Người đem tiền tỷ “rãi” lên rừng, nuôi thứ lợn hương ngon đáo để
Đang ổn định, có thu nhập tốt khi bán vật liệu xây dựng và kinh doanh vận tải, phân bón, vật tư nông nghiệp, bỗng dưng chị Lý Thị Nga trú tại tổ Xuân Đại, thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng lại quyết định mở rộng sang lĩnh vực chăn nuôi, trồng cây ăn quả và trồng rừng với mức đầu tư lên đến cả chục tỷ đồng.
Quyết định đó đã vấp phải không ít sự ngăn cản từ phía gia đình, người thân và bè bạn.
Làm bạn với rừng
Đồi Vằng Rằng, xóm Yên Luật của huyện Hà Quảng không chỉ mênh mang gió, mà còn mênh mang cả những khát vọng vun trồng về một tương lai thương hiệu thực phẩm sạch của Hợp tác xã (HTX) Thắng Lợi. Ngồi trò chuyện về nghiệp nhà nông với chị Nga, PV Báo điện tử DANVIET.VN mới cảm nhận được ý chí, quyết tâm của người phụ nữ này về thực hành nông nghiệp tốt. Cái cách chị Lý Thị Nga say sưa, mộc mạc giãi bày đủ để truyền lửa niềm tin sang người đối diện.
Chị Lý Thị Nga chăm sóc đàn lợn hương và lợn rừng tại trang trại.
Là người con dân tộc Nùng, gia đình có truyền thống làm nông, với chị Nha, dường như tất cả những gì liên quan đến nông nghiệp, đến rừng đều có thể khơi dậy cảm hứng. Chị bảo, làm gì cũng khó, cũng vất vả cả nhưng khi đã đam mê, có cảm hứng rồi thì những khó khăn vất vả ấy dường như sẽ tự tiêu tan hết.
Được thành lập năm 2009 với 7 thành viên, năm 2016 HTX Thắng Lợi của chị Nga chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới theo luật HTX năm 2012, chủ yếu làm nông nghiêp; chăn nuôi lợn, gà và trồng cây ăn quả, trồng rừng với mức đầu tư 14 tỷ đồng. Chị Nga cho biết, thời điểm nhiều, HTX có trên 300 con lợn đen, lợn hương và hơn nghìn cây ăn quả các loại.
Những chú lợn hương với vóc dáng, màu lông bắt mắt này rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Tại HTX Thắng Lợi, lợn rừng con được chăm sóc kỹ lưỡng nên tất thảy đều có bộ lông óng mượt.
Chị Nga tiết lộ với PV Báo điện tử DANVIET.VN rằng, tuy lợn đen, lợn hương bản địa và lợn rừng trọng lượng không được nặng, tầm vóc không được to, cao như lợn trắng lai nhưng giá thành lại cao hơn rất nhiều lần.
Video đang HOT
Toàn cảnh trang trại chăn nuôi lợn rừng, lợn bản địa của HTX Thắng Lợi.
HTX Thắng Lợi có cả một vạt rừng mênh mông xanh thẳm với 14ha trong đó có 1,2ha trồng cây ăn quả, 8ha quản lý bảo vệ rừng, còn lại là trồng keo và các loại cây phục vụ chăn nuôi khác. Chị Nga bảo, để có được trang trại này, chị đã phải vượt qua rất nhiều lời khuyên, sự ngăn cản. Bản thân chị cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Sở dĩ chị vẫn quyết định theo đuổi ước mơ trang trại chăn nuôi là vì chị có niềm tin, tin vào những sản phẩm nông nghiệp sạch sẽ có được chỗ đứng trên thị trường.
Trước đó HTX có nuôi lợn trắng, tuy nhiên thời điểm HTX phát triển đàn lợn này thì giá lợn trắng rơi vào khủng hoảng và tụt dốc “không phanh”. Giám đốc HTX Lý Thị Nga nhận định, về thương mại miền núi sẽ khó theo kịp miền xuôi nên đã quyết định đầu tư theo hướng chăn nuôi lợn, gà đặc sản quê với con lợn đen, lợn hương, lợn rừng và gà Mông đen.
