Người đội mũ sừng bò ở Đồi Capitol tuyệt thực trong nhà giam
Jake Angeli, người đội mũ sừng bò bị bắt sau bạo loạn ở Đồi Capitol, không ăn gì vài ngày qua vì nhà giam không cung cấp bữa ăn “hữu cơ”.
Jake Angeli, 32 tuổi, ở bang Arizona, tên thật là Jacob Anthony Chansley, đã ra tòa liên bang ở thành phố Phoenix hôm 11/1, sau khi đầu thú với Cơ quan Điều tra Liên bang ( FBI) hôm 9/11. Chansley nằm trong đám đông ủng hộ Tổng thống Donald Trump tràn vào gây rối ở Đồi Capitol hôm 6/1, khi các nghị sĩ chuẩn bị xác nhận chiến thắng bầu cử của Joe Biden. Vụ bạo loạn khiến ít nhất 5 người thiệt mạng, trong đó có một cảnh sát Đồi Capitol.
Jacob Anthony Chansley (chính giữa) cùng những người ủng hộ Trump xâm nhập tòa nhà quốc hội Mỹ hôm 6/1. Ảnh: AFP .
Gerald Williams, luật sư biện hộ của Chansley, nói với tòa án rằng thân chủ của mình từ chối ăn trong trại giam vì lý do tôn giáo hoặc sức khỏe. Ngoài tòa án, Martha Chansley, mẹ của anh này, giải thích với các phóng viên rằng con trai bà “sẽ bị ốm nếu không được ăn thực phẩm hữu cơ”.
“Nó cần được ăn. Tôi thực sự cần nói chuyện với con trai tôi”, bà Martha nói.
Thẩm phán Deborah Fine đã hướng dẫn luật sư Williams giải quyết vấn đề ăn uống với văn phòng cảnh sát trưởng Mỹ. “Chansley cần ăn,” bà nói.
Chansley bị bắt với cáo buộc cố tình xâm nhập và ở lại trong khu vực cấm trái phép, xâm nhập bạo lực và gây rối trật tự tại Đồi Capitol. Anh thu hút sự chú ý của dư luận trong vụ bạo loạn sau khi được chụp ảnh cởi trần, mặt vẽ màu cờ Mỹ, đội chiếc mũ lông gắn sừng bò đứng ở bàn chủ tọa của Phó tổng thống Mike Pence tại phòng họp Thượng viện Mỹ.
Chansley cho biết mình tới Washington cùng “những người yêu nước” khác từ Arizona theo lời kêu gọi của Trump. Bà Martha bênh vực việc con trai tham gia vào vụ bạo loạn ở nhà quốc hội.
“Phải rất dũng cảm mới trở thành một người yêu nước và đứng lên vì những gì mà bạn tin tưởng. Không phải ai cũng muốn làm người đi đầu”, bà nói, mô tả con trai là “một trong những người dịu dàng nhất mà tôi biết”.
Jacob Anthony Chansley tạo dáng tại phòng họp của Thượng viện Mỹ, ngày 6/1. Ảnh: Twitter/stevennelson10.
Khi từ Washington quay về Arizona, Chansley nói với NBC rằng anh không làm gì sai. “Tôi chỉ đi qua một cánh cửa mở”, anh nói.
Nhiều người ủng hộ Trump đã nhanh chóng thúc đẩy cáo buộc rằng phong trào cánh tả Antifa và Black Lives Matter (BLM) đứng sau vụ tấn công. Tuy nhiên, Chansley đã lên Twitter tuyên bố anh là “một chiến binh Qanon và kỹ thuật số”, “tuần hành cùng cảnh sát và chiến đấu chống lại BLM và Antifa ở Phoenix”.
Chansley từng nhiều lần xuất hiện tại các sự kiện ủng hộ Trump ở Phoenix và đội chiếc mũ đầu bò nổi bật.
Trump lệnh treo cờ rủ tưởng nhớ cảnh sát chết vì bạo loạn
Trump ra lệnh treo cờ rủ ở Nhà Trắng để tưởng nhớ hai sĩ quan cảnh sát Đồi Capitol thiệt mạng trong vụ bạo loạn ở tòa nhà quốc hội.
