Người đồng tính bị bạo lực bởi chính người thân
Những người đồng tính thậm chí còn bị đánh, trói, bỏ đói, kiểm soát, cô lập, đưa đi điều trị cưỡng bức tại viện tâm thần, ép quan hệ tình dục…
Ở Việt Nam, người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới tính (LGBT) gặp rất nhiều định kiến và kỳ thị của xã hội. Nhiều người trong số họ phải đối mặt với bạo lực ở tất cả các dạng, bao gồm cả bạo lực thể xác, tinh thần, kinh tế và tình dục.
Họ bị bạo lực bởi nhiều người, và nhóm người khác nhau trong xã hội nhưng phổ biến nhất lại bởi chính những thành viên trong gia đình.
Thông tin này được đưa ra tại hội thảo “Bạo lực gia đình trên cơ sở xu hướng tình dục và bản dạng giới” được tổ chức vào ngày 17/8, tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên, một hội thảo về bạo lực gia đình liên quan tới người đồng tính được tổ chức.
Bị “hành hạ” bởi chính người thân
Bà Hoàng Tú Anh, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) cho biết, bạo lực đối với người LGBT là khá phổ biến và với nhiều hình thức khác nhau gồm cả thể xác, tinh thần và tình dục, trong đó bạo lực tinh thần là khá phổ biến, đặc biệt bạo lực tinh thần lại đến từ chính những người thân trong gia đình.
Một số nghiên cứu ở Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, đối với những người LGBT, họ bị cha mẹ và các thành viên trong gia đình dùng nhiều hình thức từ khuyên nhủ nhẹ nhàng đến mắng chửi, lăng mạ, thậm chí, họ còn bị đánh, trói, bỏ đói, kiểm soát, cô lập, đưa đi điều trị cưỡng bức tại viện tâm thần, ép kết hôn, thậm chí ép quan hệ tình dục, gây áp lực bằng việc dọa tự tử…
Video đang HOT
Ảnh minh họa
Để chứng minh, bà Tú Anh trích dẫn một số tâm sự của chính những “người trong cuộc”. Một nam LGBT 31 tuổi ở TPHCM tâm sự “Mẹ tôi không nói gì hết, rồi lặng người đi thẳng một mạch đi vào nhà và cầm cây trên tay lao vào đánh tôi rất nhiều.
Tôi nhớ lần đó mẹ còn kêu chị lấy nước mắm xát vào những chỗ chảy máu trên tay tôi để cho đau mà “chừa cái tội học thói đua đòi làm con gái.
Tôi khóc nhiều lắm và mẹ cũng thế, mẹ than trách bản thân biết vậy hồi đó sao không đẻ ra trứng gà, trứng vịt để có tiền mà xài còn hơn để ra con người như mày, trai không ra trai, gái chẳng phải gái”.
Về trường hợp bố mẹ dọa tự tử, bà Tú Anh dẫn chứng tâm sự một nữ LGBT 21 tuổi ở Hà Nội: “Cách đây mấy tháng, đợt đấy em yêu Thúy… Mẹ em gần như chết đi sống lại và cứ đòi nhảy xuống Hồ Tây tự tử.
Bố mẹ em dẫn em ra Hồ Tây, nói em là hứa và thề, một là cắt đứt quan hệ với bố mẹ, coi như không có gia đình, muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm, hai là phải trở về nhà thành một đứa con gái bình thường”.
Bà Tú Anh cho biết, có nhiều trường hợp người LGBT còn bị ép điều trị tâm thần. “Nói chung là mình cứ phản ứng lại là người ta tiêm cho một liều thuốc là lại lăn ra ngủ, cứ đòi gì, đòi về nhà hay đòi gặp em là người ta lại tiêm thuốc luôn, toàn liều thuốc nặng thôi” (tâm sự của một nữ LGBT, 29 tuổi).