Ngày ngày người ta thấy chị Nga cùng các thành viên khăn gói lên rừng, đúng chất những người nông dân thực thụ, có khác chăng là ở cách nghĩ, cách làm và khát vọng biến đất cằn thành mật ngọt, hiện thực hóa ước mơ mang những thực phẩm sạch trên quê hương Cao Bằng đến với người tiêu dùng thông minh.
Với chị, rừng là mẹ, là bạn, là ân nhân, là máu thịt. Mỗi sáng thức dậy, chỉ cần được thấy màu xanh của rừng đã là được tiếp thêm năng lượng cho sáng tạo và lao động sản xuất. Nhìn trang trại đang từng bước đổi thay, nhìn mười mấy hecta rừng cây xanh thẫm chị phấn chấn lắm. Chị Nga bảo, những khi bế tắc, ngồi dưới những tàng cây mà ngẫm nghĩ chừng cũng được thông suốt, thấu đáo hơn.
Phận nữ nhi mà gan “Đội đá vá trời”
Riêng việc mở rộng sang lĩnh vực nông nghiệp đã là một câu chuyện đầy gian nan. “Tôi đã vấp phải rất nhiều sự can ngăn của cả người thân và bè bạn. Nếu không đủ niềm tin, không đủ yêu thương với núi rừng, với nông nghiệp chắc cũng ngả nghiêng rồi. Vì dù sao trước đó mình kinh doanh đã, đang rất ổn định. Trong khi mô hình trang trại chưa biết thế nào mà mức đầu tư theo tính toán đã lên đến 14 tỷ đồng”, chị Nga chia sẻ với PV Báo điện tử DANVIET.VN.
Trong làm ăn không phải khi nào cũng thuận lợi. HTX Thắng Lợi cũng không phải trường hợp ngoại lệ. “Năm 2017, khi HTX liên kết với người dân xã Cải Viên và Vân An của huyện Hà Quảng, đầu tư con giống cho bà con. Năm đó giá lợn đen rất cao, tuy nhiên thương lái Trung Quốc đã nhảy vào mua sạch của bà con khiến HTX lao đao…”, chị Lý Thị Nga nhớ lại.
Cũng năm 2017, HTX Thắng Lợi đứng trước nguy cơ phá sản vì đầu tư nhiều mà thu không được. Trước tình thế tiến thoái lưỡng nan ấy, chị Nga đã quyết định bán đi mảnh đất 20m mặt đường và một căn nhà 3 tầng có diện tích 250m2 để vực lại. Các thành viên và người lao động cũng hết sức tin tưởng, ủng hộ, sẵn sàng chấp nhận chậm lương và thế chấp tài sản giúp củng cố lại HTX. Hiện nay HTX cũng đang gặp nhiều khó khăn do các hộ liên kết chăn nuôi lợn trên địa bàn đang bị dịch tả lợn châu Phi hoành hành.
Khi chúng tôi lên, toàn bộ khu vực đồi Vằng Rằng đang “cấm trại”. Tất cả đều phải thực hiện hết sức nghiêm ngặt bởi đó là xương máu, là vốn liếng, tâm huyết, là nơi đang ươm mầm khát vọng mang thực phẩm sạch bản địa Cao Bằng vươn cao, vươn xa.
Khu vực nuôi giun quế tại trang trại của HTX Thắng Lợi.
Để tăng thêm nguồn đạm cho vật nuôi, chị Lý Thị Nga đã nuôi thêm giun quế.
