Người đi bộ: “Phương tiện” nguy hiểm
Ở nước ta, trong các vụ tai nạn giao thông, lỗi thường được “đổ lên đầu” các phương tiện lớn. Ô tô và xe máy va chạm: Lỗi của ô tô. Người đi bộ đâm vào xe máy: Lỗi của… xe máy.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2012, có đến 32% số vụ tai nạn giao thông dẫn đến thương vong liên quan đến người đi bộ. Trong số đó, nhiều nạn nhân là người đi bộ, và cũng không ít trường hợp, nạn nhân lại là người đi “xe to”. Thống kê cho thấy người đi bộ gây ra sự cố trên đường chỉ sau xe máy và xe tải.
Năm 2004, tại TP HCM, một cô gái, trong lúc lúc băng qua đường trên cầu Ông Lãnh đã va chạm với một chiếc xe máy đang lưu thông. Người điều khiển xe ngã xuống mặt đường, chấn thương sọ não và chết trên đường đi cấp cứu.
Gần đây hơn, vào năm 2009, một nữ sinh viên cao đẳng tại Hưng Yên đã ngang nhiên… trèo qua hàng rào phân cách để sang đường. Một chiếc xe máy trờ tới, người điều khiển xe không kịp xử lý đã lao xe vào lề đường, tử vong.
Cả hai người người đi bộ này đều đã phải nhận những bản án cho riêng mình. Nhưng đây chỉ là hai trường hợp cá biệt. Trên thực tế, không ít vụ tai nạn được gây ra bởi loại “phương tiện” an toàn (theo lý thuyết) này, nhưng con số bị xử lý chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Leo qua dải phân cách bất chấp nguy hiểm (Ảnh: Lao động)
Nhanh một giây có thể chậm cả đời (Ảnh minh họa: Kiến thức)
Chẳng hề khó khăn để thấy cảnh sang đường tùy tiện. Bất kể ở đâu, từ quốc lộ, tỉnh lộ, đến đường nội thành, nội thị đông đúc… đâu đâu cũng thấy cảnh đi bộ tùy tiện. Không là “rẽ dòng xe cộ” hoặc “leo qua dải phân cách” để sang đường, thì cũng là đi dưới lòng đường, đi không đúng vạch sơn, vượt đèn đỏ…
Những người đi bộ tùy tiện có lý riêng của họ. Bà A không biết là có cả luật dành cho người đi bộ. Ông B ngạc nhiên với cái gọi là “Tuần lễ an toàn cho người đi bộ”. Chị C, anh D biết luật, nhưng không bị phạt bao giờ nên cứ nghĩ là luật chỉ để cho… đầy đủ. Thế nên vẫn tồn tại muôn ngàn kiểu tùy tiện của đi bộ.
Tuy vậy, không phải tất cả những người đi bộ sai luật đều là do cố tình hoặc coi thường pháp luật. Họ đi dưới lòng đường vì vỉa hè bị hàng nước, hàng ăn, hàng quần áo, hàng gửi xe, hàng xe ôm… chiếm mất. Có những chỗ không có cả… vỉa hè để đi. Chưa kể, những lúc tắc đường, xe máy, xe đạp cũng phi cả lên vỉa hè, dù đôi chỗ gồ ghề, vướng víu. Hay trường hợp, cả đoạn đường dài mà chẳng có lấy một chỗ cho người đi bộ. Khi ấy, ai thông cảm với họ?
Liều mạng qua đường bất kể dòng phương tiện đang lao ầm ầm (Ảnh: Văn Đức)
Ủy ban ATGT Quốc gia kêu gọi hưởng ứng tuần lễ “An toàn cho người đi bộ” trên cả nước. Người đi bộ sai luật sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. Cảnh sát giao thông bối rối: Nếu phát hiện một người đi bộ vi phạm quy định, họ cũng rất khó xử phạt.
Cũng phải! Đi bộ, thường là đi gần, chẳng hạn như đi từ nhà ra chợ, từ nhà ra bên xe buýt, từ nhà mình sang nhà hàng xóm, thậm chí là từ nhà ra công viên để tập thể dục… Đi gần, và lại đến những nơi như thế, mấy ai mang theo giấy tờ và tiền để mà… nộp phạt, ghi biên bản?