"Nhằm thể hiện trân trọng với cống hiến và hy sinh của hai cảnh sát Brian D. Sicknick và Howard Liebengood, cùng toàn thể đơn vị cảnh sát Đồi Capitol và lực lượng hành pháp khắp đất nước vĩ đại này, bằng thẩm quyền được trao với tư cách là Tổng thống Mỹ theo Hiến pháp và luật pháp Mỹ, tôi ra lệnh treo cờ rủ tại Nhà Trắng và trên tất cả các tòa nhà và khu vực công cộng, tại tất cả các đơn vị quân sự và căn cứ hải quân, trên tất cả các tàu hải quân của chính phủ liên bang ở Đặc khu Columbia và trên khắp nước Mỹ cũng như các vùng lãnh thổ cho đến khi mặt trời lặn ngày 13/1", tuyên bố từ Tổng thống Donald Trump có đoạn.
Động thái trên diễn ra vài ngày sau khi cảnh sát Đồi Capitol thông báo sĩ quan Sicknick thiệt mạng do chấn thương khi làm nhiệm vụ ứng phó với người biểu tình tại tòa nhà quốc hội Mỹ hôm 6/1. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã ra lệnh treo cờ rủ tại tòa nhà quốc hội Mỹ để tưởng nhớ Sicknick hôm 8/1.
Sĩ quan cảnh sát Đồi Capitol Mỹ Brian D. Sicknick. Ảnh: AP .
Cảnh sát quốc hội Mỹ ngày 10/1 thông báo sĩ quan Liebengood, 51 tuổi, cũng thiệt mạng vì vụ bạo loạn, dù hôm đó ông không được phân công làm nhiệm vụ. Nguyên nhân cái chết của ông chưa được công bố.
Hơn 50 cảnh sát Đồi Capitol và Washington bị thương, trong đó một số người nhập viện, sau khi hàng trăm người ủng hộ Trump tràn vào tòa nhà quốc hội Mỹ nhằm cản trở phiên họp xác nhận kết quả bầu cử tổng thống. Họ đối đầu với cảnh sát, đập phá một số trang thiết bị và lấy cắp nhiều tài sản trong tòa nhà.
Sự cố khiến cuộc họp của quốc hội phải tạm dừng, trong khi các nghị sĩ tìm nơi ẩn nấp hoặc được sơ tán.
Sau vụ bạo loạn, Sicknick đã quay lại văn phòng của đơn vị mình và bất tỉnh. Anh được đưa tới bệnh viện và qua đời. Văn phòng công tố viên Mỹ cho biết sẽ mở cuộc điều tra liên bang về cái chết Sicknick. Cảnh sát Đồi Capitol đã gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình và bạn bè cả anh.
Ngoài hai cảnh sát, 4 người biểu tình cũng thiệt mạng sau sự việc, trong đó có một phụ nữ bị bắn khi cố xâm nhập vào khu vực được bảo vệ trong tòa nhà quốc hội.
Đám đông bạo loạn 'ép bẹp' cảnh sát quốc hội Mỹ. Video: Status Coup/Jon Farina .
Cảnh sát trưởng Đồi Capitol Steven Sund đã lên án đám đông "hung hăng tấn công" cảnh sát bảo vệ tòa nhà quốc hội cùng các nhân viên hành pháp bằng ống tuýp, xịt hơi cay và các vũ khí thô sơ khác. Ông cho hay cảnh sát đã lên kế hoạch đối phó một cuộc biểu tình ôn hòa, nhưng không lường trước được đám đông ủng hộ Trump sẽ tấn công bạo lực vào tòa nhà quốc hội.
"Vụ bạo loạn này không giống bất kỳ sự việc nào mà tôi từng chứng kiến suốt 30 năm làm việc trong ngành hành pháp", ông nói.
Sund tuyên bố sẽ từ chức vào ngày 16/1 theo lời kêu gọi của bà Pelosi.
Thực hư thông tin cảnh sát dẹp loạn bạo động ở đồi Capitol thiệt mạng Giám đốc truyền thông của Cảnh sát đồi Capitol bác thông tin nói một cảnh sát thiệt mạng sau khi tham gia bảo vệ tòa nhà Quốc hội Mỹ trong cuộc bạo loạn hôm 6/1. "Các báo cáo của phương tiện truyền thông liên quan tới cái chết của một sỹ quan thuộc lực lượng Cảnh sát đồi Capitol là không chính xác....