Với con lợn hương, lợn đen bản địa phải nuôi 1 năm tuổi mới xuất, chính bởi đó chi phí đầu vào sẽ cao hơn nhiều so với lợn trắng (3-4 tháng đã xuất). Để giải quyết vấn đề này chị Nga đã phát triển mô hình nuôi giun quế để đảm bảo cung cấp đạm cho lợn. Trao đổi với PV Báo điện tử DANVIET.VN, chị Nga thổ lộ: “Nuôi giun quế không những đảm bảo nguồn đạm cho vật nuôi, tạo nên thực phẩm sạch không tăng trọng mà ngay phân giun cũng tận dụng được vào rất nhiều việc”.
Theo chị Nga, thời điểm hiện nay là thích hợp nhất cho việc mua ngô cất giữ để chăn nuôi lợn. Việc chăn lợn bằng ngô thay thế cám tăng trọng chính là sự khác biệt của thực phẩm sạch của HTX Thắng Lợi. Chị Nga cho biết, ngô hay bị mối mọt, mua với số lượng lớn sẽ có nguy cơ hỏng không sử dụng được. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm dân gian cùng với sự tìm tòi, chị đã tìm ra giải pháp khắc phục.
“Để chống mọt, chúng tôi đem lá bưởi băm nhỏ phơi cùng ngô rồi cho vào túi nilon, lồng bên ngoài là vỏ bao đựng phân đạm không giặt. Chính nhờ cách làm này mà ngô dự trữ của chúng tôi hầu như không bị mọt bao giờ”, chị Nga tiết lộ bí quyết trữ ngô hạt với PV Báo điện tử DANVIET.VN.
HTX năm 2017 cho thu không đáng kể, tuy nhiên năm 2018 đã cho thu hơn 5 tỷ đồng, trong đó riêng từ trang trại 1,2 tỷ. 6 tháng đầu năm 2019 số tiền bán được từ các sản phẩm trang trại khá lạc quan với hơn 850 triệu đồng. Theo Giám đốc HTX Thắng lợi, tới đây HTX sẽ tăng cường thêm số lượng các con như gà, vịt, bồ câu…
HTX Thắng Lợi hiện nay đang giải quyết công ăn việc làm được cho hơn 20 lao động địa phương với mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng, trong đó có nhiều lao động có trình độ, được đào tạo bài bản. Bản thân chị Nga cũng định hướng các con theo hướng phát triển nông nghiệp.
Cậu con trai cả của chị hiện đang phụ trách một cửa hàng phân phối thực phẩm sạch dưới Hà Nội (hiện HTX có ba điểm phân phối thực phẩm sạch), cô thứ 2 Hoàng Diễm Ly đang học năm 2 Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Khoa Chăn nuôi thú y, cô út đang học lớp 12, chị dự tính cho học về Quản trị kinh doanh.
Không chỉ tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, chị Nga còn tạo điều kiện cho bà con ứng trước gạch, xi-măng, sắt thép, tấm lợp để xây dựng chuồng trại phục vụ chăn nuôi và trả dần.
Bằng niềm tin, hành động và kết quả thực hiện, từ chỗ bị ngăn cản từ phía người thân, hiện nay mọi người đều đang rất ủng hộ chị. Khi chúng tôi lên, chồng chị, anh Hoàng Thế Vinh, người trước đó không mấy ủng hộ thì nay đang trực chiến tại trang trại trong những ngày đầy bất an trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi có thể xuất hiện bất cứ khi nào.
Ông Triệu Lưu Cương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng cho biết, hội viên Lý Thị Nga là người có ý tưởng táo bạo, dám nghĩ, dám làm và thực tế mô hình của chị Nga đang rất hiệu quả, giải quyết công ăn việc làm được cho nhiều lao động tại địa phương. Đây là mô hình tốt, rất cần được nhân rộng.
Nhờ nỗ lực bản thân, dám nghĩ, dám làm và phấn đấu không ngừng trong lao động sản xuất, chị Lý Thị Nga đã được nhận Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; được Liên minh HTX Việt Nam trao Bằng Chứng nhận điển hình tiên tiến Toàn quốc; Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng công nhận đạt “HTX điển hình tiên tiến của tỉnh” cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác. Chị Lý Thị Nga là 1 trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu được Hội đồng chung khảo bình chọn nhận danh hiệu “ Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019″. Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019″ sẽ diễn ra trọng thể tại thủ đô Hà Nội vào trung tuần tháng 10/2019.