Video đang HOT
Chưa kể, có người, bị CSGT tuýt còi, họ không hợp tác mà lẳng lặng bỏ đi hoặc tháo chạy. Lúc đó, CSGT cũng không thể đuổi theo giữ họ lại. Họ không phải là tội phạm.
Trong 2 ngày đầu tiên hưởng ứng “Tuần lễ An toàn cho người đi bộ lần thứ II”, tại Hà Nội, đã có 36 người đi bộ bị xử phạt vì vi phạm luật giao thông. Và, những trường hợp này đều rất tự giác xuất trình giấy tờ tùy thân và nộp tiền phạt.
Nói về tình trạng người dân đi bộ tùy tiện, gây ra những vụ tai nạn đáng tiếc, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) ví von: “Người đi bộ lên ngôi vương khi tham gia giao thông”. Theo ông, tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân là đúng. Song, công tác này tuy đã được thực hiện nhiều năm nay, song hiệu quả chỉ như muối bỏ biển. TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, phải có bước đột phá từ khâu quản lý, tình trạng đi bộ tùy tiện mới có thể cải thiện rõ rệt được.
Theo 24h
Phạt người đi bộ sai luật: Không lẽ rượt đuổi
Vì sao nhiều người đi bộ vẫn phớt lờ quy định pháp luật và ngang nhiên vi phạm giao thông?
Ủy ban ATGT Quốc gia đang kêu gọi hưởng ứng tuần lễ "An toàn cho người đi bộ" bắt đầu từ 6/5 đến 12/5 tại 63 tỉnh thành trên cả nước.
Cơ quan này cũng yêu cầu lực lượng CSGT tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM hưởng ứng chương trình này bằng việc tăng cường kiểm soát, nhắc nhở, thậm chí xử phạt đối với người đi bộ vi phạm giao thông.
Tại Hà Nội, sau 2 ngày, mặc dù chưa có thông tin từ Phòng CSGT về việc thực hiện những hoạt động hưởng ứng tuần lễ này, nhưng theo quan sát của chúng tôi, người đi bộ vi phạm giao thông vẫn nhiều vô kể.
Nhiều người tỏ ra phớt lờ với quy định này và không hề biết có tuần lễ "An toàn cho người đi bộ". Một số khác còn không biết về việc từ lâu đã có quy định xử phạt người đi bộ vi phạm giao thông.
Khi được hỏi, một số CSGT cho biết, nếu phát hiện một người đi bộ vi phạm quy định, lực lượng này cũng rất khó xử phạt. Nếu người đó không chấp hành và bỏ đi, CSGT cũng không thể đuổi theo giữ họ lại.
Một chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ tại ngã tư Thái Hà - Chùa Bộc cho biết, phần lớn người đi bộ hiện nay đều ít để ý đến quy tắc đảm bảo an toàn giao thông. Người dân vi phạm quy định, lực lượng CSGT mới chỉ nhắc nhở là chính.
Nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là do ý thức của người dân. Dù có nghị định về việc xử phạt người dân qua đường sai quy định, tuy nhiên theo cán bộ này, việc xử phạt rất khó bởi nhiều người dân đi bộ qua đường thường không hợp tác.
Cán bộ này cho rằng đơn giản vì người ta không mang theo giấy tờ, tiền bạc nào theo người cả. Có những người đi thể dục, đi dạo mát, chỉ mặc mỗi quần đùi áo phông. Bởi vậy CSGT không có cách nào để xử phạt, đành nhắc nhở rồi cho đi.
"Người ta vi phạm hành chính chứ có vi phạm hình sự đâu. Không lẽ giữ người ta lại?" - Cán bộ này nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, chiều hôm qua, tại nhiều điểm cầu vượt sang đường, ngã tư, người dân đi bộ qua đường vẫn "vô tư" vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Có mặt tại điểm cầu vượt ngã tư Thái Hà - Chùa Bộc trong vòng 15 phút, chúng tôi chứng kiến hàng chục trường hợp đi bộ sang đường sai quy định. Dù tại đây vẫn có CSGT làm nhiệm vụ, người đi bộ qua đường vẫn "phớt lờ" quy định, đi không đúng vạch kẻ sơn trên đường.