Điều đáng nói là các nghiên cứu cho thấy, các hành vi bạo lực này của gia đình không mang lại kết quả như họ mong muốn, thậm chí còn gây ra những tổn hại nghiêm trọng về thể chất, tinh thần và xã hội cho những người LGBT.
Nhiều người trong số hộ mất đi cơ hội được yêu, mất đi người yêu, thậm chí bị đẩy ra đường, bị quan hệ tình dục không an toàn, bị nhiễm HIV…
Chỉ có 2,49% dám công khai
Ông Lê Quang Bình, Viện nghiên cứu Kinh tế-Xã hội và Môi trường (ISEE) cho biết, cho đến thời điểm này, tuy xã hội đã cởi mở và chấp nhận người đồng tính, lưỡng tính, chuyển đổi giới tính, song việc công khai vẫn là điều vô cùng khó khăn.
Một nghiên cứu ở đồng tính nam cho thấy có tới 34.81% trả lời là gần như bí mật, 32,44% trả lời là hoàn toàn bí mật, 24,96% cho biết lúc thì bí mật, lúc thì công khai. Đối với trường hợp gần như là công khai chỉ có 5,31% và chỉ có 2,49% cho biết là hoàn toàn công khai.
Tại Mỹ, hàng năm có khoảng 50.000- 100.000 đồng tính nữ và 500.000 đồng tính nam là nạn nhân của bạo lực.
Theo nghiên cứu gần đây của TS Suzana Rose, Trung tâm Nghiên cứu Phòng chống Bạo lực với phụ nữ, Đại học Missouri, TP Saint Louis, Hoa Kỳ, có khoảng 17%-45% người đồng tính nữ là nạn nhân của ít nhất là một dạng bạo lực về thể chất do bạn tình gây ra.
Con số nạn nhân bị bạo lực tình dục chiếm 50%, bạo lực tinh thần từ 24-90%.
Ông Bình cho biết thêm, hầu hết những người khi người thân của mình “có vấn đề về giới tính” đều có cảm xúc: kinh ngạc, chối bỏ, thất vọng, tức giận hoảng sợ và mất mát. Một điều tra cho thấy ở Việt Nam, 77% người được hỏi nói rằng họ sẽ rất thất vọng nếu con họ là người đồng tính.
“Đây chính là nguyên nhân khiến những người đồng tính, lưỡng tính không dám công khai thừa nhận”, ông Bình nói. “Chính việc không nhận được sự chia sẻ nên nhiều người đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới rơi vào bi kịch. Họ cảm thấy cô độc, trầm cảm, sử dụng thuốc gây nghiện, tự tử, bỏ nhà, mại dâm, học hành kém, tự kỳ thị…”.
Các chuyên gia cho biết, việc giảm bạo lực cho những người LGBT là điều cần phải được quan tâm.
Hiện, Luật phòng chống bạo lực gia đình ở Việt Nam vẫn chưa nhắc đến nhóm những người LGBT vì thế điều quan trọng lúc này cần phải có những chương trình truyền thông sâu rộng, các dịch vụ hỗ trợ về tâm lý, sức khỏe, việc làm, giám dục, pháp lý cho người LGBT…
Bà Nguyễn Vân Anh, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng KH về giới- gia đình-phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) cho biết, từ năm 2009, CSAGA có thực hiện chương trình tư vấn (điện thoại, mail, trực tiếp) cho đồng tính nữ. Kết quả cho thấy, chương trình đã tạo ra được hiệu quả tốt.
Ví dụ, trong một trường hợp chị gái phát hiện em gái mình đang “âu yếm” một cô gái khác và có ý định mang em gái đi chạy chữa, sau khi được tư vấn đã hiểu và đồng cảm với em gái hơn. Trong một trường hợp khác, một người đồng tính bị chồng ép quan hệ tình dục, bị bố mẹ gây bạo lực về tinh thần, sau khi được tư vấn đã quyết định sống thật với bản thân, ly hôn và lên kế hoạch lộ diện với gia đình để tránh những áp lực căng thẳng về tinh thần.
Theo Alo