Theo Danviet
Vườn cam hàng tỷ đồng trên núi Trà Sơn của người đàn bà "to gan"
Một thời, nhắc đến vùng đất Trà Sơn (xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) là nhắc đến khó khăn, đói nghèo. Thế nhưng, "gió đã xoay chiều" khi có một nữ nông dân tiên phong làm kinh tế mới ở vùng đất "khỉ ho cò gáy" này. Sau hàng chục năm gây dựng, đến nay bà Phan Thị Hiền đã có một cơ ngơi bạc tỷ mà ai cũng phải ngưỡng mộ.
Hồi sinh vùng "đất chết"
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, đến khi lập gia đình, bà Phan Thị Hiền (xóm Anh Hùng, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) luôn trăn trở làm thế nào để kinh tế đi lên, tạo điều kiện cho các con ăn học.
Ngoài trồng cam thương phẩm, bà Phan Thị Hiền còn ươm giống cam sẵn sàng chuyển giao giống, công nghệ cho những người muốn làm giàu. Ảnh: Q.N
Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, bà Hiền cùng 8 hộ dân khác trong và ngoài xã (thường gọi là vùng 9 hộ) xung phong lên vùng núi cao của xã Thượng Lộc để phát triển kinh tế.
Là một trong những người tiên phong lên làm kinh tế ở vùng đất sỏi đá này, sau hàng chục năm gây dựng, đến nay bà đã đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Kinh doanh dịch vụ cây ăn quả Thanh Hiền. Từ khi ra đời, HTX không những làm giàu cho chính gia đình bà mà còn đem lại cuộc sống sung túc cho nhiều thành viên.
Nhớ lại quãng thời gian đầu lên vùng đất chỉ nghe tên thôi đã thấy rùng mình, bà Hiền tâm sự: Vợ chồng bà vốn là công nhân ngành cao su Hà Tĩnh. Sau khi được chính quyền địa phương khuyến khích lên vùng núi hoang Trà Sơn làm kinh tế, vợ chồng bà thêm quyết tâm. Nhưng khi lên, nhìn địa hình của khu vực này, vợ chồng bà đã muốn bỏ cuộc vì 4 bề chỉ có núi và cỏ cây hoang dại, đất đai khô cằn.
"Thời gian đầu, cả nhà tôi ai cũng sợ. Những năm 90 đây là vùng núi hoang sơ, hẻo lánh, có nhiều thú hoang như lợn rừng, voi rừng thường xuyên xuất hiện phá vườn. Dân cư thưa thớt, không điện, không sóng điện thoại..., buồn chán nhiều lúc muốn bỏ về xuôi. Song vợ chồng ngày đêm động viên nhau ở lại, cố gắng làm lụng... Bà con dưới quê nghe chuyện, ai cũng bảo vợ chồng tôi "to gan" mới dám ở lại cái xứ đồng rừng hoang vắng và nguy hiểm đó" - bà Hiền kể.
Theo bà Hiền, thời điểm bà cùng gia đình lên núi Trà Sơn lập nghiệp may có Nghị định 327 của Chính phủ về chính sách đối với vùng sâu, vùng xa, được Nhà nước hỗ trợ các loại cây giống như cam, chanh, bưởi, bà Hiền cùng các gia đình ở vùng Thượng Can (vùng núi của huyện Can Lộc) bắt đầu trồng các loại cây ăn quả. Thế nhưng, những năm đầu việc này không mấy hiệu quả vì cây giống, phân bón không đảm bảo chất lượng, kỹ thuật trồng trọt chủ yếu tự mày mò, bà con chưa có kinh nghiệm.