Khi được hỏi về quy định xử phạt người đi bộ sang đường không đúng nơi quy định, Nguyễn Văn Quang, sinh viên năm 2, Học viện Ngân hàng tỏ ra ngạc nhiên: "Mình không biết đến luật xử phạt người đi bộ qua đường sai quy định. Khi sang đường, tiện chỗ nào thì mình qua chứ ít khi để ý đến vạch sơn trên đường".
Tại nhiều điểm cầu vượt dành cho người đi bộ qua đường gần trường Đại học Thủy lợi, Học viện Ngân hàng, ngã tư Phạm Ngọc Thạch - Lương Định Của, nhiều người dân vẫn thản nhiên qua đường, không hề để ý đến đèn báo tín hiệu giao thông, vạch sơn trên đường.
Ông Lương Mạnh Hải (45 tuổi, ở Khương Đình, Quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Khi đi bộ, ông ít để ý đến vạch kẻ sơn trên đường. Thấy chỗ nào thoáng là ông sang chứ không nghĩ đến chuyện đi đúng vạch sơn dành cho người đi bộ.
"Nhiều lần tôi qua đường sai quy định tại ngã tư mà có thấy ai xử phạt đâu. Lâu ngày thành quen, tôi cũng không để ý đến nữa", ông Hải nói.
Theo một cán bộ CSGT nhiều năm làm nhiệm vụ trên đường tại Hà Nội, lỗi mà người đi bộ thường gặp nhất là "không đi đúng phần đường quy định" và "không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường".
Lỗi này một phần do thói quen của nhiều người Việt Nam còn "luộm thuộm" trong việc tham gia giao thông. Nhiều người cứ ngang nhiên đi giữa lòng đường, qua đường không đi theo vạch trắng dành cho người đi bộ. Nhiều người "cậy" mình đi bộ, dễ tránh né nên không cần quan sát đèn tín hiệu giao thông.
Tuy nhiên, cán bộ này nhấn mạnh, một nguyên nhân khiến người đi bộ buộc phải vi phạm "không đi đúng phần đường quy định", đi xuống lòng đường bởi vì nhiều tuyến phố tại Hà Nội không có vỉa hè.
Nhiều đoạn vỉa hè bị các gia đình có nhà mặt phố lấn chiếm mở hàng quán, làm bãi trông giữ xe. Nhiều đoạn bị hàng rong lấn chiếm. Có nơi, vỉa hè trước cổng UBND phường, công an phường cũng được sử dụng vào mục đích kinh doanh.
Do vậy, người đi bộ không có lối đi đành phải tràn xuống lòng đường.
Một số hình ảnh người đi bộ qua đường vi phạm luật giao thông đường bộ:
Tại ngã tư Thái Hà - Chùa Bộc, người đi bộ thản nhiên qua đường sai quy định
Nhiều học sinh, sinh viên vẫn không đi đúng vào vạch sơn dành cho người đi bộ
Người dân qua đường lộn xộn tại chân cầu vượt Thái Hà
Học sinh "vô tư" qua đường mà không để ý đến vạch kẻ sơn
Vượt đèn đỏ, hai học sinh này bị kẹt giữa dòng phương tiện đông đúc
Liều mạng qua đường bất kể dòng phương tiện đang lao ầm ầm
Bối rối khi có quá nhiều phương tiện lao tới
Một số người còn không đi trên cầu dành cho người đi bộ nằm ngay sát đó
Thản nhiên chặn phương tiện để đi qua đường
Người dân qua ngã tư mà không hề bị lực lượng cảnh sát xử phạt
Điều 12. Nghị định 34 từ năm 2010 đã quy định: 1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng đối với người đi bộ có một trong các hành vi vi phạm sau đây: - Không đi đúng phần đường quy định; - Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; - Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông. 2. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: - Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; - Vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn; - Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy. 3. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. Riêng trong khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương, Điều 46 Nghị định 71 quy định: Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với người đi bộ vi phạm: - Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; - Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với người đi bộ vi phạm: - Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; - Vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn; - Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.
Theo 24h
Cấm cán bộ xin xỏ khi vi phạm Luật Giao thông Nghiêm cấm cán bộ, công chức ngành giao thông can thiệp vào việc xử phạt của lực lượng chức năng khi vi phạm luật giao thông (Ảnh minh họa) Ngày 3/4, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có chỉ thị số 03/CT-BGTVT nghiêm cấm cán bộ, công chức bộ này can thiệp vào việc xử phạt của các lực lượng chức...