Người di cư tìm đường hợp pháp đến Mỹ sau khi Điều khoản 42 kết thúc
Hôm 12/5, Tổng thống Mexico đã kêu gọi những người muốn nhập cư Mỹ cần kiên nhẫn, đồng thời cho biết dòng người di cư đã giảm trong khi không có xung đột hay bạo lực ở biên giới.
Người di cư chờ xét duyệt bên ngoài Cơ quan kiểm soát biên phòng Mỹ, sau khi vượt qua biên giới Mexico vào El Paso, bang Texas (Mỹ), ngày 9/5/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Những người di cư đến Mỹ đang có xu hướng tìm con đường nhập cư hợp pháp, trong bối cảnh Điều khoản 42 – chính sách hạn chế người di cư từ Mexico sang Mỹ để ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch COVID-19 chính thức hết hiệu lực.
Trước đó, nhiều chính trị gia tại Mỹ đã dự báo tình trạng số lượng người di cư tăng vọt sau khi Điều khoản 42 được dỡ bỏ. Tuy nhiên, đến nay, dự báo trên vẫn chưa thành hiện thực dù trước ngày 11/5 khi Điều khoản 42 hết hiệu lực, hàng nghìn người đã tìm cách vượt biên giới Mexico sang Mỹ.
Video đang HOT
Chính phủ Mỹ đã thay Điều khoản 42 bằng quy định mới có hiệu lực từ ngày 10/5, theo đó những người di cư qua các nước khác mà không nhận được sự bảo hộ ở một nước trước hoặc không sử dụng các con đường hợp pháp để nhập cảnh Mỹ sẽ không đủ điều kiện để cấp quy chế tị nạn.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Alexander Mayorkas cho biết quy định mới đặt ra biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn hơn đối với người di cư bất hợp pháp. Nếu bị bắt cũng như không đủ điều kiện xin tị nạn, họ có thể bị trục xuất và cấm nhập cảnh Mỹ trong 5 năm.
Những người muốn nhập cư phải đăng ký qua ứng dụng điện thoại thông minh có tên CBP One, hoặc các trung tâm Mỹ chỉ định ở Colombia, Guatemala và các quốc gia khác.
Cơ quan nhập cư quốc gia cũng đã yêu cầu các văn phòng ngừng cấp giấy phép quá cảnh qua Mexico cho người di cư nhằm hạn chế tình trạng vượt biên trái phép, song giới quan sát cảnh báo những thay đổi như vậy có thể gây sức ép cho các nước khác như Colombia và Guatemala, trong khi nguy cơ về nạn buôn người vẫn tồn tại.
Trước đó Washington đã cam kết cho phép lượng đăng ký di cư tối đa mỗi ngày là 1.000 lượt.
Ngày 12/5, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đã kêu gọi những người muốn nhập cư Mỹ cần kiên nhẫn, đồng thời cho biết dòng người di cư đã giảm trong khi không có xung đột hay bạo lực ở biên giới.
Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard cho biết 26.500 người di cư đang chờ đợi tại các thành phố gần biên giới để làm thủ tục.
Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ ra tuyên bố chung về vấn đề di cư
Ngày 10/6, lãnh đạo 20 nước tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) lần thứ 9 diễn ra ở thành phố Los Angeles (Mỹ) đã cam kết phối hợp trong vấn đề di cư, tìm cách thúc đẩy hành động cho vấn đề đang ngày càng nhận được ưu tiên chính trị này.
Lãnh đạo các quốc gia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) lần thứ 9 ở thành phố Los Angeles (Mỹ), ngày 10/6/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuyên bố chung kêu gọi đảm bảo an toàn và quyền lợi chính đáng cho tất cả người di cư và kêu gọi các lực lượng hành pháp và tình báo phối hợp chặt chẽ hơn để ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp. Tuy nhiên, cam kết này được đánh giá chỉ hợp thức hóa những thỏa thuận đã có chứ không có thêm những đột phá.
Điểm nhấn trong cam kết lần này là việc Mỹ khẳng định tiếp tục đẩy mạnh hành động. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng lên tiếng ủng hộ nhập cư hợp pháp, tuyên bố khoản hỗ trợ khoảng 65 triệu USD để ủng hộ việc tuyển dụng người nhập cư làm việc hợp pháp theo thời vụ tại các nông trang ở Mỹ. Ông kiên quyết phản đối nhập cư bất hợp pháp, hành động mà ông nhấn mạnh là nguy hiểm, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ đảm bảo an ninh biên giới thông qua những biện pháp sáng tạo và có sự phối hợp với các đối tác trong khu vực.
Có mặt tại hội nghị, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard đã đánh giá tích cực về một số kết quả đạt được, trong đó có những lời kêu gọi từ Tổng thống Mỹ Joe Biden về hợp tác kinh tế và tìm cách ứng phó chung toàn khu vực với tình hình di cư. Với đường biên giới dài giáp Mỹ, Mexico là tuyến trung chuyển cuối của người di cư trước khi đến Mỹ.
Làn sóng di cư từ Trung Mỹ và Haiti tới Mỹ liên tục dâng cao trong thời gian qua, chủ yếu là những người tìm cách thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực, bạo lực gia tăng và các thảm họa thiên nhiên ngày càng tồi tệ do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nước này sẽ hỗ trợ tái định cư 20.000 người di cư hợp pháp từ châu Mỹ trong vòng 2 năm tới.
Camera sử dụng AI tại biên giới Mỹ có thể phát hiện mục tiêu xa hàng km Ngày 4/4, tờ The Guardian đưa tin các camera sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại các tháp canh ở biên giới miền Nam nước Mỹ có thể phát hiện các mục tiêu đáng chú ý từ cách xa hàng km. Nhiều ý kiến cho rằng điều này có thể khiến những người di cư bất hợp pháp tìm đường đi vào...