Sau 5 năm thử nghiệm, "sàng lọc" một số loại cây ăn quả được nhà nước cấp, bà Hiền nhận thấy giống cây cam chanh rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở đây và đem lại thu nhập cao. Vậy là gia đình bà đã mạnh dạn phá bỏ các loại cây ăn quả khác và chú trọng mở rộng quy mô diện tích trồng cây cam chanh. Khi chọn được cây chủ lực, vợ chồng bà không quản ngày đêm đào đất, lật cỏ, biến vùng đồi núi hoang vu thành trang trại.
"Để có được thành quả như hôm nay, vợ chồng tôi đã phải mất hàng chục năm mày mò, thành công có, thất bại cũng không ít. Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất lại là nhiều loại giống cây tưởng như bỏ đi lại thích hợp với vùng đất Thượng Lộc này, đây là một thành công ngoài sức tưởng tượng" - bà Hiền chia sẻ.
Sau hơn chục năm "nếm mật nằm gai" trên vùng đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi", đến nay gia đình bà Hiền đã sở hữu 2,7ha diện tích đất trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Doanh thu từ bán cam hàng năm hơn 1 tỷ đồng, nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần của gia đình ngày càng phát triển. Đồng thời, trang trại của gia đình bà giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 - 5 lao động với mức lương bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Tới năm 2016, bà Hiền mạnh dạn đầu tư xưởng chế biến gỗ lâm nghiệp với vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động với mức thu nhập hàng tháng hơn 10 triệu đồng mỗi người.
"Phải giúp người khác giàu như mình"
Không chỉ đảm đang với vai trò một người vợ, người mẹ, bà chủ trang trại cam nức tiếng ở xứ Trà Sơn - bà Phan Thị Hiền còn khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình trong các phong trào ở địa phương. Người đang sở hữu một khối tài sản khiến nhiều người mơ ước ấy vẫn luôn tự nhắc nhở bản thân "mình giàu rồi thì phải giúp người khác giàu hơn mình". Dù ngày mưa hay nắng, không quản ngại khó khăn, hễ ai cần đến bà tư vấn, chuyển giao kỹ thuật làm vườn là bà luôn sẵn sàng.
Hiện trang trại của bà Hiền không chỉ trồng cam mà còn ươm cây giống, bà sẵn sàng hỗ trợ cây giống cho những người muốn làm giàu từ trang trại, đặc biệt bà hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng cho những hộ nghèo mà không lấy tiền vốn.
"Trong những lần tôi đi chuyển giao kỹ thuật trồng cây cam, tôi nhớ nhất là trường hợp của bà Nguyễn Thị Thu ở xã Mỹ Lộc (huyện Can Lộc). Gia đình bà Thu có một trang trại rất rộng, trồng đủ các loại cây như chanh; chuối; bưởi... Lần đầu tiên tôi lên thăm trang trại của bà Thu, bà than vãn vườn thì rộng, trồng đủ loại cây mà vẫn không đem lại hiệu quả kinh tế. Sau một hồi loay hoay trong trang trại của bà Thu, tôi bảo bà chặt bỏ hết các loại cây trên vườn để chuyển sang trồng cam. Mới đầu bà không đồng ý, tôi phải thuyết phục mãi bà mới chặt bỏ. Đến nay, sau một thời gian trồng cam, trang trại của gia đình bà Thu đã mang lại hiệu qua kinh tế cao" - bà Hiền chia sẻ.
Theo Danviet
Mất 14 tấn lợn vì dịch tả, lão nông có thu từ 5.000 vịt trời "Tôi thấy nhiều người cứ làm trang trại rồi đi khoe mình là triệu, tỷ phú nhưng tôi lại khác, không thích khoe khoang và các danh hiệu tự xưng mà tôi thích thực chất, bền vững và thích để mọi người tự đánh giá, ghi nhận mình hơn" - đó là tâm sự của ông Phạm Văn Miền - một chủ trang...