọc thái quá khiến tính cách em càng đỏng đảnh, có phần kênh kiệu và đặc biệt lười biếng. Tuy nhiên, tôi tự nhủ tình yêu chúng tôi dành cho nhau đủ lớn, không nên để những chi tiết không thuộc về bản thân cả hai trở thành rào cản trên chặng đường quyết tâm gắn bó với nhau.
Ngay từ thời điểm tôi và anh đến với nhau, tôi đã có chút lấn cấn về cô em chồng tương lai. Ảnh minh họa.
Thời điểm đầu mới kết hôn, một năm đôi lần tôi về thăm ba mẹ chồng và chạm mặt em chồng. Em vẫn phát triển theo quỹ đạo như thế, ngày càng làm vương làm tướng trong gia đình. Ba chồng biết nhưng không quá để tâm. Tính ông vô tư và xuề xòa, nghĩ tính cách ấy của con gái sau này sẽ được chế ngự khi có gia đình. Nhưng đặc biệt má chồng, bà cưng chiều con gái quá mức khiến ai nhìn vào cũng ngán ngẩm. Tình thương con thái quá dẫn đến mù quáng, bà không nhận ra những bất ổn trong tính cách của con, ngược lại chỉ luôn tự hào, khoe khoang có cô con gái xinh đẹp, học giỏi nổi trội.
Tôi trò chuyện với chồng, những mong anh ngồi lại với các thành viên trong gia đình, góp ý để mọi người chỉnh đốn lại em gái út. Tuy nhiên anh phẩy tay, nói tính tôi đàn bà hay để ý vặt. Chỉ cần em học giỏi, khi tốt nghiệp đại học có nghề nghiệp ổn định, tự khắc sẽ làm chủ cuộc đời mình, và sống khỏe với những gì em đang có. Không muốn tình cảm vợ chồng bị rạn nứt bởi yếu tố bên ngoài tác động, tôi từ đó cũng không nhắc đến.
Nhưng đúng là "chạy trời sao cho khỏi nắng", sau khi vợ chồng tôi mua được căn hộ thành phố và em lên ở cùng để học đại học, tôi lại phải giáp mặt em chồng từng ngày từng giờ. Số tiền góp mua căn hộ, ba mẹ chồng "hùn" một nửa. Chính vì điều đó nên tôi không thể không vui vẻ đồng thuận với sự có mặt của em chồng.
Vậy là em về nhà chúng tôi, hồn nhiên như ở chốn không người. Hằng ngày ngoài giờ lên lớp, em chỉ chú tâm vào điện thoại, chát chít với bạn bè mà không có động thái gì hỗ trợ chị dâu việc nhà. Việc cơ quan lâu nay bận bịu, cộng thêm lo toan cho con nhỏ và giờ có thêm "vị khách đặc biệt" này, tôi phải xoay như chong chóng. Lên tiếng mong nhận được sự hỗ trợ từ em, em chỉ ừ hữ cho qua. Đợi đến khi em xắn tay vào giúp có khi còn mệt hơn tự làm gắng cho xong nên tôi không hy vọng gì.
Giờ cao điểm buổi chiều, tôi phải đi chợ, về nhà lo cơm nước giặt giũ và tắm cho con còn em chồng chỉ đóng cửa nghỉ ngơi trong phòng riêng, không mảy may ngó vào làm cùng. Nói em trông cháu giùm, em than mệt, rồi viện lý do cháu nhỏ kén người không bện hơi cô. Xúm vào làm bếp một buổi, em vừa làm vừa ca thán phải tranh thủ hoàn thành tiểu luận trên lớp...
Không dừng lại ở đó, những diễn biến như vậy trong gia đình, em về to nhỏ lại với má chồng tôi theo cách méo mó khiến má chồng quay sang nổi giận với tôi. Những lần vợ chồng con cái về thăm ba má chồng, bà đều đánh tiếng nên "tạo điều kiện" để em tập trung cao nhất cho việc học, nếu thấy việc nhà căng quá thì thuê người làm chứ đừng "bóc lột" em út, hoặc tôi lo chất lượng bữa ăn thế nào mà em càng ngày càng gầy mòn... Má đâu biết chính em không tự chăm sóc sức khỏe bản thân. Em chỉ ăn uống qua quýt rồi cắm mặt thức đêm "cày" phim, chát chít trên mạng xã hội, việc cơ thể ngày càng gầy mòn làm sao tránh khỏi.
Má chồng thay đổi thái độ khi nghe câu chuyện bị bóp méo con gái kể lại trong quá trình chung sống cùng chúng tôi. Ảnh minh hoạ.
Đợt vừa rồi tôi phải đi công tác một tuần. Trong thời gian đó em chồng vẫn về mỗi buổi chiều. Nghĩ em chỉ lười biếng và ỷ lại khi có mặt tôi, còn khi trong nhà không có bàn tay phụ nữ, chắc em cũng sẽ hăng hái xắn tay lên đỡ đần việc nhà. Ai ngờ, trở về, tôi uất ức tột cùng khi nhìn căn nhà ngổn ngang như bãi chiến trường. Rác trong nhà bếp chất đống, bốc mùi hôi thối. Bát đĩa ăn trong tuần dồn lại không rửa, nhiều cái đã đóng cặn. Gõ cửa vào phòng thì thấy quần áo em thay ra vứt vương vãi. Rác từ đồ ăn vặt em dồn vào cái túi nhỏ, cả tuần không mang đi vứt khiến căn phòng bắt đầu bốc mùi chua.
Đợi chồng về, tôi họp gia đình và lên tiếng, bày tỏ những phiền muộn khi nề nếp gia đình trở nên lộn xộn như vậy. Tuy nhiên em chồng tỏ thái độ không tiếp thu, nói nếu tôi còn xét nét kiểu như vậy, em sẽ chuyển ra ở riêng. Chồng tôi lo em gái ở một mình, không có ai bao bọc sẽ gặp nguy hiểm nên lại nhỏ to nói em nên nghĩ lại. Đến nước này thì tôi chán nản tột cùng.
Chuyện đến tai má chồng. Bà ngọt nhạt rằng tôi không biết điều. Nếu ông bà không mạnh tay hỗ trợ việc mua nhà, giờ này vợ chồng tôi vẫn vất vưởng ở trọ chứ đâu có cơ ngơi khang trang như thế này. Giờ có mỗi việc em chồng lên ở cùng mà gây khó dễ. Biết thế bà dồn tiền đầu tư mua nhà cho con gái có cơ ngơi sau này lại hiệu quả và đúng mục đích hơn.
Tôi cảm thấy buồn và ấm ức vô cùng. Có lẽ nếu câu chuyện tiếp túc theo chiều hướng này, tôi sẽ bị dồn ép tới mức stress. Nung nấu ý định tích lũy kinh tế để trả lại số tiền góp mua nhà cho ba má chồng nhưng mãi tôi vẫn chưa thực hiện được, còn tiếp tục dung dưỡng cô em chồng lười biếng ở cùng nhà thì tôi không thể cố hơn được nữa.
Thu Vân
Theo phunuonline.com.vn
Sao phải tiếc nuối người chồng coi ngoại tình như thói quen? Chồng tôi bảo người yêu là đã ly dị vợ, chỉ tạm thời sống chung trong thời gian tôi chưa tìm được chỗ ở mới. Khổ tâm hơn, cô ấy đã có thai với chồng tôi. Tôi thuộc thế hệ 8X đời cuối, năm nay tròn 30. Tôi lập gia đình năm 24 tuổi, bốn năm sau ly hôn, tài sản sau cuộc...